Top 10 Bài văn phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu hay nhất

Hà Ngô 114 0 Báo lỗi

Rừng xà nu là tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Trung Thành. Truyện ngắn kể về cuộc đời nhân vật Tnú dũng cảm, chất phát - cũng là đại diện cho đồng bào các dân ... xem thêm...

  1. Truyện ngắn Rừng xà nu là câu chuyện kể về cuộc đời của nhân vật Tnú, tiêu biểu cho số phận và con đường đến với cách mạng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong thời kì chống Mĩ cứu nước, giải phóng miền Nam. Tính cách nổi bật của Tnú đã được bộc lộ ngay từ lúc còn nhỏ : gan góc và táo bạo dũng cảm và chất phác ; đặc biệt là sự gắn bó và trung thành tuyệt đối với Ií tưởng cách mạng. Hình ảnh đôi bàn tay thể hiện cuộc đời giản dị và tính cách anh hùng của nhân vật Tnú – người con và niềm tự hào của dân làng Xô Man kiên cường, bất khuất.


    Mở đầu là hình ảnh hai bàn tay lúc Tnú còn nhỏ. Ngày ngày, Tnú cùng cô bé Mai lên rẫy trồng tỉa, mang gạo nuôi cán bộ Quyết hoạt động bí mật trong rừng sâu. Công việc hết sức nguy hiểm nhưng Tnú không hề sợ hãi. Khi anh Quyết hỏi: Các em không sợ giặc bắt à ? Nó giết như anh Xút, như bà Nhan đó; Tnú đã trả lời ngay: Cụ Mết nói: Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn. Sự hiểu biết về Đảng, về cách mạng của Tnú tuy hồn nhiên, mộc mạc nhưng không kém phần đúng đắn và sâu sắc.


    Bàn tay Tnú vụng về, ngượng nghịu cầm viên phấn làm bằng đá trắng lấy từ núi Ngọc Linh về để tập viết chữ lên tấm bảng đen đan bằng nứa hun khói xà nu. Tnú đã cầm đá đập vào đầu chảy máu vì giận mình học bài mãi không thuộc, hay quên cái chữ. Hành động ấy thể hiện quyết tâm của Tnú, bởi Tnú nghĩ: Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi.


    Bàn tay Tnú khéo léo giấu cái thư bí mật của anh Quyết mang về huyện theo đường giao liên để nộp cho cấp trên. Khi bị giặc bắt, Tnú đã kịp nuốt luôn cái thư. Giặc giải Tnú về làng, bắt Tnú khai ra người nào là cộng sản? Cộng sản ở đâu? Tnú đã dũng cảm đặt tay lên bụng mình rồi nói: Ở đây này! Bị giặc bỏ tù, ba năm sau, Thú vượt ngục trở về làng, đôi tay anh cần mẫn lấy đá trên đỉnh núi Ngọc Linh về để dân làng mài giáo mác giết giặc.


    Lớn lên, đôi bàn tay Tnú thể hiện tình yêu thủy chung với vợ con và quyết tâm chiến đấu chống quân thù. Trong cái đêm lũ giặc hèn hạ dùng mẹ con Mai để nhử bắt Tnú nhằm triệt phá phong trào cách mạng của dân làng Xô Man, hai bàn tay của anh bất lực níu chặt lấy gốc cây, bứt đứt hàng chục trái và khi từ chỗ nấp cắn răng nhìn cảnh vợ con bị giặc tra tấn : Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật thằng bé ra trước ngực. Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập. Không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt. Chỉ còn tiếng cây sắt nện xuống hừ hừ.


    Mặc dù cụ Mết ra sức ngăn cản nhưng trước cảnh vợ con bị giặc đánh đập tàn bạo, Tnú không thể chịu nổi: …hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn. Tình yêu thương vợ con tha thiết và căm thù giặc sồi sục khiến Tnú thà chết xông ra để cứu vợ con : Một tiếng hét dữ dội. Tnú đã nhảy xổ vào giữa bọn lính. Anh không biết đã làm gì. Chì thấy thằng lính giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng Dục thảo chạy vào nhà ưng. Tiếng lên đạn lách cách quanh anh. Hình ảnh hai mẹ con Mai chui vào ngực anh, hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai và hai mẹ con chết trong vòng tay ấy như đẩy nỗi đau đớn lên đến tột cùng. Tnú có sức mạnh, có lòng gan dạ và quả cảm, nhưng anh không cứu được vợ con. Cuối cùng, anh bị giặc bắt vì chỉ cố đôi bàn tay không giữa lũ giặc hung tàn lăm lăm súng đạn. Câu chuyện bi thương của Tnú đã thành một bài học xương máu mà cụ Mết mong Tnú và con cháu sau này luôn luôn ghi nhớ: Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo! Đó là chân lí giản dị mà vô cùng đúng đắn của thời đại đấu tranh giải phóng dân tộc. Chân lí ấy mang đến cho tác phẩm một ý nghĩa khái quát rất cao.


    Ấn tượng không thể phai mờ trong lòng người đọc chính là hình ảnh đôi bàn tay Tnú bị giặc quấn giẻ tẩm nhựa xà nu rồi đốt cháy trong cái đêm anh bị bắt. Hình ảnh ấy vừa có ý nghĩa tố cáo tội ác dã man của kẻ thù, vừa thể hiện lòng dũng cảm, khí phách kiên cường của Tnú. Đây là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu tính tạo hình, được nhà văn Nguyễn Trung Thành chủ ý tô đậm và nhấn mạnh. Bọn giặc đốt mười ngón tay Tnú nhằm khủng bố và tiêu diệt ý chí phản kháng của dân làng Xô Man. Thằng ác ôn Dục đã giơ cao ngọn đuốc, cười sằng sặc và dọa : Đứa nào muốn cầm rựa, cầm giáo thì coi bàn tay thằng Tnú đây ! Kẻ thù tìm mọi cách để tiêu diệt lòng yêu nước của dân làng Xô Man. Chúng tra tấn Tnú ngay trước sân nhà rông, trong không khí căm thù sôi sục của dân làng.


    Tác giả miêu tả rất kĩ hình ảnh mười ngón tay Tnú bị giặc đốt cháy bằng những câu văn gây xúc động mạnh mẽ:

    Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng. Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi ! Cháy, cháy cả ruột đây rồi Ị Anh Quyết ơi ! Cháy ! Không, Tnú sẽ không kêu ! Không !


    Hình ảnh đôi bàn tay cháy rừng rực của Tnú thể hiện phẩm chất dũng cảm phi thường của người anh hùng thời đại. Tuy da thịt bị thiêu đốt đau đớn tột cùng nhưng anh không hề khóc lóc, kêu van. Thái độ căm thù giặc mãnh liệt hiện rõ trong đôi mắt mở trừng trừng, trên đôi môi bị chính anh cắn nát, trong vị máu mặn chát ở đầu lưỡi. Nỗi đau nén lại trong lồng ngực để rồi òa vỡ ra thành một tiếng thét dữ dội. Tnú đã thét lên tiếng thét căm hờn, khinh bỉ vào mặt lũ tay sai tàn ác. Tiếng thét ấy làm cho dân làng Xô Man bừng tỉnh, thôi thúc dân làng vùng dậy cầm giáo cầm mác giết chết cả tiểu đội lính ngụy :

    Tnú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn. Tiếng “Giết!”. Tiếng chân người đạp trên sàn nhà ưng ào ào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh. Tiếng cụ Mết ồ ồ : “Chém! Chém hết!”. Cụ Mết đúng rồi, cụ Mết đã đúng đấy, lưỡi mác dài trong tay. Thằng Dục nằm dưới lưỡi mác của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá Tnú mang từ đỉnh Ngọc Linh về…


    Nỗi đau đớn tột cùng và lòng căm thù sôi sục của Tnú đã truyền sang dân làng Xô Man. Trong khoảnh khắc, cụ Mết đã lãnh đạo dân làng dùng giáo mác giết sạch bọn thằng Dục có trang bị vũ khí đầy đủ. Mười ngọn đuốc cháy rừng rực trên hai bàn tay Tnú không làm cho lòng người Xô Man nao núng, khiếp sợ như kẻ thù mong muốn ; ngược lại, hình ảnh đó càng nung nấu căm thù và tiếp thêm sức mạnh cho mọi người dũng cảm vùng lên giết giặc. Sự man rợ của kẻ thù là một trong những nguyên nhân thúc đẩy hành động quật khởi của dân làng Xô Man trong cái đêm đáng nhớ ấy.


    Sau đêm đó, Tnú rời làng tham gia lực lượng vũ trang. Đôi bàn tay với các ngón bị cụt như một chứng tích tội ác của quân thù. Thời gian dần dần làm lành vết thương trên mười ngón tay Tnú nhưng nỗi đau mất vợ mất con vẫn còn nguyên đó, anh không thể nguôi quên. Đôi bàn tay cụt mỗi ngón chỉ còn hai đốt của Tnú tiếp tục cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Trong một trận đánh.Tnú đã dùng đôi bàn tay không còn nguyên vẹn của mình bóp chết tên chỉ huy giặc Khi nó cố thủ trong hầm. Đôi bàn tay Tnú là dấu ấn khắc ghi quá khứ đau thương, mất mát cũng như sự trưởng thành của anh. Giống cánh rừng xà nu với sức sống bất diệt, đôi bàn tay bị giặc đốt cháy của Tnú vẫn giúp anh đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mĩ, diệt ngụy và anh đã trở thành niềm tự hào to lớn của dân làng Xô Man bất khuất, kiên cường.


    Bằng bút pháp sử thi, với những hình ảnh đặc tả giàu khả năng gợi cảm, tác giả Nguyễn Trung Thành đã xây dựng nhân vật Tnú thành hình tượng tiêu biểu cho con người Tây Nguyên dũng cảm, kiên cường trong thời đại chống Mĩ cứu nước. Hình ảnh đôi bàn tay Tnú được nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm như một biểu tượng đầy ý nghĩa về cuộc đời đau thương, mất mát, hờn căm; là chứng tích tội ác của kẻ thù, thể hiện tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh giải phóng và vẻ đẹp của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng. Hình ảnh đôi bàn tay Tnú tượng trưng cho sức sống mãnh liệt không bạo lực nào có thể tiêu diệt được của con người Tây Nguyên. Hai bàn tay Tnú đã trở thành một chi tiết nghệ thuật đặc biệt có giá trị thẩm mĩ và ý nghĩa khái quát lớn lao, sâu sắc.

    Bài văn tham khảo số 1
    Bài văn tham khảo số 1
    Bài văn tham khảo số 1
    Bài văn tham khảo số 1

  2. Tây Nguyên từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. mỗi người đều tìm thấy ở mảnh đất này những biểu tượng đẹp để tâm hồn mình cất cánh, ngòi bút mình thăng hoa. Ngọc Anh có bóng cây Kơ- Nia, Thu Bồn có cánh chim Chơ- Rao. Nguyễn Trung Thành mang đến cho chúng ta tác phẩm cây xà nu để chúng ta thấy được thêm những nét đẹp tây nguyên mà cụ thể ở đây chính là nét đẹp thiên nhiên và con người. Nổi bật cho những phẩm chất nhân vật Tnú và tiêu biểu cho hình ảnh Tnú phải kể đến hình ảnh đôi bàn tay. Có thẻ nó chi tiết, hình ảnh đôi bàn tay của Tnú mang đến những ấn tượng rất lớn trong lòng người đọc. Đặc biệt nó mang đậm ý đồ nghệ thuật mà tác giả muốn gửi gắm qua đó.


    Có thể nói đôi bàn tay ấy cũng có một cuộc đời, cuộc đời ấy giống như cuộc đời của Tnú vậy. Cũng có những lúc anh hùng nhưng cũng phải chịu nhiều đau thương mất mát. Thế nhưng đến cuối cùng bàn tay ấy cũng giết chết biết bao nhiêu kẻ thù để báo thù cho tất cả những đau thương mà nó cũng như chủ nhân nó phải chịu.


    Trước hết đó là một bàn tay lành lặn nhỏ bé. Bàn tay ấy đã cùng với Mai học chữ trong rừng. Bàn tay ấy đã nhanh nhẹn cầm những thứ liên lạc vượt qua mọi gian nan và những vòng vây của giặc để mang đến cho những người cán bộ trong rừng. qua đây ta thấy hình ảnh đôi bàn tay nhỏ bé của Tnú hiện lên thật sự rất đẹp, nó nhỏ nhắn đáng yêu thật đấy nhưng lại rất chắc chắn khi cầm thư và đồ tiếp tế. Một bàn tay nhỏ nhắn như vậy mà có thể cầm biết bao nhiêu đồ như vậy, quả thật rất đáng khen. Không những thế ta còn thấy được một người anh hùng Tnú tuy bé nhỏ nhưng đã mang sẵn bản chất anh hùng. Bàn tay ấy không chỉ vậy mà còn gan góc cầm đá đập vào đầu của Tnú khi học ngu chữ. Theo như anh Quyết nói thì phải học cái chữ để có thể trở thành cán bộ được. Chính vì thế mà khi không học được, học chữ này thì quên mất chữ kia đôi bàn tay ấy cầm phấn học bài nhưng khi không học được thì cũng chính bàn tay ấy ấy đá đập đầu khiến cho máu chảy ròng ròng. Chính hình ảnh bàn tay ấy làm nổi bật lên hình ảnh người anh hùng Tây nguyên ngay từ bé đã mang một tư tưởng lớn. Và khi không học được chữ sợ rằng mình không thể giúp ích cho đất nước nên Tnú mới dùng chính bàn tay của mình để trừng trị mình.


    Không những thế đôi bàn tay ấy còn mang một vẻ đẹp lớn đó là vẻ đẹp của sự gan dạ nữa. Chính đôi bàn tay ấy vạch rừng vượt thác để đem thư mật đến cho những người cộng sản. Và ngay cả khi bị bắt thì đôi bàn tay ấy cũng không ngần ngại mà chỉ thẳng vào bụng mà nói “cộng sản ở đây này”. Mặc cho những lần chỉ tay ấy lại chằng chịt vết dao chém. Có thể nói vẻ đẹp của Tnú qua đôi bàn tay lại được hiện lên, đó là vẻ đẹp của sự gan góc quả cảm không sợ những tên giặc kia.

    Và đôi bàn tay ấy khi lớn lên còn cầm tay Mai hẹn hò bên những gốc cây vả. Đó chính là một bàn tay dịu dàng ấm áp dắt Mai đi đến những hạnh phúc và yêu thương.


    Bàn tay ấy còn bứt đứt hàng chục trái vả thể hiện sự căm thù của quân giặc trong cai đêm mà mẹ con Mai bị tra tấn cho đến chết. Đứng nhìn vợ con bị đau đớn đôi bàn tay ấy như thể hiện cảm xúc thay cho chủ nhân của nó.

    Và khi mẹ con Mai ngã xuống chính bàn tay ấy cũng là cánh tay đỡ lấy vợ con mình. Có thể nói đó là một cánh tay vững chãi và tràn đầy sự yêu thương.


    Và khi bị bọn giặc bắt chúng bó giẻ vào bàn tay ấy tẩm nhựa xà nu mà đốt cháy tay Tnú. Mười đầu ngón tay bốc lên như mười ngọn đuốc. Đây chính là hình ảnh đau thương nhưng đẹp nhất trong chặng đời bàn tay ấy. Nó đẹp bởi vì nó chịu nhiều thương đau nhưng nó không bao giờ là bàn tay chết cả.


    Nó không vẹn nguyên nữa những nó còn đẹp hơn khi cả vẹn nguyên. Bởi bàn tay ấy sau này vẫn cầm chắc tay súng và giết chết biết bao nhiêu quân giặc. Và cũng chính bàn tay đau thương ấy đã giết chết thằng Dục để báo thù cho mẹ con Mai.


    Như vậy có thể thấy hình ảnh đôi bàn tay Tnú là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm này. Có thể thấy rằng bàn tay ấy cũng có cuộc đời như Tnú vậy: hiền lành và gan dạ rồi đến yêu thương và đau thương cuối cùng nó vẫn hoạt động như một đôi tay bình thường giết chết biết bao nhiêu quân giặc. Bàn tay ấy không chỉ để giết giặc mà bàn tay ấy còn để đưa cơm cho cán bộ và là bàn tay yêu thương dắt Mai đi đến những hạnh phúc của tình yêu.

    Bài văn tham khảo số 2
    Bài văn tham khảo số 2
    Bài văn tham khảo số 2
    Bài văn tham khảo số 2
  3. Trong văn học Việt Nam thời chiến, Rừng xà nu là tác phẩm để lại trong lòng nhiều độc giả sự ấn tượng sâu sắc. Và hình ảnh làm nên thành công của tác phẩm chính là đôi bàn tay của nhân vật Tnú – minh chứng rõ nét cho tinh thần bất khuất, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng.


    Đôi bàn tay của Tnú xuất hiện từ đầu tác phẩm, xuyên suốt cả tác phẩm theo chiều dài của thời gian. Cụ thể mở đầu là đôi bàn tay của Tnú khi còn nhỏ, ngày ngày lên rẫy để trồng tỉa và mang gạo nuôi cán bộ Quyết đang hoạt động bí mật sâu trong rừng.


    Đây là một công việc với đầy hiểm nguy rình rập nhưng Tnú không hề sợ hãi và luôn hướng về Đảng, ước mơ trở thành một chiến sĩ cách mạng oai hùng. Bàn tay của Tnú được miêu tả vụng về khi cầm viên phấn làm bằng đá trắng để tập viết. Cũng chính đôi bàn tay bé nhỏ ấy đã tự cầm đá đập vào đầu mình cho đến chảy máu vì giận bản thân học bài mãi không thuộc, hay quên chữ. Cũng chính từ quyết tâm trở thành một cán bộ giỏi mà Tnú đã có những hành động kiên quyết như vậy.


    Chi tiết thứ 2 về đôi bàn tay Tnú là sự khéo léo. Bị giặt bắt khi đang đi giao liên, Tnú đã khéo léo giấu bức thư bí mật của anh Quyết và nuốt luôn bức thư để giặc không thể tìm ra. Cũng chính lúc này, Tnú đã thể hiện bản thân mình là người dũng cảm, bất khuất. Sau ba năm bị bỏ tù, Tnú trốn ngục để trở về, đôi tay anh cần mẫn cùng dân làng mài giáo giết giặc.

    Phân tích hình ảnh đôi bàn tay của Tnú cũng không thể bỏ qua chi tiết anh chứng kiến cảnh vợ con mình bị giặc tra tấn và quyết tâm chiến đấu chống lại quân thù. Không nỗi đau nào bằng lúc vợ và con anh bị giặt bắt, dùng làm mồi nhử để triệt phá phong trào cách mạng của dân làng Xô Man.


    Tnú phải bíu chặt đôi bàn tay mình vào gốc cây, cắn răng nhìn cảnh tượng những người thân thương nhất của mình bị giặc hành hạ. Và mặc cho những lời ngăn cản của cụ Mết, Tnú đã nhảy xổ vào giữa vòng vây của bọn lính, dang hai cánh tay rộng lớn của mình để ôm lấy mẹ con Mai. Nhưng cuối cùng, chính người vợ, chính đứa con lại chết trong vòng tay ấy.

    Nhưng bấy nhiêu đó vẫn không thể gây ám ảnh trong lòng người đọc bằng chi tiết đôi bàn tay của Tnú bị giặc quấn giẻ tẩm nhựa xà nu và đốt cháy. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón".


    Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng. Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: "Người cộng sản không thèm kêu van…". Tnú không thèm, không thèm kêu van.


    Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!” - Tội ác của giặc bị đẩy lên đỉnh điểm và tinh thần chiến đấu, khí phách của Tnú lại càng được thể hiện rõ nét. Bọn giặc tàn ác đốt mười ngón tay của Tnú như cách chúng khủng bố và tiêu diệt ý chí của dân làng Xô Man.


    Tác phẩm kết thúc bằng hình ảnh Tnú dùng đôi bàn tay không và cụt đốt siết cổ tất cả những thằng Dục tàn ác hơn cả dã thú. Khí phách và lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu mãnh liệt đã được thể hiện rõ nét qua phân tích hình ảnh đôi bàn tay của Tnú.

    Bài văn tham khảo số 3
    Bài văn tham khảo số 3
    Bài văn tham khảo số 3
    Bài văn tham khảo số 3
  4. Nguyễn Trung Thành (1932), còn có bút danh khác là Nguyên Ngọc, ông là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng có một khoảng thời gian dài tình nguyện lăn xả vào chiến trường Tây Nguyên trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ trở nên ác liệt nhất, để đồng cam cộng khổ cùng với bộ đội và nhân dân, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì Cách mạng. Thế nên với ông mảnh đất Tây Nguyên và con người nơi đây để lại trong tâm hồn ông nhiều kỷ niệm sâu sắc, cùng với vốn trải nghiệm chân thực của một nhà văn, một người lính bước ra từ chiến trường đầy máu và lửa, Nguyễn Trung Thành đã tạo ra một loạt các tác phẩm để đời xuất sắc như Đất nước đứng lên, Đường chúng ta đi, trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc,... Và có lẽ xuất sắc và tiêu biểu nhất trong số đó là tác phẩm Rừng xà nu với hình tượng người anh hùng Tnú, mang vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là đại diện cho những con người Tây Nguyên kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tàn khốc. Nguyễn Trung Thành đã rất thành công với nghệ thuật điển hình hóa nhân vật, đặc biệt là Tnú với hình ảnh bàn tay mười ngón bị đốt cụt mỗi ngón một đốt, mà nó có thể được coi là trung tâm của mọi vẻ đẹp của nhân vật này.


    Nguyễn Trung Thành đã dùng nghệ thuật quay cận cảnh để miêu tả cái bi kịch của Tnú và chính cái bi kịch ấy đã làm nên người anh hùng của làng Xô Man. Khi nghe tin dân làng Xô-man chuẩn bị đồng khởi, lũ giặc theo sự chỉ dẫn của thằng Dục đã đến lùng sục tìm bắt Tnú, bởi chúng chắc rằng anh là kẻ cẩm đầu, thế nhưng Tnú và thanh niên trong làng đã ra khỏi rừng. Chúng không bắt được anh, bèn bắt vợ con của anh làm mồi nhử và tra tấn vô cùng dã man, trước những đòn hiểm độc của bọn giặc với vợ con, Tnú đã không thể nhẫn nhịn thêm nữa mà nhảy xổ ra giữa sân, rồi dùng đôi bàn tay vững chắc của mình mà ôm lấy mẹ con Mai, thét lên trong đau đớn và giận dữ: "Đồ ăn thịt người, tau đây, Tnú đây!" . Có thể nói rằng đôi cánh tay rộng lớn "như hai cánh lim chắc" của Tnú ôm lấy đôi mẹ con đang hấp hối chính là biểu hiện của tình yêu sâu nặng dành cho gia đình. Bởi trước khi trở thành người anh hùng Tnú còn là một con người bình thường, Tnú không phải sắt đá, anh có một trái tim rất người, biết yêu thương và hờn giận, anh không thể nhìn những người mình yêu thương nhất chết đi trong đau đớn, Tnú không thể chịu đựng được nỗi thống khổ ấy. Thế nên dù "chỉ có hai bàn tay trắng" như lời cụ Mết nói Tnú vẫn sẵn sàng lao vào lũ giặc đang lăm lăm súng ống, sẵn sàng cùng sống, cùng chết với mẹ con Mai, dù rằng anh cũng không thể cứu được họ. Như vậy vẻ đẹp của người anh hùng trước hết là thể hiện ở tình người, tình cảm dành cho gia đình sâu sắc, đó là vẻ đẹp xuất phát từ tư thái của người anh hùng khi đối mặt với nguy hiểm, đó là tấm lòng thủy chung son sắt với người thân, mà tất cả đều tựu lại trong đôi bàn tay đầy yêu thương của Tnú.


    Tiếp theo sau tấn bi kịch vợ con chết thảm, bản thân Tnú lại tiếp tục phải hứng chịu một bi kịch khác, anh bị giặc bắt và tra tấn dã man, chúng dùng chính nhựa xà nu để đốt 10 đầu ngón tay của anh "Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc". Qua góc nhìn cận cảnh của Nguyễn Trung Thành, ông đã gợi lại cái giờ phút bi hùng của Tnú, người ta như thấy từng ngọn lửa bập bùng, cái đau đớn dần kéo tới trên đôi mắt người chiến sĩ cộng sản. Mười ngọn đuốc tay cứ cháy, cháy nữa mà theo như cảm nhận của nhân vật Tnú thì nó không chỉ còn chỉ cháy trên mười đầu ngón tay mà cháy tận vào ruột gan, tận vào trong lòng. Nhưng cái đau khủng khiếp ấy cũng không thể khuất phục được người anh hùng, dù cho "máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi" thì Tnú cũng quyết không nói một lời, "Người Cộng sản không thèm kêu van" dù có chết cũng không hé răng nửa lời. Như vậy hình ảnh đôi bàn tay bị đốt bằng nhựa xà nu chính là minh chứng cho tấm lòng thủy chung son sắt với cách mạng của Tnú, đồng thời cũng thể hiện bản chất kiên cường, mạnh mẽ bất khuất của người anh hùng khi phải đối mặt với hai nỗi đau lớn cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng vẫn hiên ngang sừng sững như cây xà nu của núi rừng Tây Nguyên. Lửa bùng lên trên đôi bàn tay của Tnú cũng là lúc phong trào đồng khởi bắt đầu, những tên giặc đã đốt lửa, gieo tội ác lên tay Tnú thì khi "lửa đã tắt trên mười đầu ngón tay Tnú" cũng là lúc chúng phải đền mạng, phải trả giá cho những tội ác mà chúng đã gây ta. Như vậy lần nữa ta thấy được vẻ đẹp của người anh hùng thông qua đôi bàn tay, đó là đôi bàn tay của sự kiên cường, chung thủy với cách mạng.


    Sau những bi kịch lớn của cuộc đời, Tnú chỉ còn lại đôi tay mà mười ngón ngón nào cũng cụt mất một đốt, nó gợi anh nhớ về mối thù nhà sâu sắc, nhắc nhở anh về những gì mà bọn giặc Mỹ đã gây ra cho anh và dân làng Xô Man, khiến lòng căm thù giặc và quyết tâm lên đường chiến đấu của Tnú càng thêm vững chắc, lý tưởng cách mạng của anh càng thêm sáng rõ. Đôi tay ấy cũng là lời tố cáo mạnh mẽ về sự tàn ác của giặc thù đối với nhân dân ta, đất nước ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, là bằng chứng tội ác không thể nào xóa nhòa trên thân thể người anh hùng Tnú, góp phần xây dựng hình tượng người anh hùng dân tộc trong chiến tranh, cùng tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Đó là hình tượng người anh hùng dẫu có tàn nhưng không phế, bởi hình ảnh đôi bàn tay thiếu đốt ấy đã trở lại trong một cảnh mà Tnú kể rằng mình đã bóp chết tên chỉ huy đồn bằng chính đôi tay tàn tật. Như vậy chính cái bi kịch cuộc đời, đã khiến Tnú càng thêm mạnh mẽ, gan lì trong chiến đấu, giờ đây anh chẳng cần vũ khí, chỉ một đôi bàn tay không lành lặn, mà kẻ thù cũng phải chịu chết dưới tay. Có thể nói rằng đây là hình ảnh gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ với người đọc mà ở đó hình tượng người anh hùng trở nên phi thường và mang đậm vẻ đẹp của của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lần nữa, có thể nói đôi bàn tay của Tnú chính là đôi bàn tay của những ký ức không bao giờ quên.


    Hình ảnh đôi tay của Tnú trong Rừng xà nu là một hình ảnh, một chi tiết nghệ thuật có nhiều ý nghĩa đặc biệt, biểu trưng cho những vẻ đẹp của người anh hùng Tnú, đó là đôi bàn tay của tình yêu thương con người sâu sắc, bàn tay của tấm lòng kiên cường bất khuất và cũng là bàn tay của những ký ức không bao giờ quên. Đôi bàn tay của Tnú cũng giống như chính chủ nhân của nó vậy đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của người dân Tây Nguyên và cả dân tộc Việt Nam.

    Bài văn tham khảo số 4
    Bài văn tham khảo số 4
    Bài văn tham khảo số 4
    Bài văn tham khảo số 4
  5. Hẳn khi nhắc đến mảnh đất Tây Nguyên ta không chỉ nhớ đến những cánh chim chao liệng trên bầu trời, những bài hát ca ngợi núi rừng mà ta còn nhớ đến cả nền văn học dành cho nơi đây nữa. Tây Nguyên dường như có một sức hút cho nghệ thuật chính vì thế mà không ít nhà văn đã tìm đến mảnh đất này để sáng tác nghệ thuật. Nhưng tiêu biểu hơn cả chúng ta nhớ đến nhà văn Nguyễn Trung Thành với tác phẩm rừng xà nu. Trong tác phẩm ấy hẳn ta vẫn ấn tượng với hình ảnh đôi bàn tay Tnú cùng với cây xa nu. Những hình ảnh ấy mang đậm những giá trị nghệ thuật của tác phẩm.


    Trước hết là hình ảnh con người Tây Nguyên thể hiện qua đôi bàn tay của Tnú. Có thể nói chỉ đôi bàn tay ấy thôi mà nói lên hết những phẩm chất đáng quý của Tnú nói riêng và đồng bào người Tây Nguyên nói chúng.


    Bàn tay Tnú khi còn là một cậu bé. Khi ấy cậu còn nhỏ và đôi bàn tay ấy cũng rất nhỏ thế nhưng lại làm được rất nhiều việc. Chính đôi bàn tay ấy cầm thư liên lạc vạch lá rừng đem đến cho cán bộ Quyết. Chính đôi bàn tay ấy đã mang nguồn chi viện của dân làng cho cán bộ khi biết rằng việc đó rất nguy hiểm. Anh Sút, bà Nhan những người đó đều vì tri viện cho cán bộ mà bị chặt đầu chết. Thế nhưng Tnú thì lại không sợ điều đó. Không những thế khi bị bọn giặc bắt lại, chính đôi bàn tay ấy đã chỉ vào bụng mình mà nói cộng sản ở đây này. Và sau đó trên lưng là những vết dao chằng chịt. Có thể nói đôi bàn tay ấy thể hiện phẩm chất của con người Tnú, nhỏ bé nhưng kiên trung, bất khuất, vượt qua mọi gian nan để hoàn thành nhiệm vụ được giao.


    Không chỉ vậy cũng chính đôi bàn tay ấy Tnú học chữ mà anh Quyết dạy, nhưng vì học mãi chẳng nhớ, anh dùng chính bàn tay của mình lấy đá đập đầu chảy máu. Hành động ấy thể hiện anh là một người rất ham học và muốn học cái chữ để cứu làm cán bộ cứu đồng bào Xô Man khỏi những áp bức đàn áp của bọn đế quốc Mỹ tàn bạo kia.


    Tnú lớn lên, đôi bàn tay cũng lớn lên to hơn chắc khỏe hơn. Đôi bàn tay ấy rất tay Mai trong buổi chiều ấy, đôi bàn tay ấy dứt hàng chục trái vả khi chứng kiến mẹ con Mai bị bọn thằng Dục làm cho đau đớn mà chết đi. Cũng chính đôi bàn tay ấy đã đỡ lấy mẹ con Mai khi họ ngã xuống. Thế nhưng mẹ con Mai rồi cũng chết mà Tnú thì bị rơi vào cái bẫy của bọn tay sai kia. Chúng bắt lấy anh, buộc rẽ vào mười đầu ngón tay ấy rồi sau đó tẩm nhựa xà nu mà đốt. Bàn tay đau thương cháy trong nhựa xà nu, mười ngón tay giờ đây thành mười ngọn đuốc. Điều đó vừa thể hiện sự đau thương lại vừa thể hiện sự căm thù bọn giặc. Và ngay cả khi được cứu đôi bàn tay Tnú không còn nguyên vẹn mỗi ngón mất đi một đốt thế nhưng anh vẫn trở thành một người cán bộ giỏi. Anh vẫn dùng chính đôi bàn tay ấy mà kết liễu đời thằng Dục và còn giết biết bao nhiêu thằng giống như nó nữa.


    Có thể thấy rằng đôi bàn tay của Tnú cũng có cuộc đời giống như chủ nhân của nó vậy. Từ những đau thương đôi bàn tay ấy đã làm nên những chiến tích vang dội. Đôi bàn tay của yêu thương, của chiến đấu kiên cường, của tự tôn dân tộc. Nó như thể hiện cho những phẩm chất của Tnú nói riêng và con người Tây Nguyên nói chung.


    Thứ hai là hình ảnh của cây xà nu, nói đến Tây Nguyên thì ta cũng không thể nào quên những rừng xà nu tươi tốt ấy.

    Trong cuộc sống bình thường cây xà nu thuộc họ cây thông, nó gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt và đấu tranh của con người nơi đây.


    Thế nhưng chính những đặc trưng tự nhiên của cây xà nu lại trở thành biểu tượng cho phẩm chất và vẻ đẹp của con người Tây nguyên. Nếu như cây xà nu ham ánh sáng , vươn lên sống mạnh mẽ thì người Tây Nguyên cũng ham sống, yêu cuộc sống tự do và có nhiều niềm tin. Cây xà nu sinh sôi mãnh liệt, một cây chết đi thì ở chỗ đó lại có những cây con mọc lên mà những cây con ấy sẽ vươn lên tới phía ánh sáng một cách nhanh chóng và mãnh liệt. Điều đó tượng trưng cho con người Tây Nguyên thế hệ này nằm xuống thì thế hệ khác lại mọc lên. Trong rừng xà nu ấy những cây xà nu lớn vững chắc chính là những thế hệ của Tnú, Mai,Còn những cây xà nu đại thụ thì không ai hết đó chính là cụ Mết. Những cây xà nu ngã xuống là anh Quyết. còn những cây xà nu con là Dít và bé Heng. Không những thế khả năng tồn tại kì diệu của cây xà nu còn thể hiện sự kiên cường bất khuất của nhân dân Tây Nguyên. Không những thế cây xa nu kia cũng chịu nhiều đau thương, có những vết loét ra như máu biểu tượng cho số phận đau thương của người dân nơi đây. Mở đầu bằng hình ảnh rừng xà nu và kết thúc cũng bằng hình ảnh ấy nhà văn muốn thể hiện được niềm tin chiến thắng của cách mạng đánh đuổi bọn xâm lược kia.


    Qua đây ta thấy được Nguyễn Trung Thành không những thành công khi kể về cuộc đời số phận của nhân dân Tây Nguyên trong thời kì chống đế quốc mỹ mà ông còn thành công khi xây dựng được những hình ảnh nghệ thuật giàu giá trị. Có lẽ chính bởi thế chúng ta dễ dàng nhận thấy những phẩm chất anh hùng của nhân dân Tây Nguyên.

    Bài văn tham khảo số 5
    Bài văn tham khảo số 5
    Bài văn tham khảo số 5
    Bài văn tham khảo số 5
  6. Tôi đã dừng lại thật lâu bên tác phẩm “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành). Ở tác phẩm ấy, cùng với hình tượng cây xà nu, tôi ấn tượng nhất trước hình ảnh đôi bàn tay Tnú như điểm sáng, là biểu tượng cho ý chí căm thù giặc và tinh thần cách mạng vô song.


    Đôi bàn tay Tnú không chỉ dừng lại ở bàn tay lao động mà còn là bàn tay chiến đấu của người chiến sĩ, bàn tay trong máu lửa khốc liệt. Bàn tay ấy hiện lên trong những câu văn xuôi, nhưng vẫn đẹp như thơ, nổi bật khối và hình, như chạm khắc của hội họa, của vũ, nhạc và đặc biệt hơn là gửi tới bạn đọc biết bao điều vừa giản dị thân thương, vừa thiêng liêng, vừa cao cả.


    Thoạt đầu, đấy là hai bàn tay lúc còn lành lặn. Đôi bàn tay chú bé mồ côi nắm lấy tay cô bé Mai chăm chỉ chặt củi, xách nước, lên rẫy trồng tỉa, xách xà lét giấu gạo đi nuôi cán bộ Quyết. Đôi bàn tay Tnú cầm viên phấn bằng đá trắng lấy từ núi Ngọc Linh về tập viết chữ, mờ dần cánh cửa cuộc đời để đến với cách mạng. Và cũng chính đôi bàn tay bé nhỏ ấy đã dũng cảm mang công văn đi làm liên lạc vì căm thù thằng giặc vô ngần. Bọn giặc bắt được Tnú, tra tấn dã man, hỏi cộng sản ở đâu, Tnú đặt tay lên bụng mình và nói: “Ở đây này”. Bàn tay Tnú chỉ rõ và khẳng định lý tưởng cách mạng không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm hồn mình. Đây chính là nét đẹp thứ nhất của bàn tay Tnú: bàn tay của sự tín nghĩa, thủy chung.

    Bàn tay Tnú còn là bàn tay của sự yêu thương, bàn tay đau đớn, căm thù, mang chất vàng của nhân phẩm, bàn tay người chiến sĩ cộng sản. Tnú yêu Mai – cô bạn thuở thiếu thời. Bàn tay ấy cũng đã được Mai nắm chặt mà khóc những giọt nước mắt nóng bỏng yêu thương, đồng cảm khi Tnú vượt ngục trở về. Những tưởng hạnh phúc ấy sẽ mãi mãi tròn đầy. Vậy mà….bọn giặc lại nhẫn tâm phá tan đi niềm hạnh phúc đơn sơ ấy! Không bắt được Tnú, chúng bắt Dít rồi tới mẹ con Mai tra tấn dã man bằng gậy sắt phòng để anh ra mặt. “Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập. Không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt”. Lửa hận dâng lên ngút ngàn, đốt cháy tâm can Tnú, truyền từ đôi tay lên đôi mắt “ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Mỗi ngón tay anh như nóng bỏng lên bởi tình thương, nỗi lo và sự căm hờn. “Hai cánh tay như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”. Mười ngón tay nóng bỏng lửa căm thù, thương xót đã truyền sức mạnh vào hai cánh tay. Nhưng mà “Tnú chỉ có tay không giữa quân thù đầy vũ khí. Và khi chỉ có tay không thì Tnú cũng không cứu được chính đời mình, không bảo vệ được sự sống và tình yêu, không bảo vệ được hoàn máu của đời anh” (Đỗ Kim Hồi).


    Mẹ con Mai chết còn Tnú thì bị giặc bắt tra tấn. Bọn thằng Dục tàn nhẫn tẩm thứ dầu xà nu của quê hương anh vào giẻ rồi quấn giẻ lên mười đầu ngón tay anh, mười điểm chót vót, bén nhạy nhất của hệ thần kinh. Bàn tay Tnú như đang đỏ rực lên, lung linh, dữ dội. Nguyễn Trung Thành không miêu tả chi tiết bằng những động từ, tính từ đặc tả mà chỉ ngắn gọn mấy câu và một hình ảnh ví ngầm “Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc” nhưng cũng đủ truyền tới người đọc biết bao cảm xúc: Khủng khiếp, ghê sợ, đau xót rồi cảm thương, căm giận. Nhưng “Tnú không thèm, không thèm kêu van”.


    Từ văn tự sự chuyển thành văn trữ tình, đoạn truyện không còn là lời kể của tác giả nữa mà đã cất lên tiếng nói nội tâm nhân vật, đầy những giằng xé, quằn quại. Ngọn lửa của âm mưu thâm độc, của tội ác dã man đã không đốt cháy được chất vàng mười trung thành, bất khuất của người chiến sĩ trẻ tuổi Tây Nguyên. Hai bàn tay đuốc lửa của Tnú đã châm ngòi cho phong trào Đồng khởi của dân làng Xô Man vùng lên tiêu diệt bọn giặc tàn ác và trở thành biểu tượng của khí phách Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thời đại ngày nay:


    “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi

    Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm

    Chúng muốn ta bán mình ô nhục

    Ta làm sen thơm ngát giữa đầm….”

    (“Việt Nam máu và hoa” – Tố Hữu)


    Bàn tay lành lại, mỗi ngón tay cụt một đốt, trở thành chứng tích của tội ác chiến tranh mà Tnú mang theo suốt cả cuộc đời. Đôi bàn tay với ngón tay chỉ còn lại hai đốt vẫn có thể cầm giáo, cầm súng để Tnú lên đường chiến đấu. “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”, chân lý này giúp người ta ý thức được tầm quan trọng của vũ khí, không thể không cầm vũ khí, nhưng cũng không nên ỷ lại vào vũ khí, cái quyết định cuối cùng vẫn là đôi bàn tay con người. Chính vì thế, Nguyễn Trung Thành đã cẩn thận kể thêm chi tiết Tnú dùng hai bàn tay không, cụt đốt, đôi bàn tay quả báo để siết cổ tất cả những thằng Dục tàn ác hơn cả dã thú. Có thể nói, bàn tay Tnú biểu tượng cho sức mạnh của khối đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó mạch sống của mảnh đất, rừng cây và sức sống con người. Đó là đôi bàn tay huyền thoại, vô địch trước sức mạnh của mọi kẻ thù.


    Bàn tay Tnú – một hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ như có một số phận riêng, gắn bó mật thiết với cuộc đời Tnú và góp phần tô đậm thêm những nét phẩm chất, tính cách cao đẹp của anh. Đẹp biết bao những bàn tay chiến sĩ Việt Nam, những bàn tay lao động Việt Nam: “Bàn tay ta làm nên tất cả…”, tôi muốn ngân lên mãi câu thơ ấy của nhà thơ Hoàng Trung Thông. “Tay người như có phép tiên”, tôi muốn hát lên mãi lời ca ấy của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Và tôi muốn nói lại nhiều lần những vẻ đẹp của bàn tay Tnú trong truyện ngắn “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành) bởi tự hào biết mấy hai tiếng Việt Nam.

    Bài văn tham khảo số 6
    Bài văn tham khảo số 6
    Bài văn tham khảo số 6
    Bài văn tham khảo số 6
  7. Tây Nguyên từ lâu đã trở thành một nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu nghệ sĩ sáng tạo cho nghệ thuật. Trong số đó có tác giả Nguyễn Trung Thành đã mang tới cho chúng ta tác phẩm cây xà nu để chúng ta có thể thấy được vẻ đẹp của Tây Nguyên, cụ thể là những nét đẹp về thiên nhiên và con người. Trong tác phẩm này, nổi bật nhất vẫn là phẩm chất của Tnú, tiêu biểu nhất là đôi bàn tay của anh.


    Có thể nói, hình ảnh đôi bàn tay Tnú mang tới cho người đọc một ấn tượng rất lớn, không những thế, nó còn mang ý đồ nghệ thuật của tác giả muốn gửi gắm qua đó. Đó là một hình ảnh thực sự đẹp. Đôi bàn tay ấy cũng có một cuộc đời, cuộc đời ấy giống như cả cuộc đời của Tnú vậy. Cũng có những lúc anh hùng nhưng cũng phải chịu nhiều đau thương mất mát. Thế nhưng cho tới cuối cùng thì bàn tay ấy cũng giết chết biết bao nhiêu kẻ thù đê báo thù cho tất cả những đau thương mà nó cũng như chủ nhân của nó phải chịu.


    Bàn tay ấy đầu tiên đã cùng Mai học chữ trong rừng, bàn tay ấy nhanh nhẹn cầm những bức thư liên lạc để vượt qua mọi gian nan thử thách với những vòng vay của giặc để mang tới cho những người cán bộ ở trong rừng. Qua đây chúng ta có thể thấy được hình ảnh đôi bàn tay ấy thật đẹp, nhỏ nhắn đáng yêu nhưng cũng không kém phần dũng cảm.

    Bàn tay ấy còn gan góc cầm đá đập vào đầu của Tnú khi học không học được, cứ mỗi lần học chữ này lại quên chữ kia. Chính hình ảnh bàn tay ấy đã làm nổi bật lên hình ảnh người anh hùng Tây Nguyên ngay từ lúc còn bé đã mang tới một tư tưởng lớn và khi không học được chữ thì lại sợ rằng mình không thể giúp ích cho đất nước cho nên mới dùng chính bàn tay của mình để trừng trị mình.


    Không những thế, đôi bàn tay ấy còn mang một vẻ đẹp lớn đó là vẻ đẹp của sự gan dạ nữa. Chính đôi bàn tay ấy vạch rừng vượt thời gian để mang thư mật tới cho những người cộng sản và ngay cả khi bị bắt thì đôi bàn tay đó cũng không ngần ngại chỉ thẳng vào bụng mà nói “cộng sản ở đây này”.


    Mặc cho những lần chỉ tay ấy lại chằng chịt vết dao chém. Có thể nói vẻ đẹp của Tnú qua đôi bàn tay đó lại được hiện lên rất kiên cường, đó là vẻ đẹp của sự gan góc, quả cảm không hề sợ những tên giặc trước mặt mình.


    Và bàn tay đó khi lớn lên còn cầm cả tay Mai để hẹn hò. Đó chính là bàn tay dịu dàng, ấm áp dắt Mai đi tới những hạnh phúc và yêu thương. Cái đêm mẹ con Mai bị tra tấn cho tới chết thì chính bàn tay ấy cũng là cánh tay đỡ lấy vợ mình, có thể nói đó là một cánh tay vững chãi và đầy sự yêu thương.


    Và khi bị bọn giặc bắt, chúng bỏ giẻ vào bàn tay ấy tẩm nhựa xà nu mà đốt cháy cả mười đầu ngón tay bốc lên giống như ngọn đuốc. Đây chính là hình ảnh đau thương nhưng lại đẹp nhất trong cuộc đời. Nó đẹp bởi nó chịu nhiều thương đau nhưng không bao giờ chết, không bao giờ chịu khuất phục.


    Bàn tay ấy tuy không còn nguyên vẹn nữa nhưng nó còn đẹp hơn bởi vì bàn tay ấy cho tới sau này vẫn có thể cầm chắc tay súng và giết chết biết bao nhiêu quân giặc và cũng chính bàn tay đó đã giết chết thằng Dục để báo thù cho mẹ con Mai.

    Như vậy, qua đây chúng ta có thể thấy được hình ảnh đôi bàn tay của Tnú là một chi tiết nghệ thuật thực sự đặc sắc. Có thể thấy rằng bàn tay ấy cũng có cả một cuộc đời như Tnú vậy: hiền lành, gan dạ, biết yêu thương,, chịu nhiều đau thương và rồi cuối cùng nó vẫn hoạt động như một đôi bàn tay bình thường. Bàn tay ấy không chỉ giết giặc mà còn để đưa cơm cho cán bộ và cũng là bàn tay yêu thương dắt Mai đi tới bến bờ hạnh phúc của tình yêu.

    Bài văn tham khảo số 7
    Bài văn tham khảo số 7
    Bài văn tham khảo số 7
    Bài văn tham khảo số 7
  8. Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932, quê ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Có thể nói: Mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ với những tập tục văn hóa lâu đời, với truyền thống đấu tranh bất khuất đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào của nhà văn.


    Rừng xà nu là một trong số những tác phẩm tiêu biểu, là bản anh hùng ca mang đậm tính lịnh sử thi và cảm hứng lãng mạn về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên, của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh thần thánh chống đế quốc Mỹ.


    Nhân vật tiêu biểu nhất trong tác phẩm là Tnú. Hình ảnh đôi bàn tay của Tnú mang đến những ấn tượng rất lớn trong lòng người đọc. Đặc biệt nó mang đậm ý đồ nghệ thuật mà tác giả muốn gửi gắm qua đó. Bằng ngòi bút khắc họa nhân vật tài tình và khuynh hướng sử thi làm chủ đạo, nhân vật Tnú hiện ra với một góc nhìn vừa mới vừa đầy tính chất anh hùng của thời đại.


    Đây là một nhân vật anh hùng, là người con vinh quang của làng Xô Man đã được Nguyễn Trung Thành khắc họa bằng những đường nét độc đáo. Tính chất sử thi được thể hiện rõ nhất ở chỗ cuộc đời ngỡ như có số phận riêng nhưng thực ra Tnú lại đại diện cho số phận và con đường đi lên của dân tộc.


    Bàn tay Tnú cũng gợi ra tính cách và cuộc đời của con người Tây Nguyên này. Có những lúc anh phải chịu những đau khổ những đòn đau của địch. Bàn tay ấy cầm chông cầm giáo, bàn tay bao bọc vợ con dù phải hi sinh thân mình. Và đến cuối cùng bàn tay ấy cũng giết chết biết bao nhiêu kẻ thù để báo thù cho tất cả những đau thương mà nó cũng như chủ nhân nó phải chịu.


    Bàn tay ấy khi còn lành lặn thì cùng Mai học chữ trong rừng. Cùng với thời gian trôi qua thì bàn tay ấy đã nhanh nhẹn cầm những thứ liên lạc vượt qua mọi gian nan và những vòng vây của giặc để mang đến cho những người cán bộ trong rừng. Mặc dù là một người khi còn nhỏ nhưng đã mang những phẩm chất anh hùng một bàn tay nhỏ nhắn như vậy mà có thể cầm biết bao nhiêu đồ như vậy, quả thật rất đáng khen. Khi đôi bàn tay ấy cầm phấn học bài nhưng khi không học được thì cũng chính bàn tay ấy đã đập đầu khiến cho máu chảy ròng ròng. Bàn tay làm nổi bật lên hình ảnh người anh hùng Tây Nguyên. Bàn tay ấy còn mang một vẻ đẹp lớn đó là vẻ đẹp của sự gan dạ nữa: vạch rừng vượt thác để đem thư mật đến cho những người cộng sản. Và ngay cả khi bị bắt thì đôi bàn tay ấy cũng không ngần ngại mà chỉ thẳng vào bụng mà nói “cộng sản ở đây này”. Qua những lời lẽ của anh thì ta cũng thấy được Tnú là người gan góc tới như thế nào. Có thể nói vẻ đẹp của Tnú qua đôi bàn tay lại được hiện lên.


    Bàn tay anh là một bàn tay dịu dàng ấm áp dắt Mai đi đến những hạnh phúc và yêu thương, cầm tay Mai hẹn hò bên những gốc cây vả. Bàn tay ấy còn rứt đứt hàng chục trái vả thể hiện sự căm thù của quân giặc trong cái đêm mà mẹ con Mai bị tra tấn cho đến chết. Chứng kiến cảnh con bị đau đớn đôi bàn tay ấy như thể hiện cảm xúc thay cho chủ nhân của nó. Bất lực nhưng không thể làm điều gì nỗi đau ấy ai thấu. Mẹ con Mai ngã xuống chính bàn tay ấy cũng là cánh tay đỡ lấy vợ con mình. Lúc này bàn tay anh là bàn tay ngập tràn yêu thương.


    Chi tiết đặc sắc nhất là khi bị bọn giặc bắt chúng bó giẻ vào bàn tay ấy tẩm nhựa xà nu mà đốt cháy. Mười đầu ngón tay Tnú bốc lên như mười ngọn đuốc. Nhưng anh không kêu thán một lời nào mà cắn răng chịu đựng, nó đẹp bởi vì nó chịu nhiều thương đau nhưng nó không bao giờ là bàn tay chết cả. Bàn tay ấy sau này vẫn cầm chắc tay súng và giết chết biết bao nhiêu quân giặc.


    Chi tiết đôi bàn tay trong “Rừng Xà Nu” là một chi tiết đặc sắc và mang nhiều giá trị về nội dung cũng như thành công về nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành. Cũng qua đôi bàn tay ấy, hình ảnh của một người anh hùng Tây Nguyên cũng dần hiện ra hiền lành và gan dạ rồi đến yêu thương.

    Bài văn tham khảo số 8
    Bài văn tham khảo số 8
    Bài văn tham khảo số 8
    Bài văn tham khảo số 8
  9. “Rừng xà nu” một trong những tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Trung Thành. Trong tác phẩm có rất nhiều chi tiết mà nhà văn xây dựng gây ấn tượng mạnh mẽ tới người đọc. Đặc biệt chi tiết bàn tay Tnú mà Nguyễn Trung Thành khắc họa lại có sức lay động mạnh mẽ đến bạn đọc.


    Bàn tay Tnú xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, gắn liền với cuộc đời bi tráng của anh. Đây cũng là một chi tiết được Nguyễn Trung Thành dụng công xây dựng và có ý nghĩa sâu sắc.


    Khi đôi tay của Tnú còn lành lặn, đôi bàn tay ấy là đôi bàn tay nghĩa tình của một con người sớm giác ngộ cách mạng. Bàn tay của Tnú đã nuôi giấu và tiếp tế cho các cán bộ cách mạng. Bàn tay ấy cũng làm công tác giao liên cho anh Quyết. Bàn tay của Tnú viết những nét chữ đầu tiên với mong muốn học chữ để sau này tiếp bước con đường của anh Quyết trên con đường cách mạng. Bởi anh Quyết từng nói với Tnú: “Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi”.


    Đôi bàn tay của Tnú từng cầm đá đập vào đầu mình, máu chảy ròng ròng khi học chữ thua Mai. Qua chi tiết này có thể thấy được sự nóng nảy, bộc trực của Tnú. Đó cũng là tính cách chân thực của con người này, luôn bộc lộ trực tiếp và mạnh mẽ những cảm xúc và suy nghĩ trong lòng mình, không giấu giếm.


    Bàn tay của Tnú là bàn tay đau thương. Giặc đốt 10 đầu ngón tay của anh bằng giẻ tẩm dầu xà nu. Biết bao đau đớn mà người con làng Xô Man phải chịu đựng. Sự tra tấn của kẻ thù cũng thật dã man, tàn ác. Mười đầu ngón tay của anh bị đốt cháy và anh phải trở thành người tật nguyền, mỗi ngón chỉ còn hai đốt. Bàn tay này cũng là biểu tượng cho những nỗi đau chồng chất của Tnú. Không chỉ mình anh chịu sự đau đớn này mà cả những người thân, là vợ con anh cũng phải chịu sự tra tấn, bị giết bởi kẻ thù. Tnú không cứu được vợ con mình, đây cũng chính là nỗi đau dằng xé trong lòng anh. Nhưng chiến đấu làm sao được khi Tnú không có vũ khí, không có gậy gộc còn bọn giặc không chỉ đông về số lượng mà chúng còn có vũ khí trong tay.


    Mặc dù đôi bàn tay tật nguyền ấy bị hủy hoại nhưng cũng từ đôi bàn tay ấy, Tnú đã cầm vũ khí tham gia lực lượng giải phóng quân. Anh trực tiếp cầm súng để chiến đấu giành độc lập cho quê hương. Đôi bàn tay ấy cũng giúp người đọc hình dung ra được sự chuyển biến trong phương thức đấu tranh thời bấy giờ. Từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang, từ hai bàn tay của người nông dân, không vũ khí, nay chuyển thành tự trang bị vũ khí để đấu tranh, tiêu diệt kẻ thù.

    Đôi bàn tay Tnú cũng là đôi bàn tay anh hùng. Tnú đã lập được nhiều chiến công ngay cả khi đôi tay anh không còn nguyên vẹn. Anh bóp chết tên chỉ huy đồn giặc khi hắn đang cố thủ trong tầm ngắm.


    Có thể thấy rằng, hình ảnh đôi bàn tay của Tnú là hình ảnh đầy sức ám ảnh đối với người đọc. Từ đôi bàn tay của Tnú, chúng ta hình dung ra được cuộc đời chịu nhiều mất mát và hi sinh của Tnú. Nhưng trên hết đó là sự kiên cường anh dũng và bất khuất của người con Tây Nguyên.

    Bài văn tham khảo số 9
    Bài văn tham khảo số 9
    Bài văn tham khảo số 9
    Bài văn tham khảo số 9
  10. Bên cạnh nhân vật nổi bật như Tnú, Cụ Mết, Mai trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành sáng tác trong giai đoạn toàn Đảng toàn dân đang chung tay chiến đấu trong thời ki chống Mĩ. Một trong những điểm sáng và gây ấn tượng nhất với độc giả chắc hản là hình ảnh đôi bàn tay của nhân vật Tnu với biết bao ý nghĩa.


    Mở đầu câu chuyện nhà văn đã vẽ nên hình ảnh hai bàn tay. Tnu lúc còn nhỏ. Tnus mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được dân làng Xô man cưu mang nuôi dưỡng. Đôi bàn tay của Tnú đã cùng lớn lên cùng cô bé Mai tham gia chặt củi, xách nước, lên rẫy làm nương. Ta đã cũng chẳng thể nào quên hình ảnh đôi bàn tay bé nhỏ cầm những viên phấn đá trắng lấy từ núi Ngọc Linh về tập viết con chữ. Khi học mãi mà chẳng thể nhớ được mặt chữ, Tnú đã cầm đá đập vào đầu đến chảy máu, trách cứ cho sự dốt nát của mình. Hành động ấy thể hiện quyết tâm của Tnu bởi anh muốn mình lớn lên được trở thành một người cán bộ thật tài giỏi.


    Đôi tay ấy đã dũng cảm mang những tấm thư, thông tin liên lạc cho các anh làm cách mạng. Khi bị giặc bắt, dù bị tra tấn dã man hỏi cộng sản ở đâu, anh hiên ngang kiên cường đặt tay lên bụng và nói "Ở đây này". Đôi tay ấy vững chãi như chính tinh thần của anh vậy, lý tưởng cách mạng đã gắn liền, thấm nhuần vào trong tư tưởng, máu thịt của anh như đôi bàn tay ấy.


    Bàn tay Tnú cũng đã một tay gây dựng nên một gia đình yên ấm. Lớn lên, Tnú đã nắm chặt tay Mai, có bạn thuở thiếu thời để tạo nên một gia đình, một nơi chứa chan tình yêu thương. Đau đớn thay, đôi bàn tay ấy đã phải bất lực bíu chặt lấy gốc cây, bứt đứt hàng chục trái khi anh phải nhìn cảnh vợ con anh bị kẻ thù giết hại. Hình ảnh đôi bàn tay gồng lên, truyền lên đôi mắt "ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn" càng khiến cho lòng căm thù giặc của anh trở nên hừng hực, cao ngút hơn bao giờ hết. Không gậy không súng, đôi bàn tay trống trơn ấy đã phải rời bỏ những người thân yêu nhất của cuộc đời anh.


    Sau khi vợ con anh bị giết, anh cũng đã không thoát khỏi đòn roi của giặc. Nghiệt ngã thay, chúng quấn giẻ tấm nhựa xà nu lên mười đầu ngón tay anh. Đây chính là chi tiết đắt giá nhất trong tác phẩm của Nguyễn Trung Thành. Khi mười đầu ngón tay bị đốt, rực sáng như mười ngọn đuốc sống, nó như soi sáng tố cáo những tội ác dã man của quân thù. Anh vẫn cam chịu kiên cường chịu đựng nỗi đau mà không hé một lời. Nỗi đau sợ, xót xa, thương cảm rồi xen lẫ cả nỗi căm giận đã được truyền sang cả tâm trí của độc giả. Đối với anh, những nỗi đau về thể xác ấy vẫn chảng thể nào quật ngã được tính kiên cường bất khuất của anh. Ngọn lửa của kẻ thù cũng không thể đốt cháy được dòng máu anh hùng đang chảy quanh, cuộn trào trong lồng ngực của Tnú. Hai bàn tay đuốc lửa ấy trở thành ngòi châm cho phong trào đứng dậy đấu tranh của dân làng. Sau khi hay tin, Tnú bị giặc tra tấn, cụ Mết đã hạ lệnh. "Chém! Chém hết, chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!" là những tuyên thệ, bài học mà cụ Mết đã giảng dạy cho dân làng Xô Man.


    Tác giả đã dành nhiều lời lẽ, từ ngữ miêu tả cánh tay Tnú bị giặc đốt. Từng ngón tay cứ thế chảy. Chảy mãi chảy cho hết da thịt. Nỗi đau nén lại trong lồng ngực rồi được xé toanh trong một tiếng hét căm hờn. Tnu căm thù lũ giặc man rợ, anh khinh bỉ những kẻ đã giết dân, giết đồng bào, giết người thân của anh. Cùng với những nỗi đau ấy, anh cùng dân làng Xô man dưới sự lãnh đạo của cụ Mết đã giết sạch bọn thằng Dục. Đôi bàn tay của anh tuy đã hỏng, nhưng những đôi tay lành lại, mỗi ngón tay cụt một đốt là minh chứng hùng hồn cho tội ác chiến tranh. Thế nhưng, dù như vậy anh vẫn luôn sẵn sàng chiến đâu, "tàn nhưng không phế". Tnú đã dùng hai bàn tay không để xiết cổ quân thù.


    Với sức sống mãnh liệt như những rừng cây xà nu, cùng tinh thần bất khuất của người dân Tây Nguyên, Tnú vẫn luôn đứng vững trong công cuộc giệt tan Mỹ ngụy, bằng bút pháp sử thi giàu tính gợi hình, tác giả đã xây dựng thành công vang dội hình ảnh đôi bàn tay Tnú. Đôi bàn tay ấy tuy chằng chịt vết sẹo vết thương nhưng nó là tượng trưng cho cái đẹp của sự hi sinh cao cả, anh hùng của những người chiến sĩ.

    Bài văn tham khảo số 10
    Bài văn tham khảo số 10
    Bài văn tham khảo số 10
    Bài văn tham khảo số 10




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy