Top 7 Bài văn thuyết minh về những phong tục truyền thống của Việt Nam

Cỏ Mùa Thu 30669 0 Báo lỗi

Việt Nam là một nước có nền văn hóa lâu đời, chính vì vậy mà chúng ta có rất nhiều phong tụ truyền thống. Chắc hẳn đã là người con của đất Việt thì những phong ... xem thêm...

  1. Tết từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng có một nét văn hóa đặc sắc không bao giờ thay đổi là phong tục lì xì. Lì xì ngày Tết cổ truyền đã trở thành một phong tục có từ lâu đời của đất nước ta.


    Không có tài liệu nào ghi chép chính xác về sự ra đời của phong tục lì xì. Chỉ có những sự tích thú vị kể lại rằng, phong tục lì xì ngày Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ con khi chúng đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng. Cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi nọ mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Phép lạ này lan truyền, rồi cứ Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con. Tiền đó được gọi là tiền mừng tuổi.


    Cũng có truyền thuyết khác về phong tục này liên quan đến con trai Dương Qúy Phi đời nhà Đường – Trung Quốc và đời Tần. Nhưng tựu chung lại, phong tục lì xì ngày Tết đều bắt nguồn với ý nghĩa là tặng tiền mừng cho trẻ con, mong ước chúng lớn lên được tiền lộc có thể vượt qua tuổi mới với những điều tốt lành và may mắn. Phong tục này du nhập vào Việt Nam từ rất lâu trước kia với tên gọi lì xì hoặc mừng tuổi và còn giữ mãi đến tận hiện tại.


    Phong tục lì xì ngày Tết diễn ra vào những ngày đầu năm mới, tức là sau khoảnh khắc giao thừa. Lì xì bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10. Khi sang năm mới, trẻ con sẽ đến thăm ông bà, họ hàng, chúc Tết. Những người lớn chuẩn bị sẵn phong bao lì xì, đựng tiền may mắn, có thể ít hoặc nhiều tặng cho trẻ con. Phong bao lì xì thường có màu đỏ - một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội. Tuy nhiên, ngày nay phong bao lì xì còn được thiết kế nhiều màu sắc và hình dáng, họa tiết khác nhau cùng những câu chúc ngắn gọn ý nghĩa như: “Phát tài phát lộc”, “an khang thịnh vượng”, “xuân sum vầy”...


    Phong tục lì xì mang những ý nghĩa vô cùng tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo - không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày tết. Phong bao lì xì cho trẻ con màng ý nghĩa bình tuổi mới bình an, may mắn. Phong bao lì xì cho ngườ lớn như cha mẹ, ông bà thể hiện sự hiếu kính và lời chúc sức khỏe của con cháu. Đặc biệt, phong bao lì xì tượng trưng cho tài lộc, đầu năm người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc…


    Phong tục lì xì không những là một nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền dân tộc mà còn thể hiện những tình cảm đáng quý của con người Việt Nam. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của thời đại, phong tục lì xì vẫn còn nguyên vẹn mỗi dịp Tết đến xuân về. Một phong bao lì xì nhỏ lại chứa đựng nhiều ý nghĩa yêu thương, quả thực là phong tục đáng quý lâu đời của đất nước.

    Phong tục lì xì ngày Tết nguyên đán
    Phong tục lì xì ngày Tết nguyên đán
    Phong tục lì xì ngày Tết nguyên đán
    Phong tục lì xì ngày Tết nguyên đán

  2. Thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa của người Việt xưa và nay. Bàn thờ tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, không kể giàu nghèo hay địa vị xã hội. Phong tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là tục lập bàn thờ người thân đã chết ở nhà và cúng bái hàng ngày hoặc trong những dịp sóc vọng, giỗ, Tết... Nhiều người Việt Nam, ngoài tôn giáo của mình thường có thờ cúng cả tổ tiên.


    Đối với người Việt, Phong tục thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một thứ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà, nhưng không phải là một tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và không thể thiếu trong phong tục Việt Nam và là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.


    Phong tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ niềm tin cho rằng linh hồn của người đã khuất vẫn còn hiện hữu trong thế giới này và ảnh hưởng đến đời sống của con cháu. Người Việt cho rằng chết chưa phải là hết, tuy thể xác tiêu tang nhưng linh hồn bất diệt và thường ngự trên bàn thờ để gần gũi, giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ họ khi nguy khó, mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi, do đó cũng ảnh hưởng đến hành động và cách cư xử của những người còn sống trong gia đình, họ thường tránh làm những việc xấu vì sợ vong hồn cha mẹ buồn, đôi khi muốn quyết định việc gì đó cũng phải cân nhắc xem liệu khi còn sinh tiền thì cha mẹ có đồng ý như thế hay không. Họ cũng tin rằng dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng, với quan niệm thế giới vô hình và hữu hình luôn có sự quan hệ liên lạc với nhau và sự thờ cúng chính là môi trường trung gian để 2 thế giới này gặp gỡ. Ngoài ra, hình thức thờ cúng tổ tiên còn là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình, đồng thời cũng là nền tảng cơ sở cho quan hệ gia đình.


    Trước tiên bàn thờ là nơi tưởng nhớ, nó như một thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho Mặt Trời, Mặt Trăng, hương là tinh tú. Từ những đặc tính cơ bản này, người Việt đã hội dần vào bàn thờ nhiều hình tượng phụ mang tính thiêng liêng khác. Khi phát hiện ra lửa, người ta nhận thấy chỉ có khói bay lên và dần dần khói lửa đã đi vào hội lễ, từ đó nảy sinh nến và hương trong việc tín ngưỡng.Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ); ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có khi sám hối...) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh. Vì thế, đồ tế lễ chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả... Những ngày giỗ, Tết, con cháu muốn dâng cúng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính. Trong mỗi gia đình, bàn thờ cúng tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất và trở thành nơi con cháu “trò chuyện” trong những ngày tuần, ngày giỗ, ngày Tết, hoặc khi có việc trọng đại... Có thể nói, mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên. Việc hiện nay hầu hết các cặp cô dâu chú rể mới đều làm lễ vu quy hay nghinh hôn trước bàn thờ gia tiên cũng là một điểm rất độc đáo của văn hóa Việt Nam.


    Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11... mà tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10... Người ta quan niệm rằng, số lẻ là dương nên nó phù hợp hơn với tổ tiên (người dương thắp cho người âm). Loại hương thẳng gồm 2 phần: chân hương màu hồng đỏ, bụi hương thơm. Có một loại hương vòng bao gồm nhiều vòng hương, có buộc dây, được đặt trên que sắt trong bình hương. Khi thắp hương, người ta phải để hương sao cho thật thẳng, tránh để hương bị nghiêng, méo hay siêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt lửa, hương tàn xuống có thể gây cháy những đồ lễ vật trên bàn thờ hoặc gây hỏa hoạn.Khi thắp hương, nếu thắp 3 nén thì sau khi cắm nén thứ nhất (gọi là nén tâm), thì cắm nén thứ 2 bên tay trái (tức bên phải từ trong nhà nhìn ra), rồi cắm tiếp nén thứ 3 bên tay phải.


    Người Việt thường cúng Gia tiên vào ngày Sóc - Vọng (Sóc là ngày Mồng Một, Vọng là ngày Rằm hàng tháng), lễ Tết, giỗ hoặc bất kỳ lúc nào cần được gia tiên phù hộ như: sinh con, đẻ cái, kết hôn, làm nhà, lập nghiệp, có trục trặc về sức khỏe. Đây là cách để thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn. Đối với Việt Nam, quan hệ huyết thống khá phức tạp. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc. Và theo "quy định" huyết thống ấy, nhiều gia đình sẽ họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông Tổ chung. Vì vậy, ngoài ngày giỗ tổ tiên tại gia, người Việt còn có ngày giỗ họ. Trưởng tộc là người được hưởng hương hỏa của tổ tiên nên có trách nhiệm phải lo việc làm giỗ họ. Trong ngày giỗ họ, con cháu đều phải góp giỗ. Mỗi họ đều có một cuốn gia phả ghi chép họ tên, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tông và người trong họ theo thứ tự để mọi người cùng dòng họ "vấn tổ tầm tông. "Con cháu trong một họ lập Từ đường để thờ vị Thủy tổ. Trên bàn thờ ấy có bài vị Thủy tổ dòng họ. Xưa kia bài vị thường được ghi bằng Hán tự, ngày nay có nhiều người dùng chữ Quốc ngữ để đề bài vị.


    Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam chúng ta đã có từ rất lâu đời. Vì vậy chúng ta là những thế hệ trẻ rất cần thiết phải tìm hiểu về phong tục này để tiếp nối truyền thống, phong tục của cha ông.

    Phong tục thờ cúng tổ tiên
    Phong tục thờ cúng tổ tiên
    Phong tục thờ cúng tổ tiên
    Phong tục thờ cúng tổ tiên
  3. Không biết tự bao giờ trầu cau đã đi vào tâm thức người Việt Nam trở nên thật gần gũi. Nhắc tới trầu cau ta thường liên tưởng tới tục ăn trầu. Tục ăn trầu là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt. Thông qua việc nhai trầu, người ta sẽ thể hiện văn hóa giao tiếp cũng như tình nghĩa thủy chung son sắt. Vậy tục ăn trầu có từ bao giờ và trầu cau mang những ý nghĩa gì trong văn hoá người Việt Nam xưa và nay?


    Tục ăn trầu đã có từ thời vua Hùng (2879 - 258 trước Công Nguyên). Theo như cuốn sách “Lĩnh nam chích quái” được biên soạn vào khoảng năm 1370 - 1400 của Trần Thế Pháp thì nguồn gốc của tục nhai trầu câu bắt nguồn từ một câu chuyện như sau: Ngày xưa, có một chàng trai tên gọi Quang Lang. Chàng có tướng mạo cao lớn nên được nhà vua ban cho họ Cao. Chàng trai đó sinh được hai người con đặt tên là Tân và Lang. Hai anh em lớn lên theo học đạo sĩ họ Lưu. Lúc đó, nhà họ Lưu có người con gái đến tuổi lấy chồng nên đã gả cho người anh. Từ khi Tân có vợ, hai anh em nhà họ Cao không còn thân thiết như trước. Một hôm, người em vì quá buồn tủi nên đã bỏ đi. Giữa đường, người em gặp một con suối lớn không vượt qua được, chàng vừa đói, vừa mệt, vừa khát và cứ thế lả đi rồi chết. Sau khi mất, chàng hóa thành phiến đá vôi. Người anh vì mãi không thấy em trở về nên đã lên đường đi tìm. Khi chàng đến bờ suối vì quá thương nhớ em nên đã chết và hóa thành cây cau mọc bên cạnh tảng đá vôi - hiện thân của người em. Vợ người anh đi tìm chồng cũng chết bên bờ suối đó và hóa thành cây trầu leo vấn vít trên cây cau. Lại tiếp tục đến cha mẹ đi tìm con gái, con rể, đến bờ suối nghe dân trong vùng kể chuyện, cảm động liền lập đền thờ ba người. Một hôm nọ, vua Hùng đi tuần dừng chân bên bờ suối và nghe được câu chuyện của gia đình nọ. Nhà vua đã bảo cận thần hái một quả trên cây cau, ngắt một lá trầu rồi nhai thử cùng ít vôi từ tảng đá. Vua nhai ba thứ đó thì thấy người nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi sắc mặt hồng hào. Lúc ấy, ông đã thốt lên rằng “Thật là linh dị! Đúng là họ rồi! Tình yêu thương của họ thật là nồng nàn thắm đỏ”. Vua bèn sai người lấy ba thứ ấy về rồi dạy dân lấy lửa nung đá cho xốp rồi lấy trái cây, lá dây leo, cuộn chung lại mà ăn. Vua cũng ban chiếu chỉ rằng những lễ cưới, tiệc lớn nhỏ đều phải lấy những món này ra làm vật phẩm trước để tượng trưng cho tình nghĩa anh em, vợ chồng. Kể từ đó, phong tục nhai trầu của người Việt ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.


    Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện của phong cách vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo.Trước tiên, miếng trầu thắm têm vôi nồng, vỏ chay, cùng cau bổ tám bổ tư luôn là sự bắt đầu, khơi mở tình cảm, bởi thế có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu đã làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên gần gũi cởi mở với nhau hơn. Với các nam nữ thanh niên xưa thì trầu cau còn là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng hội nước. Mượn câu hát mời trầu để bày tỏ lòng mình. Bên cạnh “vôi nồng”, “miếng trầu cánh phượng”, “cau bổ bốn bổ ba” là những “trầu giải yếm giải khăn”, “trầu nhân trầu ngãi” để rồi “trầu mình lấy ta”.trầu cau là thứ sính lễ không thể thiếu trong mỗi đám hỏi ở Việt Nam “trầu vàng nhá lẫn cau xanh, Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”.


    Không những xuất hiện trong cưới hỏi, trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, xuân đến, tết về, trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng. Thơ Nguyễn Khuyến có câu: “kiếm một cơi trầu sang biếu cụ, xin đôi câu đối để mừng ông”. Hơn thế trầu cau còn là đồ cúng giỗ, dân gian có câu “sửa cơi trầu đĩa hoa dâng cụ” để tưởng nhớ tổ tiên, ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của các bậc tiền nhân. Như thế đủ để biết trầu cau gắn liền với đời sống người dân như thế nào.


    Trầu cau dùng tiếp khách hàng ngày như bát chè xanh,như điếu thuốc lào. Đồng thời ăn trầu còn gắn liền với phong tục nhuộm răng đen,một thời là vẻ đẹp hồn hậu chất phác mang đậm vẻ Á Đông của người phụ nữ nơi các làng quê Viêt Nam. Tục ăn trầu không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn có ở rất nhiều nước như: Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Đài Loan… Đặc biệt sớm nhất ở Ấn Độ.


    Ngày nay, những người ăn trầu dần ít đi, đa phần chỉ còn các cụ già ở nông thôn là còn giữ phong tục này. Nếu về miền quê Việt Nam, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già móm mém vừa ngồi nhai trầu, vừa kể chuyện cho con cháu nghe một cách rất bình dị. Như vậy, mặc dù trải qua thời gian khá dài nhưng tục ăn trầu ở Việt Nam nói riêng và ở các nước nói chung vẫn được duy trì. Chúng ta tin rằng trong tương lai tục ăn trầu vẫn tồn tại và mãi là nét văn hoá đẹp.

    Tục ăn trầu của người Việt
    Tục ăn trầu của người Việt
    Tục ăn trầu của người Việt
    Tục ăn trầu của người Việt
  4. Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.


    Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”, vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua sẽ được nhà vua nhường ngôi. Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Người con trai thứ 18 tên là Lang Liêu là người nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang nhưng tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ. Không thể tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, chàng đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để làm ra hai loại bánh chưng và bánh dầy tượng trưng cho trời và đất làm lễ vật dâng vua. Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng và vua Hùng đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó, bánh chưng, bánh giầy trở thành lễ vật linh thiêng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông cha, là món ăn không thể thiếu của người dân Việt Nam những ngày Tết.


    Những chiếc bánh chưng xanh hình vuông rất độc đáo, sáng tạo mang đậm bản sắc dân tộc còn nhờ vào nguyên liệu, cách gói và cách nấu. Nguyên liệu chính là lúa gạo, đây thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước nhiệt đới, với khí hậu nhiệt đới, quanh năm nóng ẩm, nên những chiếc bánh hình vuông có màu xanh được chế biến với nhiều hình thức khác nhau nhưng vẫn mang tính truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Phần nhân của bánh được làm từ thịt lợn mềm thơm được ướp gia vị đậm đà, nhân đậu xanh vừa ngon lành vừa bổ dưỡng. Và công đoạn gói bánh chưng cũng rất cầu kỳ, lá gói bánh phải là lá dong và cách gói phải thật kín, thật đẹp sao cho nước không thể vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chật, chắc, không gói lỏng tay, cũng không chắc quá, bánh cũng không ngon. Xem chi tết: Cách gói bánh chưng ngon, đẹp cho ngày Tết.


    Điều độc đáo hơn nữa là khoảng thời gian nấu bánh, không giống như những loại bánh khác, thời gian nấu bánh kéo dài khoảng 10 tiếng đồng hồ. Đây là lúc mọi người sum hợp cùng nhau quây quần ngồi trông nồi bánh bên bếp lửa hồng trong không khí lạnh của những đêm giáp tết, những em nhỏ hay nghịch thường hay lấy những củ khoai vùi sâu vào trong bếp than hồng rực cũng là những kỷ niệm không thể quên được trong lòng mọi người.


    Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm được dâng lên cúng ông bà tổ tiên vào ngày mùng 3 tết. Mâm cơm mang ra mời khách đều có sắc màu xanh mướt của bánh chưng, mỗi gia chủ đều muốn mời khách thử bánh chưng nhà mình , đó được coi như một điều may mắn với gia chủ và như một lời chúc “ăn nên làm ra”. Khi ăn bánh chưng người ta thường dùng với các loại mật hay nước mắm ngon, cũng có thể dùng kèm với dưa hành muối, củ cải dầm, dưa món,…


    Vào những ngày sau Tết, bánh Chưng còn lại được đem đi rán cũng rất ngon và trở thành món ăn ưa thích của nhiều người, đặc biệt là những em nhỏ. Khi ăn có cảm giác “trong dai, ngoài giòn” hòa quyện cùng mùi thơm đặc trưng của bánh chưng rán là một cảm giác rất dễ “gây nghiện” với nhiều người. Và họ tìm đến bánh Chưng rán ngon vào mỗi buổi sáng như một món ăn quen thuộc chứ không riêng gì dịp Tết.


    Ngày tết, ăn một miếng bánh chưng sau khi cúng lễ tổ tiên, ông bà, dư vị thời gian, không gian của lịch sử như cùng quy tụ trong màu xanh của bánh, mùi thơm thảo của hạt nếp tiền nhân để cùng suy ngẫm về ý nghĩa triết học và giá trị nhân văn của các truyền thuyết, các sự tích về bánh chưng của người Việt. Đó cũng là một cách di dưỡng tinh thần, làm giàu thêm bản sắc văn hoá tâm linh và văn hoá ẩm thực Việt Nam.

    Phong tục gói bánh chưng vào nhưng dịp Tết đến xuân về.
    Phong tục gói bánh chưng vào nhưng dịp Tết đến xuân về.
    Phong tục gói bánh chưng vào nhưng dịp Tết đến xuân về.
    Phong tục gói bánh chưng vào nhưng dịp Tết đến xuân về.
  5. Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay ông Trời), nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công ông Táo (Táo quân).


    Theo tín ngưỡng cổ truyền, đây là ngày Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực. Phương tiện để Táo Quân lên trời là cá chép vàng. Tết ông Công ông Táo làm to nhỏ, chay mặn tùy khả năng mỗi gia đình, nhưng dứt khoát phải có bộ mã Táo Quân mới. Sau khi cúng Táo Quân, người ta hóa mã, đồng thời hóa cả bộ mã năm trước.


    Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp được coi là mang tính cách chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Người ta chuẩn bị chu đáo cho chiều 30 là thời điểm đón ông Công ông Táo trở về trần gian làm nhiệm vụ năm mới. Ban thờ Thổ Công thường bày biện khá đơn giản gồm bộ 3 chiếc mũ. Chiếc mũ ở giữa là mũ đàn bà, hai bên là mũ đàn ông. Bộ mũ (dù ba chiếc hay một chiếc) đều kèm theo chiếc áo và đôi hia đính vào bệ giấy hoặc khi cúng được kê trên bệ là vài trăm thoi vàng mã. Những đồ "vàng mã" này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!. Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng). Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.


    Cúng ông Táo phải đặt trong bếp, khi cúng phải bật bếp lên cho cháy rực, mâm cỗ đề huề, cả nhà quanh năm no ấm. Có người thì vừa đặt một mâm cúng trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa PGS.TS Trần Lâm Biền, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo phải được đặt ở một nơi riêng, có thể đặt trong nhà, dưới bếp, ngoài vỉa hè, tùy từng gia đình nhưng không được cúng trên bàn thờ chính, cúng giờ nào cũng được, từ ngày 22 đến 24 tháng Chạp, theo tục lệ của từng địa phương, quan trọng nhất là tấm lòng thành của gia chủ.


    Cuối năm cũng là thời điểm có nhiều lễ cúng quan trọng để chuẩn bị đón Tết nguyên đán như cúng tất niên, cúng giao thừa. Đây đều là các nghi lễ quan trọng trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt nên các bạn nhớ chuẩn bị sao cho thành kính. Ngày nay việc cúng Táo quân vô cùng phổ biến, điều này chứng tỏ người dân Việt Nam luôn lưu giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp từ bao đời nay.

    Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp
    Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp
    Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp
    Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp
  6. Trải qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, với bề dày và sự phát triển của lịch sử Việt Nam ta đã hình thành và gìn giữ được nhiều những phong tục truyền thống tốt đẹp. Đó là điểm nhấn, nét đặc trưng tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong số phong tục truyền thống của người Việt được lưu giữ qua nhiều đời, đó là phong tục cưới hỏi. Dù rằng ngày nay việc cưới xin cũng đã được đơn giản hóa để giảm bớt chi phí, sự rườm rà trong lễ nghi, nhưng trên hết nó vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống cốt lõi, thể hiện sự thiêng liêng trong mối quan hệ vợ chồng chính thức.


    Có thể nói rằng, sau hơn nghìn năm Bắc thuộc nghi lễ cưới hỏi của người Việt cũng có phần bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên đó là một quá trình chọn lọc, học hỏi và du nhập những giá trị văn hóa tốt đẹp của nước bạn, đồng thời bằng sự linh hoạt, sáng tạo, người Việt đã tự tạo nên cho mình một tục truyền thống đặc sắc. Lễ cưới xưa bao gồm 6 lễ chính: Nạp thái tức là việc nhà trai mang sang nhà gái một cặp nhạn để tỏ thành ý đã nhắm đến cô gái của nhà này, tiếp theo là lễ vấn danh, nhà trai sẽ mời bà mối đến nhà gái xin họ tên, ngày giờ bát tự sinh của cô gái để nhờ người xem coi có hợp tuổi với chàng trai hay không. Sau khi so sánh bát tự của cặp đôi, nếu thấy hợp nhà trai sẽ làm lễ nạp cát, ý báo cho nhà gái về việc cặp đôi hợp quẻ với nhau có thể tiến hành tiếp việc cưới xin. Không kém phần quan trọng ấy là lễ nạp tệ còn gọi là nạp trưng, chỉ việc nhà trai mang đồ sính lễ đến nhà gái, để khẳng định chắc chắn về cuộc hôn nhân, bằng chứng đã hứa hôn với cô gái của nhà này. Tiếp theo nhà trai sẽ làm tiếp lễ thỉnh kỳ, tức là lễ chọn ngày lành tháng tốt để rước dâu. Cuối cùng quan trọng nhất là lễ nghinh thân, nhà trai tiến hành mang lễ đến rước cô dâu về nhà chồng làm lễ gia tiên, hoàn thành lễ cưới trong ngày giờ tốt đã định sẵn.


    Những nghi lễ kể trên là những công việc buộc phải làm trong một lễ cưới truyền thống của người Việt xưa, tuy nhiên ngày nay để giảm bớt sự rắc rối và chi phí cho hai bên gia đình, cũng như áp lực cho đôi tân nhân, hôn lễ đã được thu gọn và tinh giản khá nhiều. Các lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát, thỉnh kỳ thường được lược bớt, chỉ tiến hành nội bộ giữa hai gia đình trong một vài buổi gặp mặt và không tổ chức nghi lễ lớn, đồng thời tên gọi của các lễ này cũng được thay đổi cho phù hợp với phong tục Việt Nam. Để tiến hành một cuộc hôn nhân có sự thuận ý của cả hai bên gia đình, đầu tiên người ta sẽ làm lễ Dạm ngõ, nhà trai mang trầu cau, rượu chè sang nhà gái thưa chuyện, hỏi xin cô gái về làm vợ cho con trai mình. Sau đó nếu có điều kiện thì nhà trai tổ chức cả lễ Ăn hỏi (còn gọi là Vấn danh hay lễ Đính hôn) để báo cho mọi người cùng biết việc vui, cũng như việc cô gái đã có nơi có chốn và chỉ định ngày lành tháng tốt để nên duyên về nhà chồng.


    Thường lễ ăn hỏi sẽ được tổ chức theo kiểu thân mật giữa hai gia đình, là buổi giao lưu hai họ, để cùng bàn bạc chuẩn bị cho lễ cưới sắp tới. Đặc biệt là phần lễ và phần tiệc đều được tổ chức tại nhà gái. Trang phục đính hôn của cô dâu thường là áo dài được thiết kế tinh xảo với chất liệu ren, lụa và tông màu trắng hoặc đỏ, biểu thị không khí tươi vui, hạnh phúc và may mắn, chú rể thì mặc vest lịch lãm, trang trọng, thể hiện sự trưởng thành, sẵn sàng che chở chăm sóc cho người vợ tương lai.


    Trong buổi tiệc đính hôn nhà trai có trách nhiệm chuẩn bị sính lễ để mang tới nhà gái, bao gồm trầu cau, rượu ngon, trà, bánh hỏi, bánh phu thê hoặc bánh cốm, hoa quả tươi, bánh kẹo và mứt sen,... được đựng theo thứ tự trong các tráp phủ vải thêu rồng phượng màu đỏ. Đến giờ lành, nhà trai bưng lễ sang nhà gái, nhà gái sẽ cử người ra đón và hai bên trao nhận lễ, sau khi được sự đồng ý của gia đình nhà gái chú rể sẽ đón cô dâu ra chào hỏi hai bên gia đình, sau đó cả hai cùng thắp hương cúng bái gia tiên bên nhà gái, và tiến hành trao nhẫn đính hôn, thể hiện việc cả hai gắn kết và chính thức trở thành người cùng một nhà, là đôi tân nhân mới. Tiếp theo hai họ sẽ cùng nhau ngồi lại bàn bạc về ngày giờ tổ chức lễ cưới, trình tự rước dâu, cũng như các thủ tục cần làm, trong khoảng thời gian đó cô dâu sẽ cùng chú rể đi mời nước hai họ để chảo hỏi, chụp ảnh lưu niệm và kết thúc bằng việc trả lễ cho nhà trai.


    Sau lễ Ăn hỏi, là lễ cưới, ngày cưới cô dâu sẽ thức dậy thật sớm, trang điểm kỹ càng, mặc vào bộ váy cưới xinh đẹp nhất, đợi chú rể đến đón. Trong ngày này, trang phục của cô dâu và chú rể cũng khá tương tự với ngày đính hôn, nếu có khác biệt thì chắc là, trên tay cô dâu cầm thêm một bó hoa và váy cưới ở đây sẽ có phần lộng lẫy hơn ngày lễ ăn hỏi. Cô dâu có thể chọn giữa váy cưới kiểu châu u hoặc áo dài truyền thống còn chú rể thì vẫn trung thành với bộ vest lịch lãm, sang trọng, các màu được ưa chuộng thường là đen, xám hoặc trắng. Trước giờ đón dâu, bên họ nhà trai sẽ cử người đại diện mang theo rượu và trầu cau đến xin dâu, báo trước cho bên nhà gái về việc đoàn đón dâu sắp đến nơi để chuẩn bị nghênh đón.


    Trong lễ đón dâu nhà trai sẽ đi thành một đoàn hai hàng, đi đầu là các bậc trưởng bối, người có tiếng nói trong họ, sau đó là chú rể, sau cùng là người bưng theo sính lễ. Khi đến nhà gái, người đại diện nhà trai sẽ vào thắp hương trước bàn thờ gia tiên để báo về việc nhà trai đến rước dâu, sau đó lần lượt cô dâu và chú rể tiến lên thắp hương, khấn vái gia tiên xin cho được thành vợ chồng trước sự chứng kiến của hai họ. Tiếp đến hai vợ chồng sẽ bưng trầu cau ra mời họ hàng hai bên, đồng thời bố mẹ cô dâu, chú rể và người thân cũng lần lượt lên tặng quà cho cô dâu, chú rể, người Việt chủ yếu là cho kiềng, nhẫn, lắc bằng vàng, mục đích là cho của để dành, tạo nền tảng cho cặp đôi mới cưới được vững vàng, yên tâm xây dựng cuộc sống mới. Sau tất cả các nghi thức, nghi lễ, nhà trai sẽ xin rước dâu về, bên họ nhà gái sẽ chọn sẵn một số những cô gái trẻ làm phù dâu, theo cô dâu về nhà chồng, để tạo nhiều may mắn cho cuộc sống mới của con gái. Sau lễ rước dâu sẽ là tiệc cưới, tiệc được tổ chức ra trước là để báo hỷ, thông báo với bà con làng xóm về việc thành hôn của cô dâu, chú rể, đồng thời đây cũng là dịp để gia chủ thể hiện tính gắn kết với cộng đồng, niềm vui khi con cái nên vợ thành chồng, khẳng định sự thành công hoàn thành tốt một việc trọng đại trong đời của bậc làm cha mẹ, cũng như là của đôi vợ chồng mới cưới. Trong lễ cưới, trước khi khai tiệc, cha mẹ của cô dâu và chú rể sẽ lên phát biểu đôi lời cảm ơn, gửi gắm hai con, cô dâu chú rể trao nhẫn cưới cho nhau khẳng định mối quan hệ vợ chồng. Cuối cùng là phần cô dâu, chú rể cùng nhau đi mời rượu quan khách đến dự tiệc. Sau lễ cưới, ở một số nơi người ta còn có tục lại mặt, thường là sau 2 hoặc 4 ngày cô dâu về nhà chồng, thì đôi vợ chồng sẽ cùng trở về nhà ngoại, mang theo lễ vật để cúng gia tiên nhà vợ, đồng thời nhà ngoại cũng làm bữa cơm để chào đón đôi vợ chồng sau tân hôn.


    Có thể nói rằng phong tục cưới xin từ truyền thống đến hiện đại của dân tộc Việt Nam ta đều có những nét đặc trưng hiếm có, giữ gìn và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp trong nền văn hóa của dân tộc. Đồng thời nó cũng thể hiện được sự thiêng liêng, gắn bó trong mối quan hệ vợ chồng, khi mà một đám cưới phải trải qua sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo từ hai bên gia đình, trải qua nhiều nghi lễ, cô dâu và chú rể mới chính thức về chung một nhà, xây dựng một tổ ấm mới trong sự chúc phúc và chứng kiến của mọi người. Ngày nay xã hội khuyến khích việc tổ chức lễ cưới một cách đơn giản, tinh gọn, tránh lãng phí, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta bỏ quên những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần linh động, sáng tạo sao cho vừa giữa được nét đẹp truyền thống vừa bắt kịp xu hướng thời đại.

    Phong tục cưới hỏi
    Phong tục cưới hỏi
    Phong tục cưới hỏi
    Phong tục cưới hỏi
  7. Trải bao năm tháng,từ đời này truyền qua đời khác, cứ mỗi khi đông tàn, tiết xuân lại đến thì toàn thể dân tộc Việt và cả một số dân tộc khác ở phương Đông Châu Á lại nhộn nhịp chuẩn bị Tết. Một trong những phong tục cổ xưa nhất của người Việt làm trong những ngày Lễ Tết nguyên đán chính là trồng cây nêu.


    Dù là người thành thị hay nông thôn, mỗi khi nghe câu ca dao đều thấy lòng mình xốn xang rộn rã. Hình ảnh cây nêu được dựng trước cửa ngôi nhà mái tranh luôn gợi cho ta cảnh đón xuân ấm cúng và gia đình xum họp.Ngày nay, người Việt Nam đã bỏ thói quen dựng nêu ngày Tết. Nhưng xưa kia, mỗi lần năm mới đến là phải cắm nêu: Cao nêu, kêu pháo, bánh chưng xanh là những biểu tượng đón xuân không thể thiếu được. Nhưng nêu là thế nào? Vì sao phải dựng nêu? Câu chuyện thực ra cũng không đơn giản.


    Trước tiên hãy nói đến cây nêu. Nêu là một cái cây cao, vào dịp năm mới, phải đem ra cắm ở trước sân (hoặc trước cổng, hoặc giữa vườn dóng với cổng chính của nhà). Tết đến, mọi nhà thường dựng nêu vào ngày 30 tháng chạp (nếu tháng chạp thiếu thì 29) Thường thì miền Bắc dựng nêu vào buổi trưa, miền Trung buổi chiều, còn miền Nam thì chạng vạng tối. Tết Nguyên Đán kết thúc chính thức bằng lể Khai Hạ, đồng thời cũng làm lể Hạ Nêu. Lể Khai Hạ được cử hành vào ngày mùng 7 tết. Cây nêu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có đặc điểm khá đa dạng tùy thuộc địa phương, phong tục, dân tộc,…

    Nêu của người Việt là một cây tre, cao hơn nóc nhà, từ gốc đến ngọn phải róc cành cho trơn tru. Cây tre càng thẳng càng quý. Trên ngọn cây, treo một cái giỏ trong có sẵn trầu cau, vàng mã... gắn quanh cái giỏ ấy có thêm một chùm lá dứa, những cái đèn xếp và những tua giấy mầu đỏ, mầu vàng. Cây nêu hiên ngang, cao vút, chiếm lĩnh không gian của cả nhà, cả vườn, gây ấn tượng huy hoàng và cao đẹp.

    Nêu của người Mường cũng là cây tre, nhỏ hơn, có nhiều lá hơn cây nêu Việt một chút. Ngọn nêu buộc một que ngang, treo hai chuỗi vòng, người ta gọi là hoa nêu. Các vòng này đều là vòng tre tiện mỏng, nhiều ít tùy tiện. Người ta gọi đó là chuỗi "của", tượng trưng cho của cải sung túc của gia đình.

    Nêu của người Co (Tây Nguyên) thường cắm trong các đám lễ hội Đâm trâu. Cây nêu phải là một đoạn của cây trò, nối với một đoạn của cây lồ ô. Ngọn nêu treo một lá phướn. Trên lá phướn lại là hình một con chim (đan bằng tre). Con chim ấy phải là chim chèo bẻo, tượng trưng cho sự hùng mạnh.

    Nêu của người Hoa, chịu ảnh hưởng của lý thuyết đạo giáo nhiều hơn. Nêu được gọi là cây phù đào (phù có nghĩa là bùa). Chuyện kể là cung của bà Tây Vương Mẫu có trồng cây đào. Thần ngự ở cây này chuyên bắt các loại quỷ dữ. Có cây phù đào, là có thần trấn giữ, quỷ không dám đến. Vì vậy, mà nhà người Hoa không có điều kiện trồng nêu, người ta có thể bẻ cành đào treo trước cửa.

    Có thể kể thêm tập tục nhiều dân tộc nữa. Nhưng có thể thấy một khuynh hướng tâm linh chung: trừ tà, ma và cầu mong một năm mới đến với nhiều điều tốt đẹp, an lành và hạnh phúc cho gia chủ.

    Không biết trên thế giới có nhiều chuyện kể về cây nêu không, chứ câu chuyện của VN thì quả là đặc sắc. Ngược dòng thời gian, ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước và con người chỉ làm thuê, phải nộp hoa màu cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay. Người quá khổ cực nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Sau vài lần Người (được Phật chỉ dẫn) đánh lừa Quỷ khi trồng khoai, lúa, ngô để lấy phần thu hoạch về mình, Quỷ đòi lại đất, không cho Người làm thuê nữa. Phật bàn với Người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông. Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột... và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho. Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ. Thế nên mới có câu ca dao:

    "Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)
    Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.
    Quỷ vào thì Quỷ lại ra.
    Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm. "

    Như vậy, trong truyền thuyết, cổ tích dân gian Việt Nam đã lý giải tại sao ngày tết phải cắm nêu, phải treo cành trúc trước nhà và sự lý giải đó không đi ngoài triết thuyết Phật giáo và Lão giáo. Cây nêu trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người. Cây nêu biều tượng cây vủ trụ, vòng tròn biểu tượng cho mặt trời. Cây vủ trụ là nơi đậu của chim thần và mặt trời. Mùa xuân khí dương thịnh, mặt trời lóe sáng, tỏa nắng xuân ấm áp đem sự sống cho muôn loài. Ngày tết thần linh về trời, tất nhiên con người cần có những "bảo bối" của thần nhằm đề phòng cảnh giác, chống lại sự xâm nhập của ác quỷ lúc con người vui chơi. Đặc biệt , trong những ngày tết cổ truyền, vào buổi tối trên cây nêu có nơi còn treo một đèn lồng nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn tết với con cháu. Trong đêm trừ tịch cũng như ngày mồng một Tết người dân còn treo bánh pháo tại cây nêu đốt đón mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Những vật treo đều tượng trưng về sự bảo vệ và hạnh phúc con người. Lá khóm để dọa ma quỷ vì có gai, tiền mã là cầu tài, lông gà biểu tượng chim thần, cành đa biểu tượng điềm lành và trường thọ, vỏ ốc biểu tượng cho sư sinh nở “con đàn cháu lũ”.

    Gắn liền với một sự tích kì lạ, với những ý nghĩa sâu xa trong sự thể hiện đa dạng, phong phú mà đậm tính dân tộc và nhân văn, cây nêu được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của Tết Nguyên đán Việt Nam.

    Hiện nay, cây nêu ngày tết vẩn còn tồn tại mọi vùng quê, tuy nhiên ở thành thị dường như dần dần biến mất, chỉ còn lại trong ký ức.

    Phong tục trồng cây nêu ngày Tết
    Phong tục trồng cây nêu ngày Tết
    Phong tục trồng cây nêu ngày Tết
    Phong tục trồng cây nêu ngày Tết




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy