Sợ làm giáo viên chủ nhiệm
Ngày nay, phần lớn giáo viên đều rất sợ phải làm công tác chủ nhiệm lớp bởi lẽ áp lực của công việc này thật sự không hề nhỏ. Do định mức biên chế, giáo viên THCS và THPT có thể “né” làm chủ nhiệm lớp, thế nhưng đối với giáo viên tiểu học thì khó có thể tránh khỏi.
Là một giáo viên chủ nhiệm, bạn có hàng trăm công việc không tên bắt buộc phải thực hiện, nào là hồ sơ sổ sách cứ chất đầy; kèm học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; giải quyết những vụ đánh nhau, những thắc mắc hay sự bất đồng giữa các thành viên trong lớp cũng đủ bở cả hơi tai; học sinh yếu, kém mời phụ huynh để phối hợp cùng giáo dục, thế nhưng đâu không phải lúc nào cha mẹ các em cũng hợp tác; rồi thì các hoạt động giáo dục khác như: chữ đẹp, vẽ tranh, hội thi kể chuyện, hoạt động ngoại khóa,... cũng áp lực không kém và còn rất rất nhiều vấn đề kéo theo khiến giáo viên chủ nhiệm phải đau đầu và luôn trong tình trạng sẵn sàng giải quyết.
Nếu may mắn chủ nhiệm được lớp không có học sinh cá biệt thì đỡ, còn khi gặp phải lớp có học sinh ngồi nhằm lớp (tỉ lệ này khá cao) thì xem như thầy cô chẳng có giờ phút để nghỉ ngơi. Vậy mà tất cả những chuyện ấy lại chưa thấm tháp gì so với chuyện giáo viên chủ nhiệm phải kiêm luôn vai trò người vận động, xin xỏ quyên góp và người “đòi nợ”, cứ đầu năm lại phải “trình làng” một bảng những khoản phải chi trong năm học để vận động phụ huynh quyên góp.
Chính bởi quá nhiều các nhiệm vụ phải thực hiện mà người ta vẫn hay ví giáo viên chủ nhiệm như linh hồn của lớp. Học trò ngoan, học chăm chỉ phần lớn đều nhờ thầy cô giáo chủ nhiệm có tâm. Chính vì thế, nếu bạn thật sự yêu nghề, yêu học sinh thì những vất vả trong công tác chủ nhiệm đều có thể vượt qua dễ dàng chỉ cần biết cách sắp xếp và phân bổ công việc sao cho hợp lý.