Làng nghề đan cỏ bàng
Xã Phú Mỹ được mệnh danh là một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” của tỉnh Kiên Giang. Bởi mảnh đất vùng biên giới này quanh năm đồng khô, nắng cháy rất khó khăn trong canh tác lương thực. Thế nhưng vẫn có một loài cây vươn lên mãnh liệt như sức sống con người nơi đây đó chính là cỏ bàng. Cỏ bàng đã trở thành nguyên liệu cho nghề đan đệm - nghề mưu sinh cho biết bao người. Những người dân Khmer theo nghề đã lâu cho biết các mặt hàng đệm bàng rất được ưa chuộng vì sự độc đáo, hiếm có, sễ sử dụng. Hiện nay, đệm bàng đã được xuất khẩu đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, bán phổ biến ở các khu du lịch thị xã Hà Tiên - Kiên Giang.
Nghề đan cỏ bàng hiện còn nhiều tiềm năng vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, rất được thị trường ưa chuộng, nhất là ở các nước phát triển. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động nhận việc làm các sản phẩm cỏ bàng; trong đó, có 90% là bà con người Khmer. Thu nhập bình quân ổn định cho mỗi người là 3 triệu đồng/tháng là khá ổn đối với mức sống của bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới. Các sản phẩm cỏ bàng do bà con làm ra được Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đảm bảo đầu ra. Tổng số lượng mặt hàng sản phẩm của làng nghề khoảng 200.000 sản phẩm/năm, doanh thu đạt 6 - 7 tỷ đồng. Thị trường xuất đi nhiều nước ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và trong nước có TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc và một số điểm du lịch trong khu vực Nam bộ.
Địa chỉ: Phú Mỹ, Giang Thành, Kiên Giang