Top 10 Mẫu mở bài và kết bài dùng phân tích tác phẩm "Rừng xà nu" hay nhất
Rừng Xà Nu là truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành (bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc), được viết năm 1965. Trong tác phẩm, với hình tượng cây xà nu và những "anh ... xem thêm...hùng dân tộc" ở làng Xô Man thời Chiến tranh Việt Nam, nhà văn đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945–1979. Để giúp các bạn có thể viết một bài văn độc đáo, giá trị khi phân tích tác phẩm, Toplist chia sẻ với bạn một số mở bài và kết bài sau đây:
-
Mở bài và kết bài mẫu số 1
Mở bài:
Nền thơ ca và văn học Cách mạng luôn khiến chúng ta cảm thấy tự hào khi lật giở từng trang truyện, từng bài thơ. Mỗi nhà văn dường như đều tự chọn cho mình một mảnh đất để khai phá, để ngòi bút của mình đắm chìm vào trong văn hóa xứ sở.
Ta có Tô Hoài với những tập hồi ký về Tây Bắc, có Nguyễn Thi với những tác phẩm gắn bó với con người Nam Bộ,… thì Nguyễn Trung Thành lại chọn cho mình mảnh đất Tây Nguyên để gieo nguồn cảm hứng. Ở mảnh đất ngập tràn sử thi tráng lệ ấy, Nguyễn Trung Thành đã chắp bút viết lên Rừng xà nu – một tác phẩm mang đậm văn hóa con người Tây Nguyên thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Nội dung của tác phẩm là những vấn đề lớn lao, mang nhiều ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Đó là hình ảnh của toàn dân tộc đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, những thế hệ anh hùng cứ tiếp nối nhau trên mảnh đất Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu gắn liền với các đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên này, nó là biểu tượng, là hình ảnh tượng trưng tràn đầy sức sống của những con người nơi đây.
Kết bài:
Rừng xà nu là tác phẩm thấm đẫm chất sử thi hùng tráng. Điều này thể hiện ngay từ chủ đề tác phẩm, đến nhân vật, giọng điệu. Thông qua tác phẩm “Rừng xà nu”, tác giả đã tái hiện một không khí hào hùng một thời chống Mỹ của buôn làng Xô Man nói riêng và cả dân tộc ta nói chung.
Có thể thấy điểm nổi bật của “Rừng xà nu” không chỉ là hình ảnh rừng xà nu mà còn ở tuyến nhân vật là những người anh hùng, kiên cường, bất khuất giữa Tây Nguyên đại ngàn. Rừng xà nu ta như đang hát một khúc ca chiến đầu hào sảng, được hòa mình vào khí thế đấu tranh của những người dân buôn làng Xô Man chân chất và anh dũng. Đồng thời, kết cấu của tác phẩm được xây dựng theo hình thức truyền lồng trong truyện thực đã mang lại sự hấp dẫn cho tác phẩm của Nguyễn Trung Thành.
-
Mở bài và kết bài mẫu số 2
Mở bài:
Mỗi nhà văn, dường như đều có một vùng quê sáng tác. Đối với Nguyên Ngọc, Tây Nguyên hùng vĩ núi non. Tây Nguyên bất khuất kiên cường với những người bộc trực kiên trung một lòng đi theo cách mạng chính là vùng đất mà ông gắn bó, trăn trở trong sáng tác của mình. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông bám trụ ở Tây Nguyên để rồi viết nên tiểu thuyết Đất nước đứng lên.
Những năm đánh Mĩ, Nguyên Ngọc lại trở về với vùng gian khổ này từ đầu những năm sáu mươi, ngay sau những ngày đồng khởi cách mạng miền Nam. Từ những trải nghiệm chân thực của mình trước sự bất khuất của người dân Tây Nguyên trong cách mạng, nhà văn dồn bút lực xuất sắc viết nên những trang truyện “Rừng xà nu”
Rừng xu nu chỉ là một truyện ngắn nhưng dung lượng hiện thực của nó là lớn lao. Đó là bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu anh hùng của đồng bào Tây Nguyên với sự trưởng thành của một thế hệ cách mạng mới, trẻ trung nhiệt tình, mưu trí và kiên cường.Kết bài:
Mỗi một con người trong Rừng xà nu lại có những tính cách và số phận khác nhau nhưng họ lại vô cùng đoàn kết, rất yêu thương nhau và cùng chung nhau mối thù giặc Mỹ.
Rừng xà nu được nhận xét là câu chuyện của một đời được kể trong một đêm. Cuộc đời ấy là cuộc đời của Tnú, một con người mà từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên đều cống hiến mình cho cách mạng, anh là đại diện cho dân làng, là sự tiếp nối, phát huy đầy bản lĩnh của thế hệ trước và là tấm gương sáng chói cho những thế hệ sau. Con người Tnú là đại diện cho những thế hệ anh hùng kiên cường dũng mãnh trong kháng chiến.
Câu chuyện của anh là đại diện cho một thế hệ trẻ mà đầy hoài bão ước mơ và sức sống, dám hết mình vì lý tưởng của cách mạng. Đó cũng chính là ý nghĩa sử thi mà các nhân vật, hay chính rừng xà nu mang lại. -
Mở bài và kết bài mẫu số 3
Mở bài:
Tây Nguyên, vùng núi rừng hùng vĩ, đầy bí ẩn mà thơ mộng với cánh chim Ling, chim Chơ rao rực rỡ sắc màu, với âm thanh trầm hùng ngân vang cưa đờn Gông, đàn Tơ Rưng đã đi vào “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc để làm nên cái không khí sử thi của tiểu thuyết thời chống Pháp. Đến thời chống Mỹ, mảnh đất cực Tây của Tổ quốc này lại một lần nữa khơi nguồn cảm hứng lãng mạn cho Nguyễn Trung Thành viết nên truyện ngắn “Rừng Xà nu” – một truyện ngắn xuất sắc của nền văn học hiện đại về đề tài chiến tranh Cách mạng, ra đời 1965.
Chỉ vài chục trang giấy mà tác giả đã làm sống lại cả một vùng đất khét nồng lửa cháy, với những con người của làng Xô Man dũng cảm hy sinh để thực hiện khát vọng tự do độc lập. Rừng Xà nu, nơi cư trú của làng Xô Man, đã trở thành nguồn cảm hứng đầy chất thơ và cũng là điểm tựa đề từ đó nhà văn khắc họa nên gương mặt những người anh hùng. Cây Xà nu đã tỏa bóng vào những trang văn, thành một hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh và làm nên một giọng điệu cho tác phẩm.
Kết bài:
Xuyên suốt câu chuyện là chất sử thi hùng tráng được thể hiện qua đề tài, chủ đề, nhân vật, giọng điệu của tác giả. “Rừng xà nu” đã tái hiện không khí hào hùng, sục sôi của cuộc đấu tranh chống đế quốc của dân làng Xô Man nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.
Hệ thống nhân vật cũng được khắc họa là những con người anh hùng, bất khuất xuất hiện trên nền không gian rộng lớn. Ngoài ra, tác giả còn sáng tạo hình tượng cây xà nu mang đậm tính biểu tượng cho những con người Tây Nguyên. Giọng văn ngợi ca hào hùng, khí thế như không khí cuộc chiến đấu chống kẻ thù.
Nhà văn xây dựng nên hai tuyến nhân vật mang tính đối lập giữa bọn thằng Dục tàn ác và những thế hệ anh hùng để làm nổi bật lên tinh thần, ý chí đấu tranh của dân làng. Kiểu kết cấu truyện lồng trong truyện đã mang lại sức hấp dẫn cho tác phẩm.
Bên cạnh câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man còn là câu chuyện về cuộc đời người anh hùng Tnú. Tất cả những yếu tố đó đã làm thiên truyện sống mãi trong lòng độc giả. Nhớ đến Tây Nguyên là chúng ta nhớ đến những cánh rừng xà nu bạt ngàn và các thế hệ anh hùng nối tiếp nhau chống giặc. -
Mở bài và kết bài mẫu số 4
Mở bài:
Nguyễn Trung Thành, một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam. Ông sáng tác trên nhiều mảng, truyện ngắn, kí,… ở mảng nào cũng có những tác phẩm xuất sắc. Nhắc đến ông ta không thể không nhắc đến truyện Rừng xà nu, một tác phẩm mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, in đậm dấu ấn phong cách của ông.
“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hi sinh” – nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết như thế. Cũng là cảm hứng về sự bất diệt, “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành trở thành một bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến kiên cường, bất khuất của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Nguyễn Trung Thành – nhà văn của đất và người Tây Nguyên trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến. Nếu trong thời kì kháng Pháp ông nổi tiếng với tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” thì “Rừng xà nu” chính là “hịch” thời chống Mĩ vẽ nên con đường mà nhân dân Tây Nguyên phải đi trong chiến tranh Cách mạng.Kết bài:
Sở dĩ Nguyễn Trung Thành dày công xây dựng nên hình tượng những người anh hùng làng Xô Man là bởi tác giả là một nhà văn cách mạng có nhận thức rất sâu sắc về tính chất toàn dân, toàn diện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thắng lợi của kháng chiến.
Mỗi gương mặt anh hùng đều mang những nét riêng về số phận, cá tính, lứa tuổi, giới tính nhưng nổi bật với những phẩm chất chung mang vẻ đẹp sử thi đó là sự gan góc, dũng cảm, mưu trí, lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc và sự căm thù giặc đến tột cùng. Họ đã trở thành những gương mặt điển hình đại diện cho cả vùng núi rừng Tây Nguyên vả cả Tổ quốc trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt. -
Mở bài và kết bài mẫu số 5
Mở bài:
Nguyễn Trung Thành là bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Truyện Rừng xà nu của ông viết vào năm 1965, là một truyện ngắn xuất sắc. Truyện kể về cuộc “đồng khởi” của dân làng Xô Man ở Tây Nguyên.
Cốt truyện của Rừng xà nu được tạo dựng trên hai câu chuyện đan cài chặt chẽ vào nhau : cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Điều đáng chú ý là tác giả đã xây dựng thành công một số hình tượng nhân vật đại diện cho các thế hệ dân làng Xô Man nối tiếp nhau trong cuộc chiến đấu chống quân thù : từ cụ Mết đến Tnú, Mai, đến Dit, Heng… Thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ kết tụ trong hình tượng rừng xà nú, cây xà nu với vẻ đẹp và sức sống tiêu biểu cho mảnh đất và con người nơi đây.
Kết bài:
Rừng xà nu mang tính sử thi Tây Nguyên đậm nét. Nghệ thuật xây dựng hình tượng đặc sắc, mỗi nhân vật có số phận và tính cách riêng, nhưng ở họ đều ngời sáng lòng yêu nước và dũng cảm. Lối kể chuyện hấp dẫn : tác giả sử dụng kết cấu truyện lồng trong chuyện: câu chuyện cuộc đời anh Tnú và chuyện của dân làng Xô Man. Ngôn ngữ trần thuật đậm chất Tây Nguyên, đem lại dấu ấn riêng cho tác phẩm.
Tác phẩm là bài ca ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ, anh hùng. Không chỉ vậy Rừng xà nu còn là khúc tráng ca ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất anh hùng, bất khuất của người dân Tây Nguyên. Kết hợp với ngôn ngữ và lối kể chuyện hấp dẫn đã góp phần tạo nên thành công của tác phẩm. -
Mở bài và kết bài mẫu số 6
Mở bài:
Trong thế giới nghệ thuật của mình mỗi nhà văn lại chọn cho mình một miền “đất nhớ”, đó là mảnh đất gắn bó, nơi lưu lại những cảm xúc yêu thương, tự hào. Nếu trong những trang văn của Hoàng Cầm mang đậm dấu ấn của mảnh đất Kinh Bắc, trong những sáng tác của Nguyễn Thi ẩn hiện hình ảnh của mảnh đất Nam Bộ anh hùng thì trong Tây Nguyên đại ngàn lại là không gian nghệ thuật đặc biệt trong trang văn của Nguyễn Trung Thành.
“Rừng xà nu” là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ về mảnh đất Tây Nguyên, là bản hùng ca mạnh mẽ, tự hào về tinh thần, ý chí của con người Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ. “Rừng xà nu” là truyện ngắn kết tinh tài năng, tấm lòng của Nguyễn Trung Thành với mảnh đất Tây Nguyên thương nhớ.
Kết bài:
Truyện ngắn “Rừng xà nu” với sự kết hợp giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về hình tượng cây xà nu và những con người “anh hùng dân tộc” của làng Xô Man trong thời chiến tranh chống Mỹ. Tô đậm truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất của dân tộc ta đồng thời cổ vũ và ca ngợi thế hệ con em noi gương cha anh tiếp bước gìn giữ non sông.Trong mối quan hệ ứng chiếu hai chiều, hình ảnh rừng xà nu và con người Xô Man như hòa nhập để phản ánh, biểu hiện lẫn nhau để rồi cùng làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Nguyên trong kháng chiến: khi sống thì yêu thương đoàn kết, khi đấu tranh thì kiên cường, bất khuất.
Rừng xà nu là chuyện của con người nhưng qua đó ta thấy số phận của một dân tộc. Từ câu chuyện của Tnú và của làng Xô Man, tác già nói tới sự trưởng thành của cách mạng miền Nam trong những ngày trước và sau đồng khởi. Đọc Rừng xà nu hôm nay, vẫn thấy âm vang cái hào hùng của một thời chống Mĩ, một thời có những con người đẹp như cụ Mết, như Tnú, như Dít, như Mai.
-
Mở bài và kết bài mẫu số 7
Mở bài:
“Rừng xà nu” là một trong những tác phẩm để lại ấn tượng về dấu ấn cá nhân nhất trong phong cách viết văn của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Bên cạnh đó,”Rừng xà nu” còn là một tác phẩm có vị trí quan trọng trong văn học kháng chiến chống Mỹ. Đó là một bài hịch đanh thép hùng hồn cổ vũ mọi người đứng lên chiến đấu giành độc lập.
Tác phẩm là truyện về cuộc “đồng khởi” của làng Xô Man ở Tây Nguyên, cũng là câu chuyện bi tráng về cuộc đời của Tnú. Hai câu chuyện ấy lồng vào nhau mà truyện về Tnú diễn ra trên nền cảnh lịch sử là cuộc “đồng khởi” của làng.Kết bài:
Truyện ngắn “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành là một truyện ngắn vô cùng thành công viết về đề tài những người dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Hình ảnh những cây xà nu anh dũng hiên ngang tựa như những người dân làng Xô Man bất khuất trung hậu, quả cảm.
Từ hình ảnh đồi xà nu đến rừng xà nu thể hiện một sức sống bất tử kỳ diệu của cây rừng Tây Nguyên, thông qua đó nhà văn Nguyễn Trung Thành đã gợi tả cái sức sống mãnh liệt, bất tử của cong người Tây Nguyên nói chung và con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đằng đẵng 30 năm trời của nhân dân ta.
Ở trong tác phẩm cây xà nu được miêu tả với giọng điệu trang trọng hào hùng và ngợi ca, nhà văn đã cho chúng ta một phân cảnh đẹp, một phân cảnh vô cùng hào hùng để mở đầu cho một tác phẩm mang đậm tính sử thi với những nhân vật mang vẻ đẹp của thời đại. -
Mở bài và kết bài mẫu số 8
Mở bài:
Nguyễn Trung Thành, hay Nguyên Ngọc là một trong những cây bút xuất sắc trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy ác liệt của dân tộc. Trong khi bạn thân của ông là nhà văn Nguyễn Thi gắn bó với mảnh đất Nam Bộ chất phác, thật thà, thì Nguyễn Trung Thành lại dành nhiều tình cảm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, với những người con dân tộc Tây Nguyên anh hùng mang vẻ đẹp sử thi, hào hùng trong kháng chiến, với khu rừng xà nu bạt ngàn, kiên cường trước tầm đại bác của địch.
Suốt những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, gắn bó sâu nặng với con người và mảnh đất nơi đây, đã để lại trong những trang văn của Nguyên Ngọc một chất Tây Nguyên thấm đẫm trong từng câu chữ, từng nhân vật. Từ đó tạo ra những tác phẩm xuất sắc, có đóng góp to lớn vào nền văn học kháng chiến chống Mỹ với khuynh hướng sử thi, lãng mạn. Tiêu biểu nhất cho cảm hứng Tây Nguyên có lẽ phải kể đến Rừng xà nu, tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trung Thành.
Truyện ngắn Rừng xà nu được tác giả sáng tác vào khoảng giữa năm 1965, khi cuộc đối đầu giữa nhân dân miền Nam với bè lũ Mĩ – ngụy đã bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Sự khắc nghiệt của chiến tranh như thứ lửa thử vàng để thử phẩm chất của con người Tây Nguyên. Càng khó khăn, càng gian khổ họ càng kiên cường, bất khuất.
Kết bài:
Nguyễn Trung Thành đã dựng lên những trang truyện Rừng xà nu mang đậm tính sử thi bởi nó được viết lên trong khung cảnh hào hùng khi đất nước đang cùng nhau đứng lên chống lại giặc Mỹ, bởi nó đã dựng lên một hình tượng người anh hùng cao lớn, mang tầm vóc của cả quê hương. Không chỉ thế, ông còn làm không khí cũng như khung cảnh trong truyện trở lên hào hùng, trang trọng biết bao
Rừng xà nu đã tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong kháng chiến chống lại quân thù. Tác giả Nguyễn Trung Thành đã rất thành công khi dựng lên những hình tượng người anh hùng, cũng như thiên nhiên thật lớn lao, hùng vĩ, mang đậm cảm hứng sử thi anh hùng của núi rừng Tây Nguyên . Có thể nói tác phẩm này là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của khuynh hướng sử thi trong giai đoạn 1945- 1975. -
Mở bài và kết bài mẫu số 9
Mở bài:
Nguyễn Trung Thành là nhà văn có sở trường viết về Tây Nguyên, vùng đất rất quen thuộc đối với ông từ những ngày viết Đất nước đứng lên thời chống Pháp. Nay trở lại vùng đất ấy để viết về những con người Tây Nguyên chống Mĩ, tác giả đã gặp lại cái màu xanh bạt ngàn của những rừng xà nu chạy dài đến chân trời.
Tôi yêu say mê cây rừng xà nu từ ngày đó, ông đã kể lại như vậy. Cho nên cây xà nu trở thành ấn tượng mạnh mẽ và gợi cảm hứng sáng tác cho ông; không những thế, đã gợi tả cốt truyện và bố cục: “Bắt đầu đến dưới ngòi bút, gần như không hề tính trước, là một khu rừng xà nu, những cây xà nu”. (Nguyên Ngọc – về một truyện ngắn – Rừng xà nu).
Như vậy, từ một ấn tượng mạnh gợi cảm hứng ban đầu, tên truyện Rừng xà nu đã mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Nguyễn Trung Thành đã miêu tả xây xà nu như thế và ta hiểu vì sao ông đã chọn cây xà nu, rừng xà nu làm biểu tượng cho nhân dân Tây Nguyên chống Mĩ trong truyện ngắn Rừng xà nu (1965).Kết bài:
Rừng xà nu là câu chuyện về cả một tập thể những con người anh hùng, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia của núi rừng Tây Nguyên. Họ bộc lộ sự gan dạ, bộc lộ những phẩm chất anh hùng của mình như gan dạ, dũng cảm và hơn thế là tình yêu quê hương, yêu gia đình, Tổ quốc. Hình tượng rừng xà nu “nối tiếp nhau đến hút tận chân trời” cũng là nói về những con người nơi đây, thế hệ này kế cận thế hệ kia vươn lên mạnh mẽ. Họ là những thân xà nu hừng hực sức sống mãnh liệt, yêu tự do, sẵn sàng vươn lên dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù bom rơi đạn nổ ra sao.
Rừng xà nu là tác phẩm đánh dấu sự thành công của tác giả Nguyễn Trung Thanh. Ông đã xây dựng hình ảnh của cả một bản làng người dân tộc thiểu số cùng nhau đứng lên chống giặc với một cảm hứng sử thi bát ngát. Cùng với những biện pháp phóng đại, so sánh, liệt kê, ẩn dụ, ông đã thành công dựng lên hình tượng cây xà nu biểu tượng cho con người Tây Nguyên gan dạ, dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giọng văn hùng tráng, mang âm hưởng sử thi, ngôn tự giản dị, mộc mạc chính là những điều làm nên sự thành công cho tác phẩm Rừng xà nu.
Tác phẩm khép lại nhưng trong lòng chúng ta vẫn vang vọng mãi giai điệu tự hào. Tự hào về những con người Việt Nam gan dạ, kiên trung trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, yêu hơn quê hương, Tổ quốc của mình. Và một phần trong đó là sự biết ơn những thế hệ đi trước đã dũng cảm hy sinh máu xương để chúng ta có được nền độc lập hôm nay. -
Mở bài và kết bài mẫu số 10
Mở bài:
Nguyễn Trung Thành còn có bút danh khác là nhà văn Nguyên Ngọc ông viết truyện ngắn “Rừng xà nu” sau những ngày đi tìm kiếm thực tế sáng tác tại núi rừng Tây Nguyên hoang sơ. Truyện ngắn “Rừng xà nu” nhằm ca ngợi những người dân Tây Nguyên kiên cường, trung thành, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.
“Rừng xà nu” là một truyện ngắn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn, tình cảm và lòng yêu nước vô cùng to lớn của những người dân vùng núi đại ngàn. Tác phẩm chính là một bản hùng ca bi tráng mang đậm tính sử thi viết về những người dân Tây Nguyên gan dạ, mưu trí, yêu nước hơn yêu cả mạng sống của mình. Nhờ có tinh thần bất khuất kiên cường đó mà toàn dân ta mới chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống lại hai kẻ thù xâm lược vô cùng lớn mạnh.Kết bài:
Nếu như nhà thơ Thu Bồn lấy cánh chim chơ-rao, một nhà thơ khuyết danh đã lấy cây kơ-nia làm biểu tượng cho lòng dân và sức mạnh quật khởi của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ thì nhà văn Nguyễn Trung Thành đã thành công khắc hoạ vẻ đẹp tráng lệ của rừng xà nu để nói lên khí phách anh hùng của dân làng Xô Man, của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam.
Hơi hướng Tây Nguyên, màu sắc thần kì, không khí thiêng liêng, phong vị những sinh hoạt truyền thống của núi rừng và con người Tây Nguyên được thể hiện một cách hào hùng qua hình tượng rừng xà nu vậy. Truyện “Rừng xà nu” là một thành công lớn tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam viết về đề tài chiến tranh. Cảnh vật và con người được chiếu sáng dưới ngọn lửa thiêng liêng thần kì. Nó đã giúp người đọc sống lại một thời kì lịch sử vô cùng đau thương và oanh liệt của dân tộc.