Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh bài 11

Đọc truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người đọc không khỏi xúc động trước tình cha con ấm áp và thiêng liêng giữa ông Sáu và bé Thu - con gái ông. Truyện ngắn được sáng tác năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra hết sức ác liệt ở chiến trường Nam Bộ. Trong chiến tranh, ta vẫn thấy được đời sống tình cảm gia đình thiêng liêng, to lớn của mỗi người lính đối với người thân của họ.


Ông Sáu cũng như bao người dân khác, ông phải tạm biệt vợ và con gái để lên đường đi đánh giặc. Khi ông đi xa, bé Thu - con gái ông mới chỉ tròn một tuổi - bé còn quá nhỏ để nhận biết được người cha của mình. Rồi tám năm sau, ông Sáu lần đầu tiên có dịp được trở về thăm gia đình. Ông đã dành trọn 3 ngày để ở bên vợ và con. Đây cũng là lúc tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu được bộc lộ.


Trước hết, ta có thể thấy được tình cảm của bé Thu dành cho ba. Xa cha từ khi còn rất nhỏ, bé Thu chưa từng một lần được nhìn thấy mặt ba mà chỉ biết về ba thông qua tấm ảnh ba chụp chung với má. Chính vì vậy mà bé không chấp nhận một người đàn ông nào không giống với ảnh ba của bé. Ta hiểu được vì sao bé Thu lại giật mình, hét lên gọi má khi ông Sáu gọi: "Thu! Con." Trong suốt ba ngày ở bên ba, bé Thu thường trả lời trống không với ba của nó: "Vô ăn cơm", rồi hành động hất cái trứng cá của bé... cũng đều là bởi vì em thấy người đàn ông này có một cái vết thẹo, không giống với ba. Tình yêu thương ba của bé Thu còn được thể hiện qua chi tiết em nghe bà kể về ba.


Bé Thu "thở dài như người lớn" khi được bà giải thích rằng vết thẹo trên gương mặt ba là do chiến tranh. Em hiểu rằng mình đã cư xử không đúng với ba. Em muốn mù đắp cho ba, nhưng lúc em hiểu ra thì cũng là lúc ba phải đi rồi. Tình yêu thương ba sâu sắc của bé Thu được thể hiện đậm nét trong tình huống ba em tạm biệt mọi người để trở về căn cứ. Em gọi theo: "Ba.....a.....a....ba!" Tiếng ba thân thương cất lên từ bao cảm xúc bị dồn nén bây lâu nay của em. Em chưa một lần được gọi ba, vậy mà giờ đây, em cũng đã được gọi tiếng "Ba" ấy. Rồi em chạy đến ôm hôn ba "Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, nó hôn cả vết thẹo dài trên mặt của ba nó nữa." Tình cảm của bé Thu dành cho ba vô cùng sâu sắc, em đã nhận ra ba của mình và chạy đến ôm hôn với bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu kìm nén vỡ òa.


Bé Thu yêu ba nhiều như vậy, nhưng ông Sáu còn yêu em nhiều hơn. Trong bữa cơm gia đình hôm ấy, ông Sáu đã trót đánh con vì hành động hất cái trứng cá của bé Thu. Nhưng bé Thu đâu nào biết, ông Sáu đã cảm thấy hối hận vô cùng khi trở về chiến khu. Ông Sáu trách mình đã không kìm lòng được, ra tay đánh con. Ông chỉ được về phép ba ngày, vậy mà ông lại đối xử không tốt với bé Thu. Tình yêu thương của ông dành cho con được thể hiện khéo léo qua chi tiết ông tỉ mỉ làm chiếc lược ngà "Khi tìm được chiếc khúc ngà, ông vui như đứa trẻ được quà. Ông tỉ mỉ cưa từng chiếc răng lược, gò công như người thợ bạc." Với ông Sáu, món quà này chứa chan biết bao tình cảm ông dành cho con, ông muốn bù đắp cho bé Thu vì đã đánh bé. Chiếc lược còn là một vật dụng để mỗi khi ông Sáu nhớ con, ông lại đem ra ngắm. Ông yêu thương bé Thu là thế, tỉ mẩn làm quà cho con gái là thế, vậy mà trong một trận càn của giặc, ông Sáu đã vĩnh viễn không thể gặp lại bé Thu và gia đình ông. Trước khi chết, ông vẫn không quên trao cho anh Ba chiếc lược ngà, nhìn anh Ba hồi lâu, đợi anh hứa sẽ trao cho bé Thu chiếc lược, ông mới an tâm nhắm mắt. Chi tiết cuối truyện khiến cho người đọc rưng rưng nước mắt, xúc động trước tình cảm của ông Sáu dành cho con.


Truyện ngắn Chiếc lược ngà là một câu chuyện ý nghĩa về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cha con. Ta có thể thấy được điều đó qua những chuyển biến trong tâm trạng của em bé Thu, trong hành động của cả bé Thu và ông Sáu. Không chỉ vậy, người đọc còn cảm thấy được một thứ tình cảm thiêng liêng, bền chặt mà chỉ gia đình mới có được. Nó khơi dậy trong tâm hồn người đọc nhận thức sâu xa về tình cảm gia đình, cũng đồng thời lên án sự tàn ác của chiến tranh, khiến cho bao nhiêu gia đình phải chịu sự mất mát, chia li. Hình ảnh của bé Thu chính là hình ảnh đại diện cho những đứa trẻ trong thời kì kháng chiến trường kì, các em phải xa cha từ khi còn rất rất nhỏ, phải sống trong sự thiếu thốn tình yêu thương. Còn mẹ của bé Thu trở thành một người mẹ chịu thương chịu khó, cũng trở thành một người cha gánh vác việc nhà, một mình nuôi nấng bé Thu trong suốt 8 năm trời.


Ông Sáu cũng như vậy, ta có thể nhận ra ông mang trong mình hai hình ảnh song song. Một là hình ảnh người lính với những thương tích quái ác do chiến tranh gây ra, những vết thương không bao giờ lành lại được. Và hai là hình ảnh một người cha yêu thương con, dù chiến tranh có tàn khốc như thế nào, người cha ấy vẫn luôn nghĩ về gia đình nhỏ của mình, coi đó là động lực để chiến đấu. Bé Thu, mẹ của bé và ông Sáu chính là ba nhân vật khắc họa nên hình ảnh toàn diện của một gia đình người Việt Nam trong chiến tranh. Đau thương có, mất mát có nhưng ở họ, tình cảm gia đình là thứ vĩnh viễn không bị mai một và mất đi được... Điều ấy không chỉ có trong lịch sử, mà ở thời bình, tình cảm gia đình vẫn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, lớn lao nhất.


Có lẽ đối với bất cứ ai, khi đọc những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ta cũng đều thấy được cái chất giọng Nam Bộ rõ nét và ấn tượng trong câu chữ của ông. Nếu không phải nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chắc sẽ khó có thể có một nhà văn nào viết được một câu chuyện hay, cảm động và mang cái chất riêng như ông.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy