Ý nghĩa nhan đề truyện "Những đứa con trong gia đình" số 5
“Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi ra đời vào những năm mà cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ và tay sai bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Phần lý tưởng lớn nhất của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ là dâng hiến cuộc đời và tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cứu nước vĩ đại của dân tộc. Trong những năm tháng tàn khốc, đau thương ấy càng mất mát thì con người Nam Bộ lại càng vùng lên chiến đấu dũng cảm. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, là tinh thần căm thù giặc sâu sắc, là phẩm chất kiên cường của miền Nam đã khơi nguồn cảm hứng để Nguyễn Thi viết lên thiên truyện ngắn này.
“Những đứa con” trong nhan đề của truyện trước hết chính là Việt và Chiến - những người con trong một “gia đình” nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thuỷ chung son sắt với quê hương cách mạng. Mở rộng hơn, còn có thể hiểu đó là thế hệ trẻ miền Nam, những người con của đại “gia đình” miền Nam ruột thịt trong những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt.
Nhan đề gợi lên mối quan hệ giữa riêng với chung, nhà với nước, giữa tình cảm gia đình, với tình yêu nước, yêu cách mạng. Chính sự kết hợp giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
Nhan đề làm hiện lên mối quan hệ giữa những đứa con với truyền thống gia đình thể hiện qua câu nói so sánh của chú Năm: “Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi” Trước hết câu nói này soi sáng tư tưởng chủ đề cho truyện ngắn để làm nên dòng sông truyền thống của một gia đình, các thế hệ phải có sự tiếp nối không chỉ về huyết thống mà còn về truyền thống không thể tách rời các khúc trong một dòng sông, khúc sau luôn thừa hưởng nguồn nước phù sa, sức mạnh của khúc trước.
Cũng như thế những đứa con luôn được thừa hưởng những phẩm chất đẹp đẽ từ các thế hệ cha anh trong gia đình phát huy những phẩm chất ấy để có thể đi xa hơn đạt được ước mơ hoài bão. Như vậy, nhan đề “Những đứa con trong gia đình” còn đặt ra vấn đề mang ý nghĩa biện chứng: chỉ có thể hiểu được vẻ đẹp và sức mạnh của những đứa con khi tìm hiểu về cội nguồn truyền thống gia đình của họ - Nhan đề “Những đứa con trong gia đình” không chỉ đặt ra cái nhìn trong phạm vi truyền thống của một gia đình, hình ảnh trăm con sông đều đổ về một biển, con sông gia đình cũng chảy về biển “mà biển thì rộng lắm bằng cả nước ta”. Như vậy, hình ảnh này cho ta thấy vai trò của gia đình đối với đất nước.
Từ đây, “Những đứa con trong gia đình” có thể cho người đọc liên tưởng đến người dân trong một đất nước. Các gia đình nối tiếp nhau làm lên truyền thống dân tộc. Ý nghĩa nhan đề thể hiện đậm nét khi nhà văn sử dụng lăng kính gia đình để soi chiếu tầm vóc cuộc chiến vĩ đại của dân tộc.