Ý nghĩa của bông hồng cài áo
Hoa hồng biểu trưng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn của con đối với cha mẹ, dù cho họ không còn trên cõi đời này. Đồng thời, hoa hồng còn thể hiện cho một tình yêu chân thành, son sắc, sự cao quý và ngát hương.
Thực hành hiếu đạo là bổn phận, trách nhiệm của bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống thường nhật. Nghi lễ "Bông hồng cài áo" trong lễ Vu Lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp nhắc nhở mỗi người con, trong cuộc sống dù bộn bề lo toan nhưng vẫn luôn từng giờ, từng phút không quên báo hiếu với cha mẹ.
Báo hiếu không còn chỉ là dành tình cảm tưởng niệm đến những người đã mất mà còn là trách nhiệm của người con khi vẫn còn mẹ cha. Cho dù cuộc sống này vất vả thế nào chúng ta cũng dành thời gian về thăm cha mẹ, thắp nén hương tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, dòng họ...
Thực tâm, việc báo hiếu bắt đầu ngay từ chính con người mình. Bản thân sống tốt, sống có ý nghĩa thì cha mẹ sẽ được hưởng an lạc. Chính vì vậy mỗi chúng ta cần tự điều chỉnh hành vi, biết cống hiến phụng sự cho cha mẹ cả về vật chất lẫn tình cảm. Điều này cũng lý giải rằng, cài bông hồng đỏ hay bông hồng trắng mùa Vu Lan có thể chỉ là hình thức về nghi lễ, nhưng thực sự chất cài hoa hồng để nhắc nhở con người ta giữa nhịp ngày hối hả này, giữa cuộc đời đầy bộn bề, chen đua, hãy biết dừng lại mà sống chậm hơn, đừng nhìn xa mãi, nhìn khắp mọi nơi mà quên đi không nhìn gần lại, nhìn ngay xung quanh mình là những người thân đã - đang và sẽ vẫn dành tình cảm yêu thương cho cuộc đời mình. Và mình đã thực sự hết lòng sống cho gia đình, cho những tình cảm thiêng liêng và cao quý ấy chưa?
Như ai đó đã nói rằng, khi cài một bông hồng lên ngực, thật gần nơi tim, có lẽ chúng ta mới cảm nhận rõ hơn bao giờ hết một điều rằng: Mỗi người chỉ có một gia đình và mất đi sẽ không bao giờ có lại được. Và mẹ cha luôn là vốn liếng yêu thương nhất cho mỗi cuộc đời...
“Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”./.
Ngày nay, nhiều ngôi chùa ở Việt Nam có tổ chức hoạt động cài bông hồng trong ngày lễ Vu Lan. Những người đến chùa không phân biệt già trẻ lớn bé, gái hay trai đều không quên dừng lại để cài lên ngực một bông hồng, thầm nhắc nhở về công ơn của cha mẹ đối với mình. Nghi thức "Bông hồng cài áo" thường được tổ chức trong ngày lễ Vu Lan để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các phật tử với 3 giỏ hoa hồng (màu đỏ và màu trắng và màu vàng) sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.