Top 10 Người trẻ Việt Nam nổi bật nhất dưới 30 tuổi

Dương Thanh Hà 11699 1 Báo lỗi

Những nhân vật xuất sắc dưới 30 tuổi tại Việt Nam trong danh sách Under 30 năm 2022 là những ai? Với những dấu ấn thành công ban đầu trong sự nghiệp, họ đang ... xem thêm...

  1. Nguyễn Thị Oanh sinh ngày 15 tháng 8 năm 1995 là một vận động viên điền kinh người Việt Nam. Cô thường tham gia môn chạy trong bộ môn điền kinh, các cự ly cô thường thi đấu là chạy 1.500 m, 5.000 m, vượt chướng ngại vật 3.000 m. Cô là một trong những vận động viên điền kinh tiêu biểu của Việt Nam trong 10 năm (2013 - 2023) khi cô giành được 1 HCĐ Asiad; 1 HCV, 1 HCB Asian Beach Games và 12 HCV cá nhân ở SEA Games. Ngoài ra, cô giành được 846 điểm và về nhất ở cuộc bầu chọn Vận động viên tiêu biểu toàn quốc năm 2019 sau thành tích đáng nhớ tại SEA Games 30. Năm 2023, tại SEA Games 32, cô lập được thành tích kinh ngạc khi trở thành vận động viên Việt Nam đầu tiên giành 4 HCV cá nhân môn điền kinh trong một kỳ SEA Games, trong đó có kỳ tích đoạt được 2 HCV chỉ trong vòng 20 phút. Nguyễn Thị Oanh bắt đầu theo nghiệp điền kinh từ năm 15 tuổi. Do vóc dáng thấp bé nhẹ cân, cô có biệt danh là “Oanh Ỉn.” Sở trường thi đấu của Oanh là cự ly 1.500m, 5.000m, vượt chướng ngại vật 3.000m. Oanh là một trong những vận động viên điền kinh tiêu biểu của Việt Nam những năm qua với bề dày thành tích: 1 HCĐ Asiad; 1 HCV, 1 HCB Asian Beach Games và 5 HCV cá nhân ở SEA Games. Giai đoạn 2014 - 2015, Oanh đã từng phải nghỉ thi đấu do chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận cấp.


    Theo chia sẻ của Nguyễn Thị Oanh, khi mới tham gia tập luyện thể thao chuyên nghiệp do thể hình khiêm tốn chỉ nặng 40kg, cô suýt đã không được chọn vào đội tuyển. Nhờ tinh thần nghiêm túc, sự cố gắng rèn luyện cô đã lấy được lòng tin của ban huấn luyện và từ đó được gọi vào đội tuyển quốc gia. Ở SEA Games 29, do chủ nhà Malaysia bất ngờ hủy bỏ nội dung vượt chướng ngại vật 3.000m nên cô buộc chuyển xuống thi đấu ở cự ly 1.500m và 5.000m. Oanh đã xuất sắc giành hai HCV SEA Games. Ở kỳ SEA Games 30 kế tiếp, cô bảo vệ thành công hai HCV này và giành thêm HCV ở cự ly 3.000m. Tại Asiad 18 (Indonesia) năm 2018, Oanh giành chiếc huy chương đồng lịch sử cho điền kinh Việt Nam ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Năm 2021, Oanh đứng thứ hai trong danh sách bình chọn vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và ủy ban Olympic Việt Nam.

    Nguyễn Thị Oanh - Vận động viên điền kinh nổi tiếng
    Nguyễn Thị Oanh - Vận động viên điền kinh nổi tiếng
    Vận động viên Nguyễn Thị Oanh
    Vận động viên Nguyễn Thị Oanh

  2. GDucky tên thật là Đặng Mai Việt Hoàng, sinh ngày 18/09/1998 tại Hà Nội, là nam rapper trẻ người Việt Nam. Là gương mặt nổi bật thuộc gen Z trong lĩnh vực âm nhạc underground từ sau khi bước ra khỏi cuộc thi Rap Việt 2020 với danh hiệu á quân. Trong suốt cuộc thi Rap Việt, GDucky ghi dấu với khán thính giả bằng những bài rap có cách gieo vần bắt tai và khả năng khuấy động không khí trên sân khấu. Tiền nhiều để làm gì là một trong những bài hát khiến GDucky được khán giả nhớ mặt và theo dõi nhiều hơn khi từng nằm ở vị trí thứ hai trong danh sách bài hát nhiều người nghe nhất trên Apple Music, và có mặt trong bản cập nhật playlist Vietnam Top 50 trên nền tảng âm nhạc Spotify chỉ sau chưa đầy một tuần phát hành.


    Phong cách âm nhạc của GDucky ảnh hưởng nhiều bởi trường phái hàn lâm với những câu rap sâu sắc, khiến người nghe phải suy nghĩ. Sau Rap Việt, GDucky là nghệ sĩ hiếm hoi hợp tác với nhiều cá tính âm nhạc khác biệt, như bắt tay với ca sỹ Tùng Dương trong album Human, xuất hiện cùng Mỹ Anh qua hai bản mash up Cô gái Trung Hoa và Công chúa bong bóng. Dự án kết hợp mới nhất của GDucky là khoác chiếc áo mới cho Nàng thơ - bài hát từng làm nên tên tuổi của Hoàng Dũng - á quân The Voice 2015. Mục tiêu trong năm nay của GDucky là ra mắt một single đầu tay, và khẳng định được cái tôi nghệ thuật qua từng sáng tác. Rap từng là một sở thích của anh từ thời học sinh vì sự gần gũi của thể loại âm nhạc này. Lên đại học, nam rapper mới bắt đầu tập viết nhạc một cách “bản năng” và tự học thêm về các kỹ thuật của rap. Từ sau Rap Việt, anh quyết định chọn gắn bó và theo đuổi âm nhạc nghiêm túc, thay vì chỉ xem đó là sở thích như trước kia.

    GDucky tên thật là Đặng Mai Việt Hoàng
    GDucky tên thật là Đặng Mai Việt Hoàng
    GDucky - Đặng Mai Việt Hoàng
    GDucky - Đặng Mai Việt Hoàng
  3. Tạp chí Forbes (phiên bản tiếng Việt) mới đây cũng đã bình chọn thủ môn Hồ Văn Ý nằm trong danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi thành đạt tại Việt Nam năm 2022. Trước đó, Hồ Văn Ý cũng là vận động viên tiêu biểu toàn quốc năm 2021 của thể thao Việt Nam. Hiện tại, cầu thủ này đang nằm trong danh sách ứng viên nhận bầu chọn Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc 2021 của Trung ương Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Hồ Văn Ý là tuyển thủ quốc gia chơi nổi bật tại giải futsal World Cup tổ chức tại Lithuania vào tháng 9.2021. Trong lần đầu tham dự futsal World Cup anh khiến người hâm mộ Việt Nam trầm trồ với những pha cứu thua xuất thần xuất sắc đưa Việt Nam đứng thứ ba bảng D và đoạt vé vào vòng đấu loại kế tiếp. Ở vòng 1/8, anh và các đồng đội chỉ chịu khuất phục Nga với tỉ số sát nút 2 - 3, trong đó bàn gỡ 1 - 2 nhờ cú phát bóng phản công trực tiếp của Văn Ý.


    Văn Ý sinh ngày 1 tháng 1, 1997, tại Quảng Nam, gia nhập câu lạc bộ Thái Sơn Nam vào năm 2018, cùng câu lạc bộ này đoạt ba giải vô địch liên tiếp năm 2018, 2019, 2020 và ngôi á quân giải vô địch bóng đá trong nhà các câu lạc bộ châu Á năm 2018. Trở thành thành viên đội tuyển futsal Việt Nam vào năm 2018, Văn Ý cũng khẳng định vị trí ở cấp độ đội tuyển, từng được chọn vào tốp 10 thủ môn xuất sắc thế giới ở UMBRO Futsal Awards - giải thưởng tương đương với FIFA The Best trong bóng đá. Anh đoạt giải Quả bóng bạc Futsal Việt Nam năm 2018 và 2020. Đầu năm 2022, Văn Ý được Futsal Planet đưa vào tốp 10 danh sách đề cử “Thủ môn hay nhất năm 2021”.

    Hồ Văn Ý
    Hồ Văn Ý
    Hồ Văn Ý
    Hồ Văn Ý
  4. Sinh ra trên mảnh đất Đăk Nông, BS Huỳnh Lê Thái Bão sinh năm 1994, theo học chuyên ngành đa khoa, tốt nghiệp loại giỏi tại Đại học Tây Nguyên và gia nhập Đại học Duy Tân vào năm 2018. Hiện Bão là chủ nhiệm Diễn đàn Y khoa và trưởng dự án hệ sinh thái Y khoa online (www.ykhoa.org), đồng thời là thư ký biên tập tạp chí hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE). Huỳnh Lê Thái Bão hiện là bác sĩ, giảng dạy tại khoa Y và là quyền trưởng bộ môn Thực hành bệnh viện tại đại học Y Dược thuộc Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Bão giành học bổng toàn phần đào tạo tiến sĩ nội khoa tại đại học Y Dược Huế năm 2022 do quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF trao, trở thành một trong những bác sĩ được đặc cách đào tạo tiến sĩ trẻ nhất ngành y. Anh sáng lập và là chủ nhiệm Diễn đàn Y khoa và trưởng dự án hệ sinh thái Y khoa online, đồng thời là thư ký biên tập tạp chí và website Hội Nội tiết và Đái tháo đường VN (VADE).


    Huỳnh Lê Thái Bão tích cực tham gia các chương trình cộng đồng ngay từ năm đầu vào đại học Y Tây Nguyên (2012). Ngân hàng Máu sống được Bão sáng lập năm 2015 và sau đó đồng sáng lập câu lạc bộ Một Sức Khỏe (One Healh Club) tại đại học Tây Nguyên. Những hoạt động này là nền tảng cho hệ sinh thái y khoa kết hợp cả 4 lĩnh vực giáo dục - y tế - công nghệ và hoạt động cộng đồng. Năm 2018, câu lạc bộ Tình nguyện y khoa ra đời hoạt động nòng cốt ở miền Trung và Tây Nguyên với 300 thành viên đầu tiên. Bước tiếp theo là hệ sinh thái y khoa trực tuyến (ykhoa.org) hình thành với sáu thành phần, trên ứng dụng (app), website, kênh YouTube, Facebook, giao lưu trực tuyến và các hoạt động thực tế, đến nay có hơn 26.000 thành viên. Các chương trình thực tế như Đồng hành cùng bệnh nhi ung thư, Vầng trăng yêu thương, tiếp sức mùa thi, hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19; hiến máu tình nguyện…

    Huỳnh Lê Thái Bão Under 30 2022
    Huỳnh Lê Thái Bão Under 30 2022
    Huỳnh Lê Thái Bão
    Huỳnh Lê Thái Bão
  5. Nguyễn Phương Linh - Flinh là nghệ sĩ trình diễn nổi bật trong lứa nghệ sĩ thị giác đương đại trẻ nhất hiện nay ở Việt Nam. Cô đã trình diễn tại sự kiện Kỷ niệm Nhà Sàn 20+ (2018, Hà Nội); NIPAF International Performance Festival 2018 (Nhật Bản); Asia Live Performance!Vietnam 2018 (Ba Lan, Đức); triển lãm “Polyphony:Southeast Asia” 2019 (Trung Quốc); Performance Plus 2019 - MoTplus (TP.HCM); Festival “Nổ Cái Bùm” (2020, Huế); Blue Project – Tháng thực hành nghệ thuật MAP, Heritage Space (2020, Hà Nội); Wuwei Performance Series 2020 (Singapore). Giám tuyển Trần Lương nhận xét tác phẩm của Flinh thể hiện sự nữ tính Á Đông và sự tự tin trong đối thoại, khám phá và khẳng định vai trò của nữ giới trong xã hội toàn cầu hóa và tiến trình dân chủ mạnh mẽ. Flinh từng theo học hội họa tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cô quan tâm tới các hoạt động nghệ thuật đương đại ngoài khuôn khổ nhà trường và lần đầu tiếp xúc với nghệ thuật trình diễn tại Workshop IN:ACTcủa nghệ sĩ Seiji Shimoda và Nhà Sàn Collective. Sự kiện tạo ấn tượng mạnh mẽ khiến cô quyết tâm theo đuổi hình thức sáng tạo này. Flinh nói cô thích trình diễn vì tính ngẫu hứng, con người, chân thật đến trần trụi của nó mà không mất đi cái ẩn dụ hay chất thơ của nghệ thuật.


    Khi đại dịch COVID bùng phát tại Việt Nam, Flinh cũng như các nghệ sĩ khác vẫn tiếp tục thử nghiệm trình diễn trong studio, tại không gian sống, tương tác với video, các nền tảng mạng xã hội. Flinh đang cùng nghệ sĩ Lem TragNguyen thực hiện dự án “Hay là”, xây dựng nền tảng tập trung vào nghệ thuật trình diễn Việt Nam, với các hoạt động như trò chuyện cùng nghệ sĩ, chia sẻ lưu trữ các tác phẩm trình diễn, phối hợp nghiên cứu và thảo luận chuyên môn cùng các bên. Qua các hoạt động trên, “Hay là” mong muốn có thể đưa nghệ thuật trình diễn đến gần với các bạn trẻ hơn, truyền cảm hứng và kết nối nghệ sĩ với công chúng yêu nghệ thuật. Flinh nói: “Tôi luôn có cảm giác mình lạc lõng giữa các thế hệ đi trước và sau này, giữa các dòng chảy văn hóa của quá khứ và hiện tại. Tâm trạng lo âu và xa cách luôn là nỗi ám ảnh thường trực. Tôi từng có suy nghĩ rằng nghệ thuật là chỗ trú chân, là nơi để sáng tạo một thế giới riêng, trốn tránh thực tại. Thế nhưng khi tiếp xúc với nghệ thuật đương đại, đặc biệt là trình diễn, quan niệm đó hoàn toàn bị phá vỡ. Thực hành trình diễn tạo cho tôi một trạng thái gần giống thiền định, như liệu pháp tâm lý, đẩy tôi khỏi giới hạn bản thân, đối mặt và va chạm những vấn đề của đời sống thường ngày.”

    Nguyễn Phương Linh (FLinh)
    Nguyễn Phương Linh (FLinh)
    Nguyễn Phương Linh (FLinh) under 30 2022
    Nguyễn Phương Linh (FLinh) under 30 2022
  6. Phạm Mỹ Linh sinh năm 1995, năm 2016, tốt nghiệp cử nhân Kinh tế học (đại học Birmingham, Anh), Mỹ Linh về nước gia nhập OnOnPay ở vị trí trưởng nhóm phân tích kinh doanh. Tại đây, Linh góp phần phát triển hệ thống dịch vụ và ghi dấu ấn với việc gọi thành công 2,3 triệu đô la Mỹ vốn vào OnOnPay từ các quỹ quốc tế. Tháng 11.2018 Mỹ Linh đồng sáng lập và là giám đốc chiến lược, triển khai các dự án quan trọng cho nền tảng thương mại điện tử B2B Telio. Linh đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng thành công hệ thống quản trị dữ liệu kinh doanh, tiến tới vận hành công ty dựa trên các nền tảng dữ liệu lớn, giúp Telio quản trị hệ thống theo thời gian thực, hỗ trợ hoạt động kinh doanh hiệu quả nhờ đưa ra các quyết định kịp thời.


    Tháng 11.2021, Telio gọi vốn thành công 22,5 triệu đô la Mỹ, vòng Pre-Series B, từ ba nhà đầu tư do VNG dẫn đầu cùng GGV Capital và Tiger Global. Vòng vốn này đưa tổng vốn huy động được hơn 51 triệu đô la Mỹ, giúp Telio thực hiện mục tiêu tham vọng là trở thành nền tảng B2B lớn tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn để hỗ trợ nhà sản xuất và nhà bán lẻ tối ưu hóa chuỗi giá trị kênh phân phối. Theo số liệu công bố đến cuối năm 2020, Telio kết nối đến hơn 45 ngàn đại lý bán lẻ, tập trung vào ba ngành tiêu dùng nhanh (FMCG), y tế và phong cách sống. Doanh thu tháng 12.2021 của Telio đạt 23,5 triệu đô la Mỹ. Dịch vụ BNPL (mua trước trả sau) sẽ là trọng điểm Telio dự kiến đưa ra thị trường năm nay nhằm hỗ trợ vốn lưu động cho các chủ cửa hàng kinh doanh và tăng doanh thu cho Telio.

    Phạm Mỹ Linh
    Phạm Mỹ Linh
    Phạm Mỹ Linh lọt top under 30 2022
    Phạm Mỹ Linh lọt top under 30 2022
  7. Ngô Thùy Anh là một trong 8 cô gái xuất sắc có mặt trong danh sách Under 30 năm 2022 do Forbes Việt Nam bình chọn. Hai mươi ba tuổi, cầm tấm bằng MBA loại Giỏi, Thùy Anh đã có một quyết định vô cùng táo bạo khi từ chối lời mời làm việc của một công ty tài chính lớn ở phố Wall (New York) để trở về Việt Nam khởi nghiệp. Chỉ sau 2 năm, cô du học sinh ngày nào giờ đã thành công khi là CEO và Founder của 5 công ty startup. Càng tự hào hơn khi cô chính là 1 trong 17 Đại sứ trẻ toàn cầu của Samsung với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP quảng bá cho các Mục tiêu Phát triển bền vững. Tháng 3.2020, Thùy Anh thành lập HASU, ứng dụng chăm sóc tinh thần, thể chất dành cho những người từ 50 tuổi. Thùy Anh mong muốn đưa mô hình kinh doanh này hướng tới hỗ trợ những người cao tuổi vượt qua những nỗi sợ: sợ bị lãng quên, sợ là gánh nặng của con cháu, sợ không khỏe… để sống vui vẻ và hạnh phúc.


    Trên thị trường hiện còn ít dịch vụ, sản phẩm chăm sóc tinh thần, thể chất cho người cao tuổi như HASU. Ra đời giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát, HASU điều chỉnh mô hình liên tục: từ tổ chức các lớp học trực tiếp cho khách hàng ban đầu chuyển sang thiết kế ứng dụng trực tuyến kết nối người dùng, kết hợp các hoạt động trực tiếp khi dịch bớt căng thẳng. Số liệu đến tháng 12.2021, có khoảng 12 ngàn người từ 50 tuổi sử dụng HASU để tập thể dục, giải trí và kết nối. Thùy Anh và các cộng sự đang hướng đến ứng dụng tiện lợi, nhiều tính năng hơn để những người cao tuổi hơn có thể trải nghiệm và con cháu của họ có thể theo dõi ba mẹ, ông bà qua ứng dụng. Trước khi lập ra HASU, năm 2017, khi đang học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Mỹ, Ngô Thùy Anh đồng sáng lập Aligo Kids - nền tảng dạy kỹ năng và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thông qua phim hoạt hình tương tác. Sau khi về nước năm 2018, Thùy Anh sáng lập AligoMedia - công ty với các hoạt động như sản xuất phim hoạt hình về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số, giáo dục hành vi xử lý rác thải, sách giáo khoa điện tử, công nghệ kết nối gia đình cho các doanh nghiệp, tổ chức.

    Ngô Thùy Anh under 30 2022
    Ngô Thùy Anh under 30 2022
    Ngô Thùy Anh
    Ngô Thùy Anh
  8. Nguyễn Thị Thu Nhi với biệt danh Thiên Thần Đen (Black Angel), sinh ngày 22 tháng 10 năm 1996 là nữ võ sĩ Quyền Anh chuyên nghiệp người Việt Nam gốc Khmer. Cô hiện là đương kim vô địch Quyền Anh hạng ruồi nhẹ (mini-flyweight), giữ đai vô địch Tổ chức Quyền Anh Thế giới (WBO) là cũng là võ sĩ Việt Nam đầu tiên giành một danh hiệu vô địch chuyên nghiệp thế giới. Thời còn là vận động viên thi đấu nghiệp dư, cô cũng từng giành Huy chương Vàng Quyền Anh Việt Nam, vô địch Quyền Anh Cúp các Câu lạc bộ toàn quốc. Hiện là đương kim vô địch quyền anh hạng ruồi nhẹ (mini-flyweight) giữ đai vô địch tổ chức Quyền anh Thế giới (WBO).


    Tháng 10.2021, Thu Nhi trở thành võ sĩ Việt Nam đầu tiên giành danh hiệu vô địch chuyên nghiệp thế giới sau khi vượt qua đối thủ mạnh Tada Etsuko tại Hàn Quốc. Trong trận chung kết kéo dài 10 hiệp, hai bên so kè, ăn miếng trả miếng, ở hiệp tám, Thu Nhi dính đòn rách mắt trái nhưng vẫn dốc toàn lực tấn công và giành được chiến thắng với điểm số 96 - 94, đoạt đai WBO. Quê An Giang, từ năm 2009, Thu Nhi bắt đầu tập luyện võ thuật, khởi đầu là võ thuật cổ truyền, sau đó chuyển sang quyền anh, được tuyển vào vào đội tuyển boxing TP. HCM. Năm 2015, cô đại diện cho đội tuyển quyền anh TP. HCM tham gia giải vô địch quyền anh toàn quốc hạng ruồi nhẹ và giành huy chương vàng. Thu Nhi liên tục giành huy chương vàng quyền anh toàn quốc năm 2017, 2018 và và vô địch cúp các câu lạc bộ toàn quốc liên tiếp năm năm liền từ năm 2015 đến năm 2019. Năm 2019 Thu Nhi trở thành võ sĩ thi đấu chuyên nghiệp sau khi gia nhập Cocky Buffalo, câu lạc bộ võ thuật và quyền anh ở Việt Nam có vốn đầu tư từ Hàn Quốc.

    Nguyễn Thị Thu Nhi under 30 2022
    Nguyễn Thị Thu Nhi under 30 2022
    Nguyễn Thị Thu Nhi
    Nguyễn Thị Thu Nhi
  9. Nguyễn Huyền My từng học Kinh tế. Hai mươi năm đầu đời, cô thậm chí không có khái niệm về lập trình, xây dựng website hay ứng dụng. Cô gái trẻ từng trải qua nhiều công việc trước khi "phải lòng" với công nghệ. Bước chân vào lĩnh vực này, Huyền My thừa nhận nó khó, đòi hỏi nhiều sáng tạo, tư duy logic. Trong khi đó, có nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng về mặt này phái mạnh có lợi thế hơn do phái mạnh sẽ có xu hướng phát triển tư duy bộ não tốt hơn. Tuy nhiên, Huyền My luôn tin tưởng tư duy logic hoàn toàn có thể rèn luyện được. Do đó, việc chọn theo Công nghệ thông tin hay không không phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi mà ở chính bản thân mỗi người. Thực tế, không ít người thành đạt, nắm giữ vai trò trọng yếu trong các công ty công nghệ là nữ giới. Huyền My nói thêm Công nghệ thông tin không chỉ có lập trình, tính toán mà còn có nhiều vị trí khác nhau để tạo ra sản phẩm, tìm thị trường, nhân rộng mô hình. Thị trường lao động cũng rộng mở với nhiều cơ hội làm việc. Điều quan trọng là năng lực, không phải giới tính.


    Từ cuộc thi lập trình dành cho phái nữ do một nhóm sinh viên tổ chức, Nguyễn Huyền My tham gia sáng lập và điều hành SheCodes Vietnam từ năm 2019, tổ chức ra đời thúc đẩy hoạt động truyền lửa cho phái nữ tự tin trong lĩnh vực công nghệ. Qua ba năm, SheCodes thu hút hơn 10 ngàn thành viên nữ tham gia các lớp học lập trình, hackathon (cuộc thi phát triển phần mềm), các sự kiện định hướng, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và mạng lưới quan hệ cho nữ giới. Chương trình truyền cảm hứng và động lực cho nữ giới kiên trì theo đuổi sự nghiệp nhờ công nghệ, thông qua công nghệ thu hẹp khoảng cách giới. SheCodes Vietnam phát triển nhiều hoạt động mới, startup SSSMarket ra đời từ SheCodes Hackathon 2020 nằm trong Top 10 Startup Wheel 2021. Nền tảng giáo dục Techlofi trang bị kiến thức công nghệ, hỗ trợ các nhóm yếu thế và nữ giới đoạt giải nhất cuộc thi Giải pháp tương lai - Techfest 2021. Giải thưởng tiên phong Bình đẳng giới - Thanh niên kiến tạo 2021 do đại sứ quán Ireland, trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững (CSDS) và cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) trao tặng.

    Nguyễn Huyền My
    Nguyễn Huyền My
    Nguyễn Huyền My
    Nguyễn Huyền My
  10. Sở hữu bảng thành tích "khủng", được truyền thông ưu ái gọi là "chàng trai vàng tin học" của Việt Nam nhưng Lê Yên Thanh thú nhận "vì tham gia quá nhiều cuộc thi nên tôi cũng không nhớ chính xác mình đã đạt tất cả bao nhiêu giải thưởng". Bắt đầu làm quen và yêu thích tin học từ những năm cấp 2, chàng trai quê An Giang này từng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tin học quốc gia và được tuyển thẳng vào đại học. Năm 2015, anh giành giải nhì cuộc thi Nhân tài Đất Việt. Cùng năm đó, Lê Yên Thanh được vinh danh là Gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam khi mới 21 tuổi. Với vai trò là nhà sáng lập và CEO Phenikaa Mass - công ty cung cấp các giải pháp công nghệ giao thông, Lê Yên Thanh vừa lọt Top 30 under 30 châu Á của tạp chí Forbes. Startup của Thanh trước đây mang tên BusMap nhưng đã đổi thành Phenikaa Mass sau khi nhận đầu tư 1,5 triệu USD từ Phenikaa, tập đoàn do doanh nhân Hồ Xuân Năng sáng lập. Lê Yên Thanh từng nổi tiếng là ‘chàng trai vàng’ tin học khi sở hữu tới hơn 100 giải thưởng, huy chương tin học trong nước và quốc tế.

    Lê Yên Thanh sáng lập và điều hành BusMap - dự án bản đồ xe buýt lớn nhất Việt Nam. Thanh lập BusMap từ khi còn là sinh viên đại học sau này trở thành dự án bản đồ dịch tễ COVID-19 cho một số tỉnh và dựa trên đó phát triển thành công ty Phenikaa MaaS chuyên về các giải pháp giao thông thông minh. Công ty được tập đoàn Phenikaa đầu tư 1,5 triệu đô la Mỹ giữa năm 2021. BusMap - bản đồ xe buýt online là ý tưởng được xây dựng khi Thanh lên Sài Gòn trọ học, do trải nghiệm từ việc đi lại bằng xe buýt và việc tìm các tuyến đường đi của xe buýt khó khăn. Sau hai tháng mày mò, Thanh cho ra đời phần mềm BusMap. Người dùng có thể truy cập đường đi của xe buýt bằng bất cứ thiết bị nối mạng nào. Sau đó, phần mềm sẽ gửi hướng dẫn đường đi tối ưu nhất cho người dùng như đi ở trạm nào, xuống tuyến nào, đề xuất lựa chọn tuyến đường, hiển thị chi tiết thời gian chờ xe buýt, giá vé, khoảng cách đường đi, sắp tới sẽ có tính năng phát loa người dân và người khiếm thị có thể sử dụng được…Hiện nay bản đồ chống dịch này được tỉnh Đà Nẵng tích hợp thêm bản đồ tiêm chủng giúp người dân tra cứu các địa điểm tiêm chủng. Sau Đà Nẵng, Thanh cũng đã cung cấp miễn phí bản đồ dịch tễ cho chín tỉnh thành bùng phát dịch COVID-19 khác như Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Bắc Giang, Phú Yên.

    Lê Yên Thanh Under 30 2022
    Lê Yên Thanh Under 30 2022
    Lê Yên Thanh
    Lê Yên Thanh



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy