Người tự cho mình là "nạn nhân"
Đây là kiểu người khó nhận ra vì ban đầu bạn hoàn toàn thông cảm với những vấn đề của họ. Nhưng thời gian trôi qua, bạn sẽ nhận ra lúc nào họ cũng "cần thời gian để chia sẻ" nỗi niềm. Kiểu người "nạn nhân" thường chối bỏ những trách nhiệm, không thấy khó khăn là một cơ hội để học hành và trưởng thành. Cả đàn ông lẫn phụ nữ, từ mọi địa vị và hoàn cảnh xã hội dường như đều có cách riêng để làm nổi bật hình ảnh “nạn nhân tội nghiệp” của mình; họ cho rằng hầu hết (nếu không phải tất cả) những gì chưa được như ý trong cuộc đời mình là do ai đó hoặc thế lực nào đó gây ra. Họ cho rằng có quá nhiều yếu tố bên ngoài, không kiểm soát được tạo nên sự bất công, thiếu may mắn, sai lầm trong cuộc đời mình; rằng phần nào số phận của họ đã được sắp đặt, dù có cố gắng đến mấy cũng không thể nào vươn lên được bằng người nọ, người kia. Họ liên tục đổ lỗi, buộc tội và tỏ ra thương hại do cảm giác bi quan, sợ hãi và tức giận.
Chúng ta có thể phải đối mặt với kiểu người này mỗi ngày, cảm thấy thương cảm cho họ và muốn giúp đỡ, và thậm chí không nhận ra rằng họ có thể lợi dụng sự đồng cảm của chúng ta vì mục đích của họ. Họ luôn cố gắng “kêu gào” điều này với phần còn lại của thế giới. Nhưng sự thật là, xã hội ngoài kia thực sự vô cảm, và để đối phó với điều này, nạn nhân liên tục cảm thấy tiếc cho bản thân và cố gắng thuyết phục người khác cảm thấy điều tương tự. Càng nhiều người đồng cảm với chiêu trò của họ, càng có nhiều nạn nhân bị mắc kẹt trong vai diễn này. Họ thích tỏ ra bất lực khơi gợi lòng trắc ẩn của bạn và có được sự cảm thông cũng như sự giúp đỡ của bạn. Họ cũng có thể khiến bạn cảm thấy có lỗi vì những điều bạn từng làm với họ. Cuối cùng, họ cố gắng ‘diễn’ tròn vai chỉ để thu hút ngày càng nhiều sự chú ý và khiến mọi người lắng nghe họ... Bạn không nên kết giao với những người này.