Top 7 Cảnh đẹp không thể bỏ qua khi đến đảo ngọc Phú Quý - Bình Thuận
Phú Quý là một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi, cách thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận 120km. Điều gây ấn tượng ở Phú Quý chính là nét hoang sơ, tinh nguyên, ... xem thêm...chưa hề có sự tàn phá của du lịch. Nếu có dịp ghé qua nơi đây, ắt hẳn không ai là không ngất ngây với không khí trong lành, phong cảnh đẹp như tranh vẽ của nơi đây. Hãy cùng theo chân Toplist để khám phá những địa điểm của đảo ngọc Phú Quý nhé!
-
Vịnh Triều Dương
Thuộc xã Tam Thanh, huyện Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận, với chiều dài bờ biển khoảng 2km, vịnh Triều Dương là nơi có bãi biển đẹp, cát trắng mịn với nước biển trong xanh, êm đềm. Chập chùng xa xa là hàng dương xanh ngát rì rào hòa quyện với tiếng sóng vỗ bờ tạo nên âm thanh dập dìu, thơ mộng làm say lòng bao du khách dừng chân nơi đây. Không gian yên tĩnh, khí hậu trong lành, mát mẻ cùng những rặng dừa xanh trĩu quả, ngọt nước là minh chứng về một hình ảnh đẹp và yên bình của huyện đảo Phú Quý.
Buổi chiều ở Vịnh Triều Dương là khoảng thời gian thích hợp nhất để bạn đắm mình trong làn nước biển xanh trong mát lạnh, những con sóng vỗ nhẹ tạo cảm giác thư giãn thích thú và dễ chịu. Bãi cát trắng trải dài lấp lánh dưới ánh nắng dịu nhẹ cùng làn gió mang vị mặn của biển khiến người ta cảm thấy tâm hồn tươi mát và thoải mái hơn, đặc biệt mỗi khi hoàng hôn xuống hình ảnh thấp thoáng của làng chài Phú Quý được phác họa nên một bức tranh thật đẹp của cuộc sống thanh bình nơi đây.
Đến với Phú Quý sẽ giúp du khách phương xa được khám phá và cùng trải nghiệm cuốc sống yên bình của người dân hải đảo, cùng giăng lưới thả câu, cùng kéo lưới lên để gỡ những con cá, con mực tươi roi rói còn giãy đành đạch trong lòng bàn tay.
Vịnh Triều Dương còn là nơi hội tụ, vui chơi của người dân trên đảo vào những dịp lễ, tết…Là một hòn đảo còn hoang sơ được thiên nhiên ưu ái khí hậu mát mẻ quanh năm và có nhiều bãi tắm đẹp, với kế hoạch phát triển du lịch của địa phương đã được tỉnh phê duyệt, trong tương lai không xa chắc chắn huyện Đảo Phú Qúy sẽ là điểm thăm quan, nghỉ dưỡng của nhiều du khách phương xa.
-
Hòn Tranh
Hòn Tranh, một hòn đảo nhỏ nằm giữa bốn bề sóng vỗ, cách đảo lớn (Phú Quý) khoảng 15 phút đi xuồng máy. Hòn Tranh nổi lên như một niềm kiêu hãnh giữa đại dương bao la ngập sóng. Gọi là hòn Tranh, vì lúc xưa nơi đây mọc nhiều cỏ tranh, người dân từ hòn lớn qua hòn Tranh làm rẫy, cắt cỏ tranh về lợp mái nhà. Theo những người cao tuổi ở đảo kể lại: “trước đây, hàng năm vào mùa gió Bấc, hải vật thường tấp vào bãi nồm của hòn Tranh, người ta lập đội Hải Môn để đi lấy.
Đi dọc theo ven biển phía Nam hòn Tranh, ta sẽ đến vũng Gấm, vũng Bàn, mũi Xương cá, vũng Phật…nơi đây có nhiều loại đá bột, có thể khắc tượng rất tốt. Tượng Thích Ca Mâu Ni ở Linh Sơn Trà (tức chùa Linh Quang Tự) ở xã Tam Thanh, được ông Huỳnh Khâm tạo bằng loại đá này vào đầu thế kỷ XX. Hòn Tranh còn có hang Cò Nước và hang Cò Khô là nơi nghỉ đêm của nhà họ cò. Trong hang cò Khô có nhiều hốc đá vào mùa gió Bấc, cò thường về đây để sinh sôi nảy nở. Nơi đây, năm 1945 dân đảo Phú Quý tập trung vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Dọc theo bãi trước phía Tây hòn Tranh, là một dải cát trắng mịn đậm nét hoang sơ và lãng mạn. Du khách đến hòn Tranh để hoà nhập với thiên nhiên, thả hồn theo lời ru của gió, đắm mình trong sự mát dịu của nước biển trong xanh, hoặc có thể ngẩn ngơ khi hoàng hôn rắc đầy trên sóng. Một vẻ đẹp không kiêu xa nhưng quyến rủ. Hòn Tranh còn có rừng dương và những cây phong ba, dứa dại…đang non tô mơm mởm vươn mình đón nắng và gió của trời và đại dương bao la, với sức sống mãnh liệt, chịu thương, chịu khó như những người lính đóng quân trên hòn đảo nhỏ này. Một điều lý thú, khách đến đây có thể trải bạt ngồi quây quần bên nhau để thưởng thức những món ăn dân dã mà tuyệt vời của biển.
Trên đảo hòn Tranh, một hệ thống đường bê tông hóa được làm bao quanh đảo thật kiên cố. Động thực vật ở hòn Tranh cũng vô cùng phong phú, dứa dại là nguồn thực phẩm quý bổ dưỡng, hệ thống bụi rậm là nơi cư ngụ cho một số loại động vật trên cạn như: Tắt Kè, Rắn biển, Thằn lằn đá, cua Dẹp…Đến với hòn Tranh của đảo Phú Quý, du khách có dịp tận hưởng một không khí trong lành, làn nước biển trong xanh, du khách có thể thỏa thích bơi lặn dưới đáy biển chiêm ngưỡng những dãy san hô kỳ thú, ngoài thú tắm biển, du khách còn tự tạo cho mình thú vui đi bắt cua, ghẹ trong các gộp đá ven biển hoặc bắt ốc các loại. Đây là những món ăn ngon lạ để du khách nặng lòng với hòn Tranh.
-
Bãi Nhỏ - Gành Hang
Bãi Nhỏ - Gành Hang nằm dưới một ngọn đồi nhỏ cách trung tâm huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận khoảng 10 phút đi xe máy, khu du lịch Bãi Nhỏ - Gành Hang được quy hoạch với diện tích đất từ 10 - 20 ha, theo dự án nơi đây sẽ đầu tư từ 2-3 resort kết hợp với nghỉ dưỡng, tắm biển, lặn biển và trồng cây xanh. Chỉ với 10 phút là các bạn có thể ngắm được một khung cảnh thiên nhiên hữu tình đầy thơ mộng với bờ cát trắng mịn, nước biển màu xanh biếc trong vắt kèm theo nhiều dịch vụ hỗ trợ đảm bảo sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho bạn.
Nơi đây là địa điểm thuộc đảo Phú Quý, khi đi ra nơi đây thì các bạn phải di chuyển bằng tàu thuyền thì mới được, vì vậy các bạn nên chọn khoảng các khung thời điểm biển đẹp (khoảng các tháng hè) không có mưa giông hay gió lớn, không phải là mùa biển động như vậy thì chuyến đi của bạn sẽ an toàn và thuận lợi hơn cho việc di chuyển đến những nơi tham quan, Và trời nắng đẹp dịu nhẹ không khí mát mẻ sẽ giúp cho bạn có những bức hình xinh lung linh hơn bao giờ hết.
Diện tích ở đây sẽ khá rộng so với việc bạn muốn đi bộ để tham quan. Vì thế ở nơi đây phương tiện thuận lợi và tốt nhất cho bạn di chuyển là xe máy, các bạn có thể tìm các điểm để thuê xe máy ở đây có dịch vụ cho thuê xe nên các bạn cứ yên tâm, giá của dịch vụ này tầm 100.000đ/ngày cho một chiếc sẽ là phương tiện hữu ích cho bạn sử dụng để tham quan và trải nghiệm cảm giác vi vu trên chiếc xe hóng gió ngắm cảnh đẹp của đất trời.
Bãi Nhỏ - Gành Hang là một điểm du lịch mới bắt đầu phát triển do đó nơi đây còn khá hoang sơ, ít nhà cửa, khung trời ở đây rất trong lành và yên tĩnh thích hợp là nơi cho các bạn nghỉ dưỡng. Nước biển trong xanh không có nhiều ghe thuyền neo đậu, bầu không khí trong lành phù hợp cho bất cứ du khách nào có ý định hòa mình cùng với thiên nhiên. Gành Hang ở đây là một vách đá lớn dựng đứng sát biển hàng ngày những con sóng va đập mạnh vào những tảng đá lớn tạo nên một cảnh tượng thật là hùng vĩ là nơi lý tưởng cho các bạn ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên bao la rộng lớn và sự sống động của những con sóng ngoài biển khơi.Ngoài ra ven biển còn có những mỏm đá đen nhiều hình thù thú vị, mọi cảnh nơi đây đều rất thích hợp cho bạn khám phá mở mang tầm mắt với những khung cảnh bạn chưa từng thấy ở nơi khác và bạn có thể tiếp tục tạo kiểu để chụp nhiều tấm hình đẹp mang về để cho bạn bè người thân thấy được rằng bạn đã được đi đến một nơi đẹp lung linh như thế này. Nếu được bạn có thể thử cảm giác ngắm nhìn hoàng hôn hay bình minh trên biển tại đây, nó sẽ là một khung trời tuyệt mỹ chắc chắn khiến bạn không thể nào quên được cái cảm giác và khung cảnh lúc đó đâu.Bên cạnh đó nơi đây còn có các dịch vụ cho việc vui chơi, nghỉ dưỡng cho khách du lịch với nhiều món ăn ngon, dịch vụ tắm biển, lặn biển,…
-
Cột cờ Phú Quý
Cột cờ Phú Quý có tên đầy đủ là Cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Phú Quý, là 1 trong 7 cột cờ thuộc Dự án xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chủ trì với sự phối hợp thực hiện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 6 đảo còn lại của dự án gồm đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn La (Quảng Bình), Cù Lao Xanh (Bình Định), Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thổ Chu (Kiên Giang).
Cột cờ Phú Quý được khởi công xây dựng từ ngày 17/6/2015 trên diện tích gần 200 m2 tại mỏm Đông đồi Chuối, phía dưới là bãi biển Gành Hang (thôn Triều Dương, xã Tam Thanh). Công trình có 4 phần gồm đài cột, thân đế cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Đài cột cờ có chiều cao 22,6 m bằng sắt với kích cỡ cờ là 4 x 6m. Thân đế cột cờ với 4 mặt đều nhau, cao 5,2m được xây bằng bê tông cốt thép giúp cột cờ được vững chãi. Bề mặt thân cột cờ được ốp đá granit màu trắng xám, trang trí 2 biểu tượng Cờ đỏ Sao vàng, Quốc huy, Quốc hiệu và tọa độ địa lý của cột cờ. Phần bậc thềm và khuôn viên xung quanh có hình vuông, hướng ra biển Đông. Móng cột cờ có diện tích khoảng 10,24 m2, chôn sâu dưới lớp đá núi với kỹ thuật kết cấu móng vững chắc (của các công trình hải đăng). Riêng lá cờ Tổ quốc treo trên cột cờ có kích thước 4 x 6m, được may bằng chất liệu vải có độ bền cao nhằm thích ứng gió biển mạnh. Tổng mức kinh phí đầu tư xây dựng cột cờ chủ quyền trên huyện đảo Phú Quý hơn 1,26 tỷ đồng.
Công trình có ý nghĩa thiêng liêng với Tổ quốc, dân tộc, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào và ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo cho tuổi trẻ và nhân dân trên đảo.
“Nhìn cột cờ cao, hướng thẳng đứng lên trời, lá cờ bay “phần phật”, kiêu hãnh giữa biển trời Tổ quốc, khiến chúng tôi thật tự hào”, chị Lê Hương, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ.
Dự định về kế hoạch vui chơi, tham quan của gia đình mình, anh Nguyễn Đình Quốc đến từ Vũng Tàu cho biết: “Đến xã Tam Thanh, chúng tôi có thể vừa leo núi tại đồi Chuối, vừa tắm biển Gành Hang kết hợp lặn san hô, tổ chức các buổi tiệc nho nhỏ ven bãi cát vịnh Triều Dương; mua cá và hải sản trên lồng bè; chụp ảnh check-in, xây dựng các buổi gala dinner, cắm trại xen lẫn các hình thức tìm hiểu lịch sử, thi kể chuyện tại Cột cờ Phú Quý”. -
Mũi Doi Thầy (Mộ Thầy)
Mũi Doi Thầy (Mộ Thầy) được xây dựng từ thế kỷ 17, là nơi thể hiện nét giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa và là chỗ dựa tinh thần cho các ngư dân trước mỗi chuyến ra khơi.
Theo truyền thuyết, Sài Nại vốn là một nhà địa lý tài ba người Hoa, cho rằng đảo Phú Quý là vùng địa linh trong một dịp ghé thuyền vào nghỉ ngơi nên muốn an táng ở đây khi mất. Sau khi ông qua đời, mất 6 ngày 6 đêm để đoàn thuyền người Hoa đến đảo và an táng ông vào ban đêm nên không ai biết. Ngày tiếp theo, dân trên đảo đi làm mới phát hiện hương đèn tại khu vực mộ (thôn Đông Hải, xã Long Hải) nhưng không thấy bóng người.
Truyền thuyết khác kể rằng thầy Nại là một thương gia đồng thời là một thầy thuốc giỏi đến đảo trong một trận bão. Sau khi kết nghĩa chị em với công chúa người Chăm Bàn Tranh, thầy Nại sinh sống trên đảo làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, cứu giúp dân đảo. Sau khi mất, thầy Nại được người dân chôn cất rồi đắp nên khu dinh mộ vào năm 1665.
Đây là điểm đến tâm linh của cư dân ở đây với lễ cúng Thầy được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4/4 (Âm lịch). Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân trên đảo với những nghi thức cổ truyền, cầu trời yên biển lặng, quốc thái dân an. Nằm dưới chân núi Cao Cát, cạnh Mộ Thầy, Bãi Doi Thầy là điểm đến lý tưởng để tắm biển, ngắm cảnh.
Đền thờ Thầy Sài Nại được tương truyền là nơi cầu được ước thấy. Đây là địa điểm linh thiêng và gắn chặt với niềm tin tín ngưỡng của người dân trên đảo. Nếu du lịch đến Phú Quý, hãy đến đây để dâng hương và tham quan nhé!
-
Chùa Linh Sơn - núi Cao Cát
Chùa Linh Sơn - núi Cao Cát là một quần thể thắng cảnh đẹp của Phú Quý. Chùa Linh Sơn nằm tọa lạc trên đỉnh núi Cao Cát được xem là một ngọn núi linh thiêng mà người dân huyện đảo Phú Quý luôn tôn trọng. Ngôi chùa được xây dựng cách đây rất rất lâu, có tuổi đời hơn 100 năm nhưng vẫn giữ nguyên được những kiến trúc độc đáo, ấn tượng. Điều lạ là ngôi chùa không có sư trụ trì mà chỉ có những người tới làm chấp sự, đa phần là các bậc trung niên, lớn tuổi phát tâm tới dọn dẹp và quản lý chùa, giữ cho ngôi chùa luôn được sạch sẽ. Đồng thời các phật tử cũng tổ chức các nghi lễ thờ cúng vào các dịp quan trọng, mở cửa đón khách tham quan trong sự hoan hỉ khiến ai cũng thấy thoải mái.
Để lên chùa kính lễ các bậc bề trên bạn phải leo qua các bậc đá, vừa đi vừa có thể ngắm nhìn quang cảnh tươi đẹp xung quanh. Ngôi chùa Linh Sơn được thiết kế khá quy mô, bề thế cho bạn cảm giác vừa cổ kính vừa linh thiêng.
Bao quanh ngôi chùa là những hàng cây xanh biếc phủ bóng mát, cả rừng cây bạt ngàn ngút tầm mắt tạo sự bình yên đến lạ. Điểm nổi bật là trên đỉnh núi Cao Cát có đặt bức tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát. Bức tượng được đặt một cách trang nghiêm trên tảng đá lớn tạo nên nét đẹp độc đáo cho ngôi chùa này. -
Bờ Kè Ngũ Phụng
Vốn là một trong những công trình bảo vệ bờ biển vẫn thường được bắt gặp ở những vùng biển,đảo thường hay phải gánh chịu nhiều tác động của sóng biển, tuyến bờ kè dài gần 2.5km này giúp bảo vệ cuộc sống và các công trình trên đảo.
Bờ kè Ngũ Phụng ít đá, biển trong và đẹp. Vào mùa gió lớn thường có nhiều du khách nước ngoài chơi lướt ván dù. Ngồi ở bờ kè vào buổi chiều để ngắm hoàng hôn buông trên biển là một trong những trải nghiệm thú vị mà bạn không nên bỏ qua. Nơi đây có bãi Ngũ Phụng khá nhỏ, có hàng dừa xanh mát rủ bóng giữa trưa hè, thế nhưng lại không thích hợp tắm biển vì có nhiều bãi đá.
Tuy nhiên, không dừng lại ở những tác dụng cho cuộc sống ở người dân nơi đây, bờ kè Ngũ Phụng còn là một nét đẹp đặc trưng của đảo, là một trong những địa điểm đầy lãng mạn và thi vị cho những ai yêu thiên nhiên, đây còn là một nơi lý tưởng để ngắm hoàng hôn và sông trên đảo. Hãy cùng với những người bạn của mình nắm tay nhau đón chờ giây phút yên bình này nhé.