Top 9 Bài văn nghị luận về khát vọng và tham vọng của con người hay nhất
Những ước mơ và mong muốn của con người là điều cần có và nó thể hiện tầm vóc của con người trong cuộc sống. Nhắc đến ước vọng của con người, người ta thường ... xem thêm...hay nhắc đến hai từ "khát vọng" và "tham vọng". Vậy "khát vọng" và "tham vọng" giống và khác nhau thế nào, chúng mang lại điều gì cho cuộc sống và chúng ta nên làm gì để thành công từ đó? Mời các bạn tham khảo một số bài văn nghị luận về khát vọng và tham vọng hay nhất mà Toplist tổng hợp trong bài viết dưới đây để hiểu thêm về vấn đề này.
-
Cuộc sống là đồng xu hai mặt có bóng tối và ánh sáng, đúng và sai… thì khát vọng và tham vọng cũng chính là đồng xu của hai mặt. Một người sống lý tưởng ai cũng có khát vọng và tham vọng nhưng đừng để sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm này làm cho ta có những định hướng sai lầm.
Khát vọng vốn được hiểu là những mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Nó thôi thúc con người ta sống, nỗ lực để đạt đến điều đó. Khát vọng biểu tượng cho những gì lớn lao tốt đẹp mà con người ta hướng đến cho bản thân mình và cho cộng đồng. Tham vọng là khác với khát vọng bởi đó là lòng ham muốn của con người, nhưng mong ước này quá lớn vượt qua khả năng của con người. Tham vọng dường như chỉ gắn với dục vọng cá nhân.
Khát vọng chính là giá trị chúng ta hướng đến, để chúng ta đạt được giá trị của cuộc sống. Khát vọng là biểu hiện mang tính tích cực của tâm lý, tốt đẹp của con người. Con người sống trên đời mang trong mình nhiệt huyết, sự khát khao biến nó thành những khát vọng hướng tới chính điểm xuất phát trên hành trình tới ước mơ để đạt những mong ước làm nên cuộc đời hạnh phúc, không chỉ cho bản thân người đó mà cho những người xung quanh. Điều đó làm nên giá trị cao đẹp của con người.
Chính xuất phát từ khởi đầu của giá trị đẹp mà người có khát vọng luôn nhận thức mình là ai và mình nên làm gì để giúp đỡ mọi người. Những người có khát vọng sống có trái tim say mê, luôn sống hết mình và hơn ai hết họ nhận thức được lợi hại. Và trong thực tế cuộc sống họ luôn tỉnh táo tránh được những mê hoặc, huyễn hoặc không đáng có.
Con người sẽ thế nào nếu sống thiếu khát vọng và tham vọng. Tham vọng thường là những gì gắn với màu sắc tiêu cực nhưng điều đó không phải là sai tuyệt đối, dã tâm quá lớn sẽ bất chấp đúng, sai luật pháp để thực hiện được mong muốn. Đừng để tham vong của bạn biến nó thành giá trị tuyệt đối thì tham vọng ấy sẽ ăn mòn, “sát hại” tâm hồn bạn từ sâu bên trong. Tham vọng xuất phát từ lợi ích của bản thâm từ lòng tham của con người. Những người mang tham vọng chỉ muốn lợi ích cho bản thân, đôi khi có thể chà đạp lên lợi ích của người khác để đạt được lợi ích của mình. Tham vọng sẽ làm mờ mắt con người.
Những kẻ sống ích kỷ, tham vọng mà chẳng quan tâm đến cộng đồng xã hội chỉ vì lợi ích cả nhân sẽ chẳng được ai tôn trọng. Đừng biến mình thành kẻ bất chấp tất cả để dẫn đến con đường tội lỗi. Nếu bạn thực sự hiểu đâu là đích mình cần đến thì xin hãy hiểu đâu thực sự là khát vọng và tham vọng chân chính. Chỉ có ý thức nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, biến những thói xấu thành lối sống có khát vọng cao đẹp mới biến bạn thành điều tuyệt vời của tạo hoá.
Và bạn cần nhớ điều này. Hãy cứ đam mê, khát vọng để sống đúng, sống trọn vẹn với ý nghĩa của nó. Bởi “Con người sinh ra trên mặt đất này không phải để tan biến như hạt cát vô danh mà để in dấu ấn trên mặt đất này”. Và để “in dấu ấn trên mặt đất này” hãy khát vọng.
-
Thú thực rằng trong cuộc sống bộn bề như hiện tại, đôi lúc con người ta chỉ muốn dừng lại nghỉ ngơi, được sống một cuộc sống an nhàn thanh tĩnh trong một căn nhà nhỏ, một khu vườn nhỏ, thực không muốn tranh đấu, nỗ lực hay cố gắng với đời làm gì nữa. Nhưng thực tế rằng chúng ta chẳng phải là bậc tu hành, hay có thể dễ dàng thoát ra khỏi cuộc sống cơm áo gạo tiền như các nhà hiền triết ẩn dật. Nhu cầu cuộc sống thường luôn khiến chúng ta phải cố gắng, phải nỗ lực, nhưng thế thôi thì chưa đủ, nếu chúng ta mãi chỉ sống, để ăn ngoài ra không còn một ước mơ, mong mỏi nào khác thì quả thực đó là một đời thật vô nghĩa. Nhân lúc tuổi trẻ này đây, mỗi chúng ta cần phải biết tận dụng thanh xuân xây đắp cho mình một ước mơ, một mục đích cho riêng mình, rồi nỗ lực sống phấn đấu để đạt được nó, tự cho mình một chút thành tựu, để thấy cuộc đời có đủ những mùi vị tuyệt vời chứ không hề tẻ nhạt như ta vẫn nghĩ. Bản thân mỗi chúng ta cũng cần phải có những cái nhìn khách quan và thực tế về hai khái niệm khát vọng và tham vọng, xem chúng sẽ tác động tích cực hay tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta.
Nói về khát vọng, có lẽ đây là một từ rất phổ biến và đẹp đẽ để dành cho những con người trẻ tuổi đang cháy rực trong tim những dự định, nhưng kế hoạch tuyệt vời và sẽ dành mọi sức lực để đạt được nó. Khát vọng, là những mong muốn thiết tha, tột độ của con người về những điều tốt đẹp, lớn lao, luôn thôi thúc con người thực hiện, hoàn thành mơ ước một cách tích cực, lạc quan, mang lại những lợi ích tuyệt vời cho cá nhân và xã hội. Có thể nói rằng người có khát vọng, như người khát nước ngọt vậy, nó luôn thôi thúc con người ta tìm ra nguồn nước tuyệt vời. Trong khi đó "khát" là một hiện tượng sinh lý, một nhu cầu cần thiết của cơ thể, người phải chịu khát thì sao làm được việc gì, thế nên có khát vọng, thì con người ta sẽ trở nên mạnh mẽ, có động lực làm nhiều thứ không biết mệt mỏi cốt chỉ để hoàn thành cái mong ước tốt đẹp cho cuộc đời mình. Chung quy lại người có khát vọng rất đáng được hoan nghênh, dẫu rằng có một số khát vọng "hão huyền", khó có thể thành công trong những điều kiện môi trường không thích hợp, hoặc quá khó khăn để thực hiện.
Con người có thể cho mình quyền theo đuổi khát vọng hoặc không, đôi lúc khát vọng chỉ là để cho đời thêm đẹp và thêm vui. Thế nhưng khát vọng là một liều thuốc tinh thần hữu hiệu, nó luôn khiến con người ta cảm thấy tích cực, vui tươi, luôn biết cách nỗ lực, rèn luyện bản thân để chờ thời cơ hoàn thành khát vọng. Điều đó ta có thể thấy rất rõ trong một trường hợp kinh điển, ấy là Hồ Chí Minh, một con người lúc mới đôi mươi đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước bằng đôi bàn tay trắng, khiến nhiều người ái ngại. Nhưng riêng bản thân Bác lúc bấy giờ luôn được nuôi dưỡng bằng khát vọng giải cứu dân tộc, giành lại độc lập tự do dân tộc cho đất nước, thế nên suốt 30 năm trời lênh đênh nơi xứ người, gặp hàng vạn khó khăn vất vả, nhưng Bác chưa từng một lần nản chí, bỏ cuộc. Đền đáp cho sự kiên trì và khát vọng tốt đẹp ấy là nền độc lập, tự do của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được lập lại vào ngày 2/9/1945. Thế mới nói rằng có những khát vọng lúc này tưởng như là một giấc mộng Nam Kha, đẹp nhưng không thực tế, thì một lúc nào đó gặp thiên thời địa lợi nhân hòa bỗng nhiên nó lại trở thành sự thực vĩ đại. Dĩ nhiên rằng đó là cả một quá trình gian lao, vất vả mà không phải ai cũng làm được, không phải ai cũng là Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm.
Bàn về tham vọng, từ trước đến nay vẫn có nhiều luồng ý kiến trái chiều về tham vọng. Trước hết nói về nghĩa, tham vọng tức là "lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt quá xa khả năng thực tế, khó có thể đạt được" - theo Hồ Ngọc Đức. Xét về mặt ngữ nghĩa tham vọng và khát vọng có phần tương đồng nhau, tuy nhiên tham vọng có thêm một chữ "tham", tức là sự kết hợp của lòng tham và nguyện vọng. Mà xưa nay tính tham lam là một tính xấu, tiêu cực, người vướng vào lòng tham thì thường có cái tính ích kỷ, nhỏ nhen và hay táy máy. Người có tham vọng cũng vậy, với ước mơ của mình họ thường hành động một cách bất chấp, sẵn sàng hy sinh nhiều thứ chỉ để đạt được ước muốn của mình mà không hề cân nhắc đúng sai, thiệt hơn, hay những điều kiện khác. Đó là cách hiểu cổ điển của người phương Đông, tuy nhiên ngày nay, người ta đã không còn hiểu tham vọng theo một nghĩa quá tiêu cực nữa, bởi trong một số khía cạnh tham vọng cũng là khởi nguồn của sự tốt đẹp, của những thành công vĩ đại.
Người có tham vọng, không tham muốn cái của người khác mà người ta thầm muốn cái mình sẽ có trong tương lai, điều đó trở thành một động lực mạnh mẽ khiến họ cố gắng, quyết tâm và nỗ lực một cách tuyệt đối, thậm chí trở nên phi thường có thể vượt xa ngoài khả năng của bản thân để thực hiện mục tiêu của mình. Ai có thể nghĩ rằng tập đoàn Vingroup chỉ trong 2 năm đã cho ra đời thành công Vinfast - thương hiệu ô tô riêng của Việt Nam, với một loạt các dòng xe ở nhiều phân khúc khác nhau, một điều mà trước đó nhiều người tưởng chừng là viển vông, bởi đã từng có doanh nghiệp mang tham vọng này nhưng đã thất bại. Tuy nhiên, đứng trước vết xe đổ của những doanh nghiệp đi trước thì Vingroup lại bật hẳn lên với một tham vọng cũng như chiến lược hợp lý và mạnh mẽ, thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam phát triển theo một hướng mới, khuyến khích người dân tiêu dùng hàng nội địa. Hoặc lấy một ví dụ khác như lần lượt các tập đoàn lớn bao gồm FPT, Thegioididong, Vingroup cũng lần lượt bước một chân vào thị trường dược phẩm, một thị trường tiềm năng với tham vọng đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, phân hóa lại cung cách tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe của người dân theo một hướng bài bản và chuyên nghiệp hơn. Đó là một tham vọng khá bất ngờ, bởi người ta sẽ chẳng thể nghĩ một tập đoàn chuyên về linh kiện và các sản phẩm điện tử lại có ngày với tay sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thế nhưng hiện nay họ đã dần thành công và có những bước tiến lớn.
Một điều nữa, có lẽ khiến con người luôn có cái nhìn khá tiêu cực về tham vọng ấy là ở trong một số lĩnh vực có thể tham vọng sẽ trở thành mối nguy hại lớn. Ví như trong chính trị việc một quốc gia nào đó có tham vọng làm bá chủ thế giới, hay tham vọng xâm lược, bành trướng trên lãnh thổ của quốc gia khác, đều đem đến những hậu quả rất nghiêm trọng, điển hình ta có thể nhìn về Thế chiến thứ nhất và thứ hai. Có thể thấy rõ rằng sự tham vọng đầy ích kỷ và vô nhân đạo đã đem đến cho nhân loại nhiều khổ đau, bởi lẽ mục đích của tham vọng ngay từ ban đầu đã mang tính tiêu cực và không chính đáng. Khác hẳn so với những tham vọng tích cực mà tôi vừa nêu ví dụ ở trên. Thế nên có thể nói rằng tham vọng không hoàn toàn tích cực, nhưng cũng không có nghĩa nó mang nhiều tiêu cực, mà việc này chủ yếu phụ thuộc và tư duy, ý chí và đạo đức của người thực hiện tham vọng. Không phải ai có tham vọng cũng là kẻ đáng ghét, cần xa lánh. Hãy nhìn nhận một cách lạc quan và công tâm hơn.
Từ những phân tích về khát vọng và tham vọng, ta có thể nhìn thấy rõ ràng cả khát vọng và tham vọng đều là những trạng thái tâm lý của con người, chỉ khác nhau một chút về tính chất. Nếu như khát vọng chủ yếu nói về những ước mơ đẹp, đẹp với cả cá nhân và xã hội dù nó có thể đạt được hay không, nó mang trong mình một trạng thái hoàn toàn tích cực, nhưng nhìn chung vẫn thiếu đi một phần quyết tâm, bởi lẽ khát vọng là một mục tiêu có tính bình dị, chậm rãi, có thể thành công hoặc không, con người ta sẽ không vì việc không thực hiện được khát vọng mà đi xuống. Trái lại tham vọng có ý nghĩa gay gắt hơn là "ước muốn mạnh mẽ để đạt được cái gì đó", một người tham vọng sẽ nỗ lực, thậm chí có những ý tưởng điên rồ và sự liều lĩnh đáng gờm để hoàn thành tham vọng của bản thân. Thế nên tham vọng mang trong mình tính quyết tâm mạnh mẽ, nhưng cũng ẩn chứa những tiêu cực và nguy cơ lớn, người ta có thể trở nên cường đại với tham vọng nhưng cũng có thể cảm thấy thất bại và chán nản tột cùng nếu như không đạt được tham vọng. Bởi lẽ phàm là đặt nhiều kỳ vọng và tâm sức vào cái gì thì con người đều luôn phải chuẩn bị trước cho một sự trả giá rất lớn. Bài viết này không nhằm mục đích để so sánh hay phân bì khát vọng và tham vọng, mà chỉ để mọi người hiểu rằng dù là khát vọng hay tham vọng, chúng điều luôn có những mặt tích cực đáng lưu tâm.
Chúng ta nên nhận thức rằng, con người sống cần có khát vọng và cũng cần có tham vọng, bởi khát vọng làm chúng ta tốt hơn, nhưng chính tham vọng mới lại thúc đẩy chúng ta phát triển một cách mạnh mẽ, và điều đó cũng xảy ra tương tự đối với một phạm trù lớn hơn là sẽ hội. Con người ta không thể sống mãi với mộng tưởng tốt đẹp, nhưng chỉ quyết tâm làm nó nửa vời, mà cần có sự hối thúc, ước muốn mạnh mẽ đạt được nó bằng toàn bộ thân thể và khối óc của mình. Tôi nghĩ rằng trong một cá thể người ta cần có cả khát vọng và tham vọng, chúng trung hòa và kiềm giữ lẫn nhau thì mới có thể thành công một cách tích cực, đem lại nhiều giá trị cho cả bản thân và cộng đồng được.
Đối với hai khái niệm khát vọng và tham vọng chúng ta cần có một cái nhìn lạc quan và tích cực, cũng như nên có cái nhìn đa diện và nhiều chiều. Cuộc sống này vốn dĩ không có gì là tuyệt đối đúng hoặc tuyệt đối sai, đôi khi chân lý lại nằm trong những cái nghịch lý khách quan. Một con người có mơ ước, có mộng tưởng ấy là khát vọng đẹp đẽ, hướng con người ta tới những điều tích cực hơn. Nhưng chỉ mơ ước và dừng lại ở đó thì vẫn chưa đủ, hãy để cho bản thân mình được tham vọng, được thực hiện những ước mơ ấy một cách chăm chỉ và nỗ lực nhất. Hãy nhớ rằng thanh xuân có hạn, tiến đến thành công bằng đường tắt hoặc bạn buộc phải cố gắng gấp trăm lần để tới đích nhanh hơn.
-
Bạn sẽ chẳng làm được việc gì cho ra hồn, cuộc sống của bạn sẽ bình lặng trôi đi nếu không muốn nói là tẻ nhạt và vô nghĩa khi ngay từ lúc còn trẻ bạn chẳng có ước mơ, khát vọng gì. Khát vọng và tham vọng có một ranh giới thật mong manh. Trước một ước muốn nào đó của bạn, có người nói tớ có khát vọng nhưng lại có bạn nói tớ quá tham vọng.
Khát vọng là mong muốn lớn lao với sự thôi thúc mạnh mẽ, là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cả cộng đồng. Còn tham vọng lại là ham muốn quá lớn với khả năng thực tế của con người, nó gắn với dục vọng của cá nhân. Vậy giữa chúng có mối quan hệ thế nào? Cả khát vọng và tham vọng là những điều mà con người đều có trong cuộc sống, tuy nhiên lại có không ít điểm khác nhau. Và con người thực hiện nó vì những điều khác nhau, do đó kết quả mang lại cũng khác nhau. Hiểu rõ khát vọng và tham vọng của bản thân và làm chủ thì sẽ đạt được thành công và những điều mà mình mong muốn.
Vì sao giữa khát vọng và tham vọng lại có những điểm tương đồng? Trước hết đó là hiện tượng tâm lý của con người, là khi con người mong ước đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp mà trong cuộc sống hiện tại chưa vươn tới. Hơn nữa lại đều là động lực làm nên sức mạnh để dẫn tới hành động, là chất kích thích giúp con người chảy trôi phát triển mà không quá bình yên hay buồn tẻ. Vậy sự khác biệt giữa khát vọng và tham vọng biểu hiện như thế nào? Khát vọng là biểu hiện tâm lý tích cực, có ý nghĩa cho bản thân gia đình và xã hội. Nét tương đồng quan trọng nhất giữa tham vọng và khát vọng là đều được bắt nguồn từ nguyện vọng:
Tham vọng = Lòng tham + Nguyện vọng
Ước vọng = Mong ước + Nguyện vọng
Nguyện vọng là cội nguồn của tham vọng và ước vọng của mỗi con người. Ai cũng mong muốn cho mình những nguyện vọng khác nhau trong đời như có gia đình hạnh phúc, có cuộc sống tốt, có con cái ngoan ngoãn, ba mẹ khỏe mạnh… thế nhưng để đạt được nguyện vọng của mình thì con người chúng ta phải biến nguyện vọng trở thành tham vọng hoặc ước vọng để có thể quyết tâm cố gắng và khao khát đạt được.
Tham vọng có ít nhiều mang màu sắc tiêu cực, đó là khi con người quá ham muốn đạt được điều gì đó lớn lao, xuất phát từ sự ích kỷ, lòng tham, chỉ có mong muốn làm những điều có lợi cho bản thân. Đôi khi không quan tâm đến lợi ích của người khác, thậm chí bị tham vọng làm mờ mắt. Có thể đó là một ước mơ, khát vọng không “mang tính khả thi” lắm với điều kiện, môi trường sống và khả năng thực tế của bạn. Song đó vẫn là một giấc mơ đẹp, giúp bạn coi nhẹ những khó khăn, thiếu thốn, trở ngại, chông gai thực tại mà nhìn về phía trước. Nó còn giúp cho tâm hồn bạn, trái tim bạn, suy nghĩ của bạn luôn trong trẻo, luôn rung lên và thấm đẫm chất nhân văn. Tham vọng sẽ khiến bạn như bị ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Bạn sẽ chẳng còn mắt để nhìn, tai để nghe và cái đầu để suy nghĩ cho tỉnh táo. Bạn sẽ trở thành nô lệ của cái ác, sẵn sàng làm điều xấu, điều ác…
Tham vọng xuất hiện khi con người không nhận thức đúng đắn của bản thân, ước những điều ngoài tầm với, người tham vọng bất chấp tất cả để thực hiện bằng được tham vọng của mình, thật đúng cho câu nói: Đời không lấy đi của ai tất cả và cũng không cho ai tất cả cái gì, đến khi nhận thất bại thì con người trở nên bi quan, tuyệt vọng, sống trong trạng thái bất an. Có rất nhiều người tỉnh táo nhận thức rõ ranh giới giữa khát vọng và tham vọng, để sống tốt hơn lên. Nhưng số ít trong xã hội lại có những người không có khát vọng khi đó cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt, vô nghĩa.
Chúng ta có thể thấy rằng khi thiếu khát vọng hay quá tham vọng điều khiến cuộc sống vô nghĩa không thể vươn tới điều tốt đẹp. Thật vậy khát vọng là điều cần vươn tới và ngược lại thì tham vọng là điều cần chống chế không nên tiến tới của con người trong cuộc sống. Bản thân chúng ta nhận thức rằng con người cần có khát vọng cao đẹp và nỗ lực để thực hiện. Khi giật mình nhận ra tham vọng chúng ta cần tỉnh táo để nhận ra bản thân, biến tham vọng thành khát vọng mãnh liệt. Hơn nữa, khi hiểu được ranh giới giữa khát vọng và tham vọng rất mong manh, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn mới có thể trụ vững trên con đường đầy thăng trầm, để cùng nhau vươn tới những điều tốt đẹp. Mỗi khoảnh khắc sống trôi chậm lại chậm lại chút nữa để cảm nhận hạnh phúc dù trong cả lúc gục ngã, mỗi vấp ngã lại là một trải nghiệm, là một thành công mới sắp bắt đầu khi ta có khát vọng để vươn lên và dập tắt hoàn toàn tham vọng.
Sẽ có không ít người trong chúng ta đã từng rơi vào tình trạng đánh mất bản thân. Điều đó là dễ hiểu bởi sức cuốn của vòng xoáy xã hội này là quá lớn và không phải ai cũng đủ điềm tĩnh để nhìn nhận ra đúng sai của những giá trị nhân sinh trong cuộc sống. Nếu bạn cũng đang phát hiện ra mình đã để cho khát vọng trở thành tham vọng, thì đừng chần chừ, hãy nhanh chóng xác định lại mục tiêu thật sự của mình, dựa vào lý trí và loại bỏ tất cả những phương thức sai lầm đi. Hãy đến đích theo con đường đúng đắn nhất, khi ấy bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc và sung sướng. Văng vẳng đâu đây lời cha dặn con trong lời một bài hát:
Và cha tôi mỉm cười bảo tôi là ngôi sao nhỏ thôi
Nhưng luôn nhớ giữ ước mơ trong tim mình
Hãy giữ con tim khao khát
Hãy giữ đôi chân vững bước.
-
Trong cuộc đời mỗi con người thường song song tồn tại hai mặt là khát vọng và tham vọng. Giữa khát vọng và tham vọng có sự giao thoa mong manh mà con người thường nhầm lẫn. Vậy khát vọng và tham vọng là gì, nó có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống con người.
Khát vọng có thể hiểu là những mong muốn khát khao của con người, con người thường khát vọng những điều lớn lao ý nghĩa và mang tính tích cực. Khi có khát vọng, con người thường sống lành mạnh, nỗ lực cố gắng để hướng tới khát vọng đó. Còn tham vọng cũng là ước mong của con người nhưng ở một khía cạnh có phần tham lam. Tham vọng thường dùng để chỉ lòng ham muốn những điều vượt quá khả năng của con người và có phần không thực tế, thậm chí bao hàm cả yếu tố không tích cực.
Giữa khát vọng và tham vọng có một sự liên kết dây dưa với nhau. Thông thường trong một con người luôn có cả khát vọng và tham vọng. Khi con người khát vọng điều gì đó, họ thường rất ước mong mãnh liệt điều đó, mong muốn có thể hành động để đạt được mục tiêu đó. Thế nhưng khi khát vọng đó đi hơi xa với hiện thực, vượt quá tầm với thì điều đó trở thành tham vọng. Đôi khi tham vọng của con người là quá trớn, là tham lam vô độ và có những con người sẵn sàng làm nhiều cách, giở nhiều thủ đoạn để đạt được những tham vọng của mình.
Cuộc sống nếu không có ước vọng thì sẽ trở lên rất nhạt nhẽo, vô vị, con người sẽ không thể tiến tới do không có mục tiêu cụ thể và động lực thúc đẩy. Thế nhưng nếu người ta có quá nhiều tham vọng thì điều đó lại dẫn đến những hệ lụy không mấy tích cực. Con người có tham vọng, quá cầu tiến, cầu toàn sẽ không suy nghĩ cho người khác, không nghĩ cho lợi ích của nhiều người mà chỉ chăm chăm làm điều có lợi cho bản thân, là mọi cách để đạt được mục đích của mình. Những người có khát vọng thì thường có lí tưởng sống, có hành động tích cực để thực hiện khát vọng đó; còn những người có tham vọng thì có thể có những hành động khuất tất, không lành mạnh, thiếu thực tế, họ chỉ cố gắng để đạt được tham vọng của mình.
Tham vọng thường gắn với những dục vọng cá nhân, xuất phát không lành mạnh và quá trình nhiều mâu thuẫn. Trong cuộc sống hay trong chính mỗi con người đều tồn tại cả hai mặt trên. Nhưng khác nhau ở chỗ khát vọng và tham vọng ấy lớn thế nào và cách mà mọi người suy nghĩ hành động với những khát vọng và tham vọng đó ra sao. Có những người có khát vọng làm được nhiều việc, thành công trong công việc học tập, đi làm, kiếm được nhiều tiền, thăng tiến trong công việc; họ chăm chỉ, nỗ lực học tập làm việc để đạt được khát vọng ấy, hiện thực hóa ước mơ của mình. Đó là những hành vi cố gắng, nỗ lực đáng khen ngợi. Đối với tham vọng, họ biết tiết chế, biết xác định tính khả thi và khả năng thực hiện để tiến tới.
Bên cạnh đó, có những người có phần tham vọng quá lớn, quá mãnh liệt chẳng hạn như chiếm lĩnh, làm bá chủ một điều gì đó, vậy là họ chỉ chăm chăm thực hiện cho được tham vọng của mình mà không quan tâm đến việc nó sẽ ảnh hưởng và làm liên lụy đến lợi ích của rất nhiều người xung quanh. Trong trường hợp này, tham vọng của họ đã trở thành những điều xấu xa, ích kỷ, vụ lợi chỉ nghĩ cho bản thân mà không nghĩ đến người khác.
Con người ai cũng có khát vọng và tham vọng, nhưng nếu biết điều tiết, tiết chế và dung hòa những yếu tố ấy thì con người sẽ trở nên có chí tiến thủ, có mơ ước, hoài bão, có động lực để hoàn thiện mục tiêu của mình một cách lành mạnh. Điều đó cũng làm cho mỗi người trở nên hoàn thiện hơn, hướng tới một xã hội mà mọi người cùng nhau phát triển lành mạnh.
-
Trong cuộc sống, ai chẳng có những ước mơ cho riêng mình. Những con người cầu toàn luôn mong muốn những thành công riêng cho bản thân. Sẽ thật trẻ nhạt nếu con người không có khát vọng. Nghị luận xã hội về khát vọng và tham vọng sẽ giúp mỗi chúng ta hiểu được sự khác nhau giữa khát vọng và tham vọng là gì.
Khát vọng chính là mơ ước trong mỗi chúng ta, có thể nó không phù hợp với môi trường sống, hoàn cảnh sống của bản thân. Có thể nó là một ước mơ viển vông cho tương lai. Đó có thể là giấc mơ được làm bác sĩ, giáo viên của những cô cậu học trò nhỏ. Giấc mơ được ăn ngon, mặc đẹp của những số phận kém may mắn. Giấc mơ được đi học của những em bé nhỏ thiếu thống vật chất. Giấc mơ làm giàu vượt lên trên số phận. Tất cả đều là những hoài bão, những khát vọng, cũng chính là động lực giúp ta sống tốt, giúp ta vươn lên để đạt được những ước mơ của mình. Khi ước mơ đó đã phù hợp với điều kiện của bản thân, nó sẽ giống như chiếc bàn đạp, tiếp thêm động lực cho ta hoàn thiện ước mơ ấy, để bản thân tự hào về chính mình, để gia đình tự hào về bạn, để những người xung quanh phải ngưỡng mộ.
Nhưng khác với khát vọng, tham vọng chính là những ham muốn ảo tưởng về bản thân. Người có tham vọng lúc nào cũng nghĩ mình giỏi giang hơn người khác, chẳng bao giờ nhìn nhận tài năng của những người xung quanh, lúc nào cũng nghĩ mình hơn người. Nghị luận xã hội về khát vọng và tham vọng cho ta thấy sự khác biệt về tính cách của hai hướng tính cách. Người có khát vọng lúc nào cũng khắt khe với bản thân, luôn không hài lòng với những gì mình đặt ra và yêu cầu mình phải làm tốt hơn so với những gì đã từng, luôn phấn đấu không ngừng để tiếp thu, học hỏi, rèn luyện, trau dồi để trưởng thành hơn.
Người có tham vọng không hài lòng về những gì mình có nhưng cũng không bao giờ nhận lỗi về mình, không phấn đấu theo chiều hướng tích cực. Những người tham vọng còn có những đăc điểm không tốt như ảo tưởng vị trí và kết quả của mình, nếu không như mong đợi, họ thậm chí có thể bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được nó. Hay họ luôn cay cú, sẵn sàng kết oán với đối thủ của mình. Trong cuộc sống, mọi người ai cũng có khát vọng cho riêng mình, nhưng cần phải biết chọn lựa phương thức sống phù hợp với bản thân, để không làm mất đi giá trị của bản thân. Hướng đến những điều lớn lao là đúng, hướng đến sự thành công là đúng, nhưng không phải con đường dẫn đến thành công nào cũng trải sẵn hoa hồng. Phải có cố gắng, có quá trình mới đạt được thành công đó.
Người có khát vọng là người nhận thức đúng đắn bản thân mình là ai, mình đến từ đâu, mình có những gì, mình cần phải làm gì. Những người này thường có một trái tim say mê lý tưởng, một lý trí vững mạnh, một sự nhạy bén tư duy tốt, khi ấy họ nhận thức được đâu là đúng, đâu là sai, chọn con đường nào là nên hay không nên. Tham vọng là hiện tượng tâm lý ít nhiều mang chiều hướng tiêu cực của con người. Những người quá tham vọng sẽ bất chấp đạo đức, bất chấp luật pháp, bất chấp tình người, bất chấp tất cả để thưc hiện mục đích của mình. Trong thực tế, nhiều người sống không có khát vọng, lại bị những người có tham vọng làm cho mờ mắt, đi theo chiều hướng xấu, chiều hướng tiêu cực, dễ rơi vào con đường tội lỗi.
Nghị luận xã hội về khát vọng và tham vọng xong chúng ta nên chọn con đường đi đúng đăn, lý trí. Dù con đường ấy có một chút khó khăn, một chút vất vả, nhưng lại là con đường vinh quang hơn cả. Đừng vì một phút lầm lỡ, mọt danh vọng phút chót mà vướng vào con đường tội lỗi không thể thoát ra được. khát vọng là lẽ sống, là mục đích sống cao đẹp, tích cực.
-
Là con người, ai cũng có khát vọng. Chính khát vọng đã tạo ra nguồn sức mạnh sinh tồn, đưa con người từ đời sống phụ thuộc vào thiên nhiên tiến lên làm chủ thế giới. Song song với khát vọng là tham vọng, một biểu hiện tiêu cực ham muốn của con người.
Khát vọng là mong muốn, là khao kháy thiết tha sẽ làm được, đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp. Hướng tới khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng. Người sống có khát vọng là người có lý tưởng, ước mơ, hoài bão lớn lao, ý chí mãnh liệt, luôn mong muốn và sẵn sàng làm những điều tốt đẹp cho mọi người, cho cộng đồng, không tư lợi cá nhân. Sống có khát vọng là một lối sống tốt đẹp, đúng đắn bởi giá trị của nó hướng đến cái chung và làm động lực để con người ta sống tốt và có ích hơn.
Tham vọng là lòng ham muốn quá mức, mong ước quá lớn, vượt xa khả năng thực tế của con người, khó có thể đạt được. Tham vọng đôi khi chỉ gắn với dục vọng cá nhân. Người có tham vọng luôn xem bản thân mình là trung tâm, sẵn sàng làm mọi việc để đạt được mục đích, bất chấp hậu quả… Khát vọng và tham vọng có điểm chung đó là đều thể hiện mong muốn của con người vượt lên trên những giới hạn của bản thân và hiện thực. Dù lằn ranh giữa chúng thật mong manh, nhưng tác động của hai tính cách trên đến cuộc sống rất khác biệt: Nếu khát vọng mang đến những giá trị tốt đẹp, đóng góp cụ thể cho cộng đồng, thì tham vọng lại mang đến những hậu quả khôn lường.
Sống có khát vọng sẽ giúp chúng ta xác định được những mục tiêu tích cực và có động lực mạnh mẽ để vươn tới những mục tiêu đó, từ đó ta có thể khẳng định giá trị bản thân và có một cuộc sống có ý nghĩa. Khi sống có khát vọng, ta sẽ có sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh và tìm thấy hạnh phúc. Khát vọng còn là động lực thúc đẩy chúng ta tiến lên, cho dù trên con đường đời bạn có vấp ngã, nhiều lần muốn bỏ cuộc thì khát vọng sẽ là liều thuốc nâng bạn đứng dậy, không để bạn chùn bước mà tiếp tục bước đi chinh phục những hoài bão to lớn. Chỉ cần khát vọng đủ lớn và ý chí quyết tâm cao độ thì thành công sẽ mỉm cười với bạn một ngày không xa.
Khát vọng tạo động lực thúc đẩy con người không ngừng nỗ lực biến những ước mơ trở thành hiện thực. Thầy Nguyễn Ngọc Kí hay Nick Vujick chính là những tấm gương điển hình đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Dù sinh ra đã không hoàn hảo, nhưng với nghị lực phi thường và khát vọng mãnh liệt, họ đã không đầu hàng trước số phận, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh, đạt đến ước mơ. Khát vọng chiến thắng của những con người như thế có sức mạnh truyền cảm hứng, lan tỏa ngọn lửa của khát vọng đến bao người. Những khát vọng lớn lao có vai trò giúp con người nhận thức rõ về bản thân, những thế mạnh và hạn chế ở chính mình, từ đó ta biết cách điều chỉnh để làm chủ bản thân. Sống có khát vọng, ta sẽ sẵn sàng cống hiến, sống hết mình vì cộng đồng, chung tay góp sức làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Sống có khát vọng là một lối sống đẹp, đáng trân trọng nhưng đừng để chúng ta lạc vào cách sống của người đầy tham vọng Tham vọng (sự tham lam) cũng chẳng gì khát vọng (sự khao khát) nhưng được biểu hiện ở một khía cạnh khác. Khi sự tham vọng xuất hiện mà bạn không làm chủ được nó, nghĩa là bạn đang tiếp tay cách sống ích kỉ, bất chấp tất cả để đạt được mục đích cuối cùng. Đừng để ước mơ của bạn bị đánh cắp bởi suy nghĩ lệch lạc. Kết quả mà tham vọng mang đến đó là một cuộc sống vô vị, tẻ nhạt, những điều bạn làm đều trở nên vô nghĩa, mang đến những tổn hại cho mọi người xung quanh và chính bản thân bạn. Vì bị mờ mắt trước những cám dỗ, tham vọng trỗi dậy khiến rất nhiều người đã bất chấp đúng sai, suy nghĩ trở nên xấu xa và làm những điều trái đạo đức, lương tâm, thậm chí lao vào con đường phạm pháp,…
Tham vọng chi phối nhu cầu của con người từ những sự việc thường nhật. Chẳng hạn như học sinh vì muốn có thành tích không đúng với năng lực mà gian lận trong thi cử; doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vì tham vọng làm giàu mà gắn chíp gian lận tiền của khách… Có những tham vọng gây ra những sự việc tai hại. Vì tham vọng nắm giữ sức mạnh hạt nhân mà nhiều nước đã chạy đua vũ trang, đặt trái đất trên một kho thuốc nổ khổng lồ. Vì tham vọng ngự trị sức mạnh thiên nhiên mà một vài quốc gia đã xây dựng những công trình thủy điện có sức chứa khổng lồ, làm thay đổi hệ sinh thái trên diện rộng. Ở quy mô quốc tế, sự tham vọng của một quốc gia cũng gây nên những căng thẳng, đe dọa an ninh, trật tự: tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến tình hình ở khu vực này trở nên căng thẳng, đe dọa trực tiếp đến sự bình an của nhân dân các nước.
Do bất chấp hậu quả để đạt được điều mình mong muốn cho nên kẻ tham vọng có thể làm hại đến người khác, nó khiến cuộc sống con người trở nên bất an và gây ra bất hạnh cho mọi người. Tham vọng sẽ gieo rắc sự sợ hãi và sự căm thù, nó làm tan rã mối quan hệ giữa người với người, giữa các quốc gia với nhau, tạo ra một cuộc sống căng thẳng và bất an. Con người đi từ tham vọng này tới tham vọng khác: đầu tiên, họ tìm cách bảo vệ mình khỏi bị tấn công, và rồi họ tấn công kẻ khác. Kẻ có quá nhiều tham vọng sẽ đánh mất chính mình và tự gây hại cho bản thân. Trung Quốc với tham vọng thổi phồng nền kinh tế đang phải trả giá bởi sự ô nhiễm môi trường nặng nề, khói mù mịt thủ đô Bắc Kinh khiến người dân không thể ra đường.
Tham vọng không tự nhiên mà có, nó do chính con người tạo ra. Ở mức độ cá nhân, tham vọng dẫn đến sự ích kỉ, do bản tính hiếu thắng của con người nên bất chấp hậu quả làm những việc trái với đạo đức. Ở mức độ quốc gia, tham vọng xuất phát từ tư tưởng bá quyền và chủ nghĩa cực đoan dân tộc, luôn cho rằng quyền lợi của dân tộc mình là trên hết và sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi các quốc gia khác. Để chống lại tham vọng và tăng cường khát vọng, điều quan trọng là mọi người cần phải biết tự ý thức, kiềm chế bản thân, luôn tỉnh táo nhận ra các ranh giới của cuộc sống; cần phải gắn lợi ích của mình hài hòa với lợi ích của người khác và cần sáng suốt theo đuổi những mục tiêu khả thi, không quá xa tầm với.
Khát vọng và tham vọng đều thể hiện bản chất của con người: luôn ngưỡng vọng những gì cao đẹp hơn. Nếu ta biết tỉnh táo nhận thức, ta sẽ có khát vọng để cống hiến, để sống thật ý nghĩa. Nhưng nếu ta mù quáng và để sự ích kỉ, lòng tham, sự hiếu thắng che mắt, khát vọng của ta sẽ tha hóa thành tham vọng, và như vậy hậu quả thật khôn lường. Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người có quá nhiều tham vọng. Họ xây dựng nhưng ước mơ, lý tưởng vượt quá khả năng của mình, thậm chí là ảo tưởng, không chịu lắng nghe lời khuyên của người khác, cuối cùng sụp đổ tan tành. Những người như thế thật đáng chê trách. Là học sinh, phải có khát vọng trong học tập, khát vọng thành công, sống có ước mơ, hoài bão lớn lao. Để làm được điều đó, không có gì quan trọng hơn là nỗ lực học tập thật tốt, chăm chỉ rèn luyện bản thân, mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
Khát vọng và tham vọng chính là hai biểu hiện tốt và xấu của sự khát khao có ở con người. Khát vọng mãnh liệt sẽ hình thành ý chí. Ý chí sẽ hình thành hành động. Hành động sẽ hình thành vận mệnh. Còn tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn. Bởi thế, biết xác định giới hạn của ham muốn, hướng nó vào mục tiêu tốt đẹp và kiên cường hành động, bạn mới có thể tạo ra thành công. Và ngược lại, dù có khát vọng mãnh liệt đến thế nào, nếu bạn đi nhầm đường, nhất định sẽ dẫn đến kết cục đáng buồn.
-
Khát khao sâu thẳm và mãnh liệt khẳng định sức mạnh sinh tồn và chinh phục của con người. Khát khao sẽ hình thành ý chí. Ý chí sẽ hình thành hành động. Hành động sẽ hình thành vận mệnh. Thế nhưng, nếu khao khát ở chừng mực (khát vọng) sẽ thúc đẩy con người phát triển. Nếu khao khát vượt quá năng lực (tham vọng) sẽ dẫn con người đến những tai hoạ khôn lường.
“Khát vọng” là những mong muốn của con người về những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ. Hướng tới khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng. “Tham vọng” là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt xa khả năng thực tế của bản thân, chưa có cơ sở để đạt được. Tham vọng thường gắn với sự ích kỷ, tính toán, mưu đồ dục vọng cá nhân, đặt lợi ích của bản thân cao hơn lợi ích của cộng đồng, bất chấp mọi cách để chiếm đoạt được.
Trong cuộc sống, mỗi con người đều mang trong mình những “khát vọng” hoặc “tham vọng” hướng tới những điều lớn lao hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, “khát vọng” và “tham vọng” có những điểm khác nhau, con người thực hiện chúng vì những lý do, lợi ích khác nhau và kết quả mang lại càng không thể giống nhau. Hiểu rõ về “khát vọng” và “tham vọng”, con người mới làm chủ được bản thân và đạt được những điều mình mong ước.
Thứ nhất, cả khát vọng và tham vọng đều là những hiện tượng tâm lý của con người.+Thứ hai, chúng đều là những động lực làm nên sức mạnh để con người hành động. Cả khát vọng và tham vọng đều là yếu tố có khả năng thúc đẩy, kích thích, giúp cuộc sống của con người thay đổi và phát triển. Khát vọng và tham vọng cũng có những điểm khác nhau và chính những điểm khác nhau ấy đã đặt con người trước yêu cầu cần phải có sự lựa chọn cho phù hợp với bản thân.
Khát vọng là một biểu hiện tâm lý mang tính tích cực, tốt đẹp của con người trong đời sống hôm nay.Người có khát vọng là người nhận thức đúng đắn bản thân mình là ai, mình đến từ đâu, mình có thể làm gì cho mình và cho mọi người.Khát vọng có thể trở thành hiện thực hoặc có thể không. Nhưng dù cho có thể không trở thành hiện thực thì con người trong quá trình thực hiện khát vọng cũng đã được sống trong một niềm tin, trong niềm lạc quan trong trẻo và mãnh liệt.
Tham vọng là một hiện tượng tâm lý ít nhiều mang sắc thái tiêu cực của con người. Đó là khi con người quá ham hố đạt được một điều gì đó lớn lao. Tham vọng xuất phát từ sự tham lam, hiếu thắng và vị kỷ của con người.Tham vọng xuất hiện khi con người không còn nhận thức đúng đắn về bản thân, mong ước những điều quá xa tầm với, nằm ngoài khả năng của chính mình. Những người quá tham vọng sẽ bất chấp tất cả, bất chấp đạo đức, luật pháp, tình người để thực hiện bằng được mục đích của chính mình.Khi không đạt được tham vọng, con người dễ rơi vào trạng thái tâm lý xấu, bi quan, chán nản, cay cú, thậm chí là hận thù vô cớ. Mang tham vọng trong lòng, con người cũng không có được sự thanh thản, bình an, thoải mái về tâm hồn.
Phê phán những hiện tượng tiêu cực liên quan đến khát vọng và tham vọng trong cuộc sống. Trong thực tế cuộc sống, nhiều người sống không có khát vọng, song lại có không ít kẻ bị tham vọng làm cho mờ mắt. Sống thiếu khát vọng sẽ dẫn đến sống nhàn nhạt, vô nghĩa, cuộc sống thụ động, không có được thành quả tốt. Ngược lại, bị tham vọng làm cho mù quáng, con người cũng dễ rơi vào con đường tội lỗi, có những hành động trái luật pháp và đạo đức. Thiếu khát vọng hay quá nhiều tham vọng đều khiến con người không thể vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Khát vọng là điều cần có ở mỗi người. Cần nhận thức bản thân để xây đắp những khát vọng chính đáng. Ngược lại, tham vọng cần được tiết chế, con người không nên kết bạn với tham vọng. Từ khát vọng muôn thuở của con người là khát vọng yêu thương, khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc…, người viết tự nhìn nhận lại bản thân để xác định cần có khát vọng như thế nào sao cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa. -
Khát vọng của con người khởi nguồn từ những mong muốn hết sức chính đáng về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Mong muốn của mỗi người tuy khác nhau, nhưng dù ước muốn đó có cao xa hay bình dị thì nó đều nằm trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người. Và một khi chấp nhận nó, chúng ta sẽ đặt ra mục tiêu và cố gắng phấn đấu để đạt được, đó chính là khát vọng.
Khát vọng là mong muốn chính đáng, làm nên những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng. Khát vọng luôn thôi thúc mỗi người hãy cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa. Khát vọng là động lực giúp bạn xem nhẹ những khó khăn, thiếu thốn, luôn tiến về phía trước. Khát vọng nếu phù hợp với khả năng của bạn và có điều kiện tốt, sẽ tiếp thêm cho bạn sức mạnh, niềm tin để đạt được những gì mình muốn. Khát vọng là chính đáng, bạn không nên từ bỏ, nhưng điều quan trọng là làm sao để giữ cho bản thân luôn đi đúng hướng, với mục tiêu đã xác định.
Ngoài mục tiêu chính, bạn cần đặt ra những mục tiêu khác nhằm giúp mình cân bằng và tìm ra những giá trị khác của cuộc sống. Đích đến của khát vọng chính là giúp chúng ta đạt được điều mơ ước bằng chính năng lực của mình. Thế nhưng, trong vòng quay của cuộc sống, nếu khát vọng đi chệch hướng, nhiều người sẽ đánh mất bản thân mình. Những khát vọng đáng trân trọng kia cũng không còn ý nghĩa chính đáng của nó và rồi khát vọng lại trở thành tham vọng.
Không phải ai cũng đủ điềm tĩnh để nhìn nhận ra phải trái, đúng sai của cuộc sống. Nếu bạn đang phát hiện ra mình đã để cho khát vọng trở thành tham vọng, thì hãy nhanh chóng gạt bỏ những suy nghĩ sai lầm và dùng lý trí xác định lại con đường đi chính đáng của mình. Tham vọng có thể khiến bạn quên mất đi giá trị của bản thân, bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích cuối cùng. Người có tham vọng luôn ảo tưởng về khả năng của bản thân. Họ luôn cho mình là người tài giỏi, không bao giờ bằng lòng với những gì mình có và không hề nhìn thấy điểm tốt ở người khác.
Tham vọng có thể mang lại cho bạn hạnh phúc hay không, điều đó tùy thuộc vào bản thân mỗi người. Tham vọng thực sự mang lại hạnh phúc cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta biết kiểm soát bản thân, kiềm chế tham vọng của mình. Tham vọng đúng nghĩa, bạn sẽ có lý tưởng để sống, để làm việc và khi đạt được kết quả, bạn sẽ cảm thấy thật hạnh phúc. Nếu không làm chủ được bản thân, để cho tham vọng trỗi dậy, bạn sẽ đánh mất chính mình và hạnh phúc của chính bạn.
Ai trong chúng ta cũng đều có khát vọng, nếu không có khát vọng, nghĩa là bạn đã đánh mất mục đích sống, mất đi những ước muốn đời thường, cuộc sống không còn ý nghĩa. Nhưng trước khi quyết định thực hiện một việc gì, bạn hãy cân nhắc và suy nghĩ thật thấu đáo, đừng để khát vọng trở thành tham vọng.
-
Cuộc sống vô nghĩa hay có nghĩa là do chúng ta lựa chọn. Nếu muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa, trước hết chúng ta cần sống có khát vọng. Khát vọng là khao khát, mong muốn, hướng tới, có được những điều tốt đẹp mà mình mơ ước.
Trong cuộc sống, sâu thẳm trong ai cũng có khát vọng và tham vọng. Nói về khát vọng còn là quyết tâm, cố gắng thực hiện hết sức mình mục tiêu, ước mơ bản thân mình đặt ra. Mỗi người sống cần có cho mình một khát vọng cháy bỏng và cố gắng thực hiện những điều đó để cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn. Người có khát vọng là người sống có ước mơ, hoài bão, luôn biết đặt ra những mục tiêu cho bản thân mình và cố gắng thực hiện những mục tiêu đó bằng tất cả khả năng của mình.
Có khát vọng chúng ta mới có động lực vươn lên trong cuộc sống, khi vấp ngã hay gặp khó khăn cũng không nản chí mà biết đứng dậy bước tiếp về phía trước. Khát vọng giúp bản thân chúng ta kiên cường, cứng cỏi hơn. Một người sống không có khát vọng là một người chỉ tồn tại, không có khát vọng chúng ta sẽ không vươn lên, không có động lực để làm việc, rèn luyện bản thân.
Có thể khẳng định rằng, khát vọng là một phần quan trọng của linh hồn con người, là kim chỉ nam cho cuộc sống của chúng ta. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người sống không có khát vọng, ước mơ, không biết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của mình, luôn trong tình trạng lênh đênh vô định. Lại có những người chỉ nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, của người khác mà bản thân mình không biết mình cần gì, muốn gì,… những người này sẽ khó cảm nhận được giá trị của cuộc sống và luôn cảm thấy tẻ nhạt. Khát vọng có vai trò quan trọng trong cuộc sống, là kim chỉ nam của mỗi người, chúng ta hãy có cho mình một khát vọng và cố gắng vươn lên để trở thành công dân có ích.
Song song với khát vọng còn có tham vọng. Giữa tham vọng và khát vọng hiện nay cũng có những điểm khác nhau. Trong đó có thể kể tới như: Khát vọng là những mong muốn chính đáng của một cá nhân về một cuộc sống bình dị, hạnh phúc. Mỗi cá nhân hiện tại đều có những khát khao của riêng bản thân mình để có thể thực hiện được một điều gì đó trong cuộc đời. Có thể lấy một ví dụ đơn giản như: Cuộc đời của mỗi con người như một ván bài thì có những người sẽ có khát vọng để có thể thắng được ván bài đó.
Tuy nhiên cũng có những người luôn có tham vọng vô địch trong ván bài bất chấp mọi thủ đoạn. Vì thế, cả tham vọng hay khát vọng đều là những trạng thái khái khao đạt được mục đích của bản thân. Để đánh giá một hành động là khát vọng hay tham vọng thì còn phải xem động cơ, thái độ cũng như cách thức thực hiện của bạn.Tham vọng có thể mang lại cho bạn hạnh phúc hay không, điều đó tùy thuộc vào bản thân mỗi người. Tham vọng thực sự mang lại hạnh phúc cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta biết kiểm soát bản thân, kiềm chế tham vọng của mình. Tham vọng đúng nghĩa, bạn sẽ có lý tưởng để sống, để làm việc và khi đạt được kết quả, bạn sẽ cảm thấy thật hạnh phúc. Nếu không làm chủ được bản thân, để cho tham vọng trỗi dậy, bạn sẽ đánh mất chính mình và hạnh phúc của chính bạn.