Viết cho người thầy trong trái tim em...

Thầy ơi! Không biết thầy có còn nhớ em trong số lũ học trò lóc nha lóc nhóc ngày ấy. Con bé xương xẩu, ăn mặc phong phanh giữa mùa đông giá, chân tím ngắt co ro trong đôi dép nhựa sứt quai.


Chiếc xe đạp vành méo xệch, bàn đạp cong queo chở thầy lẫn trò vượt con đường đất đỏ già cây số, gập ghềnh ổ gà để tới lớp năng khiếu huyện. Cái lớp học ấy, bao phen “gạn đục khơi trong”, chỉ còn vỏn vẹn có ba đứa học trò. Mới lớp 5 mà một đứa mê làm thơ. Một đứa mê cổ tích. Đứa còn lại tâm hồn lúc nào cũng như treo ngược cành cây.


Ngày ấy được học văn thầy sao mà say mê. Em cứ nâng niu cuốn sách thầy cho: tuyển tập những bài văn đạt giải cao trong các kỳ thi sinh giỏi. Say sưa với câu, vần. Đã biết dồn cảm xúc vào bài làm sao cho nên lời, nên ý.


Lớp học chỉ có ba học trò mà vẫn ồn ào, sôi nổi xung phong tranh luận. Tập vở được cắt xén, tiết kiệm hết mức, dành dụm từ năm này sang năm khác đã chi chít lời thầy giảng. Em đã thầm ngưỡng mộ giọng văn thầy trong những tiết học đầu đông, lá bàng đỏ quạnh, co ro thầy trò.


Bài văn nhỏ bằng bàn tay, dung dị đến thế mà sao chất chứa cả một trời yêu thương. Thầy ngồi cạnh, sửa những lỗi chính tả ngây ngô. Sửa một chữ, hai chữ, ba chữ... Mắt thầy nheo lại, trán nhăn tít sau gọng kính ố vàng. Học trò ngẩn người, từ đó biết cẩn thận mỗi khi đặt bút.


Có hôm lén đem tập Thơ tình Xuân Diệu lên lớp, cắm cúi đọc dưới gầm bàn. Thầy nghiêm khắc phạt đứng lên cuối lớp. Thầy ơi, có phải thầy nghĩ lớp 5 thì chưa nên đọc những điều của người lớn... Thầy lắc đầu. Học văn là học làm người. Học phải có nơi có lúc, học còn phải phù hợp. Trò tự tìm hiểu, không cần thầy dẫn dắt, dễ sa vào cảm tính, rồi sẽ hời hợt với cả một thời đại thi ca…


Em đã nghe như nuốt từng lời thầy hôm ấy.


Thầy còn nhớ không thầy, bài văn tả “con mèo nhà em”... Ai đời mèo lại có cả “nốt ruồi son trên cánh mũi”. Mặc các bạn cười, em vẫn bảo vệ chú mèo ngoan của mình. Thầy đọc bài làm trẻ con, dịu dàng và độ lượng: “Biết đâu chả có một con mèo như vậy, nếu như ta ưu ái giúp nó có thêm cái nốt ruồi duyên!”. Thầy bao giờ cũng vậy. Ân cần, an ủi.


Rồi lớp chỉ còn hai học sinh. Một bạn xin nghỉ để chuyển sang môn chuyên khác theo “gợi ý” của bố mẹ. Chỉ còn thầy với hai đứa trò nhỏ vẫn vô tư, ríu rít như chim sẻ. Sắp đến ngày thi, thầy vẫn ung dung với mỗi bài giảng mới. Văn là dòng chảy cuộc sống bất tận. Thầy dạy các em đôi mắt tinh tế khi nhìn dòng chảy ấy…


Rồi thầy xoa đầu cô trò nhỏ của thầy: Giọng văn được, có cảm xúc, sáng tạo, nhưng... chữ xấu tệ. Em hãnh diện, nép vào lưng thầy cười rúc ra rúc rích. Với thầy, em lúc nào cũng là cô trò ngoan, thầy nhỉ!


Rồi những kỳ thi qua. Những giải thưởng kéo theo những chuỗi ngày học và học dài đằng đẵng. Em càng yêu văn hơn. Mơ mộng được trở thành cây bút tên tuổi. Vô tâm với tuổi thơ bé dại, với phố huyện nhỏ và con đường đất đỏ ngày hai buổi tới trường.


Chắc thầy đã già lắm. Ký ức tuổi 12 không giúp em tìm lại được thầy. Cuộc sống xô bồ, trôi chảy mãnh liệt. Cô trò nhỏ ngày nào giờ đã trở thành người cầm bút thực thụ.


Bỗng một hôm nào đó nghe bài hát “Những điều thầy chưa kể”, giật mình thấy nhớ quá, nhớ đến quay quắt ngày hôm qua bình yên. Nơi đó có thầy, người đã dìu em những bước đi đầu tiên. Người đã nắn ngón tay viết từng lời từng chữ của bài văn nhỏ.


Tác giả: Lưu Trang

Viết cho người thầy trong trái tim em...
Viết cho người thầy trong trái tim em...
Viết cho người thầy trong trái tim em...
Viết cho người thầy trong trái tim em...

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy