Top 10 Làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất tại Quảng Nam

Thao Nguyen Truong 19300 0 Báo lỗi

Việt Nam là 1 quốc gia có những làng nghề truyền thống cổ xưa rất đa dạng và phong phú rải đều rất nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Quảng Nam. Quảng ... xem thêm...

  1. Nếu 1 lần ghé ngang Quảng Nam bạn không thể bỏ qua Làng nghề gốm Thanh Hà cổ truyền này. Sau khi thăm thú phố cổ Hội An trầm mặc, cổ kính, bạn hãy dành chút thời gian ghé thăm làng gốm Thanh Hà nằm ngay sát địa điểm du lịch nổi tiếng này.


    Làng Thanh Hà đã tồn tại từ trước triều Nguyễn có lịch sử gần 500 năm. Tuy có lúc làng nghề cổ này rơi vào tình trạng suy thoái nhưng nhờ 1 số tổ nghề rất tâm huyết đã vực dậy được cả 1 làng nghề truyền thống tránh bị rơi vào quên lãng. Phố cổ Hội An được công nhận là "Di sản văn hóa" thế giới đã phần nào nâng tên tuổi của làng nghề truyền thống này lên 1 tầm cao mới. Đây là điểm đến khá được ưu ái và được lựa chọn khá nhiều của du khách cả trong và ngoài nước khi đến với Quảng Nam.


    Ngôi làng nhỏ thanh bình với cách làm nghề thô sơ vẫn được giữ nguyên tạo ra sức hút không thể chối từ từ sự mộc mạc, giản dị toát ra từ từng sản phẩm gốm, từng nếp nhà, con đường. Con đường nhỏ lát gạch ngoằn ngoèo trải khắp ngôi làng dưới bóng những cây cổ thụ râm mát yên bình cũng tạo nên những kỉ niệm đẹp khó quên trong lòng du khách.


    Đến đây du khách còn được tự tay nặn những tác phẩm gốm cho riêng mình và thoải mái mua sắm đồ gốm làm quà lưu niệm với giá rất rẻ, không có hiện tượng "chặt chém" như tại các khu du lịch khác. Công viên đất gốm Thanh Hà với diện tích hơn 6000m2 được mở cửa vào năm 2015 đã trở thành nơi triển lãm về gốm quy mô nhất hiện nay trong cả nước. Đặc biệt, lễ giỗ tổ nghề hàng năm vào mồng 10 tháng 7 âm lịch hằng năm tại miếu Nam Diêu cũng được tổ chức khá long trọng và đặc sắc thu hút khá đông khách du lịch là dịp mà bạn không nên bỏ qua.

    Làng nghề gốm Thanh Hà
    Làng nghề gốm Thanh Hà
    Làng nghề gốm Thanh Hà
    Làng nghề gốm Thanh Hà

  2. Làng nghề Kim Bồng ra đời từ thế kỉ 15 và đi vào thời kì cực thịnh vào đầu thế kỉ 17 nhờ sự mở cửa cảng buôn bán hàng hóa lớn tại thị trấn Hội An. Theo các nghệ nhân ở đây cho biết, làng nghề này được gây dựng từ những ông tổ nghề di cư từ vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ Tĩnh vào miền Trung để khai hoang vùng đất thuộc địa phận thành phố Hội An hiện tại.


    Du khách muốn đến thăm làng mộc Kim Bồng phải di chuyển bằng đò với phí qua sông rất rẻ. Ấn tượng đầu tiên của du khách chính là sự thanh bình, tĩnh lặng và rất êm dịu mà làng nghề ven sông này đem lại. Hầu như phần lớn các hộ dân ở đây đều làm nghề mộc và có xưởng chế tác mộc ngay trong nhà. Đến đây, bạn có cơ hội chiêm ngưỡng trực tiếp quá trình tạo nên các tác phẩm nghệ thuật tinh tế làm từ gỗ. Du khách có thể thỏa sức mua sắm 1 số vật dụng gỗ về làm quà như vòng tay, hộp trang sức, lược, tượng phật... với mức giá khá phải chăng.


    Lưu ý các bạn rằng cũng có 1 số hộ chuyên bán cho du khách nước ngoài nên giá cả có hơi đắt hơn bình thường. Đây là 1 trong số những làng nghề có tên tuổi nhất thuộc khu vực miền Trung mà bạn không nên bỏ qua khi đi chọn du lịch tại đây.

    Làng nghề mộc Kim Bồng
    Làng nghề mộc Kim Bồng
    Làng nghề mộc Kim Bồng
    Làng nghề mộc Kim Bồng
  3. Cách trung tâm thành phố Hội An khoảng 3km là làng nghề rau Trà Quế - 1 trong những làng nghề rất thú vị mà bạn không thể bỏ qua khi đến thăm Hội An.


    Phương tiện di chuyển chủ yếu bạn có thể chọn là xe máy. Bạn có thể thuê xe ngay tại trung tâm thành phố Hội An với giá khá phải chăng và di chuyển tới địa điểm này. Làng nghề này sử dụng các loại phân bón đặc biệt lấy từ dòng sông màu mỡ ngay sát bên. Rau thu hoạch từ làng Trà Quế nổi tiếng tươi ngon, là loại rau không thể thiếu làm nên hương vị đặc biệt của các món ăn nổi tiếng tại xứ sở này.


    Đây còn là điểm bán rau sạch, đảm bảo được rất nhiều người dân địa phương tin dùng. Du khách thập phương bị cuốn hút bởi làng rau Trà Quế không chỉ bởi quang cảnh xanh tươi yên bình của các luống rau trải dài mà còn bởi những hoạt động tham quan du lịch rất thú vị tại nơi đây như thử làm nông dân, học cách chăm sóc hoa màu, tưới nước, bắt sâu, bón phân... Rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đã chọn làng nghề rau Trà Quế làm điểm dừng chân bởi sự hấp dẫn rất gần gũi, tự nhiên của nó. Đây là 1 gợi ý khá tuyệt vời nếu bạn chọn đi du lịch và muốn khám phá miền đất Quảng Nam.

    Làng nghề rau Trà Quế
    Làng nghề rau Trà Quế
    Làng nghề rau Trà Quế
    Làng nghề rau Trà Quế
  4. Hội An là 1 thị trấn nhỏ nằm bên dòng sông Thu Bồn hoang sơ và xinh đẹp. Hội An nổi tiếng với bạn bè khắp năm châu không chỉ bởi nét cổ kính, sâu lắng và vẻ đẹp rung động lòng người mà còn bởi thứ "đặc sản" rất đặc trưng của đô thị cổ này - đèn lồng.


    Nằm ngay trong phố cổ Hội An chính là làng đèn lồng Hội An trứ danh với rất nhiều hộ dân tự tay sản xuất ra các mặt hàng đèn lồng và được bày bán rất đa dạng. Nghề làm đèn lồng tại đây đã tồn tại hơn 400 năm, bắt đầu từ đầu thế kỉ 16. Du khách đến đây có thể thỏa sức mua 1 chiếc đèn lồng rực rỡ hay trang nhã về làm quà lưu niệm hay trang trí nhà cửa với giá cả khá phải chăng.


    Các nghệ nhân tại làng đèn lồng có khá đông và các kĩ nghệ trong nghề vẫn được bảo quản và lưu truyền cho đông đảo những người yêu nghề muốn theo học. Đi dọc theo dòng sông tại trung tâm phố cổ, ánh sáng lung linh muôn sắc màu tỏa ra từ những ngọn đèn lồng chắc chắn sẽ làm bạn xao xuyến. Những chiếc lồng đèn không chỉ mang lại dáng vẻ huyền ảo rực rỡ cho đêm phố hội mà còn lan tỏa những nét đẹp cổ xưa và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đến với bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Nếu có dịp ghé thăm Quảng Nam đừng bỏ qua làng nghề truyền thống nổi tiếng này bạn nhé.

    Làng đèn lồng Hội An
    Làng đèn lồng Hội An
    Làng đèn lồng Hội An
    Làng đèn lồng Hội An
  5. Nhắc đến tỉnh Quảng Nam mà không nhắc đến "đặc sản" chiếu chẻ Triêm Tây là 1 thiếu sót lớn. Đây là 1 trong các làng nghề làm chiếu lâu đời được công nhận là thôn văn hóa cấp tỉnh. Triêm Tây thuộc xã Điện Phương huyện Điện Bàn là làng nghề thủ công đã tồn tại từ mấy trăm năm qua đến nay. Chiếu là 1 vật dụng đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Không chỉ là 1 đồ dùng quen thuộc trong gia đình, chiếc chiếu còn mang nhiều nét phong tục tập quán và văn hóa lâu đời của người Việt Nam.


    Đến với làng chiếu chẻ Triêm Tây, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn công phu tỉ mỉ để tạo ra được 1 sản phẩm chiếu hoàn chỉnh từ khâu phơi, nhuộm, dệt đến in chiếu... Lác và đay là 2 nguyên vật liệu chính để làng nghề tạo ra thành phẩm của mình.


    Làng chiếu chẻ Triêm Tây đặc biệt nổi danh bởi 2 loại chiếu: chiếu trổ và chiếc bắc bông. Phong cảnh nơi đây còn rất dễ khiến du khách xiêu lòng bởi sự yên tĩnh, mộc mạc và vẻ đẹp hồn hậu, chân chất của con người. Ngắm nhìn những đôi bàn tay khéo léo của những người làm nghề tỉ mẩn dệt từng sợi chiếu ta mới càng hiểu rõ hơn nét văn hóa truyền thống của quê hương. Nếu có dịp bạn hãy ghé làng chiếu chẻ Triêm Tây để có những trải nghiệm tuyệt vời nhất nhé!

    Làng chiếu chẻ Triêm Tây
    Làng chiếu chẻ Triêm Tây
    Làng chiếu chẻ Triêm Tây
    Làng chiếu chẻ Triêm Tây
  6. Việt Nam là quốc gia từ xa xưa đã nổi tiếng với ngành nghề ươm tơ dệt lụa có nguồn gốc từ rất lâu đời. Một trong số các tỉnh thành nổi tiếng bởi nghề dệt lụa đó chính là tỉnh Quảng Nam với làng nghề truyền thống dệt lụa Mã Châu vô cùng nổi tiếng. Đây là địa điểm nổi bật thu hút khá đông khách du lịch khi đến với Hội An - Quảng Nam. Làng nghề này xuất hiện từ thế kỉ 16 và tính đến nay đã có hơn 400 năm tuổi.


    Làng Mã Châu thuộc địa phận thôn Châu Hiệp thị trấn Nam Phước huyện Duy Duyên, nằm tại trục lưu thông khá thuận lợi từ Hội An đến Mỹ Sơn. Làng Mã Châu có hơn 200 hộ dân tham gia vào ngành nghề truyền thống này và hàng năm cung ứng cho thị trường 1 số lượng tơ lụa khá lớn. Đến với nơi đây du khách thập phương sẽ được tận mắt quan sát tất cả các quy trình để tạo ra 1 tấm lụa đẹp mỹ miều, từ cách trồng dâu, nuôi tằm đến ươm tơ, dệt lụa... Tất cả sẽ đem đến cho các bạn những trải nghiệm thật sự mới lạ về những làng nghề truyền thống của nước ta. Chúng ta từ đó cũng càng hiểu rõ thêm muốn làm ra được 1 tấm lụa đẹp người làm nghề đã phải tốn biết bao nhiêu công sức.


    Tuy đã có những giai đoạn làng nghề Mã Châu rơi vào sự suy thoái nhưng nhờ những chính sách hỗ trợ và sự tâm huyết của nhiều nghệ nhân, làng nghề hiện nay đã được khôi phục và ngày càng phát triển vượt bậc. Đến với mái đình Mã Châu cổ kính với những con đường làng quanh co và hương lúa thơm nồng để cảm nhận rõ hơn về những vẻ đẹp của quê hương xứ sở mình bạn nhé!

    Làng nghề dệt vải tơ lụa Mã Châu
    Làng nghề dệt vải tơ lụa Mã Châu
    Làng nghề dệt vải tơ lụa Mã Châu
    Làng nghề dệt vải tơ lụa Mã Châu
  7. Được mệnh danh là làng khai sinh ra hình thể của cồng chiêng, làng đúc đồng Phước Kiều nay đã tồn tại với truyền thống hơn 400 năm. Đây là một trong những làng nghề đúc đồng ở Quảng Nam có tuổi thọ cao nhất. Quảng Nam là vùng đất nổi tiếng với những làng nghề truyền thống lâu đời. Người dân xứ Quảng không chỉ tự hào với làng mộc Kim Bồng hay làng gốm Thanh Hà, mà còn hãnh diện với làng đúc đồng Phước Kiều hàng trăm năm tuổi. “Đóng đô” tại xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làng nghề này được mệnh danh là làng đi tìm hình thể của cồng chiêng.


    Sản phẩm chủ yếu của làng nghề này hiện nay đó chính là cồng chiêng, nồi niêu xoong chảo, lư đồng, đỉnh đồng, đèn, vật dụng để bàn thờ, hoành phi câu đối, tượng đồng, các loại nhạc cụ... Trên đà hội nhập cùng thị trường thương mại và cũng chính là 1 phương thức để lưu truyền và giữ gìn làng nghề truyền thống này, làng đã quyết định thành lập công ty TNHH du lịch và thương mại Đồng Phước Kiều. Đây là làng nghề cần sự hỗ trợ từ chính quyền để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống này vì nó có nguy cơ bị mai một.


    Khắp làng nghề đúc đồng Phước Kiều hiện chỉ còn hơn 8 nghệ nhân thật sự nắm giữ những bí quyết, phương pháp tôi luyện đồng thật sự hoàn chỉnh và điêu luyện. Đây là điểm dừng chân ghé thăm không thể bỏ qua khi tham quan du lịch Hội An để chiêm ngưỡng hết tất cả những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

    Làng nghề đúc đồng Phước Kiều
    Làng nghề đúc đồng Phước Kiều
    Làng nghề đúc đồng Phước Kiều
    Làng nghề đúc đồng Phước Kiều
  8. Làng nghề dệt thổ cẩm Zara thuộc thị trấn Thạch Mỹ huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời của người dân tộc Cà Tu ngụ tại địa phương này. Làng nghề hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ từ nhiều nguồn nên đã phát triển hơn trước rất nhiều, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho bà con đồng bào dân tộc có công ăn việc làm, vừa lưu giữ những nét cổ truyền của văn hóa dân tộc.


    Các sản phẩm được dệt trong thời gian gần đây có chất lượng được nâng lên đáng kể đã gây được nhiều sự chú ý đối với du khách cả trong và ngoài nước. Hướng phát triển của làng dệt thổ cẩm Zara đó chính là vừa bảo tồn nghề dệt vừa đưa nó trở thành con đường phát triển du lịch để tạo cơ hội cho làng nghề ngày càng nổi tiếng. Hằng năm, hợp tác xã của làng dệt Zara cung ứng cho thị trường hơn 300 sản phẩm dệt các loại và đã tạo được thương hiệu của làng dệt Cà Tu trên thị trường.


    Du khách đến đây sẽ thích thú trước khung dệt đơn sơ cổ truyền cùng bàn tay khéo léo của những người phụ nữ thoăn thoắt dệt các sợi chỉ đầy màu sắc tạo ra thành phẩm rất bắt mắt. Đến tham quan nơi đây để tìm hiểu về làng nghề dệt đặc biệt của đồng bào dân tộc ở tỉnh Quảng Nam nếu có dịp du lịch nơi đây bạn nhé.

    Làng nghề dệt thổ cẩm Zara
    Làng nghề dệt thổ cẩm Zara
    Làng nghề dệt thổ cẩm Zara
    Làng nghề dệt thổ cẩm Zara
  9. Cây dó trầm từ bao đời nay đã trở thành nguồn thu nhập chính cho bà con Trung Phước thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam bởi giá trị của nó. Làng nghề có hơn 200 lao động chọn theo nghề cổ truyền của cha ông này.


    Quế Trung là nơi sản xuất ra các sản phẩm từ cây dó trầm rất được ưa chuộng tại thị trường hiện nay. Hiện nay làng dó trầm Quế Trung chủ yếu lấy nguồn gió trầm bằng cách ươm tạo và tự trồng, tự tạo dó trầm và tự khai thác để có đầu vào sản phẩm ổn định mà không phải phụ thuộc vào những người đi rừng rất bấp bênh như những năm về trước. Những người thợ thủ công thường trạm trổ, điêu khắc dó trầm thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như các hình nhũ đá, đồ trang trí, hình khung cảnh thiên nhiên, tượng phật... Phải mất thời gian khá lâu để có thể thu hoạch cây dó trầm có độ tuổi thật sự thích hợp với công việc chế tác. Vì nếu thu hoạch quá sớm khi dó trầm chưa đủ tuổi sẽ khiến chất lượng thành phẩm tạo ra bị giảm sút rõ rệt.


    Đến với làng dó trầm hương Quế Trung, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sự tỉ mỉ, kì công và điêu luyện từ đôi tay của những nghệ nhân nổi tiếng hàng đầu trong việc điêu khắc, đẽo tỉa dó trầm với chất lượng sản phẩm cao. Thăm thú quanh ngôi làng và tìm hiểu những điểm thú vị của nghề làm dó trầm hương là điều tuyệt vời mà những người yêu du lịch và ham thích khám phá những vùng đất mới không thể bỏ qua. Ghé thăm làng nghề truyền thống dó trầm hương tại tỉnh Quảng Nam khi có dịp để thêm yêu những nét văn hóa truyền thống của quê hương mình bạn nhé!

    Làng nghề dó trầm hương Quế Trung
    Làng nghề dó trầm hương Quế Trung
    Làng nghề dó trầm hương Quế Trung
    Làng nghề dó trầm hương Quế Trung
  10. Bàn Thạch là mảnh đất giao nhau giữa 2 dòng sông Thu Bồn và sông Bà Rén trên bãi đất bồi giữa những bãi cói xanh tốt. Đây là ngôi làng nằm trên 1 khu đất khá cách biệt nên có sự tĩnh lặng, yên bình rất riêng chứ không như những làng quê khác. Nghề dệt chiếu là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở Quảng Nam và nhắc đến làng chiếu Bàn Thạch là nhớ đến hình ảnh khung dệt chiếu, tiếng thoi đưa róc rách và những cây cói với đủ màu sắc rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng hòa cùng màu đất trời của xứ Quàng thân thương này.


    Làng chiếu cói Bàn Thạch đã tồn tại từ rất lâu đời, là địa chỉ quen thuộc và nổi tiếng với những sản phẩm chiếu cói được sản xuất bởi những người làm nghề có tay nghề cao và đầy nhiệt tâm. Tuy chịu sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường ngày càng khốc liệt, dưới đôi tay tài hoa của các nghệ nhân làng Bàn Thạch, người làm nghề đã đưa danh tiếng của chiếu cói Bàn Thạch nổi danh khắp chốn. Du khách đến với làng nghề thủ công mỹ nghệ Bàn Thạch sẽ được tận mắt quan sát các công đoạn để làm ra 1 chiếc chiếu cói với sự tỉ mỉ và tận tâm, nhiệt huyết với công việc. Qua những câu chuyện kể của những nghệ nhân, các bạn sẽ càng hiểu rõ thêm về lịch sử của ngôi làng và truyền thống của nghề cổ làm chiếu cói nơi đây.


    Nếu có dịp ghé thăm dải đất Quảng Nam yêu dấu hãy 1 lần ghé ngang làng chiếu cói Bàn Thạch để có những trải nghiệm tuyệt vời nhất và có cơ hội hiểu rõ thêm về những làng nghề truyền thống của quê hương nhé bạn!

    Làng chiếu cói Bàn Thạch
    Làng chiếu cói Bàn Thạch
    Làng chiếu cói Bàn Thạch
    Làng chiếu cói Bàn Thạch



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy