Top 6 Bài văn phân tích nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết "Bánh chưng, bánh giầy" hay nhất
Có ý kiến cho rằng, chính những thế lực siêu nhiên là yếu tố quyết định giúp cho nhân vật trong các truyện dân gian đến được với kết thúc có hậu. Tuy nhiên, ý ... xem thêm...kiến trên đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng, đó chính là bản thân các nhân vật đó. Chính sự nỗ lực, tài năng của nhân vật mới là yếu tố quyết định để nhân vật có được hạnh phúc cuối cùng. Nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết “Bánh chưng bánh giầy” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều đó.
-
Trong các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian, thường có sự xuất hiện của những yếu tố kì ảo với vai trò giúp đỡ cho nhân vật chính diện vượt qua những khó khăn, thử thách để tìm được hạnh phúc. Đó có thể một ông Bụt, bà tiên, một vị thần,… sẽ hiện lên và giúp đỡ nhân vật, đồng thời trừng trị những kẻ xấu xa tàn ác,… Chính vì thế mà có ý kiến cho rằng, chính những thế lực siêu nhiên này là yếu tố quyết định giúp cho nhân vật trong các truyện dân gian đến được với kết thúc có hậu. Tuy nhiên, ý kiến trên đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng, đó chính là bản thân các nhân vật đó. Chính sự nỗ lực, tài năng của nhân vật mới là yếu tố quyết định để nhân vật có được hạnh phúc cuối cùng. Nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết “Bánh chưng bánh giầy” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều đó.
Lang Liêu là chàng hoàng tử thứ mười tám – con vua Hùng Vương thứ sáu. Thường khi nghĩ về một hoàng tử, chúng ta sẽ thường tưởng tượng ra một người được sống sung sướng trong lâu đài, cung điện, nhưng Lang Liêu thì khác. Chàng sống ở ngoài cung điện, quanh năm làm bạn với ruộng đồng. Chàng luôn cần cù, chịu khó, say mê lao động. So với các lang khác được sống xa hoa, dư dả, Lang Liêu chỉ là một chàng hoàng tử nghèo. Khắp nhà chàng cũng chỉ có lúa, ngô, khoai, sắn. Rồi một ngày kia, Hùng Vương đã già và muốn truyền ngôi cho một người con xứng đáng.
Trong số 20 người con trai của mình, Hùng Vương không biết nên truyền ngôi cho ai. Vua bèn cho gọi các Lang lại và đưa ra điều kiện: “Trong ngày lễ Tiên Vương, nấu ai làm ta hài lòng thì ta sẽ truyền ngôi cho người đó”. Các lang ai ai cũng muốn ngôi báu thuộc về mình nên sai người lên rừng xuống biển để tìm những của ngon vật lạ, mong làm vừa ý vua cha trong ngày lễ Tiên vương. Vốn chỉ là một chàng hoàng tử nghèo, Lang Liêu rất buồn vì chàng không thể tìm những của ngon vật lạ hiếm quý đó.
Rồi một đêm, Lang Liêu nằm mơ và được thần mách bảo: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thì mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương”. Ở đây, Lang Liêu được thần giúp đỡ vì chàng là hoàng tử chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhưng lý do chính khiến thần giúp đỡ Lang Liêu là bởi chàng yêu lao động, quanh năm làm bạn với ruộng đồng. Chính vì thế, Lang Liêu là người quen thuộc và gần gũi nhất với hạt gạo – thứ quý giá không gì sánh được trong tự nhiên.
Hơn nữa, Lang Liêu còn là chàng hoàng tử chăm chỉ, thông minh. Chỉ từ một lời mách bảo của thần, chàng đã nghĩ ra cách làm hai thứ bánh: “Chàng chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ. Cũng thứ gạo ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn, nặn hình tròn”. Hai thứ bánh của Lang Liêu được làm từ những nguyên liệu tự nhiên: gạo, thịt lợn, đậu xanh, lá dong,… – đó đều là những thành quả có được từ lao động nông nghiệp. Đúng như nhận xét của vua Hùng, những chiếc bánh của Lang Liêu tuy giản dị nhưng lại hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp: “Bánh hình tròn là tượng trưng cho Trời, còn bánh hình vuông là tượng Đất.
Các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài. Lá bọc ngoài mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau”. Bánh chưng và bánh giầy không chỉ thể hiện ý nghĩa Trời – Đất giao hoà, mà còn nhắc nhở về sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Tinh thần đoàn kết đó giúp cho con người và vạn vật trong tự nhiên luôn giao hoà, tương trợ để cuộc sống trở nên cân bằng. Chính vì vậy mà Lang Liêu hoàn toàn xứng đáng được vua Hùng chọn làm người nối ngôi. Lang Liêu đã giành được ngôi báu một phần nhờ sự giúp đỡ của thần, song ngôi báu mà chàng giành được chủ yếu là nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó và sự thông minh, tháo vát của con người yêu lao động, gắn bó với ruộng đồng.
Như vậy, hình tượng nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy” đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng em bởi phẩm chất yêu lao động, cần cù, thông minh, tháo vát. Em tự hứa với bản thân sẽ luôn cố gắng chăm chỉ trong lao động và học tập, để tương lai có thể trở thành một người tài giỏi như Lang Liêu.
-
Truyền thuyết là thể loại văn học dân gian khá phổ biến trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam ta với nhiều truyền kỳ quen thuộc như Thánh Gióng, Con Rồng cháu Tiên, Sơn Tinh, Thủy Tinh,... Nội dung thường xen lẫn các yếu tố kỳ ảo, hoang đường nhằm thần thánh hóa nhân vật, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm. Nhân vật trong truyền thuyết chính thường theo mô típ kinh điển là người có tấm lòng nhân hậu, tài năng, hay phải gặp khó khăn nhưng may mắn được thần phật giúp đỡ, cuối cùng nhận được cái kết có hậu. Nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết Bánh chưng bánh giày chính là điển hình cho kiểu nhân vật này.
Lang Liêu may mắn sinh ra trong gia đình đế vương, thế nhưng chàng không như những hoàng tử khác có cuộc sống nhung lụa, kim chi ngọc thực, trái lại vì mẹ bị thất sủng, lại mất sớm thế nên chàng bị vua cha ghẻ lạnh, không đoái hoài tới. Cuộc sống của chàng quanh năm gắn liền với ruộng nương, chính điều đó đã tạo điều kiện cho chàng có cuộc sống gần gũi và thấu hiểu những nỗi vất vả của nhân dân trong lao động. Ở Lang Liêu ta thấy hiện lên nhiều phẩm chất cao quý, trước hết đó là đức tính giản dị, cần cù, siêng năng, dùng chính sức lao động để nuôi sống bản thân. Thêm vào đó nhờ chịu khó và có đôi bàn tay khéo léo Lang Liêu cũng tạo ra được nhiều nông sản, và rất quý trọng thành quả lao động mình làm ra, nhà chàng chất đầy những khoai và sắn, có thể đó là tầm thường với tầng lớp quý tộc nhưng lại là niềm hạnh phúc, tự hào của những người nông dân chân chất. Lang Liêu còn là người hết mực tôn kính phụ mẫu và tổ tiên, dù có bị vua cha ghẻ lạnh, thế nhưng khi cha ban lệnh làm cỗ cúng thì chàng vẫn một mực nghe theo, điều đó đã thể hiện trái tim nhân hậu và bao dung của chàng hoàng tử út. Đồng thời đối với tổ tiên Lang Liêu cũng hết lòng tôn kính, chàng từng phải đau đầu suy nghĩ không biết nên làm cỗ như thế nào cho chu đáo để dâng lên tổ tiên. Trong suy nghĩ của vị hoàng tử thật thà, chàng chỉ mong sao có thể chuẩn bị được mâm cỗ tươm tất, đủ đầy nhất để bày tỏ lòng thành kính, nhưng điều ấy khiến chàng buồn bã và trăn trở nhiều đêm khi thấy trong nhà chỉ có khoai sắn tầm thường, chẳng xứng đưa lên bàn thờ gia tiên.
Người tốt thì thường được ông trời phù hộ, giúp đỡ, trong giấc mơ có một tiên ông chỉ điểm cho Lang Liêu dùng chính những sản phẩm mà chàng làm ra để chế tạo nên các loại bánh đưa vào mâm cỗ cúng. Sự giúp đỡ của tiên ông chỉ là một gợi ý nhỏ, ông đã cho nguyên liệu, cái khó là phải làm sao phối hợp và biến chúng thành mỹ vị. Điều này quả thực là một bài toán, một câu đố mà Lang Liêu chính là người phải tìm lời giải. Thế nhưng bằng trí thông minh, sự sáng tạo, cần cù Lang Liêu đã tạo ra hai loại bánh thơm ngon, là sự hòa quyện của hương vị trong trời đất lại mang nhiều ý nghĩa khiến vua Hùng rất hài lòng và quyết định nhường ngôi cho Lang Liêu.
Kết lại câu chuyện, nhìn nhận nhân vật Lang Liêu ta thấy rằng chàng là người hội tụ đủ mọi phẩm chất để trở thành bậc minh quân, tài, chí, đức đều vẹn toàn, chàng lại còn là người sống giữa cái nôi của nhân dân, cùng tham gia lao động sản xuất, chịu mọi cực khổ, hơn ai hết chàng chính là người hiểu rõ nhất tập quán canh tác, lao động của dân tộc. Tự chung lại, Lang Liêu chính là vị minh quân bước ra từ khó khăn đời thường, hoàn toàn thấu hiểu nhân tình thế thái. Truyền thuyết vừa giải thích sự ra đời của bánh chưng, bánh giày, vừa là bài học có giá trị nhân văn sâu sắc về các đức tính tốt đẹp của con người, về tinh thần vượt khó hướng thiện, người tốt tất sẽ được nhận trái ngọt.
-
Trong truyện cổ dân gian, sự xuất hiện của Thần, Tiên, Bụt, Phật … đã tạo nên yếu tố hoang đường, yếu tố kì diệu. Những nhân vật siêu nhiên ấy nhằm giúp đỡ, độ trì người nghèo, bênh vực kẻ yếu, ban phép lạ cho người tốt, trừng phạt bọn xấu xa, gian ác trong cuộc đời. Truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy cũng có nhân vật Thần. Thần xuất hiện trong giấc mộng, mách bảo cho Lang Liêu mới được nối ngôi Vua “tuy đúng, nhưng chưa thật đầy đủ. Chưa thật đầy đủ ở điểm nào? Vì ý kiến ấy chưa đề cập đến yếu tố con người, van trò con người. Đó là Lang Liêu.
Lang Liêu là một ông hoàng “chỉ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai …”. Đó là một ông hoàng giàu nhân đức, rất cần cù, sống gần dân, biết trọng nghề nông là nghề căn bản của dân tộc. Anh mồ côi mẹ, là một ông hoàng bị “lép vế” trong hoàng tộc nên mới được Thần hiến kế và độ trì. Việc Lang Liêu gặp Thần trong giấc mộng có ý nghĩa là Lang Liêu được lòng dân, bởi lẽ “thần bảo như dân bảo”.
Lang Liêu là một con người rất sáng tạo. Thần chỉ nói về giá trị của gạo, và mách bảo Lang Liêu nên lấy gạo để làm bánh, chứ không chỉ về cách thức cụ thể làm bánh ra sao. Thế nhưng Lang Liêu đã biết lấy gạo nếp đem vo sạch, lấy đõ xanh và thịt lợn làm nhân, lấy lá dong gói thành bánh hình vuông đem nấu chín; biết đồ gạo nếp, giã nhuyễn, nặn thành hình tròn. Lang Liêu đã sử dụng nguyên liệu sẵn có của nhà nông, của quê hương xú sở, sáng tạo thành hai thứ bánh rất ngon. Anh rất xứng đáng nhận mọi phân thưởng cao quý.
Bánh của Lang Liêu sáng tạo nên không chỉ ngon mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa, tốt đẹp. Bánh giầy tượng trung cho Trời, bánh chưng tượng trưng cho Đất. Thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài. Có thể nói đó là sự hòa hợp giữa con người với đất trời, thiên nhiên tạo vật. Lá dong bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau. Vua Hùng qua chiếc bánh chưng xanh gói bằng lá dong mà nêu cao bài học thương yêu đoàn kết. Nhà vua ngẫm nhắc các hoàng tử và quân thần bài học giữ nước. Bánh chưng, bánh giầy với biểu tượng cao quý ấy đã thể hiện cái tâm cái tài, nhất là lòng trung hiếu của Lang Liêu. Lang Liêu đã làm vừa ý vua cha, xứng đáng được vua Hùng truyền ngôi báu, có Tiên vương chứng giám.
Truyền thuyết này đã giải thích nguồn gốc và tính nhân văn của bánh chưng, bánh giầy. Truyện bộc lộ niềm tự hào về một nét đẹp truyền thống của đất nước ta với hương vị Tết cổ truyền rất đậm đà. Và đó chính là bản sắc tốt đẹp của nền văn hóa, nền văn hóa Việt Nam. Sâu xa hơn nữa, truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy còn thể hiện ý thức lấy nước, lấy dân làm gốc, coi trọng nghề nông, quý hạt gạo, biết ơn tổ tiên, kính Trời Đất với tất cả tấm lòng hồn hậu, chân thành của con người Việt Nam chúng ta.
-
Trong kho tàng văn học truyện cổ dân gian Việt Nam ta thời xưa, có rất nhiều câu chuyện cổ tích, truyện truyền thuyết, thần thoại vô cùng hấp dẫn. Nó lý giải nguồn gốc xuất xứ của dân tộc ta, rồi dạy chúng ta biết sống lương thiện, vì trong cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, thì cái ác sẽ luôn bị thất bại.
Bởi trong thế giới cổ tích, thần thoại, truyền thuyết những con người tốt ăn ở hiền lành, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống thường được thế giới siêu nhiên một thế lực vô hình nào đó giúp đỡ hoàn thành được ước mơ tâm nguyện của mình. Còn những kẻ độc ác nham hiểm thì sẽ bị trời quả báo chịu số phận bi đát, hoặc thiệt mạng. Một sự trả giá xứng đáng với những tội ác mà họ gây ra.
Trong truyện truyền thuyết về sự tích "Bánh chưng, bánh giầy". Nhân vật Lang Liêu là một vị hoàng tử đại diện cho người nông dân nghèo khổ bất hạnh, bởi anh ấy mồ côi mẹ sớm. Còn nhà vua thì lại có nhiều vợ, có nhiều con trai cho nên việc quan tâm chăm sóc riêng một người con nào đó là việc không thể.
Nhân vật Lang Liêu thường gắn bó cuộc sống của mình với cánh đồng, ruộng nương, thiên nhiên. Nói theo một cách khác nhân vật này chính là hiện thân của người nông dân nghèo khổ, vất vả lam lũ. Lang Liêu là người chăm chỉ suốt ngày làm việc hết trồng lúa, trồng khoai, ngô lạc… Đó là một người có lòng nhân hậu, chăm chỉ, cần cù sống tự lập gần gũi với người nông dâ, biết trân trọng những gì mà mình làm ra từ chính sức lao động của mình. Chứ không âm mưu thâm hiểm, suốt ngày chơi bời lêu lổng, và hống hách bắt nạt quần chúng, những kẻ dưới mình. Do Lang Liêu sớm mồ côi mẹ, nên anh bị những anh chị em cùng cha khác mẹ trong hoàng cung coi thường, Nhưng cũng nhờ đó mà Lang Liêu trở thành người con dũng cảm, chăm chỉ lao động, không ỉ lại vào gia thế là hoàng tử của mình.
Năm đó, nhà vua đã già ông muốn truyền lại ngai vàng cho người con trai nào xứng đáng nhất. Chính vì vậy, ông gọi tất cả con trai tới và nói "Ta muốn truyền lại ngai vàng của mình cho người nào tìm được món lễ vật làm ta ưng ý trong dịp sinh nhật sắp tới của ta". Lang Liêu là người làm nông những gì anh có chỉ là lúa gạo hoa màu, những thứ rất bình thường, lấy đâu ra những bảo vật quý hiếm để vua cha vui lòng. Trong khi những vị hoàng tử khác đã tìm kiếm cho mình rất nhiều báu vật quý hiếm để dâng lên vua cha, toàn những món có một không hai trên đời.
Lang Liêu suy nghĩ rất nhiều và không biết nên làm gì, những người tốt thường được thần giúp đỡ một hôm Lang Liêu ngủ mơ thấy một vị thần bảo anh hãy làm hai loại bánh từ những lúa gạo mà anh đang có. Một chiếc bánh hình vuông, một chiếc bánh hình tròn tượng trưng cho đất trời.
Tỉnh dậy Lang Liêu ngạc nhiên lắm, nhưng anh nghĩ đúng nên quyết định làm theo như lời vị thần nói trong giấc mơ, lấy những nguyên liệu lúa gạo ngon nhất của mình, rồi đem nấu thành một loại bánh được làm từ gạo nếp, bên trong có nhân đỗ và thịt lợn, loại bánh này có hình vuông, ở giữa có lớp thịt và đỗ xanh. Sau đó buộc chặt lại gói bằng lá rong, đem nấu chín. Loại bánh này có mùi vị thơm ngon béo ngậy, tượng trưng cho trái đất, gọi là bánh chưng. Một loại bánh khác Lang Liêu đem gạo nếp nấu thành xôi rồi giã nhuyễn nhân ở giữa tạo hình bánh tròn tượng trưng cho mặt trời gọi là "bánh giầy"
Hai loại bánh của Lang Liêu làm không chỉ ngon mà tượng trưng cho ý nghĩa sâu xa của đất nước tượng trưng cho Trời tròn, Đất vuông. Trời- Đất một cặp giao hòa, thống nhất.
Ngày sinh nhật Vua Hùng đã tới Lang Liêu mang hai loại bánh này dâng lên vua cha và được nhà vua hết sức khen thưởng, các quan lại trong triều cũng ngạc nhiên vì loại bánh mới này. Sau đó, Lang Liêu được kế thừa ngai vàng, trở thành nhà vua mới.
Hai loại bánh chưng và bánh giày trở thành một món ăn quen thuộc trong những ngày lễ tết hoặc giỗ chạp đình đám của nước ta. Nó trở thành món ăn truyền thống gắn liền với quê hương Việt Nam chúng ta.
Thông qua nhân vật Lang Liêu người xưa muốn ca ngợi người nông dân chăm chỉ làm ăn, cần cù chịu khó sáng tạo thì sẽ có thành quả tốt đẹp. Đồng thời truyền thuyết nhằm giải thích về sự tích sự ra đời của bánh chưng bánh giày ở nước ta do đâu mà có.
-
Trong truyện Bánh Chưng, bánh Giầy, có một nhân vật tên là Lang Liêu. Chàng là con trai thứ 18 của vua Hùng. Lúc đó, vua đã tuổi già sức yếu, bèn tìm một trong 20 người con trai của mình để nối ngôi, không nhất thiết phải là con trưởng. Biết tin đã tới ngày vua cha truyền ngôi, các lang liền lên rừng, xuống biển để tìm những của ngon vật lạ lên dâng vua cha, cùng với hi vọng mình sẽ là người nối ngôi cha. Chỉ có mỗi Lang Liêu, chàng rất thông minh, chăm chỉ nhưng mỗi tội nhà mình nghèo, không bằng như các anh em của mình. Mẹ cậu mất sớm, nhà thì chỉ có mỗi cánh đồng lúa với một bầy lợn. Trong một đêm chàng suy nghĩ nhiều đến mức thiếp đi thì trong giấc mơ chàng gặp được một vị thần. Thần chỉ cho chàng những thứ có thể dâng cho vua cha. Khi tỉnh dậy, chàng mừng rỡ, bèn lấy những hạt gạo nếp thơm ngon nhất giã thành hình tròn, một số chàng lấy giã thành hình vuông, có nhân đậu xanh và thịt lợn. Tới lễ Tiên Vương, biết bao nhiêu của ngon vật lạ được dâng lên vua cha, nhưng không ưng ý. Cho đến khi tới lượt Lang Liêu, vua bắt đầu ngạc nhiên vì chồng bánh Lang Liêu làm, bèn hỏi, cậu liền kể hết mọi chuyền của mình cho vua nghe. Vua thấy hợp lí, bèn dâng cho tổ tiên, rồi mời các quần thần cùng ăn, ai cũng khen ngon. Thấy thế nên vua đặt cho bánh có hình tròn tượng trưng cho trời, bánh hình vuông tượng trưng cho đất nên vua đặt hai thứ bánh tên là Bánh Chưng và Bánh Giầy. Kể từ đó, cứ mỗi lần đến Tết thì nhà nhà đều dâng cho ông bà tổ tiên những chiếc bánh ấy. Thiếu hay loại bánh này là thiêu luôn hương vị ngày Tết.
-
Trong văn hóa dân gian, truyền thuyết thường là một phần quan trọng, thể hiện sự kỳ bí, huyền bí của đời sống tinh thần Việt Nam với những câu chuyện như Thánh Gióng, Con Rồng cháu Tiên, Sơn Tinh, Thủy Tinh,... Nó không chỉ là sự kết hợp giữa thực và ảo mà còn là sự thần thánh hóa nhân vật, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm. Lang Liêu, nhân vật trong truyền thuyết Bánh chưng bánh giày, là một minh họa sống của loại nhân vật này.
Lang Liêu, mặc dù sinh ra trong gia đình vương giả, nhưng không có cuộc sống giàu sang như các hoàng tử khác. Vì mẹ bị thất sủng và chết sớm, chàng bị cha ghẻ lạnh lùng và không được quan tâm. Qua cuộc sống gắn liền với ruộng nương, Lang Liêu hiểu rõ nỗi vất vả của nhân dân lao động. Chàng có phẩm chất giản dị, cần cù, siêng năng, sử dụng sức lao động để nuôi sống bản thân. Mặc dù chỉ có khoai sắn nhưng nhờ tài năng và cần cù, Lang Liêu đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp quý giá.
Lang Liêu là người biết tôn trọng phụ mẫu và tổ tiên, mặc dù bị cha ghẻ lạnh lùng. Khi cha ban lệnh làm cỗ cúng, chàng vẫn nghe theo, thể hiện lòng hiếu thảo. Trong tâm trí chàng, việc chuẩn bị mâm cỗ là cách tốt nhất để bày tỏ lòng thành kính. Mặc dù chỉ có khoai sắn, nhưng Lang Liêu đã tỏ ra quan tâm và tự trách nhiệm khi thấy không đủ đẹp để dâng lên bàn thờ gia tiên.
Lang Liêu được ông trời phù hộ, nhận được sự giúp đỡ của một tiên ông trong giấc mơ. Sự giúp đỡ này chỉ là gợi ý nhỏ, để chàng tự tìm ra giải pháp. Qua sự sáng tạo và cần cù, Lang Liêu đã tạo ra hai loại bánh thơm ngon, đại diện cho sự giao hòa giữa trời đất và mang nhiều ý nghĩa. Vua Hùng rất hài lòng và quyết định nhường ngôi cho Lang Liêu.
Tóm lại, Lang Liêu là minh chứng cho những phẩm chất cần có của một con người xuất sắc, với tài năng, lòng nhân hậu và sự hiểu biết sâu sắc về đời sống nhân dân. Truyền thuyết Bánh chưng bánh giày không chỉ giải thích nguồn gốc của bánh mà còn là bài học nhân văn về lòng nhân ái, sự vượt khó hướng thiện, nơi người tốt luôn nhận được phần thưởng xứng đáng.