Những giấc ngủ chưa trọn vẹn

Khi nghe tin tại tỉnh Hải Dương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới, trong đầu điều dưỡng Bạch Văn Hoàn đã nghĩ nếu tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp thì chắc chắn sẽ phải thiết lập bệnh viện dã chiến tại đây.


Đúng như những gì anh suy nghĩ, rạng sáng 29/1 anh Hoàn cùng ê-kíp Bệnh viện Bạch Mai nhận được chỉ đạo của cấp trên sẵn sàng lên đường chi viện cho Hải Dương.


7 giờ sáng, cả đội đã có mặt tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, bấy giờ các trang thiết bị phục vụ bệnh viện dã chiến gần như chưa có gì. Mọi người bắt tay ngay vào công việc, làm việc liên tục không ngừng nghỉ để làm sao trong ngày hôm ấy bệnh viện có thể sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.


Đúng 3 giờ chiều 24 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên đã nhập viện.


Không kịp nghỉ ngơi, anh Hoàn và ê-kíp tiếp tục thiết lập khu vực hồi sức cấp cứu tại tầng 5 của bệnh viện. Khu vực này lúc ấy chưa có bất kỳ một trang thiết bị y tế nào, bụi phủ khắp nơi. Thấy vậy, những điều dưỡng như anh Hoàn cũng không ngần ngại xắn tay áo, tay chổi tay xô lao vào quét dọn, lau chùi để làm sao đưa khu hồi sức cấp cứu vào hoạt động một cách nhanh nhất.


Chỉ sau 1 ngày, khu hồi sức cấp cứu đã được thiết lập xong. Hai ngày sau, một bệnh nhân diễn biến nặng cần phải lọc máu ngay lập tức, nhưng trong ê-kíp của Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lại không có ai biết lọc máu bởi kỹ thuật này chưa được triển khai ở đây. 12 giờ đêm anh Hoàn lên đường vào bệnh viện tiến hành lọc máu cho bệnh nhân, sau đó theo dõi diễn biến, biểu hiện của bệnh nhân cho đến 9 giờ sáng, sau khi bệnh nhân đã ổn định, anh mới dám nghỉ ngơi một chút.

“Những ngày tiếp theo, xuất hiện thêm nhiều ca bệnh nặng hơn, không kể ngày hay đêm bất cứ khi nào bệnh nhân trở nặng tôi lại vào viện tiến hành các kỹ thuật lọc máu, cho bệnh nhân thở máy. Hằng đêm vẫn có những cuộc gọi từ ê-kíp trực tại Bệnh viện Dã chiến số 2 yêu cầu tôi hỗ trợ” – điều dưỡng Hoàn nhớ lại.

Ngày 20/2, Bệnh viện Dã chiến số 2 tiếp nhận bệnh nhân H. được chuyển từ huyện Kinh Môn tới. Kết quả chụp X-quang cho thấy, phổi của bệnh nhân bị tổn thương rất nặng, ê-kíp ngay lập tức tiến hành các biện pháp cấp cứu, lọc máu, cho bệnh nhân thở máy và tiếp tục theo dõi.

Kể lại đêm đáng nhớ đó, điều dưỡng Hoàn nói: “12 giờ đêm tôi nhận được tin báo bệnh nhân H. có dấu hiệu suy hô hấp, tôi và ê-kíp ngay lập tức vào viện tiến hành lọc máu, đặt ống thở cho bệnh nhân, đến khoảng 3 giờ sáng bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tôi thức trắng đêm theo dõi biểu hiện sinh tồn của bệnh nhân cho đến tận 12 giờ trưa hôm sau.

Bữa trưa cũng chỉ kịp ăn vội bát cơm rồi lại tiếp tục vào viện theo dõi bệnh nhân. Đa phần các nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến 2 chưa từng gặp ca bệnh nặng như thế này, hơn nữa lại không có chuyên môn về hồi sức cấp cứu nên ê-kip chi viện của Bệnh viện Bạch Mai phải liên tục theo dõi, giám sát và chăm sóc cho bệnh nhân 24/24 giờ”.

Rất may mắn chỉ sau 3 ngày bệnh nhân đã hồi phục, tiên lượng tốt, có thể cai thở máy, không cần phải lọc máu nữa. Đến hôm nay anh Hoàn và ê-kíp thật sự rất vui mừng vì bệnh nhân đã có thể đứng dậy, đi lại, mặc dù sức khỏe còn yếu.

Làm việc liên tục cường độ cao trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, anh Hoàn và đồng đội luôn xác định không được để bất cứ người bệnh nào tử vong. “Chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 vì đã từng chinh chiến tại “chiến trường” Đà Nẵng hơn một tháng. Mặc dù có chút lo lắng nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình, không ngại khó, ngại khổ và quan trọng là luôn giữ cho mình tư tưởng thoải mái, những suy nghĩ tích cực”.

Tâm sự thêm về câu chuyện cá nhân của riêng mình, anh Hoàn cho biết: “Đợt dịch trước tại Đà Nẵng, khi lên đường vào tâm dịch, tôi có gọi điện cho bố chứ không dám gọi cho mẹ vì sợ mẹ buồn, thế nhưng chỉ ngay sau đó mẹ tôi đã gọi lại, mẹ có đôi phần lo lắng cho tôi khi ở trong tâm dịch. Tôi an ủi, động viên mẹ, bảo mẹ đừng lo lắng, “thanh niên trai tráng như bọn con không sợ dịch bệnh đâu, bố mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng bận tâm nhiều”.

Còn trong chuyến đi Hải Dương này, trong đầu anh Hoàn lúc đó bộn bề suy nghĩ, không biết tình hình dịch bệnh hiện tại ra sao, không biết có được về nhà để ăn Tết hay không? Trước khi lên đường anh không dám gọi điện cho bố mẹ, sau khi đã đặt chân tới nơi mới gọi điện về cho bố thông báo rằng mình đã đi Hải Dương. “Bố tôi động viên, phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà tổ quốc giao cho, dặn tôi yên tâm công tác đừng lo lắng cho bố mẹ” – điều dưỡng Hoàn tâm sự.

Kể về lần đầu ăn Tết xa nha, anh Hoàn nhớ lại: “Gần Tết bố tôi có gọi hỏi xem liệu có về nhà ăn Tết không, tôi bảo bố vì tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn đang căng thẳng, chắc Tết này con không về được. Nhà có 2 chị em, chị tôi thì lấy chồng xa, tết này không có tôi chỉ có 2 ông bà đón Tết với nhau, tôi cũng buồn, nhưng biết làm sao được khi mình vẫn còn đang dang dở công việc. Tôi có gọi điện cho chị gái, dặn chị nếu có thể thì hãy cho các cháu về chơi với ông bà để ông bà bớt cô đơn”.

Điều dưỡng Bạch Văn Hoàn chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại tâm dịch Hải Dương
Điều dưỡng Bạch Văn Hoàn chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại tâm dịch Hải Dương

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy