Tôn nhang bản mệnh
Tôn nhang bản mệnh là nghi lễ tôn nhang phụng sự chư vị cai quản bản mệnh lục thập hoa giáp (60 năm theo can chi) tại các đền, phủ, điện, đài phụng thờ Tứ phủ - gọi tắt là tôn nhang bản mệnh (hay đội bát nhang).
Đây là nghi lễ công nhận một người chính thức trở thành đệ tử của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Nghi lễ này không thực hiện ở nơi thờ Tam Bảo chư Phật, đình, miếu thờ Thành Hoàng, hoặc các vị nhân thần không có trong Tứ phủ.
Thời gian thực hiện thường là vào mùa xuân, tháng Giêng, Hai, Ba; và mùa thu, tháng Tám, Chín, Mười (trước khi lập đông) và không tôn nhang vào tháng Bảy mặc dù là tiết thu, vì là tháng ngâu, buồn tẻ, không vượng khí cho tín chủ.
Khi tôn nhang, cần thiết có sự hướng dẫn, giúp đỡ của thủ nhang, hay đồng trưởng của đền, điện, hoặc đồng thầy nơi khác đến.
Khi tôn nhang, tín chủ được ngồi ở giữa sập hành lễ, đầu trùm khăn phủ diện đỏ trên đội tráp hay mâm có bát nhang, sớ xin tôn nhang, vàng lá, đôi nến đặt hai bên bát nhang, hoa tươi, quả cau, lá trầu. Thủ nhang hay đồng trưởng, đồng thầy đại tấu thỉnh tên hiệu Thánh bản mệnh cho tín chủ, đọc tên tuổi, địa chỉ tín chủ với các điều cầu mong cát khánh, kêu cầu Phật Thánh gia hộ tín chủ. Nếu khất đài được nhất âm nhất dương mới kêu xin hạ bát nhang xuống để yên vị tại đền, phủ.
Sau khi đã yên vị bát nhang thì xin hóa kim ngân vàng mã, hài hán, giấy sớ và sau ba ngày đến đền thành tâm lễ tạ Thánh.
Từ đây tín chủ đã chính thức trở thành đệ tử của Tín ngưỡng, nơi tôn nhang bản mệnh được coi là chốn tổ của đệ tử ấy.
Sau này, một năm bốn tiết (thượng nguyên, tất niên, nhập hạ, tán hạ), hoặc một tháng đôi tuần (rằm, mồng một), đệ tử thành tâm đến chốn tổ lễ Thánh; nếu có điều kiện thì tham gia các hoạt động của bản hội nơi chốn tổ để tăng tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau thông qua các dịp hành hương lễ Thánh, hoạt động từ thiện...