Văn Miếu Quốc Tử Giám (tờ 100.000 đồng polymer)
Phong cảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được in hình trên mặt sau tờ tiền polymer mệnh giá 100.000 đồng. Phát hành ngày 1/9/2004, tờ tiền này có màu sắc tổng thể là xanh lá cây đậm, kích thước 144 mm x 65 mm. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là tổ hợp gồm 2 di tích, trong đó Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết Nho giáo và "người thầy của muôn đời" Chu Văn An, còn Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Là một điểm đến quen thuộc với bất kỳ ai khi ghé đến Hà Nội, nhưng ít người biết hình ảnh của Văn Miếu được in trên tờ 100.000 đồng polymer rất phổ biến hiện nay. Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Với hơn 700 năm hoạt động, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, Quốc Tử Giám được coi như là trường đại học đầu tiên của Việt Nam và cũng là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến của nước này.
Khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có bộ 3 cửa để thông với nhau (gồm một cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có hai cổng chính tiến vào, lần lượt là Văn Miếu Môn và Đại Trung Môn. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi khen tặng cho những học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đây từng là nơi các sĩ tử đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi bằng cách vuốt đầu rùa tại các bia tiến sĩ. Tuy nhiên ngày nay, để bảo tồn di tích, một hàng rào được thiết lập và các sĩ tử không còn làm nghi thức cầu may như trước nữa.