Tục bó chân
Bó chân là một tập tục xuất hiện ở Trung Quốc và có thời gian tồn tại lên tới hàng nghìn năm. Vào thời nhà Tống, những người phụ nữ bắt đầu quấn cho con gái họ (các bé từ 2-5 tuổi, xương bàn chân chưa phát triển) những dải lụa có chiều dài từ 3m, rộng khoảng 5cm, được ngâm vào hỗn hợp thảo dược và máu động vật. Việc quấn chân được thực hiện hai lần mỗi ngày, mỗi lần quấn tiếp theo sẽ phải chặt hơn lần quấn trước để xương chân sau khi bị bẻ gẫy và uốn gập về phía gót chân được cố định và không có cơ hội trở về trạng thái ban đầu. Quá trình bó chân gây ra rất nhiều đau đớn cho những đứa trẻ, không may mắn thì đôi chân có thể nhiễm trùng, hoại tử, phần móng chân mọc dài ra lại đâm ngược vào bàn chân khiến thịt thối rữa và đôi khi những ngón chân còn bị rụng ra.
Xuất xứ của tục bó chân bắt nguồn từ câu chuyện của một cung phi tên Triệu Phi Yến. Nàng đã quấn những dải lụa quanh chân khi nhảy múa, Hán Thành Đế vì rất ấn tượng với điệu nhảy của nàng nên đã ra lệnh cho các cung phi khác bắt chước theo. Theo quan niệm của người Trung Quốc xưa, bó chân là một biện pháp kiểm soát và củng cố đức hạnh của nữ giới. Những người phụ nữ bị bó chân sẽ khó khăn hơn trong việc đi lại, vì vậy khả năng họ ra khỏi nhà và ngoại tình gần như là không có. Hơn nữa những người phụ nữ bó chân sẽ có cơ hội lấy chồng cao hơn những người không theo tập tục này.