Phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật trong "Những đứa con trong gia đình" số 4
"Những đứa con trong gia đình" là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi, được viết ngay trong những ngày đầu chiến đấu ác liệt chống đế quốc Mĩ xâm lược của đồng bào miền Nam. Nguyễn Thi người Bắc nhưng lại trở thành Nhà văn của nông dân Nam Bộ. Sức hấp dẫn của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình là nghệ thuật trần thuật - kể chuyện. Đó là nét đặc sắc của tác phẩm, có tác dụng xây dựng kết cấu truyện và khắc họa tính cách các nhân vật của nhà văn.
Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi có một lối tự sự mang khá nhiều nét riêng. Câu chuyện được nhà văn thuật lại không hoàn toàn theo trật tự thời gian mà chủ yếu nhịp theo dòng hồi tưởng miên man, đứt nối của nhân vật Việt khi bị trọng thương nằm lại ở chiến trường.
Cách thức trần thuật như thể mang lại cho tác phẩm màu sắc trữ tình đậm đà, tự nhiên, sống động; đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhà văn có thể nhập sâu vào thế giới nội tâm nhân vật để dẫn dắt câu chuyện. Diễn tiến của câu chuyện chính vì thế mà cũng hết sức linh hoạt; mạch kể qua lại thoải mái giữa quá khứ — hiện tại; giữa cái đang ở trước mặt và cái đã trở thành kỉ niệm xưa; giữa những chi tiết thoáng đến, thoáng đi chừng như bâng quơ, ngẫu nhiên nhưng lại gắn với tư tưởng, tình cảm lớn lao và trọng đại.
Dẫn chứng: “Việt tỉnh lại lần thứ hai lúc trời lất phất mưa”. Mắt Việt bị thương không nhìn thấy mà chỉ cảm thấy… Tiếng máy bay, tiếng động cơ duy nhất trên bãi chiến trường đã trở nên vắng lặng,… chỉ còn tiếng ếch nhái kêu. Chính âm thanh này đã dẫn Việt về với quá khứ ngày còn ở quê, những đêm mưa như đêm nay, hai chị em xách đèn soi, lóp ngóp ra đồng đi bắt ếch: ”Cười từ lúc đi cho tới lúc về”. Và khi ”đổ ếch vào thùng, chú Năm thế nào cũng sang”. Mạch hồi tưởng miên man tràn đến chú Năm và cũng rất tự nhiên chuyển sang chuyện cuốn sổ gia phả do chú ghi chép… rồi Việt lại ngất đi…
Dòng hồi tưởng lại tiếp tục khi ”Việt choàng dậy” đêm qua đi, ngày lại tới, tiếng trực thăng phành phạch trên đầu, tiếng súng nổ từng loạt phía xa… “tiếng chim cu rừng gù gù đâu đây’‘ gợi cho Việt nhớ đến chiếc ná thun hồi còn ở nhà đi bắn chim. Từ chiếc ná thun lại dẫn Việt về vối người mẹ giàu lòng vị tha, hết lòng vì chồng con, cuộc đời chồng chất những nỗi khổ đau uất hận mà rất đỗi kiên cường, bất khuất… Việt lại đột ngột ngất đi…
Cứ như thế dòng hồi tưởng đứt lại nối; qua đó mà dần dần mở rộng đối tượng được miêu tả, được kể mỗi lúc một hấp dẫn. Và càng đi sâu hơn vào đời sống nội tâm nhân vật, làm hiện lên vừa cụ thể, vừa sinh động những gương mặt tiêu biểu của một gia đình từ ông nội, chú thím Năm, ba má Việt đên thế hệ trẻ là Việt và Chiến hôm nay trong buổi đăng kí tòng quân và đêm trước của ngày lên đường.
Dòng tâm tư trong truyện chảy trôi khi đến gần bờ hiện tại lại lượn xa tít tắp về quá vãng. Nhịp trôi khi chậm khi nhanh, khi liền khi đứt. Tâm trạng con người hiện lên chân thực tự nhiên như nó vốn có trong đời sống. Nhưng chính nhờ hiện thực tâm trạng ấy mà cái hiện thực khách quan kia đã được tổ chức, cải tạo lại những khoảng thời gian rất xa, bây giờ được đồng hiện bên nhau, soi chiếu dưới một thứ ánh sáng kì diệu, khiến cho câu chuyện thêm nhiều màu vẻ, phong phú, bất ngờ.
Lối kể theo dòng kí ức vừa liên tục, vừa gián đoạn như thế của nhà văn đã làm cho kết cấu truyện thêm linh hoạt, sống động; thêm những ngã rẽ, những khúc quanh, người đọc không dễ dự đoán, dự kiến ra. Bởi dòng hồi tưởng của một nhân vật bị thương nặng, phải đối mặt giữa cái sống và cái chết, cô độc trên chiến trường hoang vắng thì điều duy nhất là người ấy sẽ nghĩ đến gia đình, những người thân yêu nhất của mình, để từ đó có thêm sức mạnh sống tiếp, đi tiếp.
Kiểu kết cấu theo dòng chảy của một quá trình hồi tưởng của nhân vật là một công phu sáng tạo về hình thức tác phẩm của nhà văn. Nhưng ý nghĩa sáng tạo của hình thức ấy lại ở chỗ: nó góp phần đắc lực nhất trong việc biểu hiện khám phá nội dung; trong việc xây dựng kết cấu tác phẩm và khắc họa tính cách nhân vật của nhà văn Nguyễn Thi - Nhà văn của nông dân Nam Bộ với biết bao tình thương mến.