Top 5 Bài hát hào hùng nhất viết về ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954.

  1. Top 1 Tiến về Hà Nội
  2. Top 2 Người Hà Nội
  3. Top 3 Sẽ về Thủ đô
  4. Top 4 Hà Nội giải phóng
  5. Top 5 Quê tôi giải phóng

Top 5 Bài hát hào hùng nhất viết về ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954.

Phương Kem 3464 0 Báo lỗi

Đã có hàng trăm ca khúc viết về Hà Nội từ những ngày đầu khói lửa của cuộc chiến tranh cho đến khi đất nước thanh bình lặng im tiếng súng. Cùng Toplist điểm ... xem thêm...

  1. "Tiến về Hà Nội" được nhạc sỹ Văn Cao sáng tác năm 1949 đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô ngày chiến thắng. “Tiến về Hà Nội” với khí thế hào hùng, sôi nổi, đầy phấn chấn, reo vui của lòng người và của âm nhạc như để viết riêng cho ngày giải phóng thủ đô 10-10-1954: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

    Người nghệ sĩ, nhạc sĩ dường như lúc nào cũng có một dự cảm trước, bài hát “Tiến về Hà Nội” là khúc ca khải hoàn chiến thắng, hình ảnh chân thực, sống động nhất về ngày giải phóng thủ đô 10-10-1954. Có điều đặc biệt, ca khúc này không phải ra đời tại thời điểm lịch sử quan trọng đó, mà được người nhạc sĩ tài hoa sáng tác trước đó 5 năm.

    Lúc còn sống, nhạc sĩ Văn Cao đã từng chia sẻ về hoàn cảnh xuất xứ của ca khúc này: “Khi về tới chợ Đại, chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác, lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng phần nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: “Những ca khúc của cậu làm tôi rất xúc động. Nhất là bài “Làng tôi” và bài “Trường ca sông Lô”. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm! Làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi…

    Nhà lãnh đạo còn dặn nhạc sĩ Văn Cao: “Nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé”. Khi nhạc sĩ Văn Cao ra về, nhà lãnh đạo và người nhạc sĩ tài hoa đi cùng nhau trên một đoạn đường dài, chính câu nói hôm ấy của người con cách mạng: “Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô” đã khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Văn Cao.

    Có lẽ, không có ca khúc cách mạng nào lại hợp khi cất lên tiếng hát vào ngày giải phóng thủ đô như bài “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao. Bài hát tuy được viết trước ngày thủ đô giải phóng 5 năm, nhưng người nhạc sĩ như nhìn thấu trước tất cả. Với dòng suối trữ tình lãng mạn lại vừa hào hùng, khí thế hiên ngang và vui mừng của đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng thủ đô: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào. Chảy dòng sương sớm long lanh…”, “Tiến về Hà Nội” như bản anh hùng ca bất tử trong tượng đài âm nhạc của thủ đô yêu dấu hôm nay và mai sau.

    Tiến về Hà Nội
    Tiến về Hà Nội
    Tiến về Hà Nội

  2. Con đường mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Thi chạy dài ven Hồ Tây lộng gió với hàng liễu rủ xanh mát. Mỗi lần qua đây, giai điệu bài hát “Người Hà Nội” lại vang lên linh thiêng, hùng tráng trong tôi: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu/…”.


    Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi với ca khúc “Người Hà Nội” cũng có dự cảm về ngày trở về Thủ đô yêu dấu trong niềm vui chiến thắng: “Một ngày thu non sông chiến khu về/Đường vang tiếng hát cuốn dòng người/Đoàn quân Việt Nam đi/Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao”. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi viết: “Bài hát “Người Hà Nội” tôi viết đầu năm 1947, dịp gần Tết Đinh Hợi. Khi đó, Hà Nội đang chiến đấu rất quyết liệt. Khi đó, tôi có vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà. Bên kia sông là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về. Tiếng súng và những cảnh tượng hùng tráng hiện ra…”. Thế là trong âm thanh “Hà Nội cháy/Khói lửa rợp trời/Hà Nội ầm ầm rung/Sông Hồng reo”, nhạc sĩ đã khắc họa một bức tranh hùng tráng, đầy đủ từng địa danh, từng góc phố, con đường đẹp đến nao lòng, từ đó hiện lên hình ảnh người Hà Nội kiên cường, bất khuất với nét hào hoa không hề bị mất dấu trong lửa đạn. Chính điều đó đã khiến nhạc sĩ tin tưởng khẳng định, đoàn quân sẽ chiến thắng trở về.


    Trải qua bao năm tháng mà bài hát vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng yêu âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã từng nhận định: “Tất cả những bài hát của chúng tôi thì khi chúng tôi mất đi thì có thể cũng thôi, nhưng riêng bài hát “Người Hà Nội” của anh Nguyễn Đình Thi, Hà Nội còn thì bài hát vẫn còn mãi với thời gian”.

    Người Hà Nội
    Người Hà Nội
    Người Hà Nội
  3. Năm 1947, khi ở Chiến khu Việt Bắc, vừa tròn 20 tuổi, nhạc sĩ Huy Du sáng tác ca khúc “Sẽ về Thủ đô” với giai điệu, lời ca lãng mạn, tha thiết nhớ thương những con đường, góc phố, hàng cây, dòng sông, cây cầu… quen thuộc. Và nhạc sĩ không quên dự đoán sẽ có ngày trở về giải phóng Thủ đô: “Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù/Năm cửa ô reo vui bước quân ca vang/Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa”. Lời thề sắt son khi ấy đã trở thành sự thật. Ngày 10-10-1954, nhạc sĩ Huy Du cùng những người con yêu dấu của Thủ đô đã trở về Hà Nội giữa rừng cờ hoa chào đón.



    "...Đô thành kháng chiến, sôi sục phố phường
    Sông Hồng kia dâng sóng cùng quê hương
    Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù
    Năm cửa ô reo bước quân ca vang.

    Cất bước ra đi chiều năm xưa
    Dặm dài kháng chiến quên ngày về
    Bụi đường trường chinh pha mái tóc
    Vẫn nhớ khi đi ghi lời thề
    Ngày mai sẽ về thủ đô, đắp xây chốn xưa!"

    Sẽ về Thủ đô
    Sẽ về Thủ đô
    Sẽ về Thủ đô
  4. Thời thơ ấu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ học ở trường dòng, mặc dù chỉ học bổ túc âm nhạc hai năm, nhưng ông đã nỗ lực tự học để vươn lên. Năm 2017, ông được trao Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm khí nhạc, cụm ca khúc, hợp xướng… do những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ kể lại hoàn cảnh ra đời bài hát ý nghĩa này trong những ngày thu lịch sử của Thủ đô, tháng 10-1954.


    Ngày ấy, ngoài thời gian là một giảng viên giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ còn đảm nhiệm chức danh Ủy viên thường trực Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Nhiệm vụ của ông lúc ấy là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh cách mạng của thanh niên nội thành. “Qua tổ chức, từ sau ngày giải phóng Điện Biên, chúng tôi đã biết ngày giải phóng Thủ đô đã đến rất gần. Công tác đón đoàn quân chiến thắng trở về được thanh niên, học sinh Thủ đô chuẩn bị bí mật nhưng hết sức sôi nổi. Các đồng chí lãnh đạo thành đoàn lúc ấy đã đề nghị tôi sáng tác một ca khúc để chuẩn bị mừng ngày giải phóng”-nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ chia sẻ.


    Thực hiện chỉ thị của cấp trên, cũng là khát khao của người nhạc sĩ trẻ muốn sáng tác một bài hát thật ý nghĩa về Ngày giải phóng Thủ đô, Nguyễn Văn Quỳ ngày đêm suy nghĩ, trăn trở tìm tứ cho ca khúc mới. Chỉ sau vài ngày tìm ý tưởng, những nốt nhạc đầu tiên với nhịp điệu hành khúc đã hình thành trong ông: “Hà Nội ơi! Vui lên Hà Nội ơi! Qua tám năm sống nhục nhằn u buồn, ngày nay ta ra thoát vòng tăm tối…”.


    Bài hát sau đó nhanh chóng được phổ biến trong các nhóm thanh niên Cứu quốc Thủ đô. Ban đầu được tổ chức học theo các nhóm nhỏ, rồi được nhân rộng cho các nhóm khác. Sau một thời gian, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã tổ chức được một ban đồng ca khoảng 200 người. Ngày đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, 10-10-1954, mang theo cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca của Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội đã tập trung ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gần Hồ Gươm hát vang những bài ca cách mạng. Và bài hát “Hà Nội giải phóng” đã vang lên trong không khí náo nức, hân hoan của ngày vui chiến thắng, đánh dấu cho sự sang trang của lịch sử Thủ đô.

    Hà Nội giải phóng
    Hà Nội giải phóng
    Ảnh minh hoạ
    Ảnh minh hoạ
  5. Từ vùng kháng chiến, nhạc sĩ Văn Chung sáng tác bài “Quê tôi giải phóng” để tặng chiến sĩ Đại đoàn 308 ngày tiếp quản Thủ đô. Bài hát mang đậm âm hưởng dân ca Đồng bằng Bắc Bộ, vừa tha thiết, vừa phơi phới niềm vui. Một bài hát rộn ràng, tươi vui trong khí thế hòa bình, Miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH.


    "...Hoà bình thành phố yên vui.

    Đón anh bộ đội A là hô hoan hô.

    Rợp trời cờ đỏ A là hô hoan hô.

    Rợp trời cờ đỏ tung bay.

    Phố trên phố dưới,

    Lòng người phơi phới.

    Bến sông khu chợ dập dìu

    Xe ngựa xuôi ngược con thuyền.

    Đường rộng thênh thang thành phố của ta.

    Hầm mỏ, cầu cống nhà máy của ta.

    Ơn này ta nhờ có Bác Hồ,

    Xây dựng nên nước giầu dân mạnh.

    Ta cùng là ấm no."

    Quê tôi giải phóng
    Quê tôi giải phóng
    Quê tôi giải phóng
    Quê tôi giải phóng




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy