Phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật trong "Những đứa con trong gia đình" số 2
Mỗi tác phẩm văn học đều được các tác giả xây dựng với những đặc sắc nghệ thuật riêng. Nó là kết tinh về tài năng của các nhà văn. Và tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc với những đặc sắc nghệ thuật hấp dẫn.
Trước hết, nghệ thuật đặc sắc của "Những đứa con trong gia đình" là nghệ thuật trần thuật mà Nguyễn Thi thể hiện trong tác phẩm này. Truyện ngắn được kể theo ngôi số 3 nhưng lại nương theo điểm nhìn và giọng điệu của nhân vật Việt. Việt là một chiến sĩ giải phóng quân, sau một trận chiến đấu ác liệt anh bị thương nặng, lạc đồng đội, phải nằm lại nơi chiến trường. Việt ngất đi rồi tỉnh lại, tỉnh dậy rồi lại ngất đi. Tác giả men theo dòng hồi tưởng của nhân vật Việt để kể lại dưới hình thức lời nửa trực tiếp. Những lời văn và giọng điệu kể chuyện dưới điểm nhìn của Việt.
Với hình thức kể chuyện này để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhà văn có thể vừa nhập tâm vào thế giới nội tâm của nhân vật để diễn tả các cung bậc cảm xúc, các trạng thái phức tạp, sâu kín của tâm hồn.Qua cách trần thuật kể chuyện như vậy, Nguyễn Thi cũng tạo nên những trang văn giàu chất trữ tình. Những trang văn đầy ắp cảm xúc của nhân vật Việt. Đấy cũng là lí do mà tác phẩm để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đồng thời, cách kể chuyện như vậy cũng giúp nhà văn không bị lệ thuộc vào trình tự thời gian. Các sự kiện nhà văn có thể xáo trộn mà không phải tuân theo bất cứ một trình tự thời gian nào. Vừa có quá khứ, hiện tại được đan xem vào trong những dòng cảm xúc của nhân vật. Dòng nội tâm của nhân vật Việt khi đứt khi nối, các sự việc luôn được đan xen giữa quá khứ và hiện tại rất tự nhiên và linh hoạt. Cũng từ điểm nhìn của nhân vật Việt mà Nguyễn Thi tạo nên cảm giác gần gũi thân thiện khách quan cho câu chuyện với độc giả.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một thành công của tác phẩm. Cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Thi cũng chẳng thể lẫn với bất cứ nhà văn nào khác. Chiến và Việt tuy cùng sinh ra trong một gia đình nhưng cả hai nhân vật này lại có những tính cách rất trái ngược nhau. Nguyễn Thi chú ý tô đậm đến từng tính cách của các nhân vật. Nếu như Việt hiện lên với những nét hồn nhiên tinh nghịch và có những hành động vô cùng đáng yêu. Thì chị Chiến lại hiện lên là một cố gái mới lớn với đầy những tinh tế cùng lòng yêu nước căm giặc, lo toan tính toán từng việc nhỏ nhất trong gia đình.
Nguyễn Thi cũng thể hiện biệt tài trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Tâm lí của Việt trước đêm tòng quân, đặc biệt là lần tỉnh dậy thứ tư. Khi bị thương Việt hồi tưởng lại nhiều kỉ niệm và ngay cả khi bị thương mà tinh thần chiến đấu vẫn luôn sục sôi. Để rồi, khi nghe thấy tiếng súng của quân ta thì Việt lại trở về đúng với tính cách của một đứa trẻ.
Bên cạnh đó, "Những đứa con trong gia đình" còn thể hiện ngôn ngữ mang đậm hơi thở đời sống và giàu chất Nam Bộ. Tác giả kết hợp hài hòa giữa vốn ngôn ngữ phổ thông và với những sắc thái mang tính địa phương. Ví dụ như cách xưng hô "mầy-tao", "má"...Sự xuất hiện của nhiều phương ngữ như vậy cho thấy tác phẩm mang đậm hơi hướng Nam Bộ không thể trộn lẫn. Nguyễn Thi sử dụng với mức độ hợp lí, tinh tế và linh hoạt. Do vậy, khi bước vào tác phẩm, tác giả như được tiếp xúc và nói chuyện với những con người Nam Bộ. Và cũng phải sống và gắn bó sâu sắc với người dân Nam Bộ thì tác giả mới am hiểu sâu sắc đến như vậy.
Có thể thấy rằng, "Những đứa con trong gia đình" thành công với nhiều yếu tố nghệ thuật sâu sắc. Và cũng chính những đặc sắc ấy mà Nguyễn Thi cho thấy ông lôi cuốn người đọc cùng với những trang văn hào hùng về một thời đấu tranh giải phóng dân tộc.