Võ Thị Thắng
Đồng chí Võ Thị Thắng sinh ngày 10 tháng 12 năm Ất Dậu, 1945, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, Ba má và 9 anh chị em cùng đi theo cách mạng.
Đồng chí đã đi qua tuổi thơ đầy hào hùng, dữ dội: Mới 9 tuổi đã đi đưa thư liên lạc, mang cơm cho các chiến sĩ cách mạng đang được ba má của Đồng chí che chở nuôi giấu trong hầm bí mật của vườn nhà khi kẻ thù lê máy chém đi khắp Miền Nam; 13 tuổi vào trường công lập Gia Long Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai); 16 tuổi là thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức – Long An, khi 17 tuổi tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động bí mật trong Phong trào Thanh niên – Sinh viên – Học sinh; tiếp đến chuyển sang Phong trào Công nhân rồi lực lượng vũ trang trong lòng đô thị.
Trong chiến dịch Tổng công kích Mậu Thân 1968, khi thực hiện nhiệm vụ trừ gian ở Phú Lâm, Quận 6, Đồng chí bị sa vào tay giặc. Với 6 năm ròng rã bị tù đày, Đồng chí đã bị kẻ thù tra tấn, giam cầm, đầy đọa từ Nhà lao Thủ Đức đến khám Chí Hòa, từ nhà lao Tân Hiệp, Hố Nai đến nhà tù Côn Đảo. Nhưng với khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, Đồng chí cũng như nhiều đồng đội khác đã không bị khuất phục trước bạo lực, cường quyền của kẻ thù. Theo Hiệp định Paris, kẻ thù đã phải trao trả nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam cầm và Đồng chí về với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại sân bay Lộc Ninh ngày 7/3/1974.
Sau ngày hòa bình lập lại, đất nước thống nhất (30/4/1975), Đồng chí về công tác ở Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và khóa IX; Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X và XI, nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cu Ba đến khi nghỉ hưu.