Phân tích hình ảnh người nông dân trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" bài 9

Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là một trong những tấm gương sáng về tình yêu nước, thương dân cũng như ý chí trước kẻ thù. Điều đó được thể hiện ngay trong chính tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” khi tác giả đã khắc họa được hình tượng người nông dân trở thành một tượng đài bất tử về sự anh dũng, kiên cường. Bài văn tế được mở đầu bằng hai chữ “Hỡi ôi!” vang lên thật thống thiết. Đó giống như một tiếng khóc của nhà thơ đối với nghĩa sĩ, là tiếng nấc đau thương cho thế nước hiểm nghèo. Những người nông dân có nguồn gốc xuất thân nghèo khổ, thiếu thốn quan năm. Suy nghĩ của họ quanh năm là làm sao để ăn đủ no, mặc đủ ấm:


“Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;

tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó.”


Họ ý thức thân phận mình là kẻ hèn mọn và không dám nghĩ đến những việc quốc gia đại sự - vốn là việc của triều đình. Khi giặc Lang Sa kéo đến cướp nước, “gieo rắc tanh hôi (tinh chiên) đã ba năm mà mặt mũi quan quân chẳng thấy ở đâu” - cho thấy sự hèn nhát của quan quân và triều đình. Cảnh tượng mất nước khiến họ không thể nhắm mắt làm ngơ. Lòng yêu nước mãnh liệt vốn có từ ngàn đời nay đã thôi thúc họ tự đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù:


“Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình;

chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.”


Họ nhận lấy về mình công việc thật khó khăn - chẳng màng đến sống chết chỉ mong sao đưa đất nước trở về bình yên dù quân giặc có mạnh mẽ, uy lực hơn. Những người nông hiền lành tự liên kết thành đội ngũ để chiến đấu. Từ căn nhà tranh đơn sơ, họ ra đi xông thẳng vào trận mạc khi chưa từng cầm vũ khí, chưa từng biết đến việc binh đao. Tỉnh thần ấy lại thêm lớn lao khi nhìn vào vũ khí trong tay họ. Những vũ khí của người nông dân cũng thật thô sơ, gần gũi với cuộc sống của họ: rơm con cúi, lưỡi dao phay, gậy tầm vông làm sao đem đối chọi được với súng song tâm, với tàu thiếc tàu đổng. Tuy vậy, cái sắc bén nhất chính là tấm lòng yêu nước cùng với quyết tâm đánh bại kẻ thù của họ. Đến khi tác giả miêu tả cảnh xung trận của những người lính áo vải mới thật là oai hùng:


“Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;

gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh,

bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.”


Không còn hình ảnh những người nông dân hiền lành, chất phác nữa. Khi bước ra chiến trường, trong suy nghĩ của họ chỉ có đánh bại kẻ thù. Hình ảnh những anh hùng lồng lộng giữa chiến trường, làm chủ trận chiến, áp đảo tất cả. Lưỡi dao phay, ngọn tầm vông của họ “đâm ngang chém ngược”, tung hoành, hiên ngang chiếm lĩnh cả không gian trận địa, làm cho giặc hồn kinh phách lạc. Tiếng hè, tiếng ó của họ át cả tiếng đại bác của tàu thiếc tàu đồng. “Rơm con cúi, lưỡi dao phay cũng đốt xong đồn giặc, cũng chém rớt đầu quan hai giặc”. Trước sự mạnh mẽ của họ, quân giặc hung dữ đã trở nên thật đáng thương.


Họ chiến đấu anh dũng và hy sinh cũng thật vẻ vang. Sự hy sinh của những nghĩa sĩ Cần Giuộc là bài học quý báu mà họ đã để lại. Đó là tinh thần: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Người nông dân phải gắn bó máu thịt với từng tấc đất của quê hương như thế nào, thì họ mới cảm thấy đau đớn khi chứng kiến cảnh giặc xâm lấn từng mảnh đất của đất nước như vậy. Để rồi thà chiến đấu và hy sinh, chứ nhất định không chịu nhục nhã trước kẻ thù cướp nước. Họ là tấm gương sáng để dân tộc Việt Nam noi theo mà làm, là ngọn đèn soi sáng cho dân tộc Việt Nam.


“Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc,

linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia…”


Lời khẳng định của Nguyễn Đình Chiểu về công lao của những nghĩa sĩ Cần Giuộc:


“Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân;

cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ”


Công lao của họ sẽ được sử sách ghi danh. Con cháu đời sau phải ghi nhớ, trân trọng và ngưỡng mộ. Những người nông dân nhỏ bé, vô danh nhưng đã góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ đất nước.


Tóm lại, qua phân tích trên, có thể thấy “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là bức tượng đài bi tráng về những người anh hùng nông dân. Họ quả thật xứng đáng với truyền thống yêu nước của nhân dân ta.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy