Top 10 Câu chuyện tích đức cải mệnh hay nhất trong Liễu Phàm Tứ Huấn
Liễu Phàm Tứ Huấn - Bốn bài giáo huấn của người xưa, là cuốn sách nổi tiếng được lưu truyền trong dân gian Trung Quốc từ bao đời nay. Đọc ... xem thêm...sách của người xưa, cảm nhận cái hay trong tư tưởng của người xưa, từ đó thực hành theo sách giúp chúng ta hành thiện lánh ác, phát huy đức khiêm tốn, biết hối cải lỗi lầm, từ đó có được cách lập thân đúng đắn là mong ước của Liễu Phàm tiên sinh muốn làm việc thiện muốn giúp người, giúp đời ngày một tốt đẹp hơn. Sau đây là trích dẫn mười câu chuyện về hành thiện, tích đức cải mệnh hay nhất trong cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn mời các bạn cùng đọc và cảm nhận.
-
Dưng Vinh làm quan đến chức thiếu sư, nguyên người huyện Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến, gia đình đời đời sinh sống bằng nghề chèo đò đưa người qua sông. Nhân gặp phải kì mưa lũ quá lâu, nước từ trên núi đổ xuống vùng hạ lưu. Các thuyền khác đều nhân cơ hội mà theo vớt các tài vật trôi nổi trên sông, chỉ riêng thuyền của cụ nội ông thiếu sư chuyên cứu vớt người mà thôi, tuyệt đối không tham vớt một chút tài vật nào cả. Người làng ai cũng cười chê cho là ngớ ngẩn, đần độn.
Kịp cho tới khi sinh ra phụ thân của thiếu sư gia đình đã dần dần khá. Có thần nhân hoá làm một vị đạo sĩ mà mách bảo rằng: "Tổ phụ nhà ngươi có âm đức, con cháu sẽ được vinh hiển phú quý, nên táng và chỗ đất đó". Gia đình bèn theo lời chôn cất vào chỗ huyệt đã được chỉ dẫn, tức nay là phần mộ Bách thố vậy. Sau sinh thiếu sư, vào năm 20 tuổi đã đỗ tiến sĩ, làm quan tới chức tam công, tằng tổ, nội tổ và phụ thân cũng được truy phong chức tước như vậy. Con cháu đều vinh hiển, thịnh vượng. Cho tới nay trong gia đình cháu chắt còn có nhiều người hiền.
-
Dương Tự Trừng, người huyện Ngân, tỉnh Triết Giang, buổi đầu làm huyện lại, lòng vốn nhân hậu, ngay thẳng, giữ phép công bình. Vào thời ấy, quan huyện lại quá nghiêm khắc, ngẫu nhiên gia hình tù nhân đến máu chảy đầy đất mà cơn giận chưa nguôi. Họ Dương quỳ xin khoan dung. Huyện quan bảo: "Tù nhân này đã phạm tội lại không tôn trọng pháp luật, không biết đạo lý nữa, khiến ta làm sao không giận được". Tự Trừng khấu đầu thưa: "Người trên lỗi đạo, không còn làm gương mẫu cho kẻ dưới noi theo nên dân tâm thất tán từ lâu rồi, quan trên nếu hiểu rõ tình trạng phạm pháp của dân thì nên thương xót họ, chẳng nên thấy mình xét xử án được phân minh mà vui thích, vui còn chẳng nên huống hồ lại giận giữ sao!". Quan huyện nghe nói tỉnh ngộ mà nguôi cơn thịnh nộ.
Nhà rất nghèo, lại không nhận một chút tặng vật nào cả. Gặp những lúc tù nhân thiếu ăn, thường tìm cách giúp đỡ. Một hôm có bọn tù nhân mới từ xa tới, dọc đường không có ăn nên đói lả, mà nhà lại thiếu gạo, đem cho tù ăn tất nhà không có miếng, để lại nhà ăn thì khó nhẫn tâm, bèn thương lượng với vợ. Bà vợ hỏi là tù nhân từ đâu lại thì Tự Trừng bảo là từ Hàng Châu tới, dọc đường không có ăn, đói khát khổ sở, sắc mặt xanh xao như tàu lá, nhân đó lấy bớt gạo của nhà nấu cháo cho tù nhân ăn đỡ.
Về sau sinh được hai trai, con trưởng đặt tên là Thủ Trần, con thứ hai là Thủ Chi, đều làm đến Lại bộ thị lang, một người ở Bắc Kinh, một người ở Nam Kinh; cháu nội được hai người, trưởng làm Hình bộ thị lang, và thứ làm Liêm hiến ( Án sát ty) ở tỉnh Tứ Xuyên, tất cả con và cháu đều là những danh thần. Hiện nay (tức vào thời của Liễu Phàm tiên sinh), Sở Đình hay Đức Chính cũng đều là dòng dõi của gia đình đó.
-
Xưa vào niên hiệu Chính thống nhà Minh, Đặng Mậu Thất khởi loạn ở Phúc Kiến, sĩ dân theo giặc rất đông. Triều đình cử quan đô hiến Trương Giai người ở huyện Ngân, xuất quân nam chinh, tiễu trừ giặc. Sau Trương Đô hiến phái viên đô sự họ Tạ, thủ hạ của Bố chánh ty tỉnh Phúc Kiến truy sát tầm nã giặc ở phía đông tỉnh.
Tạ đô sự tìm được quyển sổ danh sách của đảng giặc. Phàm người không theo phụ hoạ giặc đều được bí mật phát cho một lá cờ nhỏ bằng vải trắng. Ước hẹn tới ngày quân binh tấn công thì treo cờ ở trước nhà, lại nghiêm lệnh cho quân lính không được giết hại bừa bãi, vì thế cứu sống được cả vạn người. Sau con của Tạ Đô sự là Tạ Thiên thi đỗ trạng nguyên, làm quan đến tể tướng. Cháu nội là Phi cũng đỗ thám hoa.
-
Bà họ Lâm, người huyện Phú Điền, trên có mẹ già chăm làm việc thiện, thường nắm cơm thí thực, ai đến cũng liền cho ngay mà không hề có vẻ phiền hà, ghét bỏ. Một vị tiên hoá trang làm đạo nhân, mỗi sáng đến xin đều đòi cho được sáu, bảy nắm. Mỗi ngày đều cho như vậy, suốt ba năm liền, ngày nào cũng như ngày ấy nên thấu rõ tấm lòng thành thật chỉ bố thí mà không mong cầu gì cả. Nhân vậy, đạo sĩ bèn bảo rằng: "Ta ăn của nhà người đã ba năm, chẳng biết lấy gì đền đáp. Sau nhà có chỗ đất quý, nên táng vào chỗ đó, con cháu về sau quan chức, tước vị thật vô số kể như vừng đựng trong đấu vậy". Người con bèn theo chỗ chỉ điểm mà để mộ. Mới đợt đầu đã thấy phát ngay, có chín người đăng khoa trúng cử, đời đời quan tước cực thịnh. Ở Phúc Kiến có câu nói: "Chẳng người họ Lâm nào là chẳng khoa bảng đề danh cả".
-
Phụ thân của thứ sử Phùng Trác Am hồi còn là tú tài, một buổi sáng trời mùa đông cực kì rét buốt, dạy sớm đi lên huyện học, dọc đường gặp một người ngã nằm trên lộ bị tuyết phủ đầy, lại sờ thân thể người đó, thấy nửa mình đã bị đông cứng, bèn cởi áo lông của mình ra mặc cho và đưa về cứu giúp cho tỉnh lại. Đêm mộng thấy thần nhân bảo: "Ngươi do tâm chí thành cứu được một mạng người, ta sẽ khiến Hàn Kỳ (một vị tể tướng đời nhà Tống) đầu thai vào làm con ngươi". Kịp đến khi sinh ra Trác Am, bèn đặt tên Kỳ.
-
Ưng thượng thư người phủ Đài Châu tỉnh Triết Giang, lúc còn tráng niên học tập ở trên núi, ban đêm nghe quỷ hú gọi nhau tập hợp. Tiếng hú thường làm nhiều người rùng rợn, nhưng ông không hề sợ hãi. Một đêm nghe quỷ bảo nhau: "Mụ vợ nhà kia chồng đi xa đã lâu không về, bố mẹ ở nhà ép gả cho người khác, đêm mai sẽ thắt cổ ở nơi đây. Vậy là ta đã có người thế thân rồi".
Ông ngầm bán ruộng được bốn lạng bạc, bèn giả lời lẽ người chồng viết một bức thư kèm theo tiền gửi về nhà. Bố mẹ ở nhà nhận được thư thấy bút tích không giống cũng hơi hoài nghi. Nhưng lại nghĩ rằng thư có thể giả được nhưng tiền đâu có giả. Vả lại được biết tin con nên thôi không ép gả nữa. Người con sau đó về nhà, vợ chồng cùng nhau sum họp vui vẻ như thuở ban đầu.
Ông lại nghe thấy quỷ nói với nhau: "Ta đang sắp được thế thân mà gã tú tài kia làm hỏng chuyện của ta". Một quỷ khác ở cạnh nói: "Sao ngươi không làm hại hắn?" Quỷ kia nói: "Thượng đế thấy người này tâm địa rất tốt, làm nhiều điều phúc, âm đức dày đáng bậc thượng thư, ta làm sao hại nổi". Nhân đó họ Ưng tự nỗ lực chăm làm lành, ngày càng gia công tu thiện, đức càng ngày càng thêm dày. Gặp người thân thích có chuyện cần cấp tức thì tìm mọi cách giúp đỡ họ qua lúc khó khăn. Gặp trường hợp phải đối xử với người không biết lẽ phải trái, không hiểu được đạo lý thì ngược lại ông chỉ tự trách mình sao không biết cư xử với họ, mà vui vẻ an nhiên không chấp, coi như mình lầm lỗi vậy. Con cháu khoa bảng đỗ đạt cho đến nay thật là nhiều vô kể.
-
Người huyện Thường Thục, tỉnh Giang Tô, họ Từ tên Thức tự Phượng Trúc. Phụ thân là điền chủ giàu có, gặp năm mất mùa, trước đề xướng việc quyên tô, tức bỏ không thu địa tô nữa, sau lại đem thóc gạo dự trữ ra phát chuẩn cho người nghèo khó. Ban đêm nghe thấy quỷ hô ở ngoài cửa: "Ngàn lần không sai, vạn lần không sai, tú tài nhà họ Từ sẽ thành cử nhân lang". Cứ thế tiếp tục hô liền nhiều đêm không ngừng. Quả nhiên năm đó Phượng Trúc thi hương đỗ cử nhân.
Phụ thân của Phượng Trúc thấy vậy càng gia công tích đức, cần mẫn chăm lo hành thiện chẳng chút lơ là mệt mỏi. Phàm những việc có ích lợi đều hết sức tận tâm làm như tu sửa cầu, tu bổ đường xá, thí thực trai tăng, tiếp tế người nghèo... Sau lại nghe thấy quỷ hô ở trước cửa: "Ngàn lần không sai, vạn lần không sai, cử nhân họ Từ quan chức thăng tơi đô sát". Phượng Trúc sau cùng làm quan tới Lưỡng Triết tuần vũ.
-
Ông Đồ Khánh Hy, người phủ Gia Hưng tỉnh Triết Giang, buổi ban đầu giũ chức chủ sự bộ hình, thường vào trong ngục tra xét cẩn thận hỏi lại tình trạng của tù nhân biết được nhiều người vô cớ bị tội. Ông không tự lấy làm công lao của mình mà viết sớ mật trình lên đường quan, tức thượng thư bộ hình. Về sau, các án tích đều được đưa về triều xét lại. Đường quan theo lời trong mật sớ tra vấn lại tình trạng của tù nhân giải oan được cho hàng chục người, khiến cho không ai là không phục. Thời đó ở kinh thành tất cả mọi người đều khen ngợi thượng thư xử án thật công minh.
Ông lại bẩm cáo đường quan: "Ở ngay kinh thành mà còn nhiều dân bị án oan, thì hàng trăm triệu dân ở khắp bốn phương trong nước sao khỏi có người bị oan ức? Khá nên trong năm năm lại sai phái một vị giám hình quan đi điều tra sự thực xét lại án, hoặc gia giảm tội hình, hoặc giải oan phóng thích họ". Thượng thư bộ hình tấu tình hoàng đế thì lời đề nghị đó liền được phê chuẩn, và ông có tên trong danh sách những người được sai phái làm giám hình quan. Ông nằm mộng thấy thần nhân bảo: "Người số không con, nay đề nghị việc giảm hình thật rất hợp với lòng trời nên thượng đế ban cho ngươi được ba trai đều mặc cẩm bào đai vàng". Ngay đêm đó bà vợ thụ thai, sau sinh ra Ưng Huyên, Ưng Khôn, Ưng Tuấn đều quan chức hiển hách cả.
-
Ở phủ Gia Hưng có người tên Bao Bằng, hiệu Tín Chi, thân phụ ông làm thái thú huyện Trì Dương sinh được bảy người con. Bằng là út, gởi rể ở nhà họ Viên, cùng với phụ thân Liễu Phàm là chỗ thâm dao, học rộng tài cao, nhiều lần thi hương không đậu cử nhân nên chán chuyện khoa bảng mà chuyên tâm học Phật và Lão.
Một hôm đi du ngoạn Mão Hồ ở phía đông tỉnh, ngẫu nhiên tới một ngôi chùa ở làng nọ, thấy tượng đức Quán Thế Âm bị lộ thiên, dầm mưa loang lổ, bèn mở túi lấy mười lạng bạc đưa cúng dường để hoà thượng trụ trì sửa lại chùa cho khỏi dột nát làm tượng bị ướt át. Thì hoà thượng cáo bạch rằng việc tu sửa mất nhiều công mà tiền bạc không đủ, e khó hoàn thành công tác. Bao Bằng cho mở rương mây lấy thêm bốn tấm vải, sản phẩm của Tung Giang, và bày bộ áo kép bằng vải gai còn mới tinh đưa cúng dường để bán lấy tiền phụ thêm vào việc tu bổ chùa. Người làm có ý tiếc, ngăn cản lại thì Bao Bằng bảo: "Miễn là tượng đức Bồ Tát không bị ướt át là được, ta dù có ở trần cũng chẳng thương tổn gì". Hoà thượng trụ trì nghe nói cảm kích rơi lệ bảo rằng: "Tiền tài, vải vóc, quần áo xả bỏ không phải là điều khó, chỉ riêng có tấm lòng chân thành như vậy đâu phải dễ có". Sau, công việc tu bổ hoàn thành, ông dẫn cha già cùng đi. Đêm ngụ lại ở chùa, ông mộng thấy các vị hộ pháp lại cảm tạ, bảo: "Con cháu nhà ngươi về sau sẽ được hưởng lộc ở đời". Về sau, con ông là Biện và cháu là Sanh Phương đều đăng khoa, đỗ đạt, quan chức hiển hách.
-
Phụ thân của Chi Lập, người huyện Gia Thiện, làm quan ở phòng hình sự thấy tù nhân vô cớ bị hàm oan hãm vào trọng tội, ông lấy làm thương hại muốn cứu mạng. Tù nhân cảm kích bảo vợ rằng: "Chi công có lòng tốt giải oan cứu sống ta, thực lấy làm hổ thẹn là ta không có gì báo đền ơn đức ấy được. Ngày mai, ngươi hãy về nhà ngỏ ý đem thân hầu hạ, hoặc giả ông ấy chịu thu dụng ngươi, tất ta ắt có đường sống vậy".
Người vợ khóc mà nghe lời chồng. Kịp khi họ Chi tới, tự mình ra mời rượu và bày tỏ hết ý nguyện của chồng. Họ Chi tuy không nghe nhưng vẫn tận tình giúp đỡ để bạch hoá án oan. Người tù được tha, cả hai vợ chồng cùng đến nhà khấu đầu cảm tạ mà bảo rằng: "Chi công ân đức dày như vậy, ở đời thực hiếm có, hiện nay chúng tôi có đứa con gái đã lớn muốn tiến dẫn làm thiếp để hầu hạ công việc nhà cửa, đây cũng là chuyện thường tình hợp lí". Huyện lại họ Chi sắm sanh lễ vật và thâu nạp làm thiếp, sinh ra Chi Lập mới hai mươi tuổi đã đỗ khôi nguyên, làm quan tới chức khổng mục ở Hàn Lâm Viện. Lập sinh ra Cao, Cao sinh ra Lộc đều học rộng và có chức phận cả. Lộc sinh ra Đại Luân cũng khoa bảng đề danh.