Nghề làm tương Bần - đặc sản của mảnh đất Hưng Yên
Ai từng đi qua thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào sẽ không thể cầm lòng trước những hiệu bán tương - một đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên. Xưa, tương Bần là một sản vật ngon dùng để tiến vua. Nay, tương Bần vẫn nổi tiếng và là thứ nước chấm được nhiều người say mê.
Nguyên liệu làm tương là nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối. Làm tương trải qua 3 công đoạn: làm mốc, ngả đỗ và phơi tương. Gạo nếp đem nấu chín thành xôi. Sau đó cho xôi ra nia ủ 2 ngày 2 đêm cho xôi mốc xanh. Để tạo mùi thơm đặc trưng cho mốc, người ta ủ với lá sen để mốc dậy mùi. Đỗ tương rang vàng đem xay nhỏ và ngâm trong chum sành từ 7 đến 10 ngày để đỗ lên màu vàng đỏ. Xôi nếp mốc xanh xoa cho tơi, sau đó tưới nước tương lên ủ 1 ngày 1 đêm cho mốc vàng. Sau đó cho mốc vào chum ngả cùng muối theo lượng phù hợp, khuấy đều và mang phơi nắng. Tương phơi nắng ít nhất 1 tháng. Tương ngon có màu vàng như mật ong.
Tương là thứ nước chấm không thể thiếu khi ăn rau muống luộc, thịt luộc, bánh đúc...Tương có vị ngọt thơm của đỗ tương, gạo nếp, vị đậm đà của muối và sắc vàng bắt mắt. Khi ăn có cảm giác béo ngậy, thơm lừng. Tương Bần đã trở thành niềm tự hào của người Hưng Yên và đã đi vào ca dao một cách tự nhiên cho tới bây giờ:
"Em đi trăm quán ngàn cầu/ Hải vị cũng thuộc, sơn hào cũng quen/Mà sao em vẫn cứ thèm/ Đĩa rau muống luộc, lại thêm tương Bần".