Tiến về Hà Nội
"Tiến về Hà Nội" được nhạc sỹ Văn Cao sáng tác năm 1949 đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô ngày chiến thắng. “Tiến về Hà Nội” với khí thế hào hùng, sôi nổi, đầy phấn chấn, reo vui của lòng người và của âm nhạc như để viết riêng cho ngày giải phóng thủ đô 10-10-1954: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.
Người nghệ sĩ, nhạc sĩ dường như lúc nào cũng có một dự cảm trước, bài hát “Tiến về Hà Nội” là khúc ca khải hoàn chiến thắng, hình ảnh chân thực, sống động nhất về ngày giải phóng thủ đô 10-10-1954. Có điều đặc biệt, ca khúc này không phải ra đời tại thời điểm lịch sử quan trọng đó, mà được người nhạc sĩ tài hoa sáng tác trước đó 5 năm.
Lúc còn sống, nhạc sĩ Văn Cao đã từng chia sẻ về hoàn cảnh xuất xứ của ca khúc này: “Khi về tới chợ Đại, chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác, lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng phần nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: “Những ca khúc của cậu làm tôi rất xúc động. Nhất là bài “Làng tôi” và bài “Trường ca sông Lô”. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm! Làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi…
Nhà lãnh đạo còn dặn nhạc sĩ Văn Cao: “Nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé”. Khi nhạc sĩ Văn Cao ra về, nhà lãnh đạo và người nhạc sĩ tài hoa đi cùng nhau trên một đoạn đường dài, chính câu nói hôm ấy của người con cách mạng: “Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô” đã khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Văn Cao.
Có lẽ, không có ca khúc cách mạng nào lại hợp khi cất lên tiếng hát vào ngày giải phóng thủ đô như bài “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao. Bài hát tuy được viết trước ngày thủ đô giải phóng 5 năm, nhưng người nhạc sĩ như nhìn thấu trước tất cả. Với dòng suối trữ tình lãng mạn lại vừa hào hùng, khí thế hiên ngang và vui mừng của đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng thủ đô: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào. Chảy dòng sương sớm long lanh…”, “Tiến về Hà Nội” như bản anh hùng ca bất tử trong tượng đài âm nhạc của thủ đô yêu dấu hôm nay và mai sau.