Này em, cầu đã khuya đèn
Tôi luôn bị ám ảnh bởi những cây cầu. Và hình như cây cầu nào cũng có một niềm cô đơn bất tận, trong nắng, trong gió, trong mưa, trong cả những bão táp cuộc đời.
Buổi chiều cuối năm, dòng sông lặng tờ, những con thuyền bé nhỏ nép sâu vào khúc nắng. Người lái đò trầm ngâm nghiêng mình nghe sông vắng. Đâu đây đã mấy nhịp cầu. Ai đã từng ngang qua chẳng thể quên bến phà Tân Đệ, bến phà xưa đã khiến bao người mắt lệ, mỗi khi rục rịch quê hương.
Những khi giáp tết vài chiếc phà nối đuôi nhau gồng gánh, người người, xe xe, nói nói, cười cười, tải lên hai đầu bến những niềm vui hạnh ngộ. Suốt cả thời sinh viên tôi đã quen với hình bóng những con phà và có một điều hình như ai cũng ngầm hiểu, khúc sông này, con phà này đã tạo ra sự giao thoa gắn kết giữa hai mảnh đất Thái Bình - Nam Định. Người dân ở hai đầu bến đôi khi đã chẳng biết mình thuộc về Nam Định hay Thái Bình, bởi một lẽ họ chung một khúc sông, chung một công việc, chung những niềm vui hay nỗi buồn và chung cả những hẹn ước lứa đôi...
Từ khi chiếc cầu Tân Đệ như một cánh tay vươn dài, từ khi những con phà giấu vào thương nhớ, từ khi mỗi độ qua đây niềm vui hay nỗi buồn thoáng ra cứ ngỡ, cầu xây những bình minh.
Thế nhưng hình như cây cầu nào cũng mang trên mình nó những tâm tư truyền kiếp, sự cô đơn ám ảnh từ khi là những con đò. Ngày trước, khi chỉ là bến phà nối giữa đôi bờ, mỗi dịp về quê, tôi lại bươn bả lòng mình vào khúc sông này, nhìn ra chung quanh dòng phù sa chín đỏ, nhìn ra đâu đây mắt em thơ ngây...
Cầu Tân Đệ như một bờ vai vạm vỡ của người đàn ông để cho dải tóc mềm và mượt của cô gái xuân thì ghé lên mỗi buổi chiều thưa vắng. Ơi, lại là những buổi chiều thưa vắng, những chiếc xe bon bon lấp lắng nhịp cầu. Người đi về đâu, sông trôi về đâu, mà sao yêu thương vời vợi. Xẹt mau. Chẳng còn đứng mà trông nhau. Chẳng còn đứng mà thương nhau. Chẳng còn đứng mà chờ đợi nhau. Ngày xưa, phà đã sang cầu...
Lại nhớ mỗi dịp tết đến xuân về ở nơi hai đầu bến Thái Bình - Nam Định, những dòng người nô nức, những thanh âm tức ngực, những yêu thương chầu chực, đùn đẩy nhau lên phà. Bạn có thấy sự cô đơn của những cây cầu? Hay chỉ mình tôi thấy vậy? Thường tôi thấy: người ta hẹn gặp yêu đương trên cầu, người ta hẹn gặp ôm nhau trên cầu, người ta hẹn gặp hôn nhau trên cầu, người ta nhắn gặp chia tay trên cầu. Cây cầu nào cũng chẳng là một cái khóa tình yêu?
Cầu Tân Đệ với tôi cũng chẳng là một ngoại lệ, nó luôn ám ảnh về sự ra đi, sự trở về của biết bao lớp người. Giống như tôi biết bao lần ra đi từ bến sông này và cũng biết bao lần trở về từ cây cầu này. Và lạ kỳ thay sau tất cả mọi hình dung thì dường như cây cầu nào cuối cùng cùng đều nhắc nhở con người ta về tình yêu lứa đôi.
Nếu bạn vẫn còn đang tự hỏi tình yêu là gì, thì "Những cây cầu ở quận Madison" sẽ cho bạn câu trả lời thú vị nhất. Đó là khi yêu ai đó thật lòng thì cứ hãy để cho họ được làm những gì họ yêu thích, và hãy để cho họ được là chính mình.
Suốt câu chuyện là mối tình đẹp nhưng đầy ám ảnh giữa Francesca - một phụ nữ đã có gia đình và Kancaid - chàng nhiếp ảnh phong lưu. Tình yêu chỉ diễn ra trong 4 ngày nhưng nó đủ cho cả một đời. Và dường như nó quá lớn, đến nỗi cả hai phải chấp nhận xa nhau để những gì đẹp nhất sẽ được trường tồn.
Ấy là chuyện mối tình giữa Robert Kincaid, một nhiếp ảnh gia tự do trên đường đi tìm những cây cầu mái ở quận Madison với Francesca Johnson, vợ một nông gia. Nhưng cây cầu ở quận Madison là lời nói thay cho khát vọng tình yêu nam nữ ở khắp nơi, nó nói cho chúng ta biết tình yêu là gì, rằng khi con người yêu và được yêu mãnh liệt sẽ làm cho cuộc đời lật sang một trang mới ra sao.
Một đêm cuối năm, một đêm cuối năm còn làm cho tâm tư con người khắc khoải hơn nhiều lần những buổi chiều cuối năm. Tôi thả bộ trên cây cầu Tân Đệ. Gió sông từ thượng nguồn ồn ã chảy về. Những cây đèn khuya vàng lên những ánh sáng rồn ràng, nhưng chẳng thể khỏa lấp một nỗi buồn nhấm nha nhấm nhẳng. Tôi ngã vào sự cô đơn của chính mình. Dường như vừa có cuộc chia tay nào xảy ra nơi này.
Dường như có cuộc hội ngộ vừa xảy ra nơi này. Dường như có những cái hôn vừa vụn nơi này?
Dòng sông cuộn trôi, thân cầu òa khóc, này đêm cầu đã khuya đèn, này em đường đã say mèm, này tôi ngày vội đua chen? Nhìn ánh sáng buông xuống từ những cây đèn lung linh, có cảm giác tôi thấy cây kèn già nua của người nghệ sỹ lại đang khóc lên, khóc cho mỗi nhịp cầu, khóc cho ai kia còn chưa kịp về lăn nhịp trên cầu, khóc cho những ai ai kia bỏ cầu mà đi, bỏ quê hương xứ sở mà đi.
Cây cầu Tân Đệ vào đêm đẹp như một người con gái ngày xưa từng buông tóc trên phà. Tôi lại như cánh tay người đàn ông vạm vỡ mà đỡ lấy dòng tóc xanh xanh xa lắc xa lơ. Nhịp cầu hữu hạn, đời người hữu hạn, chỉ có những dòng chảy của thời gian là nức nở giữa hai mố cầu, giữa những nhịp cầu.
Thời gian cũng như một người đàn bà góa bụa, luôn luôn mất mát, luôn luôn đợi chờ, luôn luôn giấc mơ nào có ai ngờ? Nhưng chẳng bao giờ có những bất ngờ xảy ra luôn luôn.
Cuộc đời lạ thật, cuộc đời tất bật, cuộc đời hững hờ, cuộc đời xa nhau, cuộc đời xây những bờ đau, em là mố cầu, tôi là mố cầu, nhưng có khi cả hai người chẳng ai chịu làm những nhịp cầu...
Đêm xa lắc, đêm như một cây kẹo ngọt mà thời gian cứ làm chúng mềm ra chảy những giọt đường hoài phí. Đêm vô lý, đêm tối bưng, tối như những nhịp cầu, tối như từ lâu rồi những con đò đã buông màn vùi chiều vào giấc ngủ. Đêm, mưng mủ những niềm yêu thương.
Đi trên cây cầu, lòng tôi xao xác, mê man thân cầu lòng tôi ngơ ngác: này em, cầu đã khuya đèn...
Sưu tầm