Top 17 Phong tục truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của người Việt

Tú Anh 6948 0 Báo lỗi

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu ... xem thêm...

  1. Theo quan niệm của cha ông ta từ xa xưa, Thần Táo Quân bao gồm "hai ông một bà". Gắn liền với quan niệm này là sự tích dân gian kể về gia đình Thị Nhi và Trọng Cao. Hai vợ chồng lấy nhau mãi mà không có con, Trọng Cao vì chuyện này mà cộc cằn, đánh vợ rồi đuổi đi. Thị Nhi sau khi bỏ nhà đi tới xứ khác gặp được Phạm Lang. Hai bên tâm đầu ý hợp rồi kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì bắt đâu ân hận và lên đường tìm kiếm vợ. Nhưng ngày dài đường xa, Cao hết tiền hết gạo phải trở thành kẻ xin ăn dọc đường. Tới ngày nọ, chàng ta xin ăn tới nhà của Thị Nhi. Đúng lúc này Phạm Lang đi vắng, Nhi nhận ra chồng cũ mời vào nhà cơm nước đầy đủ. Không may đúng lúc Phạm Lang trở về, nàng đành giấu Cao dưới đống rạ sau vườn để tránh điều thị phi. Chẳng ngờ đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy chồng cũ bị thiêu chết, Nhi lao mình vào lửa tự vẫn. Phạm Lang cũng vì thương xót vợ mà nhảy vào chết theo. Ngọc Hoàng thương tình 3 kẻ sống có nghĩa có tình nên phong cho làm ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong nhà. Bên cạnh đó còn có ông Công là vị thần cai quản đất đai cũng được người dân tiễn lên chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp.


    Quan niệm dân gian cho rằng ông Công, ông Táo vốn được ông Trời phái xuống theo dõi và ghi chép các việc thiện - ác của loài người. Và bởi vậy, các vị Táo quân lên chầu vào ngày 23 là nhằm báo cáo lại việc làm của con người trong suốt năm đó để Thiên đình định công tội, thưởng phạt. Như vậy ông Công, ông Táo chính là các vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình (dựa trên đạo lý, lối sống của con người). Với mong muốn được Thần Bếp phù hộ mà người ta làm lễ đưa Táo Quân lên chầu hết sức long trọng. Mâm cúng ông Công ông Táo thường rất đủ đầy. Có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu; cùng cỗ xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... và không thể thiếu một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Bộ mã này tùy từng năm theo ngũ hành mà khác nhau, có năm áo - mũ - hia dùng màu vàng, có năm lại màu xanh... Những đồ "vàng mã" này sẽ được đốt đi sau lễ cúng. Sau khi làm lễ thì đem ra sông thả, chúng được coi như là phương tiện đưa các Ông lên trời. Ngoài ra hình tượng cá chép cũng truyền tải khát vọng "cá chép hóa rồng" ngụ ý thăng hoa, tinh thần bền lòng chinh phục tri thức và sự thành công.

    Cúng ông Công, ông Táo
    Cúng ông Công, ông Táo
    Cúng ông Công, ông Táo là phong tục truyển thống của người Việt
    Cúng ông Công, ông Táo là phong tục truyển thống của người Việt

  2. Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên. Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy" có từ đời Hùng Vương thứ 6. Bánh chưng Việt Nam không lẫn, không phỏng theo bất kỳ thứ bánh nào của các quốc gia khác. Bánh chưng được làm nên từ những nguyên liệu rất gần gũi với đời sống của người nông dân như: gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang và có khi thêm những nguyên liệu phụ là quả gấc… để làm màu cho nhân bánh thêm đẹp.


    Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất, màu xanh lá dong là cỏ cây, đỗ xanh tượng trưng cho trái ngon, quả ngọt, thịt lợn đại diện cho muông thú và gạo nếp chính là văn minh lúa nước con người. Với mỗi người dân Việt Nam, bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam. Chị Đinh Thanh Tú, một người dân Hà Nội, kể: “Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những đứa trẻ rất háo hức xem gói, luộc bánh chưng. Đây cũng là dịp xum vầy, đầm ấm đại gia đình. Mỗi trẻ em Việt Nam khi lớn lên đều không thể không nhớ hình ảnh gói bánh chưng ngày Tết. Hình ảnh này thấm nhuần trong mỗi đứa trẻ để khi lớn lên chúng kế tục truyền thống ông cha lại làm những nồi bánh chưng cho con trờ, đời này kế tục đời tiếp theo. Không có một dân tộc nào trên thế giới mà trong ngày Tết lại thờ bánh chưng như ở Việt Nam. Bánh chưng mỗi dịp Tết đến còn được dùng làm quà tặng, quà biếu và cũng là món ăn đặc sản mời khách, cả chủ và khách cùng ăn lấy may năm mới.”

    Gói bánh chưng là phong tục lâu đời của người Việt
    Gói bánh chưng là phong tục lâu đời của người Việt
    Mỗi gia đình Việt đều gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền
    Mỗi gia đình Việt đều gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền
  3. Tết Nguyên Đán là ngày lễ trọng đại nhất của một năm, là dịp để nhắc nhở tất cả người dân Việt Nam ý thức về sự đổi mới của đất trời, về lẽ tuần hoàn của tạo vật để mà phấn khởi hân hoan chào đón một năm mới tươi đẹp. Do đó, ai ai cũng đều cố gắng tạo niềm vui cho mình và cho người, để cuộc đời được tốt đẹp, ý nghĩa hơn và Tết Nguyên đán đã là cơ hội để gia đình được sum họp, con cháu tỏ lòng biết ơn bằng những hành động đền ơn đáp nghĩa với đấng sinh thành, tưởng nhớ đến tổ tiên cội nguồn của mình… Tết Nguyên đán cũng là dịp để mọi người tạm dẹp bỏ mọi lo toan thường trực hàng ngày, thay vào đó là những thú vui tao nhã, thư thái cho tâm hồn. Chưng hoa, chơi hoa ngày Tết là một trong số những thú vui thanh tao, tuyệt đẹp đó.


    Hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam và cây quất là một trong những cây tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng cho gia đình. Hiện nay ở Việt Nam còn có thêm rất nhiều loại hoa đẹp khác được người dân ưa thích mua về trang trí trong nhà để chào đón năm mới như hoa lan, hoa ly, hoa cúc, hoa thủy tiên...Người xưa đi chợ Tết chủ yếu là để mua lá dong, mua thịt, mua hành gói bánh chưng. Người Việt còn có thú chơi hoa và bày mâm ngũ quả ngày Tết. Các loài hoa ưa chuộng không thể thiếu ngày Tết đó là hoa đào, hoa mai, hoa hải đường, lay ơn, thược dược… Mâm ngũ quả thì tùy thuộc vào vùng miền mà có các loại quả khác nhau. Tất cả đều mang ý nghĩa: Vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, phúc lộc tràn đầy…

    Hoa đào, loài hoa đặc trưng cho Tết miền Bắc
    Hoa đào, loài hoa đặc trưng cho Tết miền Bắc
    Hoa mai, loài hoa đặc trưng cho Tết miền Nam
    Hoa mai, loài hoa đặc trưng cho Tết miền Nam
  4. Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên là phong tục truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý. Mâm ngũ quả mang nhiều ý nghĩa và không thể thiếu trên ban thờ mỗi gia đình dịp Tết đến. Thế nhưng do khác biệt về phong tục quan niệm mà cách bày mâm ngũ quả từng vùng miền cũng khác nhau. Các loại quả không thể thiếu khi bày mâm ngũ quả miền Bắc bao gồm chuối, bưởi (hoặc quả phật thủ), cam, quất, đào, hồng, táo, lựu… Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối đặt ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ những loại quả khác. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi tròn căng mọng hoặc quả phật thủ có màu vàng đẹp mắt. Những quả nhỏ hơn như cam, quất, hồng… sẽ xếp xen kẽ xung quanh. Sự sắp xếp hợp lý giữa màu sắc và kích thước của các loại quả sẽ mang lại sự hài hòa đẹp mắt và hợp phong thủy cho mâm ngũ quả.


    Các loại quả chủ yếu để bày mâm ngũ quả bao gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Những trái này đọc lái đi sẽ thành “cầu- vừa- đủ- xài- sung”, thể hiện mong muốn vừa đủ cho sự đủ đầy sung túc. Nếu mâm ngũ quả hai miền Nam Bắc có sự khác biệt thì ở vị trí nằm giữa, mâm ngũ quả miền Trung lại có sự giao thoa của hai vùng miền này. Các loại quả thường được bày rất đa dạng phong phú, bao gồm chuối, bưởi, xoài, dưa hấu, cam, táo, nho, sung, dứa, mãng cầu… Cách bày cũng đơn giản theo hình thức quả to và nặng đặt ở dưới làm đế, tiếp đó là những quả có trọng lượng nhỏ hơn được chèn bên trên hoặc xen kẽ vào chỗ trống. Nhiều gia đình còn cài xen kẽ những bông hoa cúc vàng tươi vào mâm ngũ quả để cho đẹp mắt hơn.

    Bày mâm ngũ quả
    Bày mâm ngũ quả
    Mâm ngũ quả ngày Tết
    Mâm ngũ quả ngày Tết
  5. Công việc dọn dẹp ngày Tết có ý nghĩa là để chuẩn bị “tiễn năm cũ, đón năm mới”. Trong ngày này tất cả đồ đạc trong nhà sẽ được đem ra chùi rửa thật sạch sẽ, chén bát mới sẽ được chuẩn bị sẵn cho mâm cỗ ngày tết các vật dụng trưng bày cũng được đem ra bày biện trang hoàng cho nhà cửa trông mới mẻ hơn. Các gia đình ở Việt Nam đều dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đồ vật sạch sẽ trong những ngày cuối năm với ý nghĩa sắp xếp lại những điều chưa ổn thỏa, xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều tài lộc và may mắn. Ngoài ra đây cũng là lúc chúng ta xem lại các món nợ cần phải trả nếu có đủ khả năng thì buộc phải trả trước Tết không nên để qua năm mới.


    Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về là cả gia đình lại hứng khởi cùng nhau lau dọn, trang hoàng lại nhà cửa để đón Tết. Dọn dẹp nhà cửa trước Tết từ lâu đã trở thành tập tục của mỗi gia đình Việt. Không chỉ giúp ngôi nhà sạch sẽ, tập tục này còn chứa nhiều ý nghĩa nhân văn khác. Một năm trôi qua với những bộn bề lo toan, thời điểm Tết đến là khoảng thời gian để mọi người có thể sắp xếp lại mọi thứ. Do đó cần quét dọn nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp các vật dụng ngăn nắp, khử mùi hôi, mùi ẩm mốc trong nhà… Ngoài ra, dọn dẹp nhà cửa trước ngày Tết còn mang thông điệp là sắp xếp lại những “bừa bộn” của năm cũ để chào đón năm mới an khang, thịnh vượng.

    Lau dọn nhà cửa
    Lau dọn nhà cửa
    Dọn dẹp nhà cửa trước Tết từ lâu đã trở thành tập tục của mỗi gia đình Việt
    Dọn dẹp nhà cửa trước Tết từ lâu đã trở thành tập tục của mỗi gia đình Việt
  6. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân. Tục thăm mộ tổ tiên như một nét văn hóa nhắc nhớ con cháu phải nghĩ đến ông bà gia tiên mỗi độ xuân về. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội. Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy. Ca dao xưa cũng có câu: “Con người có tổ có tông - Như cây có cội, như sông có nguồn”, thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng đến ngày này, chốn quay về vẫn là gia đình.


    Phần mộ được coi là “nhà” của người đã khuất nên thường được con cháu sửa sang sạch, đẹp để đón Tết Nguyên đán bằng lễ tạ mộ - có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo và mời gia tiên “về” đón Tết. Lễ tạ mộ trước Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hoá của người Việt, là cách để con cháu "giao lưu" với tổ tiên, để gia tiền phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc - như niềm tin của người dân ta. Vì thế gia đình nào bận mấy cũng thu xếp thời gian làm lễ tạ mộ cuối năm. Con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau đi thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân của mình. Đây là một phong tục truyền thống phổ biến của người Việt thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.

    Thăm mộ tổ tiên
    Thăm mộ tổ tiên
    Lễ tạ mộ trước Tết Nguyên đán là phong tục của người Việt
    Lễ tạ mộ trước Tết Nguyên đán là phong tục của người Việt
  7. Lễ cúng tất niên gắn liền với Tết Nguyên đán. Các gia đình tại Việt Nam thường làm mâm cơm thắp hương mời thần linh, gia tiên về ăn tết cùng gia đình vào chiều 30 Tết đồng thời để kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới. Tất niên là dịp người dân soát xét tất cả hoạt động gọi là công nợ trong năm, nợ nần ai thì bằng mọi cách trả cho xong trước ngày 30 Tết. Người ta tránh không để nợ nần kéo dài sang năm mới. Lễ cúng tất niên còn là dịp các thành viên trong gia đình tụ họp, ngồi lại với nhau sau một năm làm việc vất vả. Các con cháu tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cảm tạ trời đất.


    Cúng tất niên đón những điều lành năm mới, tiễn những điều xấu năm cũ. Cảm tạ các quan thần linh, thổ công thổ địa, gia tiên nơi mình cư trú thờ cúng đã phù hộ, độ trì năm qua. Đồng thời mong mỏi việc tiếp tục được bao bọc chở che trong năm mới. Theo quan niệm truyền thống, bữa cơm tất niên để mọi người tiễn biệt năm cũ, ăn xong sẽ bỏ qua muộn phiền, những giận hờn cũng xoá bỏ từ đây. Còn là tục lệ rước ông Công ông Táo về lại nhà coi sóc việc bếp núc cho gia chủ. Bất cứ thời điểm nào trong ngày 30 Tết, trừ 12h trưa -1h trưa và phải hoàn thành lễ cúng tất niên trước 22h đêm. Trong ngày này, cả nhà đều dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết. Sau đó phải chuẩn bị mâm cúng tổ tiên tất niên. Thông thường, lễ cúng này sẽ được tiến hành vào chiều hoặc tối 30 Tết (với tháng đủ, hoặc 29 Tết với tháng thiếu), trước lễ cúng giao thừa.

    Cúng tất niên
    Cúng tất niên
    Cúng tất niên là phong tục Tết của người Việt từ ngàn đời nay
    Cúng tất niên là phong tục Tết của người Việt từ ngàn đời nay
  8. Đêm Giao thừa là đêm cuối cùng của năm cũ, là điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Thời điểm bắt đầu giờ Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày mùng 1 tháng Giêng) được gọi là Giao thừa. Đêm Giao thừa hay còn gọi là đêm Trừ tịch là một đêm quan trọng đánh dấu cho một năm cũ kết thúc và một năm mới đã đến. Đêm Giao thừa là một đêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một năm. Một năm mới đến, người già thêm trường thọ và người trẻ thêm trưởng thành. Đêm Giao thừa đến mang ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, mọi điều xấu xa trong năm cũ đi và rước nhiều may mắn thành công đến cho năm mới. Đây được coi là khoảng thời gian của sự yên nghỉ, là lúc giũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng.


    Trong đêm Giao thừa mọi nhà phải làm lễ cúng đêm giao thừa. Lễ Giao thừa được cúng vào đúng giờ chính tý tức 00 giờ ngày 1 tháng 1 trong năm. Theo phong tục của dân tộc Việt Nam từ cổ xưa, bàn cúng Giao thừa được chia làm 2 mâm: Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Gia chủ làm lễ cúng bái cầu chúc cho một năm mới tốt lành bằng cách thắp hương từ ngoài trời sau đó khấn vái và thắp vào trong nhà để mang may mắn đến. Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hòa với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện. Sau khi cúng giao thừa, mọi người cùng nhau đón năm mới và hái lộc đầu xuân.

    Đón giao thừa
    Đón giao thừa
    Pháo hoa đón giao thừa
    Pháo hoa đón giao thừa
  9. Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà. Hái lộc đầu năm là phong tục bẻ cành cây (cành lộc) mang về nhà để lấy may mắn, được diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán, trong những ngày đầu năm mới. Những Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si,.. đây thường là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Cành lộc được mang về, treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa, treo ở gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã rước phúc lộc về nhà. Trong ngày Tết thì chúng ta thường thấy nhiều người đi chùa hái lộc hay đền thờ…. Bởi cũng dễ hiểu hái lộc ở nơi đền chùa linh thiêng mang ngụ ý xin được hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho để cả năm thuận lợi.


    Vào thời khắc giao thừa hay sớm mùng 1 Tết, người ta đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về nhà, với mong muốn được Thần, Phật linh thiêng ban cho tài lộc, may mắn suốt năm. Đó là những cành lộc rất nhỏ trên những thân cây có sức sống mạnh mẽ như si, sung, đa… Họ mang về, treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo ở gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã rước phúc lộc về nhà. Hái lộc Xuân là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, trong thời khắc giao hòa giữa đất trời thì việc hái lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích, đó là quan niệm mong muốn mang về những điều tốt đẹp với ý nghĩa ”Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…

    Hái lộc đầu năm
    Hái lộc đầu năm
    Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt
    Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt
  10. Theo quan niệm truyền thống, sau thời điểm giao thừa thì người nào bước vào nhà của gia chủ đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Thông thường gia chủ sẽ có ý định mời người nào đó xông đất cho nhà mình. Người được mời xông đất sẽ được gia chủ sẽ dựa vào sức khỏe, đức tài, sự thành đạt… để dự đoán vận hạn của gia đình mình trong năm. Xông đất hay xông nhà đầu năm là phong tục lâu đời của người Việt, với quan niệm rằng trong ngày mùng Một Tết nếu được người có vận khí tốt đến nhà thì cả năm mọi việc sẽ may mắn, suôn sẻ. Người xông đất được coi là người đại diện mang tới cho chủ nhà sự may mắn và an lành cho một năm.

    Hầu hết ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, phong tục xông đất, xông nhà đều tương tự như nhau. Người đến xông đất thường đem theo những phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con, người già và chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Sau đó, người xông đất sẽ được gia chủ chúc mừng năm mới và ngồi chơi nói chuyện chỉ khoảng 5 đến 10 phút rồi xin cáo từ chứ không nên ở lại lâu. Tục xông đất thể hiện tinh thần hướng đến những điều tốt lành, may mắn và cầu mong một năm mới mọi sự đều thuận lợi cho các thành viên trong gia đình. Một số gia đình chọn hình thức xông nhà theo cách chọn một người trong gia đình mà hiền lành, tốt vía và mát tay sẽ ra khỏi nhà trước thời khắc giao thừa. Người này đi xin lộc ở chùa, đi cúng bái sau đó về nhà sau thời điểm giao thừa.

    Xông đất
    Xông đất
    Xông đất đầu năm
    Xông đất đầu năm
  11. Tết Nguyên Đán là dịp gia đình vui vầy sum họp và những lời chúc tụng, mừng tuổi được trao gởi để bày tỏ lòng hiếu thảo, sự tôn kính, tình thương yêu và niềm thân thiết của mọi người trong gia đình, với niềm hy vọng, mong ước được an vui, may mắn, hạnh phúc và thăng tiến vào một chu kỳ mới, một tân niên vừa chợt đến bên thềm. Chúc Tết và mừng tuổi đầu năm (lì xì) là một phong tục đã được du nhập vào Việt nam từ bao đời nay, cứ mỗi khi Tết đến trẻ em hay những người già đều nhận được những lời chúc và những phong bao lì xì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và sức khỏe cho cả năm đó, và phong tục mừng tuổi đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa, truyền thống mang đậm phong vị ngày Tết.

    Bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, câu đối và xấp lì xì xinh xắn là những thứ báo hiệu cho ngày Tết đã về. Tục mừng tuổi đầu năm không biết có từ bao giờ nhưng giường như đã trở thành một tục lệ, thói quen, một nét đẹp truyền thống của mỗi chúng ta trong đầu dịp năm mới. Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè trong những ngày Tết. Thường trong sáng mồng một Tết con cháu sẽ tới chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại những đồng tiền mới đựng trong phong bao lì xì màu đỏ để lấy may kèm theo những lời chúc các con cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, hạnh phúc, vui vẻ trong năm mới. Tiền mừng tuổi không quan trọng ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng ở ý nghĩa.

    Mừng tuổi
    Mừng tuổi
    Chúc tết và mừng tuổi đầu năm
    Chúc tết và mừng tuổi đầu năm
  12. Đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Phần lớn người dân Việt Nam đi lễ chùa theo truyền thống gia đình. Từ đời này qua đời khác, với những nhà theo đạo Phật từ lâu thì việc đi lễ chùa đã trở thành một hoạt động thường ngày. Bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm sự bình an cho gia đình, nghiệm ra những Nhân quả thông qua giáo lý nhà Phật. Từ đó có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.


    Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, rất đông người dân đã hành hương về các đền chùa trên địa bàn thành phố và ngoại ô để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, hoàn tất việc cúng gia tiên, nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới.

    Lễ chùa đầu năm
    Lễ chùa đầu năm
    Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường  tìm về các đền, chùa để cầu phúc
    Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc
  13. Cây nêu Tết là một phong tục truyền thống ngày Tết thường thấy ở nhiều địa phương. Thực chất là một cây tre cao khoảng 5 đến 6 mét. Ở ngọn cây có treo rất nhiều thứ, tùy theo từng điạ phương như vàng mã, bùa trừ tà, hình cá chép bằng giấy (phương tiện để táo quân về trời), cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, giải cờ vải tây, tấm vải điều (màu đỏ) hoặc đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai…


    Dân gian tin rằng những vật treo ở cây nêu cộng thêm những tiếng động của những chiếc khánh bằng đất là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu… Vào buổi tối nhiều nhà còn treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch nhiều nơi còn đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới đồng thời xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp đây chính là ngày Táo quân về trời và vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công nên ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, vì thế mà phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mùng Bảy thì hạ cây nêu xuống.

    Cây nêu ngày tết
    Cây nêu ngày tết
    Dựng cây neu ngày Tết là phong tục của người Việt Nam
    Dựng cây neu ngày Tết là phong tục của người Việt Nam
  14. Chợ tết đâu đâu cũng có những người bán tranh dân gian có giá trị giáo dục cao, những bức tranh này diễn tả sinh hoạt thật là bận rộn của đồng ruộng, lớp học sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột, theo sau là phu nhân chuột ngồi trong kiệu, tay cầm quạt… Dù thế nào đi nữa mỗi đứa trẻ cũng nhận được một bức tranh, đặc biệt là tranh Đông Hồ để dán lên vách nhà tranh bên cạnh giường nó nằm hay xung quanh căn buồng học của chúng như một lời giáo huấn nhắc nhở đầy ý nghĩa.


    Tranh dân gian Đông Hồ là tranh in từ ván khắc gỗ, tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu mẫu ván khắc gỗ với màu tương ứng và là một loại tranh dân gian của Việt Nam, xuất phát từ làng Đông Hồ, Xã Song Hồ, Huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh. Trước đây vào mỗi dịp tết đến xuân về thì tranh đông hồ được bầy bán khắp nơi để người mua trang trí trong dịp tết nhưng nay với thời đại mới thì việc giao thương rất dễ dàng và nó cũng đã thay đổi thói quen mua tranh đông hồ của nhiều người, nhiều cơ sở kinh doanh mọc lên họ buôn bán liên tục trong một năm và tranh đông hồ có thể mua ở khắp mọi nơi.

    Bán tranh dân gian là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt
    Bán tranh dân gian là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt
    Tranh đông hồ đàn gà con cầu chúc cho sự sung túc, đông con và an nhàn
    Tranh đông hồ đàn gà con cầu chúc cho sự sung túc, đông con và an nhàn
  15. Không biết từ bao đời nay, cứ mỗi năm vào mùa Tết là nhiều tục lệ cổ xưa được mọi người thực hiện. Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Khi đi chợ Tết người ta cũng không quên qua cổng chợ xin chữ thầy đồ, có thể là câu đối hoặc một chữ duy nhất. Người xưa thường xin chữ về thờ với mong muốn con cháu được học con chữ mà thành người. Chữ được yêu thích nhất thường là chữ Tâm, Phúc, Đức, An, Lộc…


    Hằng năm, thường là từ mùng 2 Tết trở đi, mọi người đã bắt đầu kháo nhau đi xin chữ. Từ người lớn tuổi cho đến thanh niên, học sinh. Gần đây, việc xin chữ đầu năm đã trở thành một trào lưu của người trẻ tuổi, tạo thành một văn hóa chơi chữ mới. Những con chữ như "rồng bay phượng múa" hiện lên qua các nét cọ điêu luyện khiến cho việc xin chữ, ngoài ý nghĩa xin được chữ, còn là để thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của những người cho chữ. Như các cụ thường nói: “Nét chữ nết người” nên xưa, những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.

    Phong tục truyền thống xin chữ đầu năm
    Phong tục truyền thống xin chữ đầu năm
    Vào những ngày đầu năm Văn Miếu tấp nập người xin chữ
    Vào những ngày đầu năm Văn Miếu tấp nập người xin chữ
  16. Chợ Tết không giống với những phiên chợ ngày thường trong năm. Chợ Tết bao giờ cũng đông hơn, vui hơn, có không khí hơn. Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn” mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội.


    Chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể chợ được thành lập ngay nơi chợ thường ngày vẫn diễn ra chuyện bán mua. Nhưng trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua hàng nặng trĩu giỏ.

    Chợ Tết
    Chợ Tết
    Chợ Tết
    Chợ Tết
  17. Hiểu đơn giản thì xuất hành chính là nghi thức nên thực hiện khi bước qua một năm mới. Bạn hãy cùng người thân của mình rời khỏi nhà và đến một nơi bất kỳ. Thường người ta chọn mùng 1 đi thăm ông bà, họ hàng là vậy. Đây cũng là hình thức xuất hành được áp dụng rất nhiều. Cuối cùng là quay về ngôi nhà của mình là xong.

    Tuy nhiên không phải vì vậy mà thực hiện một cách sơ sài và thiếu nghiêm túc. Trước khi xuất hành thì bạn cần tìm hiểu về hướng và giờ nào tốt, phù hợp với cung mệnh của mình. Điều này đóng vai trò quan trọng giúp việc xuất hành trở nên có tác dụng hơn. Chọn đúng hướng sẽ mang đến sự thuận lợi, may mắn trong sự nghiệp của mình. Hơn nữa, xuất hành “đúng” sẽ mang đến sự bình an, hạnh phúc cho gia đình. Tăng sự kết nối với những mối quan hệ bên ngoài.

    Xuất hành
    Xuất hành
    Xuất hành
    Xuất hành



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy