Top 6 Bài văn nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái trong xã hội ngày nay (lớp 9) hay nhất

Bình An 6890 0 Báo lỗi

Cha mẹ có công ơn sinh thành và dưỡng dục con cái nên người, con cái có trách nhiệm hiếu thảo và chăm sóc cha mẹ khi về già. Để tìm hiểu sâu thêm về chủ đề ... xem thêm...

  1. Là người Việt Nam, có lẽ ai cũng sẽ thuộc bài hát ngọt ngào và dễ thương của nhạc sĩ Ngọc Lễ:

    “Ba là cây nến vàng.

    Mẹ là cây nến xanh

    Con là cây nến hồng

    Ba ngọn nến lung linh

    Thắp sáng một gia đình…”.


    Lời bài hát giản dị mà vô cùng ý nghĩa, ngợi ca tình cảm gắn bó giữa những thành viên trong một gia đình. Đó là thứ tình cảm tự nhiên, đầu tiên và đáng gìn giữ trong cuộc đời của mỗi con người. Khi chúng ta sinh ra, cất tiếng khóc chào đời, cha mẹ là những người luôn luôn yêu thương, vỗ về để nuôi chúng ta nên người. Khi chúng ta lớn lên, ra ngoài xã hội để học tập và làm việc, chính cha mẹ là người luôn dõi theo mọi hành động, mọi bước đi của ta, cha mẹ là người bên ta mỗi khi ta mệt mỏi hay vấp ngã. Tình cảm gia đình dường như là thứ tình yêu thiên bẩm, là sợi dây thiêng liêng gắn kết mọi người. Ông cha ta có câu:


    “Công cha như núi Thái Sơn,

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

    Một lòng thờ mẹ kính cha,

    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.


    Câu ca dao thật là quen thuộc đến độ ai cũng có thể đọc thuộc lòng, nhưng không phải ai cũng cảm nhận thật sự ý nghĩa của nó và làm tròn được “đạo con”. Tất cả chúng ta có ai là không do cha sinh mẹ dưỡng, có ai có mặt trên cõi đời này mà không nhờ ơn cha mẹ. Cha mẹ là những người có công sinh thành, dưỡng dục ra mỗi chúng ta. Hình ảnh người cha tựa núi Thái Sơn hùng vĩ ngất trời, hình ảnh của mẹ như nước ngoài biển Đông mênh mông rộng lớn, bao la.


    Tuy mỗi người có những cách dạy dỗ con cái, thiên chức của mỗi người khác nhau nhưng đều hướng tới một ước mơ: “Con cái sẽ nên người, sẽ trưởng thành, biết sống tự lập, hội tụ đầy đủ cả sức mạnh thân thể lẫn trí tuệ tinh thần. Trong gia đình, cha gánh vác, cáng đáng những công việc nặng nhọc nhất, xông xáo với đời lo xây dựng cơ nghiệp. Đối với nhà, cha là trụ cột vững chắc của vợ con. Công lao của cha nhiều vô kể. Bởi vậy dân gian ta mới có câu so sánh cha như ngọn núi sừng sững hiên ngang. Và nếu chỉ có cha không thì liệu người con có thể hình thành, phát triển và tu dưỡng nhân phẩm một cách hoàn thiện.


    Vai trò của của mẹ cũng to lớn không kém. Mẹ là người đã phải mang nặng đẻ đau, ấp iu, bồng bế, bú mớm cho chúng ta, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chăm sóc từng li từng tí một. Đó chính là tình cảm sâu nặng, một ân tình lớn lao mà mẹ dành cho con, tưởng chừng không bao giờ hết như nước không bao giờ cạn. Là một người con đất Việt được tiếp thụ truyền thống dân tộc, không ai là không biết đến tình mẫu tử thiêng liêng, tình phụ tử cao cả. Hình ảnh sóng biển lan tỏa ngoài biển khơi và cả hình ảnh từng đợt sóng cuộn trào dưới chân núi, đó chính là lời nhắn nhủ hãy ghi nhớ công lao của cha, tình nghĩa của mẹ dành cho mỗi chúng ta. Người cha tượng trưng cho tình cảm tha thiết, mặn mà. Hai yếu tố nhu và cương đó phải luôn in sâu, khắc kĩ vào trái tim, vào khối óc hay nói chung là luôn hiện hữu trong thân xác, tinh thần người con thì mới có thể tương trợ, hòa hợp dẫn đến sự thành đạt trong cuộc đời.


    “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, bởi công lao cha mẹ chăm nuôi con vất vả nhiều bề. “Chín chữ cù lao” mà con phải nhớ là một cách thể hiện tấm lòng thành kính, mến yêu cha mẹ của con cái. Không chỉ vậy, làm con phải hiếu thảo với cha bằng chính những hành động cụ thể của mình, phải chăm lo báo hiếu với cha mẹ - đó mới là tấm lòng hiếu thảo của phận làm con. Không chỉ là tình mẫu tử, phụ tử, tình cảm gia đình còn là tình cảm của con cháu đối với ông bà, với những thế hệ đi trước. Ca dao có câu:


    “Ngó lên nuộc lạt mái nhà,

    Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.


    Tình cảm yêu kính, thương nhớ của con cháu đối với ông bà được thể hiện một cách thật giản dị và giàu hình ảnh. Nuộc lạt mái nhà làm sao có thể đo đếm cũng giống như tấm lòng nhớ thương yêu kính của con cháu trong gia đình đối với ông bà không thể đếm được. Ông bà là người đã sinh thành ra cha mẹ ta, là người đã nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn và trưởng thành, là người luôn dành cho con cháu những tình cảm yêu thương trìu mến nhất. Chính vì thế, là thế hệ đi sau, mỗi chúng ta phải ghi nhớ công ơn và hiếu thuận với ông bà, tổ tiên. Tình cảm gia đình còn là sự gắn bó yêu thương giữa những anh chị em trong nhà. Ông cha ta có lời răn:


    “Anh em nào phải người xa,

    Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

    Yêu nhau như thể tay chân,

    Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”.


    Trong một gia đình, anh chị em là những người ruột thịt gần gũi nhau nhất. Sự hòa thuận, thương yêu, đùm bọc nhau giữa những người con trong gia đình là niềm vui, hạnh phúc của cha mẹ. Anh chị em phải gắn bó với nhau như chân liền với tay trên cùng một cơ thể, không thể tách rời. Đó chính là yếu tố giúp cho gia đình hòa thuận, hạnh phúc.


    Tóm lại, gia đình là cái nôi đầu tiên để trẻ thơ học hỏi và cũng là nơi cuối cùng con người ta muốn trở về sau biết bao mệt mỏi, ưu phiền ngoài xã hội. Tình cảm giữa ông bà, cha mẹ, anh chị em và con cháu là thứ tình cảm huyết thống thiêng liêng nhất nâng đỡ tâm hồn con người, để mỗi chúng ta sống tốt hơn, đẹp hơn. Xin mượn câu nói nổi tiếng của Gớt để kết bài: “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy được sự bình yên trong gia đình là người hạnh phúc nhất”.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Dù bạn ở đâu, bạn làm gì thì bạn vẫn biết rằng cha mẹ vẫn luôn ở bên. Tình mẫu tử, tình phụ tử là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, là chiếc la bàn giúp ta định vị được những hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Nó không giống như tình cảm bạn bè, cũng không phải là tình cảm khi ta yêu một người nào đó mà là tình cảm của cha mẹ dành cho con cái. Không ai trong chúng ta không có tình cảm này. Và chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta không đơn độc giữa cuộc đời này, vì ít nhất vẫn còn tình cảm của cha mẹ.


    Như mọi người biết, thông thường tình cảm bắt nguồn từ các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Riêng tình cảm cha mẹ đối với con cái là do được khơi dậy từ tình yêu thương tự nhiên. Nó được xuất phát và diễn biến một cách hết sức tự nhiên. Tình thương của cha mẹ đối với con cái là sự tự nguyện hi sinh không điều kiện. Bằng chứng là nó không hề bắt đầu từ một hình thức “hợp đồng” hay “giao kèo” để ấn định sự lời lỗ giữa hai bên cha mẹ và con cái. Con cái bất luận là trai hay gái, bình thường hay mang dị tật, cha mẹ đều yêu thương, nuôi dưỡng, không ngại ngùng công lao cực khổ và tính toán với con cái. Chính vì thế, tình cảm cha – mẹ - con cái và ngược lại, đạo làm con đối với cha mẹ là quan hệ “máu mủ ruột rà”, có ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó nhất của con người. Nó là nền tảng để xây dựng những mối quan hệ tình cảm khác trong xã hội chúng ta.


    Như đã nói ở trên, mối quan hệ này đã tồn tại trong xã hội chúng ta, rộng rãi hơn nữa là trên thế giới, toàn nhân loại hàng ngàn năm và không phải ngẫu nhiên mà lại được đề cao, tôn vinh, tôn thờ như thế. Thuở sơ khai, tạo hóa đã cho ta được những gì? Một xã hội không văn hóa, không giai cấp, không gia đình,… Nhưng khi một đứa trẻ sinh ra, chúng đã được chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng và được dạy cho những bài học sinh tồn, những bài học đầu đời từ những người sinh thành. Trải qua rất nhiều thế kỉ, đến xã hội chúng ta ngày nay, cuộc sống văn minh, hiện đại, phân tầng giai cấp rõ rệt, con người đã tụ tập theo huyết thống tạo thành những gia đình,… Nhưng khi có một đứa trẻ sinh ra, nó vẫn được dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương, bảo vệ trong vòng tay của những người sinh thành. Những tiếng bập bẹ đầu đời, nó luôn gọi tên những người gần gũi với chúng nhất. Đó là cha, là mẹ! Điều tôi muốn nói ở đây là tình cảm của cha mẹ và con cái đã trở thành thứ tình cảm trường tồn, vượt qua không gian, thời gian và những biến đổi của các yếu tố trong xã hội. Chính vì vậy, chúng ta phải biết quý trọng tình cảm này, phải vun đắp tình cảm này trở nên đẹp đẽ và to lớn hơn. Ta phải biết:


    “Công cha như núi Thái Sơn,

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.


    Đây là câu ca dao muốn nhắc nhở chúng ta về công lao to lớn của cha mẹ, “Núi Thái Sơn” là ngọn núi cao và đồ sộ ở Trung Quốc, ý muốn so sánh công lao của người cha vô cùng vĩ đại. Còn ví nghĩ mẹ như “nước trong nguồn” chảy ra là chỉ tình mẫu tử hết sức bền chặt, lâu dài giữa mẹ và con. Cả hai vế của câu ca dao trên không chỉ có ý nhấn mạnh, nhắc nhở những kẻ làm con phải biết đến công lao vô cùng to lớn và lâu dài của cha mẹ mà còn gián tiếp khuyên kẻ làm con phải biết làm tròn “chữ hiếu” với cha mẹ.


    Vẫn biết tình mẫu tử, phụ tử là thiêng liêng, cao đẹp và chúng ta phải biết trân trọng tình cảm ấy. Nhưng trong cuộc sống thực tại có rất nhiều bậc làm cha mẹ không giữ đúng được vai trò của mình, không làm gương tốt cho con cái,… rồi cũng có những đứa con ngỗ ngược, hư hỏng,… Báo đài gần đây cũng đưa tin về nhiều vụ việc như vậy xảy ra. Theo tôi thấy thì đây quả là một vấn đề rộng lớn, không đơn giản bởi nếu nói cho cùng thì cũng có những nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu nói gọn lại thì có những nguyên nhân cơ bản như sau: Trước hết phải khẳng định đó cũng là một mặt trái của “cơ chế thị trường”, “thời cơ hội nhập” đã tác động mạnh vào xã hội nước ta trong thời gian vừa qua.


    Vì mục đích mưu sinh mà nhiều gia đình không còn giữ được nếp sống theo truyền thống văn hóa thuần Việt như ngày xưa, sự xa cách, xu thế độc lập, lối sống tự do theo kiểu phương Tây,… làm cho mối quan hệ tình cảm gia đình giữa bố mẹ và con cái có xu thế trở nên xa cách hơn. Hơn nữa, trong thời đại hội nhập hiện nay, con cái muốn tự lập để khẳng định bản thân, sống một cách buông thả, bất cần,… đã làm cho nhiều sợi dây gắn kết gia đình trở nên yếu đi. Tiếp theo, mặc dù cha mẹ sống có trách nhiệm với con cái, song tình cảm thực vẫn thiếu, điều đó cũng xảy ra ở một số gia đình. Tuy vậy không nhiều.


    Nguyên nhân chính gây nên chuyện này là do người lớn thiếu trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái, do nhiều nguyên nhân mà họ không thể gần gũi con cái, từ đó không hiểu được tâm tư, tình cảm của con trẻ, không dành được tình thương yêu cho con cái dẫn đến việc không có tình cảm. Chẳng lẽ rồi sẽ có lúc gia đình và các giá trị tình cảm của chúng sẽ biến mất trong cuộc sống xã hội? Bạn thử tưởng tượng nếu như con cái vừa được đẻ ra là được máy tính hóa dữ liệu và chuyển vào Internet thay cho các giấy khai sinh. Tiếp đó đứa con sẽ được chuyển ngay cho các chú rô bốt tự động để nuôi nấng. Bố mẹ quá bận làm việc nên chỉ định kì hằng tháng mới mở chiếc máy tính của mình ra và truy cập vào mạng để biết được thông tin và tình trạng của con cái. Đừng quá “sốc” khi nghe mô phỏng cuộc sống gia đình tương lai như vậy các bạn ạ! Nếu để tình trạng này còn xảy ra thì đó là một viễn cảnh không quá xa vời đâu.


    Nếu để cái viễn cảnh như trên không thể xảy ra thì chúng ta phải làm gì? Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc tới con cái. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc tới con cái. Cha mẹ nên quan tâm để giúp con cái định hướng, tránh xa cám dỗ, các tệ nạn xã hội. Và ngược lại, con cái cũng phải yêu thương kính trọng và tròn đạo hiếu với cha mẹ:


    “Một lòng thờ mẹ kính cha

    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.


    Nếu chúng ta có thể thực hiện được tốt những điều này thì cái viễn cảnh về một tương lai gia đình và các giá trị về tình cảm gia đình sẽ chẳng bao giờ có thể biến mất trong xã hội. Mỗi ngày hãy tập nói “Con yêu cha mẹ” để nó trở thành một thói quen. Tình yêu cha mẹ của con cái chính là những biểu hiện cao đẹp nhất của tình cảm con người đấy, bạn ạ. Đừng quên nói với các bậc sinh thành rằng “Con yêu cha mẹ”.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. “Công cha như núi Thái Sơn,

    Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

    Núi cao biển rộng mênh mông,

    Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi…”


    Chẳng phải ngẫu nhiên mà cha ông ta đã để lại cho con cháu của mình những lời dạy ấy. Có lẽ bởi vì tình cảm giữa cha mẹ và con cái là điều đã có từ xa xưa. Công cha, nghĩa mẹ muôn đời vẫn bao la, vô bờ bến và đạo con muôn đời vẫn phải khắc ghi.


    Trong tất cả những thứ tình cảm: tình bạn, tình thầy trò,… thì tình mẫu tử, phụ tử là tình cảm duy nhất khởi nguồn ngay từ khi bạn chưa chào đời. Tình cảm ấy là duy nhất, là bất biến và vĩnh cửu. Từ thuở bạn còn đang là giọt máu đỏ tươi trong bào thai, cha mẹ đã dành cho chúng ta sự trân trọng, nâng niu và thương yêu hơn bất cứ một thứ gì khác. Và cũng từ khi ấy, công cha, nghĩa mẹ với bạn đã tồn tại. Khi bạn cất tiếng khóc chào đời, cha mẹ cũng chính là người hạnh phúc nhất. Tôi tin chắc, khoảnh khắc bạn hé đôi môi chào nhân gian cũng chính là phút giây cha mẹ bạn mãi mãi chẳng bao giờ quên. Khi bạn chập chững tập đi, cha là người nâng bước bạn. Khi bạn bi bô tập nói, mẹ là người lắng nghe đầu tiên. Rồi khi bạn trưởng thành, cha là người dẫn bước để bạn không lạc lối, mẹ là người luôn an ủi, động viên.


    Những người con bao giờ cũng cố gắng làm tròn đạo hiếu với tất cả niềm kính trọng và thương yêu các đấng sinh thành của mình. Thuở bé, ai cũng mong muốn mình chăm ngoan, học tốt để cha mẹ vui lòng, để bản thân hãnh diện. Mỗi lúc vui, buồn, người mà bạn muốn san sẻ nhất chính là mẹ cha. Theo thời gian, cha mẹ của bạn sẽ già yếu. Gương mặt những người con đầy lắng lo, sợ một ngày cha mẹ rời xa mình.


    Tôi bỗng nghĩ đến truyện cổ tích “Chuyện cây táo”. Cây táo bao năm hi sinh cho cậu bé mọi thứ. Cho đến một ngày, cây táo nọ chỉ còn trơ lại cái gốc già cằn cỗi. Cậu bé thuở xưa giờ cũng đã mỏi mệt với cuộc đời nên chỉ mong được về bên gốc táo. Gốc táo sẵn sàng đón chờ cậu về nghỉ ngơi. Câu chuyện chính là hiện thân hoàn hảo cho tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ - con cái, gắn kết và thương yêu. Nhưng cuộc sống hiện nay lại tồn tại không ít những người mang trong mình dòng máu vô cảm. Người mẹ sẵn sàng ném con còn đỏ hỏn từ tầng cao, người cha sẵn sàng cưỡng bức đứa con gái dại thơ. Ở đâu đó, tiếng khóc van xin của con trẻ vẫn văng vẳng vang lên khi bị chính những người sinh ra mình tra tấn thể xác và tinh thần. Chao ôi! Thật đáng buồn thay! Và còn buồn hơn khi những đứa con bất hiếu sẵn sàng lăng mạ hay giết hại chính người sinh ra mình.


    Để tình cảm cha mẹ và con cái không trở thành những sự việc đáng lên án, con người ta cần gìn giữ và bồi đắp cho tình cảm sơ khai này. Hãy để tình cảm là sợi dây gắn kết những người chung dòng máu mủ với nhau! “Máu mủ ruột rà” mãi mãi là tình cảm thiêng liêng nhất, đáng trân quý nhất trong cuộc đời của bạn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

    Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”


    Ai sống trong đời lại không được cha mẹ sinh ra? Có mấy ai lớn lên, mà không nhờ ơn mẹ cha dưỡng dục? Có thể nói, công ơn sinh thành nuôi dưỡng của mẹ cha không gì so sánh được. Đặc biệt, trong văn hóa của người phương Đông, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có sự gắn bó và khăn khít. Nhưng theo dòng chảy của cuộc đời, sự du nhập mới mẻ của tư tưởng văn hóa phương Tây thì mối liên kết giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng độc lập và tách biệt hơn. Bài viết dưới đây sẽ là một vài khía cạnh nhỏ bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay.


    Cha mẹ là những người đã cho ta sự sống, không có cha mẹ, thì đã không có ai gieo nên mầm sống cho chúng ta. Cha mẹ và con cái chính là mối quan hệ huyết thống chặt chẽ. Có thể nói rằng, trong quá trình trưởng thành của nhiều người, cha mẹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Cha mẹ không đơn thuần chỉ là người lo lắng và dạy dỗ cho chúng ta nữa, mà cha mẹ còn là người bạn, chia sẻ, cảm thông và lắng nghe chúng ta. Những bậc phụ huynh khi ấy là trở thành một “diễn viên đóng hai vai”, họ sẵn sàng che chở, bao bọc cho chúng ta nhưng đồng thời cũng sẻ chia và gắn bó với cuộc sống của con mình. Vì vậy, mà mỗi người con cũng cần phải có sự quan tâm, chia sẻ, báo hiếu đối với cha mẹ để mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên khăng khít hơn, mỗi thành viên thêm hiểu nhau hơn.


    Nhưng đối với một số người, đặc biệt là những bạn trẻ đã thấm nhuần vào mình tư tưởng của xã hội phương Tây, thì họ khát khao cho mình một cuộc sống độc lập và tự chủ, rời xa vòng tay bố mẹ, họ đam mê sự tự do tột độ. Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, chính là sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình, mối quan hệ ấy được hình thành từ sự yêu thương và chăm sóc giữa mọi người trong gia đình dành cho nhau, hay đặc biệt là bố mẹ dành cho con cái, nó cho phép bố mẹ và con cái cảm thông, thương yêu và giúp đỡ nhau.


    Mối quan hệ độc lập giữa hai thế hệ, là một mối quan hệ mà những đứa con sẽ tự xây dựng cuộc sống của mình, sống độc lập không trông cậy nhiều vào bố mẹ nhưng vẫn không mất đi tình thương. Mối quan hệ độc lập như thế có thể rèn luyện cho các bạn tính tự lập và một ý chí kiên cường khi đối diện với khó khăn, thử thách. Bố mẹ và con cái có mối quan hệ tách biệt như vậy thì đứa con có thể trưởng thành sớm, tự tích lũy cho mình kinh nghiệm và trở nên dày dặn hơn ở đời. Đồng thời, cách sống như vậy cũng có thể làm giảm tránh đi xung đột thế hệ, khi mà khoảng cách giữa thế hệ bố mẹ và con cái là quá xa nhau. Đó chính là lý do vì sao con cái và bố mẹ ngày nay hình thành mối quan hệ độc lập như vậy! Nhiều bạn trẻ ngày nay đã thành công khi tách ra sống tự lập để theo đuổi ước mơ, đam mê của bản thân mình.


    Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày nay trong một số gia đình chính là sự thiếu quan tâm, thiếu chia sẻ, lỏng lẻo, hời hợt hay cha mẹ áp đặt con cái quá mức. Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cha mẹ và con cái đều mải mê công việc, ít có thời gian cho nhau nên khoảng cách thế hệ ngày càng xa hơn. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều bạn trẻ rơi vào tệ nạn xã hội mà gia đình không biết hay sự bất hiếu, bất lương xảy ra triền miên hiện nay.


    Vì vậy, dù cuộc sống có bận rộn đến đâu thì cha mẹ và con cái hãy dành thời gian cho nhau, cho nhau sự chia sẻ, động viên và thấu hiểu để gia đình hạnh phúc hơn và xã hội phát triển lành mạnh hơn. Mỗi người tự trách nhiệm cao với bản thân và gia đình để xây dựng mối quan hệ gia đình ngày càng gắn bó khăng khít hơn dù là chia sẻ, gắn bó hay bình đẳng, độc lập. Mỗi học sinh, đang ngồi trên ghế nhà trường, hãy cố gắng học tập tốt và không ngần ngại chia sẻ mọi vấn đề của cá nhân với bố mẹ, anh chị em trong gia đình bởi gia đình luôn là số 1!

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. “Công cha như núi Thái Sơn

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”


    Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem ra so sánh với “công cha, nghĩa mẹ”. Cha mẹ sinh ra con, nuôi con khôn lớn để mau thành người. Tấm lòng của cha mẹ dành cho con thật là vô tận, công lao ấy chỉ có thể so sánh với núi sông hùng vĩ và trường cửu mà thôi. Vì vậy, khi ta trưởng thành có thể tự lo cho cuộc sống, ta phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ và luôn luôn đem lại niềm vui cho cha mẹ. Công ơn của cha mẹ như trời biển nên những việc ta làm không thể đền đáp đủ được. Chính vì thế, bằng tình cảm biết ơn cha mẹ tự đáy lòng, ta phải cố gắng hết sức và chân thành tự nguyện phụng dưỡng cha mẹ mình. Đó là một phần bổn phẩn của con cái trong gia đình và là tình cảm của con cái đối với cha mẹ.


    Vậy ta hiểu như thế nào là tình cảm của con đối với cha mẹ? Đó đơn giản là thứ tình cảm từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người chúng ta - một tình cảm hết sức cao cả, thiêng liêng, vô cùng trong sáng mà chẳng gì có thể mua được. Đó là sự vun đắp gắn chặt lâu bền giữa người con đối với cha mẹ.


    “Mẹ thương con con có hay chăng

    Thương từ khi thai nghén ở trong lòng.”


    Đúng như lời bời hát, người con kể từ lúc còn trong bụng đã cảm nhận được biết bao tình cảm của người mẹ và cả sự quan tâm chăm sóc của người cha. Và rồi khi ta chào đời, ta lại được nuôi lớn bằng dòng sữa ngọt ngào của người mẹ và bao vất vả khó nhọc của cha. Cha mẹ - những người có công rất lớn trong cuộc đời chúng ta, những người đã chứng kiến từng giai đoạn chúng ta trưởng thành và lớn lên. Từ “ba tháng biết lẫy”, “bảy tháng biết bò” rồi đến “mười tháng lò giò biết đi”, họ trông mong chúng ta khôn lớn từng ngày. Ngay từ những bước tập đi đầu đời, ta ngã thì cha mẹ đã vội chạy lại nâng đỡ dỗ dành hết sức khi con khóc, ngày con biết tập nói cả nhà như tập nói theo con. Thời gian cứ thế trôi đi, đồng nghĩa với việc con ngày càng khôn lớn và cha mẹ lại ngày càng vất vả hơn.


    Họ phải lo cho chúng ta từ cái ăn, cái mặc đến cái học hành. Cho dù vất vả mệt nhọc như thế nào thì họ vẫn luôn yêu thương, che chở cho con. Có ai trên đời này dám đảm bảo rằng từ lúc nằm trong nôi cho đến khi trưởng thành mà không làm cho cha mẹ mình buồn không? Lúc còn bé ta đã bao lần làm cha mẹ phải buồn lòng: nói dối cha mẹ, trốn học, bỏ học, cãi lại cha mẹ,… Chúng ta làm cho cha mẹ phải phiền lòng như vậy, ta chỉ thấy họ mắng chúng ta, có đôi lúc còn vung tay đánh mấy cái nhưng đâu có ai biết rằng đánh chúng ta đau như thế nào thì trong lòng họ lại đau bội phần. Họ thương chúng ta lắm nhưng không bộc lộ ra ngoài mà chỉ toàn là mắng chửi là vì học muốn ra nhận ra cái sai trong việc mình làm và hối lỗi. Nhưng ta đâu hiểu họ, hiểu được tấm chân tình của họ để rồi ta nghĩa rằng họ ghét ta lắm. Chúng ta chẳng không bao giờ biết được tình cha mẹ bao la biết chừng nào cho đến khi chúng ta trở thành những ông bố bà mẹ thực sự. Khi lớn lên rồi ta mới biết được cha mẹ ta bao dung biết nhường nào bởi ta làm sai hay đối xử tệ bạc với cha mẹ thì họ vẫn luôn sẵn sàng tha thứ. Sau này lớn lên, bước vào đời, rời xa vòng tay yêu thương, che chở của cha mẹ ta mới biết được trên đời chẳng có ai quan tâm đến ta bằng họ.


    Thử hỏi xem khi bạn ốm ai là người chăm sóc bạn? Khi bạn bị thương ai là người lo lắng nhất? Khi bạn buồn ai sẽ là người luôn có mặt ở bên để an ủi động viên, khi bạn vui ai sẽ là người ở bên để sẻ chia niềm vui đó cùng bạn? Những lúc đó chẳng ai có thể quan tâm bạn hết mực bằng cha mẹ bạn. Nói như vậy mới biết được tầm quan trọg của cha mẹ đối với con cái. Tuy nhiên, sống trong một gia đình thì làm sao tránh khỏi nhữg hiểu lầm xung đột. Con cái càng lớn, cái tôi trog con người ngày càng lớn. Có đôi lúc, cha mẹ trách nhầm, hoặc chửi oan con cái thì lúc đó cái tôi trog con người ta tự dưng bộc lộ ra. Chúng ta tự xây lên cho mình giải ngăn cách tình cảm giữa cha mẹ và con cái để rồi chúng ta không hiểu rõ lẫn nhau, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Hiện nay trên nhữg phương tiện truyền thông đại chúng tràn lan nhữg tin tức ví dụ như con chỉ vì cha mẹ chửi mắng vài câu mà bỏ nhà ra đi, nhảy lầu tự tử,…


    Nguyên nhân cơ bản cũng chỉ vì chúng ta không hiểu rõ nhau mà dẫn đến nhữg kết quả đó. Hầu hết các ông bố, bà mẹ, nhất là các bà mẹ, luôn khẳng định "yêu thương con cái hơn mọi thứ trên đời". Với họ, đó là một kết luận không cần phải chứng minh. Thế nhưng, liệu con cái có yêu thương bố mẹ không? Trước câu hỏi này, nhiều người gật đầu hài lòng nhưng không ít người lại ngập ngừng: "Chắc là có, nhưng thật khó hiểu những biểu hiện của bọn trẻ, sao có lúc chúng quá vô tâm, vô tình, chẳng quan tâm gì đến bố mẹ". Cha mẹ luôn dành đến cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất tại bởi họ yêu thương ta vô bờ bến, tình yêu thương đó đôi lúc quá lớn mà chính nó lại hủy hoại đứa con mình. Chỉ vì sợ con vất vả mà làm hết mọi việc cho con để rồi dần dần hình thành trong con người chúng ta những thói hư tật xấu, ỷ lại người khác. Rõ ràng cha mẹ đã sai khi thay con làm hết mọi việc nhưng một phần lỗi cũng là con người con, bởi thấy cha mẹ mình khó nhọc mà cũg chẳng thèm giúp đỡ hay khi cha mẹ làm thay cho mọi việc cũng chẳng có lấy một lời cảm ơn.


    Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, ta chưa đủ sức để giúp đỡ bố mẹ làm việc nhưng phải chăm ngoan, nghe lời cha mẹ, cố gắng siêng năng đạt thành tích cao trong học tập, như vậy dù chưa làm được việc gì giúp cho cha mẹ đỡ vất vả, nhọc nhằn nhưng như cũng đủ làm cho cha mẹ vui lòng. Không có đứa trẻ nào là không ham chơi, bỏ quên lời dặn của cha mẹ nhưng khi phạm lỗi rồi hãy biết nhận lỗi và sửa sai. Đây chính là lời xin lỗi gửi đến cha mẹ mình. Con cái ngày càng lớn lên, trưởng thành bao nhiêu thì cha mẹ ngày càng già yếu bấy nhiêu. Đây mới chính là thời gian mà mỗi người cha người mẹ cần đến sự báo đáp của con cái nhất. Sự báo đáp ở đây không phải là người con chỉ cần kiếm ra thật nhiều tiền để cho cha mẹ mình sống một cuộc sống sung sướng. Mà mỗi người con trưởng thành cần là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cha mẹ mình khi về nhà, cần phải thể hiện sự quan tâm và yêu thương đúng mực khiến cho tâm hồn họ đừng cảm thấy trống trải và cô đơn…Lúc này đây, khi ta đã đủ lớn, đủ trưởng thành để suy nghĩ về những điều đó, hãy bày tỏ tình cảm đó một cách chân thành và giản dị nhất, để sưởi ấm tấm lòng của cha mẹ, hãy học cách yêu thương, san sẻ, cảm thông cho nhau và quan tâm hơn đối với họ.


    Sự quan tâm hay yêu thương đơn giản đó là lời chúc mừng và món quà sinh nhật trao tận tay, một đóa hồng cho những ngày lễ dành cho phụ nữ đối với mẹ; một buổi đánh cờ, nhâm nhi môt chút hay một cánh thiệp gửi đến ba trong ngày của cha… Đôi lúc, không cần quà cáp mà chỉ cần một lời chúc, lời nhắn gửi yêu thương cũng làm cho các bậc sinh thành nở những nụ cười thật tươi trong tận cõi lòng… Tuy nhiên, có bao nhiêu người trưởng thành đã làm được điều đó? Nhiều người, lúc nhỏ lại rất quấn quýt bên ba mẹ, lúc nào cũng ôm ốp và hôn ba mẹ, nhưng khi lớn lên thói quen ấy tan biến đi do những bộn bề, những mối quan hệ đan xen chằng chịt khác, khiến họ lãng quên đi những điều hiện hữu quý giá nhất… Lúc nhỏ, khi ba mẹ la mắng, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy rất buồn lòng dù sự la mắng ấy xuất phát từ sự răn dạy và yêu con. Nhưng khi chúng ta lớn, ta lại vô tình “la mắng” hay “bực mình” lại với bậc sinh thành… Sự la mắng hay bực mình ấy có hoà trong yêu thương? Hay chỉ là những áp lực vỡ oà trong cảm xúc, để trút giận đâu đó… Tuổi thơ, chúng ta thích thú, hạnh phúc biết bao khi được ba mẹ ôm ấp, vỗ về, được tặng quà, được dẫn đi chơi, được đáp ứng những sở thích… Ba mẹ chúng ta cũng vậy, dù họ không là trẻ thơ nhưng vì họ là người yêu chúng ta, nên rất cần sự quan tâm và yêu thương. Bởi yêu thương khó xuôi một dòng mà cần có sự tương tác qua lại thì cuộc sống của mỗi con người mới đủ đầy và trọn vẹn… Mỗi tháng có bốn tuần, mỗi tuần có bày ngày, mỗi ngày lại có hai mươi bốn giờ…


    Yêu thương dành cho cha mẹ đó chỉ là những khoảnh khắc rất nhỏ bé của mỗi ngày nhưng lại rất quý báu. Đối với một người suốt ngày bận rộn làm kinh doanh, sự quan tâm đó là cuộc gọi mỗi buổi sáng sớm hỏi thăm ngày mới hay một cuộc gọi hỏi thăm ngày đã qua với cha mẹ. Nó dường như trở thành thói quen không thể thiếu đối với anh, tuy mỗi lần gọi chỉ một hai phút, và với nhưng câu hỏi quen thuộc... Nhưng anh chưa bao giờ ngưng nghe nụ cười từ phía đầu dây bên kia, nụ cười hạnh phúc của cha mẹ đã khiến anh dù xa gia đình hàng ngàn cây số vẫn cảm nhận được những yêu thương rất đỗi đong đầy... Yêu thương ấy không thể hiện ngay sẽ trở thành muộn màng… Gia đình mãi là nền tảng, là cội nguồn yêu thương. Cội nguồn ấy sẽ trở nên dạt dào hơn nếu được sự vun đắp từ những trái tim của con cái… Sự vun đắp ấy bắt nguồn từ việc dành thời gian, dành sự sẻ chia, chú ý đến những sở thích của cha mẹ, chăm chút tinh thần và sức khỏe cha mẹ bằng nhưng hành động rất giản đơn như trên không quá khó để thể hiện lòng hiếu thảo, sự yêu thương...


    Ông cha ta có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” là như vậy. Cha mẹ chúng ta khi về già thường cảm thấy rất cô đơn vì con cái đều bận rộn với công việc riêng của mình, không có nhiều thời gian dành cho cha mẹ. Nên để trở thành một chỗ dựa tốt cho cha mẹ mình, thì bên cạnh việc chăm lo đầy đủ về vật chất để cha mẹ không phải sống một cuộc sống cực khổ, những người con cần dành thời gian “chăm sóc” cuộc sống tinh thần cho cha mẹ mình hơn, từ việc thu xếp thời gian để tâm sự, trò chuyện hay đơn giản như từ chối một cuộc hẹn với bạn bè để về ăn bữa cơm gia đình cùng cha mẹ, như vậy cũng làm cho cha mẹ cảm thấy bớt cô đơn hơn. Hay những việc làm có ý nghĩa như vào những ngày lễ của cha của mẹ hoặc một dịp nào đó có ý nghĩa đặc biệt với gia đình thì bạn hãy mua một món quà dành tặng cho cha mẹ mình dù không phải là món quà có giá trị cao về vật chất mà chỉ đơn giản là một bó hoa thôi nhưng cũng có ý nghĩa về tinh thần rất lớn.


    Tuy nhiên không phải người con nào cũng làm được như vậy, có những người họ chỉ nghĩ báo đáp công ơn của cha mẹ bằng cách đưa cho cha mẹ thật nhiều tiền, rồi lao vào công việc, vào những cuộc chơi với bạn bè nhưng họ đâu biết rằng điều những người cha người mẹ mong muốn ở con mình không phải như vậy. Dẫu biết rằng, sống ở đời ai cũng phải có sự nghiệp và bạn bè nhưng cũng đừng đam mê quá mà bỏ quên người đã mang ơn sinh thành, nuôi dưỡng ta khôn lớn, những người mà trong cuộc đời ta chỉ có một mà thôi. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, nhiều người con cho rằng cha mẹ già là gánh nặng của họ mà không ngần ngại cho đưa cha mẹ mình vào viện dưỡng lão – nơi mà đáng lẽ ra chỉ có những người neo đơn, không nơi nương tựa mới phải ở, vậy mà những người cha, người mẹ có gia đình đấy, có con cái đấy mà vẫn phải vào đây, tuy cuộc sống có ăn, mặc đầy đủ nhưng thiếu thốn về đời sống tinh thần. Và còn rất nhiều những trường hợp ngược đãi cha mẹ khác chỉ về vấn đề tài sản hay những giá trị vật chất tầm thường khác. Chúng ta phải kịch liệt phê phán những con người đã không biết trân trọng mà còn chà đạp thứ tình cảm ca đẹp thiêng liêng đó.


    “Một lòng thờ mẹ kính cha,

    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”


    Hạnh phúc thay cho những đứa con được ấp ủ, yêu thương trong vòng tay cha mẹ! Làm con phải biết đối xử sao cho xứng với cha mẹ để cho tròn chữ hiếu. Bởi, chữ hiếu là nền tảng của xã hội. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người. Con cái có hiếu với cha mẹ, ngoài việc mang lại hạnh phúc chung trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân của một quốc giacos an lạc, bình an thì xã hội , quốc gia đó mới có được an lạc, bình an, và mỗi xã hội, mỗi quốc gia có an lạc, bình an thì thế giới của chúng ta mới có an lạc, bình an. Đúng như người xưa đã nói:


    “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển.

    Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.


    Tình cảm giữa cha mẹ với con cái là thứ tình cảm đáng quý nhất mà suốt cuộc đời này người con sẽ mãi trân trọg. Những ai đã và đang được nhận thứ tình cảm thiêng liêng ấy thì nhất định phải biết gìn giữ và trân trọng bởi nếu không có tình yêu thương đó thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao nhiêu!

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. “Công cha đức mẹ cao dày

    Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ

    Nuôi con khó nhọc đến giờ

    Trưởng thành con phải biết thờ song thân”


    Công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái là vô cùng to lớn, không sao kể xiết. Vì vậy, những người làm con khi đã khôn lớn, trưởng thành phải luôn ghi nhớ công lao trời biển ấy và báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ. Đúng như những lời trong câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.


    Bất kể ai cũng vậy, từ khi mới chào đời ta đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và những người xung quanh. “Mang nặng đẻ đau” chín tháng mười ngày để rồi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con. Còn gì vui sướng hơn khi sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, thiên thần của cha mẹ đã ra đời. Và cũng từ đó, cha mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc con, lo cho con tất cả mọi thứ, thức trắng đêm trông nom khi con ốm. Cứ như vậy cho đến khi con “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, thời gian trôi con lớn dần trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ còn cha mẹ thì vất vả hơn vì vừa phải lo cho công việc vừa phải lo cho con. Nhưng có một điều mà chắc chắn ai cũng biết đó là cho dù vất vả, nặng nhọc đến đâu chỉ cần những đứa con luôn vui tươi, khỏe mạnh thì đó đã là niềm động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm cha, làm mẹ rồi.


    Công lao của cha mẹ thật vô cùng lớn lao, chính vì vậy con cái cần làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Khi còn nhỏ, bổn phận của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học tập rèn luyện để cha mẹ được vui lòng. Tuy còn nhỏ, chưa thể giúp gì nhiều cho cha mẹ nhưng việc phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi chính là món quà to lớn dành cho cha mẹ của mình. Mặc dù có nhiều lúc cha mẹ có quát mắng ta nhưng suy cho cùng, những bậc làm cha làm mẹ chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Có thể khi đó, chúng ta còn quá nhỏ để hiểu được một cách sâu xa những lời quát mắng đó là muốn tốt cho mình, nhưng khi đã trưởng thành, ta thầm cảm ơn những lời quát mắng đó đã giúp ta hiểu ra nhiều điều hơn. Khi con cái dần trưởng thành cũng là lúc cha mẹ ngày càng già yếu đi, đây chính là lúc những người làm con cần làm làm tròn chữ hiếu của mình, đó là phải phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo cho cha mẹ của mình, có như vậy mới làm tròn chữ hiếu của đạo làm con.


    Tuy nhiên không phải những người con nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để không mất thời gian chăm sóc. Cha mẹ cả một đời vất vả vì con cái, chỉ mong lúc về già được an nhàn, sum họp bên con cháu, vậy mà những người con nỡ nhẫn tâm bỏ mặc cha mẹ trong sự cô đơn, mặc dù vẫn đầy đủ về cuộc sống vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn.


    “Công cha nặng lắm ai ơi

    Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”


    Một lần nữa phải luôn tự nhắc nhở rằng, công lao, ơn nghĩa của cha mẹ là không gì có thể sánh nổi. Những người làm con phải luôn ghi nhớ công lao ấy và phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, đừng để khi cha mẹ mãi mãi không còn trên thế gian này nữa thì mọi sự báo đáp cũng đã muộn rồi.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy