Top 10 Bài thơ lục bát của nhà thơ Tố Hữu hay nhất

Phương Kem 3956 0 Báo lỗi

Tố Hữu được mệnh danh là con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Tố Hữu đã để lại cho đời nhiều tác phẩm thơ bất hủ, đi cùng năm tháng. Cùng Toplist ... xem thêm...

  1. Mình về mình có nhớ ta?

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

    Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?


    Tiếng ai tha thiết bên cồn

    Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

    Áo chàm đưa buổi phân ly

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…


    Mình đi, có nhớ những ngày
    Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
    Mình về, có nhớ chiến khu
    Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
    Mình về, rừng núi nhớ ai
    Trám bùi để rụng, măng mai để già.
    Mình đi, có nhớ những nhà
    Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
    Mình về, còn nhớ núi non
    Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
    Mình đi, mình có nhớ mình
    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?


    Ta với mình, mình với ta

    Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

    Mình đi, mình lại nhớ mình

    Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…


    Nhớ gì như nhớ người yêu

    Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

    Nhớ từng bản khói cùng sương

    Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

    Nhớ từng rừng nứa bờ tre

    Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

    Ta đi, ta nhớ những ngày

    Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

    Thương nhau, chia củ sắn lùi

    Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

    Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

    Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

    Nhớ sao lớp học i tờ

    Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

    Nhớ sao ngày tháng cơ quan

    Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

    Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

    Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

    Ta về, mình có nhớ ta

    Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

    Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

    Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

    Ngày xuân mơ nở trắng rừng

    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

    Ve kêu rừng phách đổ vàng

    Nhớ cô em gái hái măng một mình

    Rừng thu trăng rọi hoà bình

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

    Nhớ khi giặc đến giặc lùng

    Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

    Núi giăng thành luỹ sắt dày

    Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

    Mênh mông bốn mặt sương mù

    Đất trời ta cả chiến khu một lòng.

    Ai về ai có nhớ không?

    Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng.

    Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng

    Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà…

    Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung

    Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.

    Dân công đỏ đuốc từng đoàn

    Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

    Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

    Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

    Tin vui chiến thắng trăm miền

    Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

    Vui từ Đồng Tháp, An Khê

    Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

    Ai về ai có nhớ không?

    Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.

    Nắng trưa rực rỡ sao vàng

    Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công

    Điều quân chiến dịch thu đông

    Nông thôn phát động, giao thông mở đường

    Giữ đê, phòng hạn, thu lương

    Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…

    Ở đâu u ám quân thù

    Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi

    Ở đâu đau đớn giống nòi

    Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

    Mười lăm năm ấy, ai quên

    Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hoà

    Mình về mình lại nhớ ta

    Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.

    Nước trôi nước có về nguồn

    Mây đi mây có cùng non trở về?

    Mình về, ta gửi về quê

    Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai

    Nâu này nhuộm áo không phai

    Cho lòng thêm đậm, cho ai nhớ mình.

    Trâu về, xanh lại Thái Bình

    Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.

    Nước trôi, lòng suối chẳng trôi

    Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non

    Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

    Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhoà.

    Nứa mai mình gửi quê nhà

    Nước non đâu cũng là ta với mình.

    Thái Bình đồng lại tươi xanh

    Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui…

    Mình về thành thị xa xôi

    Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?

    Phố đông, còn nhớ bản làng

    Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

    Mình đi, ta hỏi thăm chừng

    Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

    Đường về, đây đó gần thôi!

    Hôm nay rời bản về nơi thị thành

    Nhà cao, chẳng khuất non xanh

    Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.

    Ngày mai về lại thôn hương

    Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về.

    Ngày mai rộn rã sơn khê

    Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.

    Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng

    Phố phường như nấm như măng giữa trời.

    Mái trường ngói mới đỏ tươi

    Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng

    Muối Thái Bình ngược Hà Giang

    Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh.

    Ai về mua vại Hương Canh

    Ai lên mình gửi cho anh với nàng

    Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

    Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông

    Áo em thêu chỉ biếc hồng

    Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi

    Còn non, còn nước, còn trời

    Bác Hồ thêm khoẻ, cuộc đời càng vui!

    Mình về với Bác đường xuôi

    Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

    Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

    Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!

    Nhớ Người những sáng tinh sương

    Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

    Nhớ chân Người bước lên đèo

    Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…

    Lòng ta ơn Đảng đời đời

    Ngược xuôi, đôi mặt một lời song song.

    Ngàn năm xưa, nước non Hồng

    Còn đây, ơn Đảng nối dòng dài lâu

    Ngàn năm non nước mai sau

    Đời đời ơn Đảng càng sâu càng nồng.

    Cầm tay nhau hát vui chung

    Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô.


    10-1954


    Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, tháng 7-1954, Hiệp định Genever về Đông Dương được kí kết. Hoà bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng và bắt tay vào sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Một trang sử mới của đất nước được mở ra. Tháng 10-1954, những người kháng chiến từ cân cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ có hai phần: phần đầu tái hiện những kỉ niệm cách mạng và kháng chiến, phần sau gợi viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ngợi ca công ơn của Đảng, Bác Hồ đối với dân tộc.


    Trích đoạn bài thơ này từ đầu tới câu “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào” được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006, SGK Ngữ văn 12 từ 2007.


    Nguồn:

    1. Tố Hữu, Việt Bắc, NXB Văn học, 1962

    2. Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 2003

    Việt Bắc
    Việt Bắc
    Việt Bắc

  2. Ai về thăm mẹ quê ta

    Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…


    Bầm ơi có rét không bầm!

    Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

    Bầm ra ruộng cấy bầm run

    Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

    Mạ non bầm cấy mấy đon

    Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

    Mưa phùn ướt áo tứ thân

    Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!


    Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều

    Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!

    Con đi trăm núi ngàn khe

    Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

    Con đi đánh giặc mười năm

    Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.


    Con ra tiền tuyến xa xôi

    Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.

    Nhớ thương con bầm yên tâm nhé

    Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.

    Con đi xa cũng như gần

    Anh em đồng chí quây quần là con.

    Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí

    Bầm quý con, bầm quý anh em.


    Bầm ơi, liền khúc ruột mềm

    Có con có mẹ, còn thêm đồng bào

    Con đi mỗi bước gian lao

    Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!

    Bao bà cụ từ tâm như mẹ

    Yêu quý con như đẻ con ra.

    Cho con nào áo nào quà

    Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.


    Con đi, con lớn lên rồi

    Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!

    Nhớ con, bầm nhé đừng buồn

    Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.


    Mẹ già tóc bạc hoa râm

    Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…


    1948

    Nguồn: Tố Hữu, Việt Bắc, NXB Văn học, 1962

    Bầm ơi
    Bầm ơi
    Bầm ơi
    Bầm ơi
  3. Khi con tu hú gọi bầy

    Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần

    Vườn râm dậy tiếng ve ngân

    Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

    Trời xanh càng rộng càng cao

    Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…

    Ta nghe hè dậy bên lòng

    Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.

    Ngột làm sao, chết uất thôi

    Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!


    Huế, tháng 7-1939
    Bài thơ Khi con tu hú được sáng tác trong nhà lao Thừa Phủ, khi tác giả mới bị bắt giam ở đây.


    Nguồn:

    1. Tố Hữu, Từ ấy, NXB Văn học, Hà Nội, 1971

    2. Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 20033. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

    Gọi điện
    Khi con tu hú
    Khi con tu hú
    Khi con tu hú
    Khi con tu hú
  4. Tặng các chiến sĩ bình dân học vụ


    Trường tôi kiểu cách gì đâu

    Không ham mái ngói, chẳng cầu tương vôi

    Nhà tranh vách đất đủ rồi

    Đình quang chiếm chật, được ngồi là hay

    Trường tôi vui giữa luống cày

    Bến sông, bãi chợ, bóng cây, lưng đồi

    Trường tôi vui giữa biển khơi

    Chữ reo mặt sóng, chữ ngời ghe câu

    Trường tôi vui giữa rừng sâu

    Chữ theo đuốc lửa, đêm thâu tiếng người.


    Lại đây, ơi bạn mình ơi!

    Trường tôi vang vọng rồn lới nước non

    Ta nghèo, không mực thì son
    Bút tre phấn gạch, bà con tạm dùng.


    Nghiêng đầu trên tấm bảng chung
    Phơ phơ tóc bạc, bạn cùng tóc xanh

    Này em, này chị, này anh
    Chen vai mà học, rách lành sao đâu!
    I tờ mớm chữ cho nhau…


    1946

    Trường Tôi
    Trường Tôi
    Trường Tôi
    Trường Tôi
  5. Top 5

    Đông

    Đêm nay gió biển đông về

    Mùa thu chừng đã tái tê đất trời

    Non quanh chừng đã lạnh rồi

    Rừng sâu run rẩy, xa vời tiếng rung


    Sân lao mấy cội vông đồng

    Lá cành xao xác, buồn đông não nề

    Một mình nằm tựa đêm nghe

    Lạnh lùng gió lọt vào khe cửa buồng


    Mền không mà chiếu cũng không

    Một mình trơ trọi giữa phòng xà linh

    Nằm nghe mình chuyện với mình

    Mênh mông nhớ bạn, gởi tình trăm phương…


    Lao Bảo, tháng 12-1940

    Nguồn: Tố Hữu, Từ ấy, NXB Văn học, 1959

    Đông
    Đông
    Đông
    Đông
  6. Đêm nay pháo nổ giao thừa

    Mà người chiến sĩ không nhà còn đi

    Truông dài, bãi rộng, đồng khuya

    Người đi như chẳng nhớ gì tết xuân

    Người đi quên hết gian truân

    Say mê như một dân quân trên đường

    Xóm làng phảng phất quê hương

    Nước non man mác tình thương mặn nồng

    Song trong mưa gió lạnh lùng

    Tái tê chân cũng ngại ngù bước gieo

    Nép lưng vào miếu tranh nghèo

    Nao nao lòng lại mơ theo cờ hồng.


    Xuân 1943

    Nguồn: Tố Hữu, Từ ấy, NXB Văn học, 1959

    Đêm giao thừa
    Đêm giao thừa
    Đêm giao thừa
    Đêm giao thừa
  7. Chiều nay gió lặng, nắng hanh

    Mây hồng trắng nõn, trời xanh, Bác về

    Sông hồng nắng rực bờ đê

    Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa


    Bác đi, muôn dặm đường xa

    Hôm nay tuyết lạnh, nay vừa nắng lên

    Bác về, tóc có bạc thêm?

    Năm canh, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều?


    Hỡi Người, tim những thương yêu

    Cánh chim không mỏi sơm chiều vẫn bay

    Chim kêu tung cánh chim bay

    Ba mươi sáu triệu chim bầy gọi nhau


    Chim kêu ríu rít trên đầu

    Mùa cam đương ngọt địa cầu của ta

    Giá sương đương hẹn mùa hoa

    Nắng xuân từ Mạc-tư-khoa đã về.


    Sông hồng nắng rực bờ đê

    Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa

    Hoa ơi, con gái của cha

    Cha nâng con nhé, làm hoa mừng Người.


    Bác về, vui đó, con ơi!

    Bác hôn các cháu, bác cười với dân

    Ngày vui vui những hai lần:

    Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà.


    12-1960

    Nguồn: Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1981

    Cánh chim không mỏi
    Cánh chim không mỏi
    Cánh chim không mỏi
    Cánh chim không mỏi
  8. Lặng nghe mẹ kể ngày xưa

    Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình

    Mẹ rằng: Quê mẹ, Bảo Ninh

    Mênh mông sóng biển, lênh đênh mạn thuyền

    Sớm chiều, nước xuống triều lên

    Cực thân từ thuở mới lên chín mười

    Lớn đi ở bốn cửa người

    Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua

    Lấy chồng, cũng khổ con ra

    Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!

    Nghĩ mà thương mẹ cha sinh

    Thương chồng con lại thương mình xót xa…


    Bây chừ sông nước về ta

    Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào

    Bây chừ biển rộng trời cao

    Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!

    Ông nhà theo bạn “xuất quân”

    Tui may cũng được vô chân “sẵn sàng”

    Một tay, lái chiếc đò ngang

    Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

    Sợ chi sóng gió tàu bay

    Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!

    Kể chi tuổi tác già nua

    Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!

    Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung

    Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ…


    Gan chi gan rứa, mẹ nờ?

    Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?

    Chẳng bằng con gái, con trai

    Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

    Tàu bay hắn bắn sớm trưa

    Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…


    Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:

    Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?

    Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu

    Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!

    Nghe ra, ông cũng vui lòng

    Tui đi, còn chạy ra sông dặn dò:

    “Coi chừng sóng lớn, gió to

    Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!”


    Vui sao, câu chuyện ơn tình

    Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say…


    4-11-1965

    Nguồn: Tố Hữu, Ra trận, NXB Văn học, 1972

    Mẹ Suốt
    Mẹ Suốt
    Mẹ Suốt
    Mẹ Suốt
  9. Đầu năm thăm trại Ba Vì,

    Phởn phơ bò giống, xanh rì cỏ non.

    Bò to như chú voi con,

    Lạ lùng quê mới mắt tròn ngó quanh.

    Hồ Suối Hai, nước trong xanh,

    Tản Viên núi đẹp như tranh giữa trời.


    Bâng khuâng bốn biển tình đời,

    Càng thương muôn dặm đất người Cu Ba…


    1-1-1972

    Nguồn: Tố Hữu, Máu và hoa, NXB Tác phẩm mới, 1977

    Thăm trại Ba Vì
    Thăm trại Ba Vì
    Thăm trại Ba Vì
    Thăm trại Ba Vì
  10. Ly Quê trên súng thần công

    Xinh xinh như một tiên đồng Bồng Lai

    Trăng khuya len xuống rừng dài

    Đường non thăm thẳm, đá gài lô nhô

    Hồng quân mê mải sông hồ

    Đêm nay tạm nghỉ bên bờ suối reo


    Đêm nay như những chiều chiều

    Đôi con chim đứng lưng đèo ngẩn ngơ

    Ly Quê nâng ống tre tơ

    Thổi bài Quốc tế dưới cờ Hồng quân

    Hồng quân bên suối xoa chân

    Chân rơm rớm máu, Hồng quân không giầy!


    Ra đi lừ ấy Giang Tây

    Nước non vạn lý, đêm ngày trường chinh

    Quản chi lên thác xuống ghềnh

    Môi vầng cờ đỏ đinh ninh lời thề

    Can trường trải với sơn khê

    Bước đi đã hẹn ngày về thành công.


    Sáo kêu vi vút trên không

    Sáo kêu dìu dặt bên lòng Hồng quân

    Sáo kêu réo rắt xa gần

    Sáo kêu giục giã bước chân quân Hồng

    Ly Quê trên súng thần công

    Nghe con chim hót trong lồng tim xanh…


    1938

    Ly Quê là tên một thiếu niên anh dũng trong cuộc trường chinh của Hồng quân Trung Hoa. Trên đường hành quân, em thường thổi sáo cho hồng quân nghe. (Theo thiên phóng sự lớn “Nước Trung Hoa đỏ trên đường” của nhà văn tiến bộ Mỹ Smidley)

    Nguồn: Tố Hữu, Từ ấy, NXB Văn học, 1959

    Tiếng sáo Ly Quê
    Tiếng sáo Ly Quê
    Tiếng sáo Ly Quê
    Tiếng sáo Ly Quê




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy