Tháp Chiên Đàn
Nếu bạn đang tìm kiếm một phông nền chụp ảnh phong cách đền cổ Angkor thì chẳng cần phải đi đến tận Campuchia đâu! Tháp Chiên Đàn tại Quảng Nam là địa điểm tham quan gồm ba cụm tháp Chàm liền kề nhau, được xây dựng vào cuối thế kỷ XI để thờ cúng ba vị thần: Shiva, Vishnu và Brahma.
Ở Chiên Đàn vẫn giữ được nguyên vẹn dáng dấp của một tháp Chăm cổ: là tháp vuông có các tầng mái, trong đó có tháp trung tâm cao hơn các tháp còn lại, các vòm cửa được vót nhọn lên phía trên như hình mũi giáo. Tháp cổ Chiên Đàn có dáng vẻ trang nhã và cổ điển gần giống với phong cách của Thánh địa Mỹ Sơn, song song đó lại có nét chuyển tiếp giao với phong cách tháp chăm Bình Định. Có thể nói, tháp cổ Chiên Đàn là một sự kết hợp kỳ lạ, độc đáo của những nghệ nhân Chămpa cổ.
Được xây dựng vào cuối thế kỷ X – đầu thế kỉ XI, tháp cổ Chiên Đàn nay không giữ được cấu trúc nguyên vẹn. Ngoài tháp trung tâm vẫn giữ nguyên dáng dấp hoàn chỉnh của kiến trúc Chămpa cổ với phần thân và chóp mái, thì hai tháp Bắc – Nam hai bên chỉ còn giữ được một phần thân. Theo các nhà nghiên cứu thì tháp Nam Chiên Đàn được xây dựng trước, kế tiếp là tháp giữa trung tâm và cuối cùng là tháp Bắc.
Mỗi tháp được gọi là một Kalan, tức là phần kiến trúc nổi bật quan trọng nhất của tháp, còn được gọi là tiểu vũ trụ. Phần thân của tháp Chiên Đàn không có hoa văn trang trí. Phần chân tháp được bao giữ chắc chắn với nền móng được ốp bằng đá sa thạch, còn lưu lại được những tác phẩm điêu khắc bằng đá rất sinh động lấy cảm hứng từ sử thi Ramayana của Ấn Độ. Phần trang trí chân tường ở tháp Giữa còn tương đối nguyên vẹn nhất, đó là những tác phẩm được chạm trổ tinh vi. Các tác phẩm điêu khắc được thể hiện dưới các hình thù đa dạng, gồm hình những chiến sĩ cầm vũ khí trong tư thế canh gác hoặc chiến đấu, hình các vũ nữ mình trần đang nhảy múa uyển chuyển trong các vũ điệu Chămpa cổ xưa, ngoài ra còn có hình của những nữ thần, tượng linh vật như rắn Naga, chim thần Garuda, voi, sư tử, bia đá…