Top 14 Làng nghề truyền thống đặc sắc ở tỉnh Kiên Giang

Nguyễn Thế Anh 21361 0 Báo lỗi

Toplist mời bạn cùng ghé thăm vùng đất Kiên Giang - một tỉnh ở miền Tây sông nước thân thương. Từ xưa đến nay, Kiên Giang vang danh khắp nơi không chỉ với danh ... xem thêm...

  1. Trải dọc con đường vào xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng có rất nhiều giàn phơi bánh tráng. Những chiếc bánh nóng hổi, vừa ra lò nằm đón nắng, chờ hong khô để kịp đóng gói cho thương lái. Đây cũng là tín hiệu báo cho du khách phương xa biết là đã đến với xứ bánh tráng của tỉnh Kiên Giang. Hiện nay tại xã Thạnh Hưng chỉ có vài chục hộ dân theo nghề thế nhưng không phải vì thế mà không khí làng nghề kém sôi động và nhộn nhịp. Theo nhiều nhà làm bánh tráng lâu năm tại Thạnh Hưng thì làng nghề bánh tráng ở đây đã hình thành cách nay khoảng 100 năm. Ban đầu, chỉ vài hộ trong xã làm để sử dụng trong gia đình, nhưng sau đó nhờ có vị thơm ngon và dẻo đặc trưng, nên bánh tráng Thạnh Hưng dần dần được người dân ở nơi khác đặt mua và trở thành đặc sản nổi tiếng của cả vùng.


    Để có những chiếc bánh tráng thơm ngon, quan trọng nhất phải kể đến là khâu chọn gạo. Gạo phải tốt, ngon cơm, sau đó đem ngâm 2 - 3 ngày, xay thành bột, nhưng bột phải xay thật mịn, bánh mới dai và dẻo, tay tráng phải nhẹ nhàng, nhanh nhẹn thì chiếc bánh mới tròn, mỏng đều. Kết tinh hương vị thơm thảo của hạt gạo quê hương, bánh tráng Thạnh Hưng vang danh khắp vùng, được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Kiên Giang ưa chuộng. Ngoài bánh tráng để cuốn thịt luộc thông thường, tại làng nghề còn có những loại bánh tráng ngọt như bánh tráng phủ đường, phủ đậu xanh rất thơm ngon. Đặc biệt, bánh tráng ngọt còn có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè.


    Địa chỉ: Thạnh Trung, Thạnh Hưng, Giồng Riềng, Kiên Giang

    Làng nghề làm bánh tráng
    Làng nghề làm bánh tráng
    Làng nghề làm bánh tráng
    Làng nghề làm bánh tráng

  2. Nghề làm bánh phồng tại xã Vĩnh Phước B nô nức nhất vào dịp Tết Âm lịch, thế nhưng do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh nên bánh phồng được làm quanh năm. Bánh phồng Phú Mỹ được xem là loại bánh truyền thống có hương vị đặc trưng bởi được chế biến từ nguồn nếp do địa phương sản xuất với tên gọi quen thuộc “nếp Phú Tân”. Nhờ nguồn nguyên liệu nếp đặc sản riêng biệt nên bánh phồng Phú Mỹ có hương vị riêng, độ thơm, béo, ngọt rất khác biệt so với bánh phồng những nơi khác. Chính yếu tố đó giúp làng nghề tồn tại đến ngày nay. Bánh phồng Phú Mỹ có nhiều loại, trong đó hai loại ngon nhất là bánh phồng sữa và bánh phồng mè luôn thu hút nhiều khách hàng đặt mua dịp Tết.


    Nguyên liệu chính để làm bánh phồng là gạo và bột mì ngang. Điều đặc trưng làm nên hương vị tinh tế cho bánh phồng là gạo và khoai mì đều là giống địa phương. Thế nên bánh thành phẩm vừa ngon vừa an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Làm bánh phồng thú vị nhất là ở công đoạn giã bột bánh. Công việc này thường làm vào lúc nửa đêm về sáng để bột có thời gian nở. Giã bánh rất vui vì bắt buộc phải có hai người làm, một người dùng chày giã bột, một người “vùa” - nghĩa là lấy nước cốt dừa pha đường nêm vào trong phần bột. Sau đó bánh được cán tròn, mang trải ra chiếu lát và phơi dưới nắng vài giờ là khô. Nếu có dịp ghé qua đây, đừng quên thử một lần giã bánh cùng người dân bạn nhé!


    Địa chỉ: Vĩnh Phước B, Gò Quao, Kiên Giang

    Làng nghề làm bánh phồng
    Làng nghề làm bánh phồng
    Làng nghề làm bánh phồng
    Làng nghề làm bánh phồng
  3. Ngoài áo bà ba và khăn rằn thì nón lá là một vật dụng quen thuộc của những người phụ nữ miền Tây. Thế nên trải dài khắp miền Tây đều có những làng nghề chằm nón tuổi đời trăm năm. Tuy không nổi tiếng bằng làng nghề ở Thới Lai, Cần Thơ thế nhưng làng nghề chằm nón ở xã Thạnh Đông vẫn có những nét thu hút riêng. Nón, nón tơi hoặc nón lá là một vật dụng dùng để che nắng, che mưa, làm quạt và là một biểu tượng đặc trưng của dân tộc Việt Nam.


    Hầu hết những người làm nghề chằm nón đều là những người phụ nữ vốn quen công việc ruộng đồng, nội trợ. Nghề vừa tạo thêm thu nhập những khi thời gian rảnh rỗi cho chị em, vừa lưu giữ một nét văn hóa truyền thống bao đời của huyện Tân Hiệp nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung. Chiếc nón được chằm khéo léo từ những chiếc lá cọ hong khô, đơn giản nhưng tinh xảo là điểm mà người ta hay nhắc về xóm nón Thạnh Đông.


    Địa chỉ: Thạnh Đông, Tân Hiệp, Kiên Giang

    Làng nghề chằm nón
    Làng nghề chằm nón
    Làng nghề chằm nón
    Làng nghề chằm nón
  4. Xã Phú Mỹ được mệnh danh là một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” của tỉnh Kiên Giang. Bởi mảnh đất vùng biên giới này quanh năm đồng khô, nắng cháy rất khó khăn trong canh tác lương thực. Thế nhưng vẫn có một loài cây vươn lên mãnh liệt như sức sống con người nơi đây đó chính là cỏ bàng. Cỏ bàng đã trở thành nguyên liệu cho nghề đan đệm - nghề mưu sinh cho biết bao người. Những người dân Khmer theo nghề đã lâu cho biết các mặt hàng đệm bàng rất được ưa chuộng vì sự độc đáo, hiếm có, sễ sử dụng. Hiện nay, đệm bàng đã được xuất khẩu đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, bán phổ biến ở các khu du lịch thị xã Hà Tiên - Kiên Giang.


    Nghề đan cỏ bàng hiện còn nhiều tiềm năng vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, rất được thị trường ưa chuộng, nhất là ở các nước phát triển. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động nhận việc làm các sản phẩm cỏ bàng; trong đó, có 90% là bà con người Khmer. Thu nhập bình quân ổn định cho mỗi người là 3 triệu đồng/tháng là khá ổn đối với mức sống của bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới. Các sản phẩm cỏ bàng do bà con làm ra được Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đảm bảo đầu ra. Tổng số lượng mặt hàng sản phẩm của làng nghề khoảng 200.000 sản phẩm/năm, doanh thu đạt 6 - 7 tỷ đồng. Thị trường xuất đi nhiều nước ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và trong nước có TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc và một số điểm du lịch trong khu vực Nam bộ.


    Địa chỉ: Phú Mỹ, Giang Thành, Kiên Giang

    Làng nghề đan cỏ bàng
    Làng nghề đan cỏ bàng
    Làng nghề đan cỏ bàng
    Làng nghề đan cỏ bàng
  5. Nằm trong lòng thành phố Rạch Giá nhộn nhịp có một xóm nghề thủ công truyền thống tồn tại đã hơn ba trăm năm, đó là xóm nghề đan đát từ tre, trúc. Các sản phẩm chính gồm có cần xé đựng trái cây, rau củ và tấm khênh. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở các chợ lớn của Rạch Giá như chợ 30/4, chợ Bắc Sơn… Tận mắt chứng kiến người dân thoăn thoắt đan, bạn sẽ càng thấm thía danh xưng “nghề đan đát là nghề của những đôi tay”. Người xưa trong vùng kể lại vào thế kỉ XII, khi con người mới đến đây lập làng lập ấp, cùng với nghề nông, nghề biển, nghề đan đát đã có mặt rất sớm. Theo thời gian, nghề vẫn được gìn giữ cho đến tận bây giờ.


    Nguồn cung cấp nguyên liệu gồm tre, nứa đa phần được những người chuyên buôn bán tre, nứa mua gom ở các vùng lân cận chuyển về bán cho người đan. Tre, nứa được cưa thành đoạn theo mục đích sử dụng như đan thúng đựng khoảng 15kg gạo (20 lít theo cách tính của bà con Nam Bộ) cần cưa đoạn dài 75 cm. Tiếp đến cạo sơ lớp vỏ bên ngoài và chẻ làm 6 - 8 mảnh sau đó cạo bỏ lớp ruột mỏng bám trên bề mặt phía trong và chẻ nhỏ, vứt bỏ ruột lấy cật (lớp da cứng phía ngoài) nếu làm nan đan và vót cạnh lấy một phần da, một phần ruột nếu làm nan đát. Nan đan có bề rộng khoảng 0,6 cm dài đủ 70cm, nan đát nhỏ hơn, thường ngắn hơn nan đan 3 - 5cm. Công việc đan được tiến hành khi đã chuẩn bị xong phần nguyên liệu, kỹ thuật khi dùng loại nan đan chủ yếu là lóng mốt, lóng hai, lóng ba, lóng tư tạo thành một hình vuông, ở 4 cạnh còn các đoạn trúc chưa đan được đẩy vào cho khít để đan đát ở 4 cạnh tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh.


    Địa chỉ: Phi Thông, Rạch Giá, Kiên Giang

    Làng nghề đan đát từ tre trúc
    Làng nghề đan đát từ tre trúc
    Làng nghề đan đát từ tre trúc
    Làng nghề đan đát từ tre trúc
  6. Hà Tiên vốn là một vùng đất được nhiều ưu đãi của thiên nhiên, nên sản vật, mà nhất là cá tôm rất phong phú, dồi dào. Những năm của thập niên 60 - 70, sản lượng tôm khai thác của ngư dân rất lớn nhưng gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản. Do đó, để có thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh, người dân chỉ có một cách duy nhất là làm tôm khô. Từ khi nghề có truyền thống, đến nay, nhiều cơ sở vẫn duy trì nghề làm tôm khô. Do nguyên liệu dồi dào nên nghề làm tôm khô được làm quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm tháng 10 - 12 Âm lịch mới được xem là chính vụ, khi bà con ở làng nghề chuẩn bị cung ứng đặc sản quê hương phục vụ Tết. Chính hương vị độc đáo cùng thời gian bảo quản lâu nên tôm khô đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao và ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.


    Tôm khô Hà Tiên, Kiên Giang được chế biến từ tôm sông lẫn tôm biển khai thác từ vịnh Thái Lan và khu vực đầm nước mặn Đông Hồ. Do nguyên liệu dồi dào nên nghề làm tôm khô được làm quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm tháng 10 - 12 âm lịch mới được xem là chính vụ, khi bà con ở các phường Bình San, phường Tô Châu ở thành phố Hà Tiên chuẩn bị cung ứng đặc sản quê hương phục vụ Tết. Những tháng vào mùa làm tôm khô, Hà Tiên nhộn nhịp những chuyến tập kết tôm tươi lên bờ. Ngư dân cho biết lúc mùa gió chướng thổi thời điểm thu hoạch tôm bạc đất. Bước qua tháng Giêng hay sau Tết Nguyên đán, sản lượng tôm bạc sẽ giảm dần, nhưng đổi lại có nguồn tôm thẻ, tôm sú từ biển. Đây là loại tôm có kích cỡ lớn, màu sắc rất đẹp mắt.


    Địa chỉ: Tô Châu, Hà Tiên, Kiên Giang

    Làng nghề làm tôm khô
    Làng nghề làm tôm khô
    Làng nghề làm tôm khô
    Làng nghề làm tôm khô
  7. Không giống như những ngành nghề khác, nghề làm bánh mứt từ dứa chỉ thật sự khởi động khi Xuân về. Huyện Châu Thành đã sẵn có nguồn nguyên liệu dứa tươi dồi dào và chất lượng cho nghề. Sản phẩm ngon nhất tại làng nghề là dứa khô. Dứa sau khi phơi có vị ngọt bùi đặc trưng, ngon hơn ăn kèm dứa khô khi uống trà.


    Hiện nay có hai hình thức làm dứa khô là phơi nắng tự nhiên là phơi và sấy. Hầu hết những bà con người Hoa tại xã Bình An, huyện Châu Thành làm dứa khô bằng phương pháp thủ công. Ngoài dứa khô thì nước ép dứa tươi cũng thơm ngon trứ danh. Mứt dứa là món ăn rất ngon và hấp dẫn bởi vị chua chua, ngòn ngọt với vị thơm rất đặc trưng. Do đó, nghề làm mứt dứa được duy trì và phát triển nhất đặc biệt vào dịp Tết.


    Địa chỉ: Bình An, Châu Thành, Kiên Giang

    Làng nghề làm bánh mứt từ dứa
    Làng nghề làm bánh mứt từ dứa
    Làng nghề làm bánh mứt từ dứa
    Làng nghề làm bánh mứt từ dứa
  8. “Những người thổi hồn cho đất” - đó là danh xưng dành cho những người gắn bó với nghề làm nồi đất ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất. Sự khéo léo, tài hoa của họ đã biến những thớ đất vô tri vô giác thành biết bao vật dụng hữu ích cho đời sống con người như nồi đất, bếp cà ràng, khuôn bánh khọt, ơ kho quẹt…. Mỗi sản phẩm là một sắc vóc riêng, tổng hòa thành sự phong phú cho xóm nghề nắn nồi đất. Có những cụ ông, cụ bà đã hơn 70, 80 tuổi vẫn còn theo nghề. Họ không còn làm được những công việc nặng nhọc nữa nhưng lòng yêu nghề vẫn còn đó. Bằng kinh nghiệm, bằng những hiểu biết, họ truyền lại cho thế hệ trẻ tình yêu với đất, với lửa, với muôn hình vạn trạng những sản phẩm từ đất đai quê hương.


    Nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, phải có đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt cao, tính kết dính cao...Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn, công đoạn đầu là nắn hay còn gọi là tạo hình vì tất cả các sản phẩm đều có khuôn (khung) bằng gỗ hoặc bằng đất nung, đến công đoạn vỗ, do đất ướt chứa nhiều nước nên sản phẩm mới đầu thường biến dạng, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật vỗ bằng các thanh tre, sau đó là công đoạn làm bóng, tạo hoa văn để sản phẩm được nhẵn bóng hoàn chỉnh.


    Địa chỉ: Nam Thái Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang

    Làng nghề nắn nồi đất
    Làng nghề nắn nồi đất
    Làng nghề nắn nồi đất
    Làng nghề nắn nồi đất
  9. Có ai đó đã nói huyện Châu Thành là quê hương của những làng nghề quả là không sai. Bên cạnh làng nghề làm bánh mứt thơm ngon trứ danh, ở Châu Thành còn có nghề dệt chiếu tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Người con Kiên Giang nào cũng còn nhớ về truyền tích Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực từng ghé qua vùng đất này. Đến khi ông bị xử trảm người dân đã trải chiếu trên đường ông đến pháp trường, ân tình người miền Tây là thế! Qua bao thăng trầm thời gian, nghề dệt chiếu có lúc tưởng đã biến mất. Vậy mà những người dân vẫn bám nghề, dệt nên từ cây cỏ lác những manh chiếu đẹp cho cuộc đời.


    Nghề dệt chiếu không quá khó nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và đan lác thành chiếu. Dệt chiếu có hai phương pháp cơ bản là dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Trong đó, chiếu hoa gồm hai loại là dệt hoa và in hoa, nhằm tạo hoa văn, đề tài theo mẫu thiết kế sẵn hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Có thể kể đến một số loại chiếu dệt hoa thông thường như chiếu phệt, chiếu sọc Miên, chiếu hột mè, chiếu lảy…


    Địa chỉ: Vĩnh Hòa Phú, Châu Thành, Kiên Giang

    Làng nghề dệt chiếu
    Làng nghề dệt chiếu
    Làng nghề dệt chiếu
    Làng nghề dệt chiếu
  10. Thật thiếu xót khi kể đến những nghề truyền thống của tỉnh Kiên Giang mà bỏ qua nghề nấu nước mắm của đảo ngọc Phú Quốc. Du khách đến với thiên đường nghỉ dưỡng nhiệt đới này, ai mà một lần mua nước mắm về làm quà. Kết tinh hương vị đại dương, nước mắm Phú Quốc sóng sánh một kĩ thuật chế biến tài hoa trong đó. Nghề làm nước mắm hình thành từ rất lâu khi ngư dân đánh bắt cá cơm về ăn không hết, người ta nghĩ ra cách làm nước mắm ăn dần. Sau này, nghề dần dà phát triển, hệ thống những nhà thùng danh tiếng, uy tín ra đời như “nấm mọc sau mưa”.


    Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người sản xuất nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng cá cơm làm nguyên liệu. Cá cơm có khoảng chục loại, nhưng chỉ có Sọc Tiêu, Cơm Ðỏ và Cơm Than là cho chất lượng nước mắm cao nhất. Ðiểm khác biệt của nước mắm Phú Quốc là cá cơm được trộn tươi trên tàu. Mùa đánh bắt chủ yếu trong năm là từ tháng 7 đến tháng 12. Khi lưới cá vừa được kéo cặp mạn, cá sẽ được vớt bằng vợt, loại bỏ tạp chất và súc rửa bằng nước biển, sau đó trộn đảo ngay với muối với tỷ lệ 3 cá 1 muối rồi đưa xuống hầm tàu. Cách trộn cá tươi như vậy giữ cho thịt cá không bị phân huỷ, nước mắm có hàm lượng đạm cao nhất, không có mùi hôi.


    Địa chỉ: Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang

    Làng nghề nấu nước mắm
    Làng nghề nấu nước mắm
    Làng nghề nấu nước mắm
    Làng nghề nấu nước mắm
  11. Từ bao đời nay, nghệ thuật chế tác thủ công mỹ nghệ được gìn giữ và phát triển cực thịnh ở thị xã Hà Tiên. Dưới đôi bàn tay khéo léo của nhiều nghệ nhân phường Đông Hồ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đồi mồi và đá huyền đã ra đời. Các mặt hàng thủ công từ đồi mồi như gương, lược, trâm cài đầu rất được du khách nước ngoai yêu thích. Ngoài công dụng trang trí, làm quà lưu niệm, người dân nơi đây tin rằng, các sản phẩm từ đồi mồi, đá huyền còn rất tốt cho sức khỏe theo quan niệm phong thủy.


    Trước đây, ở Hà Tiên có nhiều điểm, cơ sở bán các mặt hàng đồi mồi nhưng thương hiệu “Hà Tiên đồi mồi” của dòng họ Phan và Nguyễn nổi danh nhất. Mặt hàng mỹ nghệ từ đồi mồi được ưa chuộng bởi các sản phẩm này khi dùng lâu bị cũ, đem thợ đánh bóng lại lên vân màu nâu cà phê nhìn rất đẹp. Nếu bạn có dịp đến Hà Tiên, hãy chọn mua cho mình một vật phẩm lưu niệm từ đó mới nhé.


    Địa điểm: Đông Hồ, Hà Tiên, Kiên Giang

    Làng nghề làm trang sức từ đồi mồi
    Làng nghề làm trang sức từ đồi mồi
    Làng nghề làm trang sức từ đồi mồi
    Làng nghề làm trang sức từ đồi mồi
  12. Lục bình là một trong những loài thủy sinh mọc hoang khắp vùng kênh rạch miền Tây. Những năm trước, lục bình thường chỉ dùng để bón cây hoặc làm thức ăn cho vật nuôi. Thế nhưng thời gian gần đây, lục bình còn mang đến một nghề truyền thống cho bà con ở xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao và phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá. Nghề thủ công truyền thống đan lục bình đã trở thành thương hiệu nổi bật, được nhiều người biết đến của vùng đất Kiên Giang biết đến. Tranh thủ những lúc nông nhàn, nhiều hộ dân ở đây đã tận dụng các bãi bồi ven sông để trồng và đan lục bình, cho thu nhập rất ổn định.


    Đặc tính của lục bình là khi phơi khô rất dẻo dai nên thích hợp làm các sản phẩm thủ công như tủ, kệ sách, bình hoa, giỏ xách… Do nguồn nguyên liệu tốt lại thêm sự khéo léo của người làm nghề nên sản phẩm từ lục bình đều rất đẹp và bền chắc. Chưa dừng lại ở đó, người dân ở làng nghề còn sáng tạo khi sử dụng lá bắp phơi khô, nhuộm màu để làm ra sản phẩm có màu sắc sinh động, tao nhã hơn rất nhiều.


    Địa chỉ: Vĩnh Thắng, Gò Quao, Kiên Giang

    Làng nghề đan lục bình
    Làng nghề đan lục bình
    Làng nghề đan lục bình
    Làng nghề đan lục bình
  13. Bên cạnh các loài thủy hải sản thông thường như cá, tôm, cua, mực, trên những bãi cát đen ở phường Bình San và phường Pháo Đài còn có rất nhiều cà xỉu. Cà xỉu có vẻ ngoài như những loài hai mảnh vỏ trai, sò, hến nhưng lại giống cả côn trùng với phần râu, đuôi dài và to. Mùa cà xỉu rộ lên từ khoảng tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Người dân đánh bắt cà xỉu tương tự cách đánh bắt sò, đem về rửa sạch bùn đất, tách riêng phần vỏ thịt và phần đuôi rồi làm mắm.


    Cà xỉu muối buổi sáng, buổi chiều là ăn được. Để bảo quản món ăn được lâu, sau khi rửa sạch, người chế biến sẽ mang những con cà xỉu ngâm cùng muối, mắm và gia vị. Từ cà xỉu muối, người ta sẽ chế biến được nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn. Trước đây trên các tàu thuyền ra khơi xa nhà, các ngư dân Hà Tiên luôn trữ vài hũ cà xỉu muối để ăn với cơm nóng. Còn giờ đây, công việc làm mắm cà xỉu đã trở thành nghề, làm ra món ăn độc và lạ cho thị xã Hà Tiên.


    Địa chỉ: Bình San, Hà Tiên, Kiên Giang

    Làng nghề làm mắm cà xỉu
    Làng nghề làm mắm cà xỉu
    Làng nghề làm mắm cà xỉu
    Làng nghề làm mắm cà xỉu
  14. Hiện nay, có rất nhiều gia đình ở xã Minh Hòa đều trồng hoa cảnh bán Tết và bán quanh năm. Một số loài hoa đặc trưng có thể kể đến như phong lan, mai, bonsai, cúc vạn thọ… Gia đình trồng ít thì vài công, trồng nhiều có khi lên đến vài ba chục công. Bởi thế nên người dân nơi khác vẫn gọi vùng đất bình yên này với cái tên mỹ miều là làng hoa. Trồng hoa cũng trồng các loài cây khác, cũng phụ thuộc vào thời tiết của mỗi năm. Và người trồng cũng vui buồn theo từng cơn gió, từng ngày nắng, đêm lạnh của đất trời. Người trồng hoa kiên quyết không bỏ nghề không hẳn vì lợi nhuận cao mà vì cái duyên nợ, cái tình yêu lâu bền với những loài hoa.


    Thời điểm ươm cây, cho ra bầu, ngắt ngọn đã xác định nhưng quan trọng nhất là kinh nghiệm của người trồng hoa cảnh. Ở đây, người trồng phải bỏ công theo dõi, chăm sóc mọi giai đoạn sinh trưởng của hoa cảnh, đảm bảo cho cây hoa phát triển một cách tự nhiên, ra bông đẹp nhất, đúng thời điểm. Được như vậy, hoa cảnh mới có giá, được khách hàng ưa chuộng.


    Địa chỉ: Minh Hòa, Giồng Riềng, Kiên Giang

    Làng nghề trồng hoa cảnh
    Làng nghề trồng hoa cảnh
    Làng nghề trồng hoa cảnh
    Làng nghề trồng hoa cảnh



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy