Tiệc tùng nhiều hơn nhưng con người lại cô đơn hơn
Ít người nhận ra rằng cuộc sống hiện đại đẩy con người vào những chiếc hộp: hộp nhà, hộp trường, hộp xe bus, hộp văn phòng và hộp... của chính mình - ở trong chiếc hộp ấy họ cảm thấy an toàn và thoải mái. Chiều cao và chiều rộng chiếc hộp của mỗi người khác nhau, tương ứng với những giới hạn cuộc sống mà họ có thể chấp nhận hay chịu đựng. Lâu dần, họ sẽ cảm thấy cô đơn trong chính cuộc sống mà họ đang sống. Sự cô đơn cũng có thể được coi như một hiện tượng xã hội, có khả năng lan truyền như dịch bệnh. Khi một người trong nhóm bắt đầu cảm thấy cô đơn, cảm giác này có thể lan sang người khác, dẫn đến tăng nguy cơ xuất hiện cảm giác cô đơn cho mọi người. Họ có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi được bao quanh giữa những người khác.
Trong xã hội ngày nay, sự xuất hiện và phát triển của công nghệ đã cải thiện rõ rệt chất lượng sống của con người. Tuy nhiên, trên thực tế, tính kết nối của các trang mạng xã hội không những không khiến con người hạnh phúc hơn mà có xu hướng khiến họ u buồn, cô độc và lạc lõng hơn. Không khó để bắt gặp một nhóm bạn dù ở trong một không gian như các quán ăn, nhà hàng… nhưng mỗi người đều chìm vào thế giới riêng với chiếc điện thoại của mình. Chính sự thiếu giao tiếp “trò chuyện và lắng nghe” nhau như vậy càng làm con người xa cách và cảm thấy cô đơn ngay cả khi ở chốn náo nhiệt, đông người.