Thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya)
Bodh Gaya hay Bodhgaya, tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, là một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Độ. Đây là địa điểm nổi tiếng do là nơi Đức Phật đã giác ngộ dưới cây bồ đề.
Đối với Phật giáo, Bodh Gaya là nơi quan trọng nhất trong cuộc đời của Phật Thích-ca Mâu-ni, còn 3 nơi khác đó là Kushinagar, Lâm-tỳ-ni (Lumbini) và Sarnath. Vào năm 2002, ngôi đền Mahabodhi (Đại giác ngộ tự) ở Bodh Gaya đã trở thành Di sản thế giới. Vào khoảng năm 500 TCN thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm, khi đó đã là một nhà tu hành đi khất thực, đến bờ sông Falgu ở gần thành phố Gaya. Ở đây, Đức Phật đã ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề. Sau 49 ngày đêm thiền định, Đức Phật đã đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu.
Các đệ tử của Tất-đạt-đa Cồ-đàm bắt đầu thăm viếng nơi Đức Phật đã đạt được sự giác ngộ vào ngày rằm trong tháng Vaisakh (tháng 4 - tháng 5), theo lịch Ấn Độ. Theo thời gian, nơi này được gọi là Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), ngày Đức Phật đạt giác ngộ là được gọi là Buddha Purnima (ở Việt Nam gọi là Ngày Đức Phật thành đạo), và cây nơi Đức Phật ngồi thiền gọi là Cây Bồ Đề (Bodhi - nghĩa là Tỉnh thức, Giác ngộ).
Lịch sử của Bodh Gaya đã được ghi chép lại trong nhiều tài liệu. Trong đó, quan trọng nhất là tài liệu của các nhà sư Trung Quốc Pháp Hiển (法顯) và Huyền Trang, những người hành hương đến thánh địa này vào các thế kỷ 4 và 7 để thỉnh kinh. Nơi đây là trái tim của văn hóa Phật giáo trong suốt hàng thế kỷ cho đến khi nó bị Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm vào thế kỷ 13.