Top 14 Làng nghề truyền thống của Việt Nam

Dương Thanh Hà 55067 1 Báo lỗi

Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại dần thay thế cho những thứ lạc hậu, cổ xưa nhưng những nét văn hóa truyền thống của con người Việt Nam thì không bao giờ mất ... xem thêm...

  1. Làng Gốm Bát Tràng vốn nổi tiếng từ lâu đời, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ mà còn được nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới biết đến. Cái tên này gắn liền với địa danh của nó là xã Bát Tràng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Bát Tràng có nghĩa là cái sân lớn, dành riêng cho chuyên môn. Nhờ kỹ thuật tạo lớp men và kỹ thuật lò nung chuẩn xác, các nghệ nhân ở đây đã tạo nên một loại sản phẩm gốm đặc biệt, hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã cùng với sự tinh tế của con người - gốm Bát Tràng.


    Sản phẩm gốm Bát Tràng từ trước tới nay đều được đánh giá cao về chất lượng, có nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại, được chia thành các nhóm theo chức năng sử dụng như gốm gia dụng, đồ thờ tự, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng và gốm trang trí. Gốm Bát Tràng được lưu hành trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí ra đến cả nước ngoài. Làng gốm Bát Tràng không chỉ là nơi làm nên một thương hiệu sản phẩm mang tính quốc gia, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của thủ đô mà còn là một trong những địa điểm du lịch ở Hà Nội được nhiều người ưa thích.

    Làng Gốm Bát Tràng - Hà Nội
    Làng Gốm Bát Tràng - Hà Nội
    Làng gốm Bát Tràng
    Làng gốm Bát Tràng

  2. Một làng nghề truyền thống khác chuyên làm gốm là Gốm Bầu Trúc của người dân tộc Chăm, tỉnh Ninh Thuận. Làng nằm ở ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm về hướng Nam. Ngoài làng gốm Bát Tràng, thì gốm Bầu Trúc cũng là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất Việt Nam.


    Khác với sự tinh tế trong gốm Bát Tràng, gốm Bầu Trúc được các nghệ nhân dùng tay tạo nên, không dùng bàn xoay, đường nét không được mềm mại, uyển chuyển, các họa tiết được tạo hình từ những vật dụng như muỗng, nắp chai... rất đơn sơ nhưng đậm chất dân tộc và con người trong mỗi sản phẩm. Sau khi nặn xong, gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 600 độ C trong 6 giờ, sau đó được lấy ra để phun màu, rồi tiếp tục nung trong 2 giờ. Do đó, gốm Bầu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu.

    Làng Gốm Bầu Trúc - Ninh Thuận
    Làng Gốm Bầu Trúc - Ninh Thuận
    Các nghệ nhân làng gốm Bầu Trúc đang hăng say làm việc
    Các nghệ nhân làng gốm Bầu Trúc đang hăng say làm việc
  3. Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, Đây là nơi sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Có lẽ không ai đến Ngũ Hành Sơn mà lại không ghé thăm làng nghề này. Làng được hình thành vào thế kỷ 18 do nghệ nhân người Thanh Hóa tên Huỳnh Bá Quát khai phá. Làng nghề đá mỹ nghệ này là sự giao thoa giữa nền văn hóa người Việt Cổ và Champa mang đến sự đa dạng, phong phú cho những sản phẩm của làng nghề này.


    Sau này, khi đất nước có sự giao lưu với văn hóa thế giới, các nghệ nhân trên khắp thế giới đến đây học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó tượng nghệ thuật phát triển mạnh mẽ cho đến nay, bằng sự sáng tạo và cần cù của mình, những nghệ nhân đã tạo ra những đứa con tinh thần vô cùng tinh tế, sắc sảo, tỉ mĩ, đa dạng về kiểu dáng khiến cho không ít những du khách đến đây tham quan đều trầm trồ, khen ngợi.

    Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước - Đà Nẵng
    Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước - Đà Nẵng
    Sản phẩm của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước
    Sản phẩm của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước
  4. Làng nghề trống Đọi Tam thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, là một trong những làng nghề làm trống duy nhất ở Việt Nam, với bề dày lịch sử là 1000 năm làm trống, những sản phẩm nơi đây được tạo ra từ những nghệ nhân chuyên nghiệp, nổi tiếng. Nghề làm trống ở Đọi Tam là nghề cha truyền con nối, làm đủ các loại trống. Trống Đọi Tam nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp, tiếng no, tròn... đó là nhờ bí quyết riêng của làng cùng tâm huyết của người làm trống. Hai nguyên liệu chính được dùng làm trống là gỗ mít và da trâu, chính vì vậy mà trống Đọi Tam có âm vực riêng khác hẳn những loại trống khác.


    Người dân nơi đây chủ yếu theo nghề làm trống từ già đến trẻ, chính vì sự lớn mạnh của làng nghề này mà có hẳn một đội trống Đọi Tam, sau 10 năm thành lập, đến nay đội trống làng đã tăng lên 60 người. Số tay trống vẫn giữ nguyên là 48 phụ nữ, thêm 12 nam phụ đánh đồ đồng (chiêng, lệnh, thanh la, nạo bạt...). Đội trống gái Đọi Tam không chỉ phục vụ các lễ hội ở địa phương mà còn tham gia biểu diễn trên tất cả mọi miền của Tổ quốc.

    Làng nghề trống Đọi Tam - Hà Nam
    Làng nghề trống Đọi Tam - Hà Nam
    Sản phẩm của làng nghề trống Đọi Tam
    Sản phẩm của làng nghề trống Đọi Tam
  5. Ngoài làng gốm Bầu Trúc, Ninh Thuận còn được biết đến với làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thuộc huyện Ninh Phước, nằm cách TP Phan Rang - Tháp Chàm 10km về phía nam. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ 17, thấy vùng đất này thích hợp với nghề dệt, bà Pơnaga đã truyền lại nghề cho hai vợ chồng sống ở làng Chaleng thời xưa (làng Mỹ Nghiệp ngày nay) là ông Xa và bà Chaleng. Bà là nghệ nhân đầu tiên tạo ra nghề dệt thổ cẩm.


    Những sản phẩm được làm nên từ các nghệ nhân rất đa dạng như túi, ví tiền, khăn choàng, mềnh, gối...được thêu những họa tiết, hoa văn độc đáo, lạ mắt thể hiện văn hóa của người Chăm nơi đây. Đến làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp bạn sẽ được tham quan quy trình cán hạt lấy bông, se chỉ, nghe tiếng máy dệt lách cách hay nhận ra những hoa văn đang dần hình thành dưới bàn tay thoăn thoắt của người dệt.

    Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận
    Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận
    Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
    Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
  6. Làng nghề thuyền thúng thuộc huyện Tuy An, Phú Yên. Từ lâu, thuyền thúng đã được mệnh danh là trí khôn của người Việt. Các làng nghề sản xuất thuyền thúng chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ và luôn sản xuất đều đặn. Gần đây mọi người phấn khởi khi thúng chai bất ngờ chu du xuất ngoại từ Á sang Âu.


    Thúng chai của Phú Yên có điểm đặc biệt là chỉ sử dụng nguyên liệu của địa phương. Theo người dân làng nghề, cây tre trồng trên đất phú yên có đặc điểm chịu nước tốt, dẻo dai và có nguồn dầu rái rất chất lượng khi trét thúng nên thúng giữ được độ bền rất lâu.

    Làng nghề thuyền thúng - Phú Yên
    Làng nghề thuyền thúng - Phú Yên
    Sản phẩm của làng nghề thuyền thúng
    Sản phẩm của làng nghề thuyền thúng
  7. Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội là một làng nghề truyền thống có từ thời nhà Lý. Tổ của nghề này là ông Trương Công Thành, nguyên là một vị tướng tham gia trong đội quân của Lý Thường Kiệt, sau khi đánh tan quân Tống, ông về làng mở nghề khảm trai. Hiện nay ở làng còn đền thờ ông.


    Nét nổi bật của tranh khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, được gắn xuống gỗ khít, đẹp. Các mặt hàng chính của Chuôn Ngọ là: tủ khảm, giường khảm… và những sản phẩm đơn giản như: bàn cờ tướng, tranh treo tường, đũa, khay… Gần đây, do nhu cầu của thị trường, nghề khảm trai ở đây đã phát triển mạnh để cung cấp hàng khắp trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

    Sản phẩm của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ
    Sản phẩm của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ
    Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ - Hà Nội
    Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ - Hà Nội
  8. Mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 10km nhưng ngôi làng bên dòng sông Nhuệ này vẫn giữ được những nét đặc trưng của một làng nghề truyền thống như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình. Bước chân tới cổng làng đã nghe thấy từng tiếng "lạch cạch” của những khung cửi phát ra từ những xưởng dệt.


    Bà tổ nghề dệt lụa ở Vạn Phúc có tên là Lê Thị Nga, hiện trong làng còn có đền thờ bà. Lụa Vạn phúc nổi tiếng là "mịn mặt, mát tay”. Các mặt hàng lụa đa dạng: Lụa vân, Lụa the, Lụa xa, Lụa quế, Gấm… Lụa Vạn Phúc không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

    Sản phẩm lụa Vạn Phúc
    Sản phẩm lụa Vạn Phúc
    Làng Lụa Vạn Phúc Hà Đông - Hà Nội
    Làng Lụa Vạn Phúc Hà Đông - Hà Nội
  9. Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ là một làng nghề nổi tiếng từ xa xưa. Đồng Kỵ nay thuộc xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía đông bắc. Làng nghề Đồng Kỵ cung cấp gần như đầy đủ các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp cho sinh hoạt, trang trí nội thất hay thờ cúng…


    Những sản phẩm từ Đồng Kỵ đều được làm từ các loại gỗ quí như: gụ, trắc, hương, mun, nu, sưa…Với thu nhập hàng trăm tỉ đồng/năm, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động không chỉ của làng mà còn thu hút thợ của các nơi khác đến.

    Sản phẩm của làng nghề gỗ Đồng Kỵ
    Sản phẩm của làng nghề gỗ Đồng Kỵ
    Làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Đồng Kỵ - Bắc Ninh
    Làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Đồng Kỵ - Bắc Ninh
  10. Đông Hồ là một làng chuyên vẽ tranh dân gian nổi tiếng ở Việt Nam, Đông Hồ thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nghề vẽ tranh dân gian ở đây đã có từ lâu đời. Xưa, làng chỉ vẽ tranh để bán trong dịp Tết Nguyên Đán nhưng nay, tranh dân gian Đông Hồ được vẽ cả những ngày thường để phục vụ khách du lịch. Nguyên liệu để vẽ tranh là giấy dó và màu là: gạch non, lá cây, rể cây đốt thành than. Muốn cho tranh có độ óng ánh người ta dùng vỏ sò, nghêu nung lên thành vôi, giả nhỏ, trộn với nhựa cây phết đều lên giấy dó sau đó bắt đầu vẽ.


    Tranh dân gian Đông Hồ có nhiều mảng như tranh động vật: chó, mèo, trâu, bò, gà, lợn... mảng "hứng dừa; đám cưới chuột; đánh ghen” xem rất thích mắt. Hầu hết tranh Đông Hồ đều thể hiện ước vọng hòa bình, hạnh phúc, ấm no... cho nên thường được treo trong nhà trong những dịp Xuân về.

    Làng tranh dân gian Đông Hồ
    Làng tranh dân gian Đông Hồ
    Làng Tranh dân gian Đông Hồ - Bắc Ninh
    Làng Tranh dân gian Đông Hồ - Bắc Ninh
  11. Làng nghề gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, Huyện Nam Sách đã nổi tiếng trên thế giới từ hơn 500 năm nay. Các sản phẩm gốm Chu Đậu đang được lưu giữ tại nhiều bảo tàng quốc gia trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Hà Lan… và trong sưu tập cá nhân của nhiều nước trên thế giới. Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn. Hoa văn cổ của Chu Đậu phần nhiều là sen, cúc, dưới nhiều dạng khác nhau và hàng chục loại hoa văn cách điệu khác.


    Giới chuyên môn đánh giá cao gốm Chu Đậu từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… tất cả đều đẹp hoàn hảo. Gốm Chu Đậu được thể hiện dưới nhiều hình thức như vẽ, khắc, họa, đắp nổi đều phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo. Những họa tiết, hoa văn trên gốm thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông… Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men màu tam thái.

    Sản phẩm Gốm Chủ Đậu
    Sản phẩm Gốm Chủ Đậu
    Làng Gốm Chu Đậu - Hải Dương
    Làng Gốm Chu Đậu - Hải Dương
  12. Làng Kế Môn thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế là làng nghề kim hoàng nổi tiếng hơn 300 năm nay. Vị tổ của làng nghề này là ông Cao Đình Độ, người làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, di cư vào làng Kế Môn vào cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến đời vua Quang Trung, ông Độ được triệu vào cung lập Cơ vệ ngành ngân tượng chuyên làm đồ trang sức cho Hoàng gia. Đến đời vua Gia Long, Cao Đình Độ và Cao Đình Hương (con trai ông) vẫn được giữ lại làm ngân tượng cho đến khi mất (1810; 1821).


    Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.


    Mấy trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở Kinh thành Huế (để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của Triều đình), sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước và sau này là vươn ra thế giới. Nghề kim hoàn trở thành nghề kiếm sống của người dân Kế Môn, nghề làm vàng từ đây mà tỏa ra khắp cả nước. Không những thế người làng Kế Môn còn đưa nghề truyền thống của mình vươn ra khắp thế giới nhằm quảng bá cho quê hương đất nước, hiện tại tiểu bang Texas của Mỹ có 40 cơ sở cầm vàng của người Kế Môn.


    Tại Huế các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại “Tịnh Tâm Kim Cổ”, trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự. Làng Kế Môn có nhiều nhà thờ họ với tất cả 16 nhà thờ, đây là những họ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn. Và hàng năm, vào ngày 27 tháng 2 Âm lịch, họ đều tổ chức giỗ tổ và gặp gỡ giao lưu để nâng cao tay nghề.

    Nghệ nhân làng nghề Kim Hoàn Kế Môn
    Nghệ nhân làng nghề Kim Hoàn Kế Môn
    Làng nghề Kim Hoàn Kế Môn
    Làng nghề Kim Hoàn Kế Môn
  13. Kim Bồng là làng nghề chạm trỗ điêu khắc gỗ (làng mộc) nổi tiếng từ xa xưa. Kim Bồng thuộc phường Cẩm Kim, thành phố Hội An. Nghề mộc ở đây có nguồn gốc xuất xứ từ miền Bắc, được các nghệ nhân mộc làng Kim Bồng học hỏi, phối hợp với nghệ thuật chạm khắc của người Chăm, Trung Hoa và Nhật Bản để tạo nên những tác phẩm điêu khắc gỗ mang tính mỹ thuật và triết học cao. Sản phẩm điêu khắc gỗ của Kim Bồng đã hiện diện ở nhiều gia đình, nhiều địa phương trong nước và nhiều quốc gia ở 5 châu lục.


    Ngày nay, trên đất Kim bồng đã có danh hiệu nghệ nhân cho một số thợ mộc lành nghề. Trong các xóm ngõ của gần 1000 nóc nhà làng mộc nổi tiếng này vẫn âm thầm diễn ra hoạt động chạm khắc gỗ, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà... Đặc biệt ở đây, nghề đóng thuyền đi biển trọng tải 10 tấn đến 20 tấn cho khách hàng từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Bình Thuận khá phát triển. Bên cạnh đó, những hiệp thợ Kim Bồng còn tích cực góp phần trong công cuộc bảo vệ, trùng tu-tôn tạo di tích Đô thị cổ Hội An. Nhìn chung cũng như nhiều làng nghề truyền thống trong cả nước, làng nghề mộc Kim Bồng còn được bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật và tiếp tục sản xuất nhưng vẫn nằm trong tình trạng hoạt động cung cấp sản phẩm trong phạm vi địa phương, chưa tìm lại được thị trường tiêu thụ lớn rộng nên chưa thể khai thác phát huy hết được tiềm năng, vốn quý sẵn có.

    Làng mộc Kim Bồng, Hội An
    Làng mộc Kim Bồng, Hội An
    Làng mộc Kim Bồng, Hội An - Quảng Nam
    Làng mộc Kim Bồng, Hội An - Quảng Nam
  14. Nổi tiếng nhất ở làng tranh sơn mài Bình Dương là làng tranh Tương Bình Hiệp, nằm cách thành phố Thủ Dầu Một 7km về phía bắc. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến từng công đoạn của nghề truyền thống sơn mài chỉ có ở Việt Nam. Với hàng trăm hộ làm tranh sơn mài, có hộ chỉ làm một hai công đoạn của tấm tranh rồi giao lại cho các hộ khác làm những công đoạn tiếp theo.


    Có thể nói ở Tương Bình Hiệp, nghề làm tranh sơn mài đã được công nghiệp hóa với những dây chuyền sản xuất rạch ròi nhưng hoàn toàn mang tính gia đình, tinh xảo nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông. Những sản phẩm tranh sơn mài Bình Dương được người yêu tranh Việt Nam và thế giới ưa chuộng mua về treo trong nhà một cách trang trọng.

    Sản phẩm tranh sơn mài Tương Bình Hiệp
    Sản phẩm tranh sơn mài Tương Bình Hiệp
    Làng Tranh sơn mài Tương Bình Hiệp - Bình Dương
    Làng Tranh sơn mài Tương Bình Hiệp - Bình Dương



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy