Núi Seoraksan
Núi Seoraksan là ngọn núi cao nhất trong dãy núi Taebaek và là biểu tượng của Triều Tiên. Ngọn núi có chiều cao 1708m Nằm trên địa phận tỉnh Sokcho, Yangyang và Inje của tỉnh Gangwon-do, núi Seorak là ngọn núi cao thứ 3 ở Hàn Quốc, nổi tiếng với những tán lá mùa thu đổi màu. Hằng năm, cứ từ khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, rất nhiều du khách trên khắp thế giới về đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy mê hoặc của những rặng núi đá, thung lũng, thác nước của Công viên Quốc gia Seoraksan, và hơn cả là chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của thiên nhiên, khi cả đất trời được vẽ lên bởi những gam màu tươi sáng của vàng, đỏ, xanh, trắng, da cam. Nếu ưa thích các hoạt động vận động ngoài trời, bạn có thể lên kế hoạch cho mình chinh phục đỉnh núi Seoraksan bằng một buổi leo núi.
Có rất nhiều cung đường lên tới đỉnh núi và thời gian cho mỗi cung đường có thể sẽ khác nhau từ 1 đến 2 tiếng, 8 tiếng hoặc lên tới 2 ngày 1 đêm. Tuy nhiên, có 3 cung đường chính để bạn thưởng thức mùa thu trọn vẹn nhất đó là khu vực đền Sinheungsa, khu vực thung lũng Cheonbuldong đi qua Biseondae và khu vực Jujeongol bắt đầu từ suối nước khoáng Osaek. Còn nếu bạn thích các hoạt động nhẹ nhàng hơn thì có một cách khác rất dễ dàng để khám phá ngọn núi Seoraksan là sử dụng hệ thống cáp treo hiện đại, du khách chỉ mất khoảng 5 phút để lên tới được lưng chừng núi, tại đây bạn đã có thể ngắm nhìn toàn bộ bức tranh mùa thu tuyệt đẹp. Các khoáng thạch với vẻ đẹp tự nhiên ẩn chứa từ ngàn năm xưa cũng thu hút sự chú ý của du khách. Còn có các suối nước nóng như Chuksan, Ohsek… mà du khách sau một ngày tham quan thấm mệt tìm đến để ngâm mình thư giãn, nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe. Bên cạnh đó, du khách chắc chắn sẽ ấn tượng khi tới thăm ngôi nhà gỗ lâu đời nhất Hàn Quốc - Ojukheon House, là nơi sinh của học giả nổi tiếng Yul-gok, một điều thú vị là bạn có thể nhìn thấy ngôi nhà này và học giả Yul-gok trên mặt của tờ tiền mệnh giá 5.000 won. Và đừng bỏ lỡ cơ hội thăm quan khu Alpensia Ski Jump, bối cảnh cho bộ phim Hàn Quốc rất nổi tiếng Bản tình ca mùa đông.