Phân tích hình ảnh người nông dân trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" bài 12

Độc lập, tự do, hạnh phúc là những nhu cầu thiết yếu của mỗi một quốc gia nói riêng và toàn thế giới nói chung. Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, mồ hôi, xương máu của bao anh hùng đã đổ xuống để có một đất nước yên bình như hiện nay. Công lao của các chiến sĩ luôn được ghi nhớ qua các tượng đài, các ngày tưởng niệm, hơn thế nữa còn được ghi vào sổ sách để ca ngợi chiến công của các anh. Nguyễn Đình Chiểu chính là một trong những nhà văn đã dùng tài năng và tâm huyết của mình để nói lên công lao của những người chiến sĩ. Bài văn tế “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của ông được viết vào những ngày tháng đầu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp để nhớ ơn công lao của các chiến sĩ nông dân. Qua tác phẩm, ta có thể thấy được hình tượng những người chiến sĩ ấy bi hùng như thế nào. Tiếng súng giặc vang lên, những người nông dân chiến sĩ đều đứng lên bảo vệ Tổ quốc:


“Hỡi ôi!

Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ…”


Mở đầu bài văn tế, tác giả cũng phải thốt lên “hỡi ôi!” - một câu cảm thán, nó là một sự căm thù với giặc và cũng là một lòng cảm thán đối với dân. Ở đây, tác giả đã sử dụng nghệ thuật đối để làm nổi bật lên ý chí của những người nông dân. “Súng giặc”, “lòng dân” hai thứ mâu thuẫn với nhau, nó mở ra một trận chiến bão táp, sự đối lập giữa thế lực xâm lăng và tấm lòng trung thành bảo vệ Tổ quốc. “Mười năm công vỡ ruộng” với “một trận nghĩa đánh Tây” càng khẳng định tinh thần của những người chiến sĩ ấy quyết tâm chiến đấu bảo vệ mảnh đất quê hương. Những tưởng những người chiến sĩ ấy là những quân sĩ tinh nhuệ của triều đình, nhưng không, họ đều là những người nông dân áo vải có cuộc sống bình dị:


“Nhớ linh xưa;

Cui cút làm ăn; lo toan nghèo khó..”


Những người nông dân áo vải với công việc lao động thường ngày, làm lụng vất vả, chịu thương chịu khó để kiếm miếng cơm manh áo. Họ là những con người sống gắn bó với từng tấc đất ruộng đồng, với xóm làng, họ không phải là những binh lính chuyên nghiệp. Trước khi cầm vũ khí lên đánh giặc, họ nào biết đến chiến trận, tâm hồn giản dị với mọi vật xung quanh mình “chỉ biết ruộng trâu trong làng bộ”, chân tay quen với việc cày việc cuốc. Họ là những người nông dân chất phác, đâu biết tới những vũ khí dành cho chiến tranh, đâu biết cưỡi ngựa, trường nhung, đâu biết khiên, súng, mác… Ấy vậy, khi thực dân Pháp xâm lược, họ đã hóa thân nhanh chóng thành những người lính can trường, đứng lên bảo vệ đất nước.


Nghe tin giặc, người dân căm phẫn nhưng trông chờ đâu được tin gì ở triều đình. Họ đã tự giác ra chiến trận để đánh đuổi bọn giặc ngoại xâm. Nguyễn Đình Chiểu đã vận dụng một cách khéo léo những từ ngữ miêu tả rất sinh động và chân thực gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân. Hoàn cảnh chiến đấu ấy, diễn ra thật đối lập. Những người nghĩa sĩ ấy chỉ được trang bị những dụng cụ thô sơ, thiếu thốn “manh áo vải, ngọn tầm vông, dao phay, con cúi..”. Nhưng thứ vũ khí thô sơ ấy không ngăn cản được tinh thần của họ. Bọn giặc đã khiến cho những người nông dân hiền lành ấy muốn “ăn gan”, “cắn cổ” bọn cướp nước. Hình tượng những người binh sĩ ấy càng được tô đậm hơn khi dám đối đầu với vũ khí lợi hại, tối tân của giặc “tàu thiếc, tàu đồng, đạn to, đạn nhỏ….”. Nguyễn Đình Chiểu đã dùng rất nhiều ngôn ngữ góc cạnh kết hợp với động từ mạnh như “đâm ngang, chém ngược, xô, đẩy…” để miêu tả tinh thần chiến đấu của họ. Họ chiến đấu dũng cảm, anh dũng hy sinh với khí thế hừng hực “khí thế tấn công như vũ bão, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”. Nghĩa quân ấy đã xả thân vì nghĩa lớn của dân tộc, vì một tương lai của đất nước.


Những người chiến sĩ ấy đã vì dân tộc mà hy sinh, để lại nỗi đau cho người thân, mẹ già, con thơ. Nguyễn Đình Chiểu cũng như người thân, nhân dân đau đớn trước sự hy sinh. Tiếng khóc của họ bi mà không lụy vì nó tiếp tục ca ngợi công lao của nghĩa sĩ, đồng thời nó thúc giục thế hệ sau tiếp tục sự nghiệp của các anh. Đồ Chiểu đã rất thành công trong nghệ thuật khắc họa nhân vật. Dưới ngòi bút của ông, hình ảnh những người nghĩa sĩ hiện lên thật oai phong, lẫm liệt. Giọng văn đều mang âm hưởng bi thương, nhưng lại vô cùng hào hùng để ca ngợi vẻ đẹp của người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc.


“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” một tác phẩm đặc sắc đã ca ngợi công lao của những người chiến sĩ, nó sẽ mãi là một bài văn chương sống mãi với thời gian. Những nghĩa sĩ Cần Giuộc anh dũng, quả cảm sẽ mãi là một hình tượng đẹp, một tấm gương lớn cho người đời noi theo.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy