Tìm hiểu sơ lược về bệnh cao huyết áp
Huyết áp là lực tác động của máu lên các thành động mạch, cao huyết áp là một trạng thái trong đó máu lưu thông dưới một áp suất tăng cao lâu dài. Nếu áp lực quá cao thì tim phải hoạt động nhiều hơn mới đủ bơm máu đi khắp cơ thể. Vì thế, rất dễ gây ra những cơn đau tim, tổn thương thận và dẫn đến đột quỵ. Bệnh cao huyết áp thường gặp ở những người béo phì, thừa cân, người già, người bị bệnh tiểu đường, người bị mỡ máu cao. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể khẳng định huyết áp của mình vẫn bình thường. Cần quan tâm đến chỉ số huyết áp thường xuyên, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Mức huyết áp bình thường là 120/80 mm Hg. Chỉ số huyết áp từ 140/90 mm Hg trở lên thì bị cao huyết áp.
Mặc dù cao huyết áp thường diễn ra trong âm thầm, không có dấu hiệu gì rõ ràng, tuy nhiên cần để ý những triệu chứng sau: Hoa mắt chóng mặt, đau đầu dữ dội, mệt mỏi, đau ngực, nôn ói, có vấn đề về thị giác và các vấn đề khác về hô hấp. Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim...
Một số loại tăng huyết áp chủ yếu, bao gồm:
- Tăng huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp
- Tăng huyết áp thứ phát (Tăng huyết áp là triệu chứng của một số bệnh khác): Liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết.
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường.
- Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.