Thủ đô Ulaanbaatar - Ulan Bator
Nằm tại phía bắc của miền trung Mông Cổ, thành phố có độ cao 1.310 mét trên một thung lũng nằm bên sông Tuul. Ulaanbaatar là trung tâm văn hóa, kinh tế và tài chính của toàn bộ đất nước Mông Cổ. Thành phố cũng là trung tâm của mạng lưới đường bộ tại Mông Cổ, và có thể kết nối với cả Đường sắt xuyên Siberi của Nga và hệ thống đường sắt Trung Quốc. Đến với Ulaanbaatar, du khách sẽ có dịp ghé thăm Tu viện Lạt ma Choijin (Hưng Nhân Lạt ma tự), một tu viện Phật giáo được hoàn tất việc xây dựng vào năm 1908. Nó đã tránh được số phận bị phá hủy giống như các tu viện Phật giáo khác khi được chính quyền cộng sản chuyển thành một bảo tàng năm vào năm 1942. Tu viện nổi tiếng khác là Tu viện Gandan (Cam Đan tự), được xây dựng từ thế kỷ 19. Điểm thu hút chính của tu viện là một tượng Quán Thế Âm cao 26,5 mét. Các tu viện này là một trong số rất ít các công trình tôn giáo tại Mông Cổ thoát khỏi việc bị phá hủy dưới thời Khorloogiin Choibalsan.
Ulaanbaatar nổi tiếng với một số bảo tàng chuyên về lịch sử và văn hóa Mông Cổ. Bảo tàng Lịch sử tự nhiên có một số hóa thạch khủng long và thiên thạch được tìm thấy tại Mông Cổ. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mông Cổ có các hiện vật từ thời tiền sử cho đến thời đế quốc Mông Cổ và thời kì hiện đại. Bảo tàng Mĩ thuật Zanabazar có một bộ sưu tập lớn về nghệ thuật Mông Cổ, bao gồm các tác phẩm của nhà điêu khắc, họa sĩ Zanabazar từ thế kỉ 17, cũng như bức họa nổi tiếng nhất, Một ngày tại Mông Cổ của B. Sharav. Các hiện vật trước năm 1778 chưa từng rời khỏi thành phố từ khi chúng được phát hiện bao gồm tượng Chấp Kim Cương Thần do chính Zanabazar tạo nên vào năm 1683, một vương tọa lộng lẫy do hoàng đế Khang Hi tặng cho Zanabazar, một chiếc mũ làm bằng gỗ đàn hương do Đạt lai Lạt ma tặng cho Zanabazar. Bộ áo choàng lớn bằng lông thú của Zanabazar do hoàng đế Khang Hi nhà Thanh tặng và một con số lớn các bức tượng do chính Zanabazar tạo ra.