Top 8 Bà mẹ vĩ đại nhất Việt Nam
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đã giành được hòa bình, giữ vững chủ quyền. Song những mất mát mà chiến tranh gây ra ... xem thêm...thực sự rất nặng nề. Đặc biệt là đối với những người phụ nữ, họ không chỉ hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình mà còn mất đi người chồng, người con và người cháu thân yêu. Họ, những người Việt Nam cao cả, những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sự hi sinh của họ rất đáng để toàn bộ người Việt Nam gọi họ bằng một từ thiêng liêng nhất: Mẹ.
-
Mẹ Nguyễn Thị Thứ sinh ra tại Thanh Quýt, Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam, có chồng, 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Mẹ là người có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài gần 30 năm (kể từ năm 1948 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975).
Tại khu vườn nhà mẹ có 5 hầm bí mật, nơi mẹ Thứ và người con gái cả nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội và du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mẹ được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 17 tháng 12 năm 1994.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ là bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu xây dựng tường đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Mẹ mất vào lúc 1 giờ 40 phút sáng ngày 10 tháng 12 năm 2010 tại Đà Nẵng. Người con gái cả của mẹ Nguyễn Thị Thứ tên là Lê Thị Trị, cũng được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 30 tháng 4 năm 2007, vì có chồng và 2 con gái là liệt sĩ.
-
Mẹ Phạm Thị Ngự sinh ra tại Hàm Hiệp, Hàm Thuận, Bình Thuận, có 8 người con ruột và 1 con rể là liệt sĩ. Mẹ Ngự là người phụ nữ duy nhất ở tỉnh Bình Thuận được Đảng và Nhà nước phong tặng hai danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Chiến tranh diễn ra, cả hai vợ chồng mẹ Ngự đều hăng hái tham gia các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh thành lập. Ngoài ra, mẹ còn là tổ trưởng Tổ phụ nữ chuyên vận động bà con nhân dân quyên góp tiền bạc, thuốc men, lương thực thực phẩm ủng hộ kháng chiến.
Ngày 17 tháng 12 năm 1994, mẹ Ngự được Nhà nước phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có con đường hay tượng đài nào mang tên người mẹ vĩ đại này.
-
Mẹ Trần Thị Mít sinh ra tại Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị, có chồng, 7 người con ruột, 1 con dâu và 1 cháu nội là liệt sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mẹ Mít đã hiến dâng những người thân yêu nhất trong gia đình, nước mắt mẹ tưởng chừng đã cạn sau mỗi lần nhận được giấy báo tử của họ.
Mẹ được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng và căn nhà tình nghĩa. Mẹ Trần Thị Mít không còn, nhưng những gì mẹ đã đóng góp cho quê hương, đất nước trong những năm kháng chiến thì không ai là không biết.
Bởi, mẹ là bà mẹ Việt Nam anh hùng có tới 9 thân nhân liệt sĩ, là bà mẹ Việt Nam anh hùng có nhiều thân nhân liệt sĩ nhất ở Quảng Trị. Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội, mẹ còn được ghi danh là 1 trong 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu nhất của cả nước bởi những đóng góp của bản thân và sự hy sinh to lớn của những người ruột thịt thân yêu của mẹ.
-
Mẹ Nguyễn Thị Rành cự ngụ tại xóm Đìa, ấp Trúc Đèn, Phước Hiệp, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, có 8 người con trai và hai cháu là liệt sĩ. Mẹ Rành có nhiều tên gọi khác nhau như: Má Tám Rành, Bà ba Củ Chi, Má Tám Trầu, Bà mẹ Đất Thép, Bà Má Dũng Sĩ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, mẹ là cơ sở bí mật của Cách mạng, là dân quân của xã, mẹ đã đào hầm nuôi giấu hàng trăm cán bộ, cất giấu vũ khí, tiếp tế cho du kích. Ngày 6 tháng 1 năm 1978, mẹ Rành được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiêu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 1994.
Sau khi qua đời, mẹ được dựng tượng trước Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tên của mẹ còn được đặt cho một trạm y tế và một con đường tại huyện Củ Chi.
-
Mẹ Lê Thị Tự sinh ra ở thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương, có 9 trong tổng số 12 người con là liệt sĩ. Mẹ Tự lập gia đình năm 20 tuổi với ông Phan Văn Tại – một người giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Ông đã cùng nhân dân Tấn Thới tham gia cướp chính quyền, rồi gia nhập vũ trang Tân Thới chiến đấu giữ quê hương.
Trong cuộc kháng chiến, mẹ Tự đã bị bắt giam ở nhà lao Thủ Đức nhằm khai thác thông tin của đồng đội và con trai mẹ. Song chúng buộc phải thả mẹ và ra lệnh trục xuất mẹ khỏi quê hương khi chẳng khai thác được gì. Năm 1994, mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
-
"Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ..." lời bài hát quen thuộc, nhưng với Mẹ anh hùng Nguyễn Thị Nghị, tại tổ 16 phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Mẹ Nghị sinh năm 1921. Cả ba lần mẹ Nghị tiễn con đi, cả ba lần mẹ không được đón con về. Ba người con trai của mẹ lần lượt nằm lại chiến trường, vĩnh viễn để lại cho mẹ nỗi đau cắt lòng.
Giờ mẹ sống với vợ chồng người con trai thứ tư, anh Nguyễn Khắc Hận và chị Ngô Thị Hiển. So với nhiều Mẹ Anh hùng khác, mẹ Nghị vẫn là người may mắn và hạnh phúc hơn vì còn có con kề cận chăm sóc. Nhiều Mẹ anh hùng khác phải sống cảnh quạnh quẽ khi về già vì chồng con các mẹ đã 'ra đi' hết.
-
Mẹ Văn Thị Thừa (sinh năm 1915, ở xã Duy An, nay là Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) là một trong số ít mẹ Việt Nam anh hùng được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Năm 1967, mẹ Thừa cùng lúc phải gánh chịu 3 cái tang, chồng (Nguyễn Thừa) và 2 con trai (Nguyễn Thứ, Nguyễn Y) đã ngã xuống trong trận chiến ác liệt tại địa bàn lân cận thuộc H.Quế Sơn. Chỉ 1 năm sau, đến lượt 2 con trai Nguyễn Nuôi và Nguyễn Yên cũng hy sinh. Cuối đời, mẹ chỉ còn một cháu gái phụng dưỡng.
Hồi đó, nhà mẹ Thừa ở sát cánh đồng, gần bờ sông (Phước Mỹ 3, Nam Phước ngày nay), nơi ẩn nấp và di chuyển của nhiều bộ đội trong và sau chiến dịch Mậu Thân (1968). Để cảnh báo có địch càn quét, lùng sục, mẹ Thừa đã nghĩ ra cách dùng hương đốt lên để làm ám hiệu. Những đêm đông quân địch vào làng, bà liền dùng một nắm hương lớn đem đốt rồi cắm vào lư hương này. Bà ngầm quy ước, nếu giặc đi ít thì sẽ thắp ít hương, không thắp hương là lúc an toàn. Nhờ đó, rất nhiều đoàn cán bộ, du kích thoát hiểm, tránh va chạm với quân địch những lúc không cần thiết.
-
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Soi, sinh năm 1915, quê xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2014, mẹ chuyển vào Vũng Tàu sinh sống tại số 97 đường Võ Văn Tần, phường Thắng Nhất. Mẹ Lê Thị Soi có 2 con trai là liệt sĩ. Năm 18 tuổi, mẹ Lê Thị Soi kết duyên với người thanh niên cùng xã Lê Văn Nghi và sinh được 8 người con. Khi vừa tròn mười tám đôi mươi, 5 người con của mẹ Lê Thị Soi lần lượt tham gia cách mạng.
Năm 1966, sau khi lập gia đình được vài tháng và chưa kịp có con thì ông Lê Văn Thất (sinh năm 1944), con trai cả của mẹ, đã hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận phía Nam. Tiếp đó, tháng 08/1969, ông Lê Văn Thập (sinh năm 1951), con trai thứ hai của mẹ, cũng lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7. Tiếp nối tinh thần yêu nước của các anh, 2 người con gái của mẹ là Lê Thị Gia và Lê Thị Dâu cũng tình nguyện đi thanh niên xung phong. Đến năm 1970, người con trai thứ 5 của mẹ là ông Lê Văn Sỹ cũng tham gia dân công hỏa tuyến, mở đường ở khu vực biên giới Việt - Lào.
Ở nhà, mẹ Lê Thị Soi luôn mong chờ ngày đất nước thống nhất để gia đình được đoàn tụ. Thế nhưng, tháng 09/1970, mẹ Lê Thị Soi nhận được tin con trai Lê Văn Thập hy sinh tại chiến trường Sa Mát, tỉnh Tây Ninh. Nỗi đau này chưa nguôi thì đến tháng 01/1977, mẹ Lê Thị Soi tiếp tục nhận được tin con trai Lê Văn Thất hy sinh tại mặt trận Tây Nam. Đến nay, mẹ Lê Thị Soi vẫn chưa tìm được hài cốt của 2 con trai đã hy sinh. Năm 2014, mẹ Lê Thị Soi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trần Cảm 2019-02-23 05:20:19
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Con Gio. Hải. Gio Linh QT có chồng 4 người con và 2 con dâu liệt sỷ