Top 7 Làng nghề truyền thống ở Hưng Yên

Phuong Bui 7954 1 Báo lỗi

Hưng Yên không chỉ nổi tiếng bởi những cảnh đẹp thiên phú, những đặc sản đậm đà mà nơi đây còn được biết đến bởi những làng nghề truyền thống lâu đời. Về với ... xem thêm...

  1. Ai từng đi qua thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào sẽ không thể cầm lòng trước những hiệu bán tương - một đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên. Xưa, tương Bần là một sản vật ngon dùng để tiến vua. Nay, tương Bần vẫn nổi tiếng và là thứ nước chấm được nhiều người say mê.


    Nguyên liệu làm tương là nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối. Làm tương trải qua 3 công đoạn: làm mốc, ngả đỗ và phơi tương. Gạo nếp đem nấu chín thành xôi. Sau đó cho xôi ra nia ủ 2 ngày 2 đêm cho xôi mốc xanh. Để tạo mùi thơm đặc trưng cho mốc, người ta ủ với lá sen để mốc dậy mùi. Đỗ tương rang vàng đem xay nhỏ và ngâm trong chum sành từ 7 đến 10 ngày để đỗ lên màu vàng đỏ. Xôi nếp mốc xanh xoa cho tơi, sau đó tưới nước tương lên ủ 1 ngày 1 đêm cho mốc vàng. Sau đó cho mốc vào chum ngả cùng muối theo lượng phù hợp, khuấy đều và mang phơi nắng. Tương phơi nắng ít nhất 1 tháng. Tương ngon có màu vàng như mật ong.


    Tương là thứ nước chấm không thể thiếu khi ăn rau muống luộc, thịt luộc, bánh đúc...Tương có vị ngọt thơm của đỗ tương, gạo nếp, vị đậm đà của muối và sắc vàng bắt mắt. Khi ăn có cảm giác béo ngậy, thơm lừng. Tương Bần đã trở thành niềm tự hào của người Hưng Yên và đã đi vào ca dao một cách tự nhiên cho tới bây giờ:

    "Em đi trăm quán ngàn cầu/ Hải vị cũng thuộc, sơn hào cũng quen/Mà sao em vẫn cứ thèm/ Đĩa rau muống luộc, lại thêm tương Bần".


    Nghề làm tương Bần - đặc sản của mảnh đất Hưng Yên
    Nghề làm tương Bần - đặc sản của mảnh đất Hưng Yên
    Nghề làm tương Bần - đặc sản của mảnh đất Hưng Yên
    Nghề làm tương Bần - đặc sản của mảnh đất Hưng Yên

  2. Với vẻ đẹp trầm mặc và thanh bình, Văn Lâm - Hưng Yên vẫn mang đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa kia, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch bởi nơi đây nổi tiếng có quần thể di tích làng Nôm cổ kính như: những ngôi nhà cổ, chùa Nôm, chợ phiên, cầu đá và đình Tam Giang. Trong hành trình về với các chứng tích của thời gian, bạn có thể ghé thăm làng nghề truyền thống để tìm hiểu và trải nghiệm đó là Đúc đồng Lộng Thượng. Hành trình tìm về lịch sử văn hóa, di tích và làng nghề truyền thống luôn là sự lựa chọn hàng đầu mỗi khi du khách về với Hưng Yên.


    Đây là dịp để mỗi người có cơ hội hiểu hơn những nét đẹp của đất nước cả về cảnh quan cũng như truyền thống văn hóa của dân tộc. Đến thăm làng nghề đúc đồng Lộng Thượng tại xã Đại Đồng, bạn sẽ biết thêm về nơi được xem là kho lưu giữ sống động nghề đúc đồng truyền thống cổ xưa.


    Làng đúc đồng Lộng Thượng (hay còn gọi làng Rồng thuộc Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là một làng nghề từng nổi tiếng hưng thịnh một thời với những sản phẩm được đúc từ đồng như: đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa,... Từ bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa trong làng, những sản phẩm ấy đã góp phần vào nét đẹp làng nghề chốn kinh thành Thăng Long xưa. Dân gian xưa có câu:

    “Đồng nát thì về cầu Nôm. Con gái nỏ mồm về ở với cha”


    Một sản phẩm bằng đồng được làm ra là sự kết tinh tâm huyết và tài năng của người nghệ nhân. Một người thợ đúc đồng giỏi phải thành thục 5 kỹ thuật tinh xảo gồm kỹ thuật tạo hình; tạo khuôn để đúc thành đồng; pha chế, nấu đồng và rót đồng; trạm khắc trên bề mặt sản phẩm; cuối cùng là đánh bóng. Không chỉ đòi hỏi kĩ thuật, nghề đúc đồng còn đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh xảo, kiên nhẫn và say mê với nghề thì mới cho ra được một sản phẩm hoàn mỹ.


    Đến đây, bạn sẽ được học hỏi kinh nghiệm và tự tay làm ra một sản phẩm từ đồng dưới sự hướng dẫn của người thợ. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời và vô cùng ý nghĩa nếu bạn có hứng thú.Ngày nay, làng đúc đồng Lộng Thượng đã được mở rộng sản xuất và phân công hóa ngành nghề, đã thành lập các phường sản xuất riêng từng loại mặt hàng như: xưởng làm mâm, xưởng làm chậu, xưởng đúc đồ thờ cúng, xưởng đúc tượng.... Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh, làng nhanh chóng phát triển với nghề đúc đồng, gò đồng nâng cao trong kinh nghiệm luyện đồng.Lớp nghệ nhân trẻ tuổi đang phát huy tinh hoa của thế hệ cha ông đi trước áp dụng phương pháp mới trong sản xuất để tạo ra sản phẩm không những giữ được dáng vẻ truyền thống, mà còn sắc sảo hơn. Sự hồi sinh của một làng nghề không những giải quyết được công ăn việc làm cho chính người dân địa phương, mà còn là một nét văn hoá làng quê độc đáo.Nếu bạn có dịp về Hưng Yên, hãy nhớ ghé thăm làng đúc đồng Lộng Thượng để được thỏa sức ngắm nhìn những sản phẩm đồng đẹp mắt và cảm nhận được lòng yêu nghề của các nghệ nhân nơi đây.


    Nghề đúc đồng Lộng Thượng.
    Nghề đúc đồng Lộng Thượng.
    Nghề đúc đồng Lộng Thượng.
    Nghề đúc đồng Lộng Thượng.
  3. Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng hương Cao Thôn thuộc xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, là một trong những làng nghề làm hương lớn nhất cả nước. Làng Cao Thôn hay còn được biết đến với tên gốc là Thôn Cao, nằm sát đê tả sông Hồng với cảnh sắc thanh bình. Nơi đây được xem là cái nôi của nghề làm hương truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Theo các bậc cao niên, nghề làm hương do bà Đào Thị Khương, người Cao Thôn, truyền dạy lại cho người dân trong làng. Bà được tôn là tổ nghề hương của vùng và hiện được thờ tại nhà thờ tổ họ Đào, làng Cao Thôn. Ông Nguyễn Như Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Cao Thôn, cho biết: "Theo như các cụ kể lại nghề làm hương của thôn có từ cuối Thế kỷ 18, đến nay cũng phải gần 300 năm. Từ ngày ấy đến giờ cứ đời nọ truyền đời kia làm nghề này. Ngày giỗ cụ Tổ nghề là ngày 22/08 âm lịch. Ngày này là ngày mất của cụ nên hàng năm cả làng tại tập trung về nhà thờ để thắp hương tưởng nhớ đến người đã mang lại nghề cho quê hương, mang lại công ăn việc làm cho bao thế hệ."


    Nghề làm hương ở Cao Thôn hoạt động suốt quanh năm ngày tháng, giải quyết việc làm cho 600 lao động trong thôn và một số vùng xung quanh. Nghề làm hương không kén nhân lực, nên tận thu được tất cả sức lao động nhàn rỗi, ai cũng có thể tham gia sản xuất được. Sản lượng hương xạ của cả làng đạt xấp xỉ 10 triệu nén/năm.


    Là làng nghề truyền thống lâu đời, bởi vậy, những năm gần đây, Thôn Cao còn là một trong địa chỉ đỏ trong hành trình du lịch tỉnh Hưng Yên của du khách gần xa. Tại đây, mọi người sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn. Ông Nguyễn Như Khanh cho biết: "Mới đây có đoàn khách Anh về đây tham quan, tôi trực tiếp dẫn đoàn đi giới thiệu trong vòng vài tiếng và tham quan một số hộ. Họ được xem quá trình sản xuất, được tự làm, tự thắp nên rất thích. Ngoài ra, làng có quần thể đẹp, đường ngõ sạch đẹp, đình chùa giữ lại được cảnh quang thời xưa vẫn còn nguyên nên các đoàn rất thích. Tới đây sẽ có thêm nhiều đoàn tham quan của nước ngoài về làng."

    Nghề làm hương Cao Thôn
    Nghề làm hương Cao Thôn
    Nghề làm hương Cao Thôn
    Nghề làm hương Cao Thôn
  4. Làng quê là nơi mà mỗi người luôn muốn tìm về sau những khoảng thời gian làm việc vất vả, căng thẳng, bộn bề lo toan cho cuộc sống. Một gợi ý khám phá, trải nghiệm khá thú vị cho bạn đó là làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cách thành phố Hưng Yên khoảng 35km về phía Bắc, nơi đây là quê hương của danh tướng Phạm Ngũ Lão - vị tướng tài ba của Trần Hưng Đạo, đã có công đánh tan giặc Nguyên Mông và Ai Lao. Đến đây bạn được chiêm ngưỡng quần thể di tích đền Phù Ủng uy nghi, nghe kể về những giai thoại và những chiến công hiển hách của ngài. Không những thế, làng Phù Ủng còn là nơi gìn giữ và phát triển nghề truyền thống chạm bạc, đó là làng nghề chạm bạc Huệ Lai. Đến với làng nghề bạn sẽ được trải nghiệm các công đoạn làm ra những sản phẩm trang sức vô cùng độc đáo và tinh xảo.


    Trong những năm đầu, nghề chạm bạc mới được hình thành còn gặp rất nhiều khó khăn cả về vốn, nhân lực và thị trường tiêu thụ. Khi đó kỹ thuật sản xuất chủ yếu sử dụng phương tiện máy, thiết bị thủ công. Cho đến nay, hầu hết các loại máy, thiết bị được sử dụng động cơ chạy bằng điện như: Các loại máy cườm, cán, cóc, rúc, đúc… Nhờ đó năng suất lao động tăng lên 3 - 4 lần so với trước, chất lượng sản phẩm cũng tăng hơn, thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn. Trước thì thị trường tiêu thụ các sản phẩm làm ra chủ yếu ở mấy tỉnh thành lân cận như Hải Dương, Hải Phòng hay Hà Nội, nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Ngoài chế tác theo đơn đặt hàng, những người thợ trong làng thường xuyên sáng tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng như các sản phẩm: Dây chuyền, nhẫn, vòng tay, hoa tai, vòng cổ…


    Để mở rộng thị trường, tăng năng lực sản xuất cho các hộ trong thôn, năm 1998, HTX chạm bạc Phù Ủng được thành lập. Khi mới thành lập, HTX có trên 20 hộ tham gia, đến nay phát triển lên 48 hộ, với 197 lao động tham gia trực tiếp, ngoài ra còn có trên 1 nghìn lao động của các hộ trong xã gia công sản phẩm cho HTX.


    Nói đến nghề chạm bạc hay còn gọi là nghề kim hoàn, đặc thù của nghề cũng rất khắt khe, bởi nó không chỉ đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, mà còn đòi hỏi đôi bàn tay tài hoa khéo léo để trổ các hoa văn tinh tế trên các sản phẩm. Để làm được điều đó người thợ cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại trong từng công đoạn mới có thể cho ra những sản phẩm đẹp và tinh xảo đến vậy.

    Làng Nghề chạm bạc thôn Huệ Lai
    Làng Nghề chạm bạc thôn Huệ Lai
    Làng Nghề chạm bạc thôn Huệ Lai
    Làng Nghề chạm bạc thôn Huệ Lai
  5. Hưng Yên nổi tiếng với giống nhãn lồng thơm ngon. Ngoài nhãn tươi, Hưng Yên còn chế biến long nhãn đóng hộp. Nghề long nhãn có ở nhiều nơi trong tỉnh nhưng tập trung với quy mô lớn nhất là ở phường Hồng Nam, thành phố Hưng Yên.
    Trước đây, người ta đem quả nhãn cho vào lò sấy khô, rồi đem ra bóc thành long, gọi là long tệt. Hiện nay, những quả nhãn được xóay tách hạt rồi sau đó mới cho vào lò sấy khô và đóng hộp, gọi là long xóay. Long nhãn khi sấy xong có màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng. Long nhãn rất bổ dưỡng có thể dùng để nấu chè, ngâm rượu hoặc ăn trực tiếp. Long nhãn Hưng Yên ngoài cung cấp nhu cầu tiêu dùng trong nước còn được đem xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản...


    Tính đến thời điểm hiện tại, nghề làm long nhãn thì phát triển hơn ở các làng như Ba Hàng, Phương Chiểu, Hồng Nam, Tân Hưng, Hoàng Hanh,... của Hưng Yên. Theo thống kế của thành phố, mỗi mùa nhãn, có hơn 100 hộ gia đình làm nghề, cung cấp sản lượng hơn 100 tấn long nhãn mỗi năm.

    Cùng với sự phát triển của xã hội, những làng nghề truyền thống ở Việt Nam rất khó tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, điều này thì dường như không mấy đúng đắn với làng nghề chế biến long nhãn ở Hưng Yên. Tất cả các thế hệ con cháu của mảnh đất Hưng Yên yêu dấu vẫn đang từng ngày lưu giữ, áp dụng phương pháp canh tác mới để phát triển và quảng bá nghề.

    Làng nghề long nhãn Hồng Nam
    Làng nghề long nhãn Hồng Nam
    Làng nghề long nhãn Hồng Nam
    Làng nghề long nhãn Hồng Nam
  6. Thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên có nghề truyền thống làm mành tre từ hàng trăm năm nay. Làm mành là nghề thủ công, mọi công đoạn từ cưa nứa, chẻ nan, đan mành đều cần đến đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ.


    Nứa để làm mành phải chọn cây nứa già, gióng dài, có như vậy mành mới bền. Mành có đẹp, nan có đều hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào đôi bàn tay vừa khoẻ, vừa khéo của người chẻ nan. Sau khi được tuyển chọn, cây nứa được cắt ra từng đoạn theo kích cỡ từng loại mành, pha ra từng mảnh rồi chẻ thành từng nan. Đan mành là công đoạn cuối cùng, từ trẻ nhỏ đến người già ai cũng có thể làm được, quan trọng là thao tác phải nhanh. Để mành bền và đẹp hơn sau khi thành phẩm ta có thể phun thêm một lớp sơn. Đối với người dân làng Cuông, việc làm mành không những đem lại thu nhập ổn định cho dân làng trong những lúc nông nhàn mà còn là niềm vui, là những phút giây thư giãn quý giá của họ. Đôi bàn tay khéo léo của những "nghệ nhân vót nan" đã biến những cây tre làng chắc chắn, gai góc thành những chiếc nan mành mảnh dẻ, nuột nà để tạo nên những chiếc mành đậm đà bản sắc văn hóa Việt

    Làng nghề làm mành thôn Đa Quang
    Làng nghề làm mành thôn Đa Quang
    Làng nghề làm mành thôn Đa Quang
    Làng nghề làm mành thôn Đa Quang
  7. Xã Hòa Phong (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) nổi tiếng với nghề mộc đã khẳng định được uy tín ở thị trường trong và ngoài nước. Làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hòa Phong hiện có 7/7 làng nghề mộc mỹ mghệ và dân dụng, với 1.700 hộ dân làm nghề. Tập trung nhiều nhất ở thôn thôn Vân Dương với gần 430 hộ, thôn Hòa Đam với gần 280 hộ.


    Điều đặc biệt là mỗi làng của xã Hòa Phong đều phát triển nghề mộc theo một thế mạnh riêng của mình như: làng Phúc Thọ với nghề mộc dân dụng, làng Phúc Miếu chuyên chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ, đồ thờ và các chi tiết, hoa văn ở các công trình…Sản phẩm mộc ở đây rất đa dạng, tập trung ở các nhóm hàng salon Âu, Á, chạm khắc cây cảnh, con giống và các đồ gia dụng. Đặc biệt, những năm gần đây sản phẩm mộc của xã Hòa Phong được nâng cao, có uy tín trên thị trường nên được nhiều khách hàng ngoài tỉnh và nước ngoài đến đặt mua. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển nghề mộc như ngày nay, những người thợ ở đây cũng phải trải qua nhiều bước thăng trầm


    Làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hòa Phong, Mỹ Hào
    Làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hòa Phong, Mỹ Hào
    Làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hòa Phong, Mỹ Hào
    Làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hòa Phong, Mỹ Hào



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy