Top 7 Đoạn văn cảm nhận về một tác phẩm thần thoại ấn tượng nhất (Ngữ văn 10)
Có lẽ, những bí ẩn về thiên nhiên vẫn là một câu hỏi lớn đối với con người thời cổ. Chính vì vậy, họ đã sáng tạo nên các câu chuyện để trả lời cho những thắc ... xem thêm...mắc của bản thân. Đọc truyện "Thần Trụ trời", ta thấy được cách phân chia bầu trời và mặt đất. Đọc "Prô-mê-tê và loài người", ta được giải đáp về cách các vị thần tạo ra muôn vật và loài người. Không giống hai tác phẩm trên, truyện "Đi san mặt đất" lại là những lí giải đơn giản về quá trình loài người chung lòng, góp sức san phẳng mặt đất để làm ăn mà không có sự xuất hiện của các vị thần... Dưới đây là những Đoạn văn cảm nhận về một tác phẩm thần thoại ấn tượng nhất (Ngữ văn 10) hay nhất mà Toplist đã sưu tầm và tổng hợp.
-
Bài tham khảo số 1
Em đã được học nhiều truyện thần thoại khá hay và hấp dẫn, nhưng truyện mà em thích nhất vẫn là Thần Trụ Trời. Đọc truyện ấy em không thể không suy nghĩ và ngăn được cảm xúc. Truyện kể rằng vào thời kì trời đất còn hỗn độn, tối tăm, có một vị thần khổng lồ. Thần đội trời lên rồi đào đất, khuôn đá, xây thành cột chống trời, khi trời đất đã được phân đôi, thần liền phá tan cột đi. Xong công việc, thân bay về trời để các vị thần khác tiếp tục xây dựng thế giới. Chao ôi! Em khoái cái thân hình khổng lồ của thần hết sức vì em thì lùn tịt, lại ốm tong teo. Em đã được nhìn thấy những người to và cao, nhưng chẳng ai như thần cả. Em cứ ước, giá mà em có thân hình, đôi tay như thần thì em sẽ là cầu thủ bóng đá xuất sắc, chi bước một cái là có thể sút bóng vào khung thành của đối phương. Thú vị biết chừng nào! Chẳng những thế, em còn cảm phục thần vô cùng. Thần có biết bao đức tính tốt mà em chưa có. Trước hết thần thương yêu mọi loài. Nếu không có tình thương thì chắc thần không nhọc công ngẩng đầu đội trời lên, rồi cần cù nhẫn nại đào đất để và đắp cột chống trời. Làm công việc ấy, thần vừa biểu lộ tình thương muôn loài, vừa biểu hiện quyết tâm, siêng năng, chăm chỉ. Khi làm xong công việc, thần không chờ muôn loài trả ơn, lẳng lặng bay về trời, để những công việc còn lại cho các vị thần khác tiếp tục xây dựng cho thế giới, cho muôn loài có cuộc sống tốt đẹp hơn. Em nghĩ trên đời chẳng có ai có những đức tính tốt như thần. Truyện Thần Trụ Trời là một thần thoại mà em thích, giúp em hiểu được quan niệm của người xưa về sự hình thành trời đất.
-
Bài tham khảo số 2
Lí giải về sự hình thành của con người, hiện tượng tự nhiên, văn hóa, ...có rất nhiều cách và truyện thần thoại cũng là một trong những nơi được gửi gắm. Thần Trụ trời là một truyện thần thoại em cảm thấy đặc sắc và để lại cho em những bài học ý nghĩa. Truyện kể rằng vào thời kì trời đất còn hỗn độn, tối tăm, xuất hiện một vị thần khổng lồ. Trời đất ban đầu dính vào nhau. Sau đó, thần Trụ trời vừa đào vừa đắp, cột đá cứ cao dần và đẩy vòm trời lên mãi phía mây xanh mù tịt. Từ đó, trời đất mới phân đôi. Em thực sự ấn tượng với cách miêu tả về ngoại hình của vị thần với đôi chân dài, bước một bước là đi từ vùng này tới vùng nọ, từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Chi tiết đó đã lột tả được sức mạnh thần kì, phi thường của thần Trụ trời và chính sức mạnh đó đã tạo nên trời, đất như ngày nay. Ngoài ra, ta có thể thấy được tình thương mà thần Trụ trời gửi gắm bởi nếu không có tình cảm ấy thì thần không nhọc công, một mình đắp cột chống trời. Không chỉ là sự yêu thương, đó còn là sự kiên trì, quyết tâm, nhẫn nại. Đó là tất cả những lí do khiến em muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình về thần thoại Thần Trụ trời.
-
Bài tham khảo số 3
Trong dân gian Trung Quốc có lưu truyền thần thoại về Nữ Oa rằng bà là vị thần được dân gian sùng bái nhất, họ coi bà như một bị thần thủy tổ vì đã sáng tạo ra loài người, sáng tạo ra thế giới này. Bà được tương truyền rằng là một vị thần với đầu người và thân rắn. Câu chuyện nổi tiếng nhất của bà đó là truyện bà luyện thạch bổ thiên (luyện đá vá trời) và nặn đất tạo ra loài người. Theo thần thoại Trung Quốc, Nữ Oa còn rất nhiều tên gọi khác như Nữ Oa thị, Nữ Hi thị, Oa Hoàng hoặc Nữ Oa nương nương. Bà chính là nữ thần thượng cổ vĩ đại và được sùng bá nhất trong các vị thần của thần thoại Trung Hoa. Đặc biệt, Nữ Oa được trở thành một trong Tam Hoàng Ngũ Đế. Bà cũng là người đứng đầu danh sách Tam Hoàng và là vợ của Phục Hy. Theo truyền thuyết, khi có sự xuất hiện của thế giới này đã có sẵn cây cỏ, muông thú và cây cỏ và các hiện tượng thời tiết như mưa nắng thuận hòa. Tuy vậy, Nữ Oa luôn cảm thấy thiếu thiếu một thứ gì đó mà bà không thể nghĩ ra được. Trong khi bà vẫn đang suy nghĩ, bà nhìn xuống nước ở dưới Hoàng Hà, trên mặt nước trong xanh bà thấy hiện ra bóng hình của bà. Và từ đó bà đã biết rằng mình cần tạo ra thứ gì cho thế giới này - đó chính là một người như bà. Bà đã dùng bùn đất của Hoàng Hà để tạo hình người dựa trên tướng mạo của chính bản thân mình, tiếp theo đó sử dụng pháp thuật của mình để biến đống bùn đất đó thành người thực thụ. Ban đầu bà rất tự hào và phấn khích khi đã tạo ra được loài người, hàng ngày bà chăm chỉ nặn bùn và làm phép để có thể tạo ra thêm thật nhiều con người nữa. Tuy vậy, một mình bà không thể cứ nặn mãi để hình thành loài người được. Vì vậy bà đã nghĩ ra một cách khác đó là nặn ra một hình tượng đàn ông, thổi dương khí vào bức tượng đó. Sau đó Nữ Oa ban cho họ bộ phận sinh thực khí để tự sinh sản tạo ra con người. Nhưng bà thấy mình phải phân bố tất cả con người trên toàn thế giới, vì vậy bà đã lấy dây ngoáy bùn dưới Hoàng Hà khiến cho nó bắn tung tóe khắp nơi và từ đó để hình thành loài người trên toàn thế giới. Truyện Nữ Oa tạo ra loài người đã lí giải về nguồn gốc của loài người kèm theo nhiều chi tiết tâm linh, kì ảo, mang lại giá trị nghệ thuật lớn đến cho người đọc. Từ đó cũng phản ánh được tư duy đơn giản về vũ trụ của người xưa. Truyện Nữ Oa luôn được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến bây giờ và có sức ảnh hưởng lớn tư tưởng của nhiều quốc gia trong khu vực.
-
Bài tham khảo số 4
Nữ thần Lúa là một truyện thần thoại của Việt Nam kể về sự ra đời của Lúa và một số phong tục tập quán ở các vùng miền. Không những giải thích được sự ra đời của hạt lúa, câu chuyện còn mang những giá trị nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc tại Việt Nam. Nữ thần Lúa có cốt truyện đơn giản nhưng lại hấp dẫn người đọc. Truyện kể về nữ thần Lúa ban đầu là con của Ngọc Hoàng, được đưa xuống trần gian để giúp nhân dân. Nàng làm phép cho đất có thể trồng trọt, cũng dạy nhân dân cách cuốc đất trồng lúa. Sau đó, nàng lại cho bông lúa biết cách tự đi về nhà. Nhưng một ngày, có cô nàng mải chơi mà quên dọn dẹp trước khi lúa về, rồi còn dùng chổi đánh hạt lúa. Điều này đã chọc tức nữ thần, người không cho lúa tự bò về nữa mà bắt con người đi cắt, đi “mời” lúa về nhà. Sự sáng tạo của truyện nhằm giải thích cho nguồn gốc của cây lúa và hoạt động cắt lúa mang về của con người. Bằng sự tưởng tượng của mình, người xưa đã làm cho hình tượng của cây lúa được nâng cao, trở nên cao quý chứ không còn mang tính “tự nhiên” nữa. Đây cũng là một cách gián tiếp để tôn vinh giá trị của cây lúa ngày xưa. Không chỉ vậy, hình tượng nữ thần Lúa cũng được nhân dân chăm chút xây dựng từ nguồn gốc đến tính cách. Người yêu thương nhân gian nên đem lòng giúp người, mang lại cuộc sống cơm no áo ấm. Tuy nhiên, con người lại phụ sự kỳ vọng và làm cho người tức giận. Nữ thần được xây dựng có những cảm xúc của con người gần gũi, nhưng lại sở hữu sức mạnh phi thường mà người xưa luôn ao ước. Những chi tiết kể về thần Lúa cũng được dùng những phép nghệ thuật để nó trở nên đặc sắc và gần gũi hơn. Nữ thần Lúa được người dân đầu tư xây dựng khi sử dụng nhiều yếu tố kỳ ảo làm tăng tính chất của truyện. Ta hiểu được rất nhiều điều sau khi đọc xong câu chuyện này. Đầu tiên chính là nguồn gốc hình thành cây lúa. Thứ hai là sự tôn trọng của người dân lúc bấy giờ với nguồn lương thực trọng yếu này. Thứ ba là sự ca ngợi của nhân dân với các vị thần, cũng là khao khát chinh phục được sức mạnh vĩ đại của con người. Tóm lại, Nữ thần Lúa đã rất thành công khi vận dụng cả nghệ thuật và xây dựng cốt truyện hấp dẫn người đọc đi đúng chủ đề muốn thể hiện.
-
Bài tham khảo số 5
Từ xa xưa, con người đã có khát vọng đi tìm hiểu nguồn gốc những sự vật trong cuộc sống. Họ không có nhiều cơ sở để xác minh hay tìm tòi, chính vì vậy, họ chuyển hóa những gì thắc mắc vào trong truyện. Bằng trí tưởng tượng của mình, những người dân đã sáng tạo ra nhiều truyện thần thoại hấp dẫn. Trong đó không thể không kể đến Nữ thần Lúa. Nữ thần Lúa trong lời kể là con gái của Ngọc Hoàng, dạy nhân dân cách trồng lúa làm lương thực. Hình tượng của người được xây dựng vô cùng thú vị khi có những vui giận giống loài người, biến thần trở nên gần gũi hơn với loài người. Qua hành động của nữ thần, ta cũng thấy được nữ thần vốn rất yêu thương con người, đem lại những điều tốt đẹp nhất cho loài người. Với những chi tiết hoang đường, kì ảo được kể, nữ thần Lúa còn là người có sức mạnh tuyệt vời. Nàng có thể điều khiển được thiên nhiên, có sự hiểu biết rộng rãi mà con người không có được. Hình tượng nhân vật nữ thần vừa gần gũi, vừa đặc sắc và cũng rất nổi bật. Nguồn gốc của cây lúa là do nữ thần biến ra, lúc đầu chúng còn tự bò về nhà và con người không cần làm gì cả. Tuy nhiên, sau khi con người mắc sai lầm, con người phải đi cắt lúa mang về nhà và tất nhiên vất vả hơn trước. Qua đây, người dân cũng khéo léo bày tỏ sự kính trọng của mình đối với nguồn lương thực chính đã nuôi sống mình. Địa vị của hạt lúa không giống như ngày nay, khi xưa nó được nhân hóa, trở nên cao quý và thậm chí còn có tính cách riêng của mình.
Chi tiết khiến cho truyện sâu sắc hơn là lỗi của con người và sự trừng phạt dành cho họ. Nhưng lại chính nhờ vậy mà càng làm rõ thêm những câu khuyên răn con người làm lụng chăm chỉ qua bao đời. Chỉ có lao động thì mới biết quý trọng những gì mình đang có và mình tạo ra. Đây cũng là một bài học đắt giá không chỉ để lý giải nguồn gốc cây lúa, mà còn khuyên răn những thế hệ trẻ ngày nay.
-
Bài tham khảo số 6
Trong hệ thống truyện thần thoại của Việt Nam về sự sáng lập vũ trụ, và loài vật trong đó có truyện kể về "Thần Gió". Dựa trên sự tri giác về các sự vật, hiện tượng diễn ra, các tác giả dân gian đã sáng tạo nên chi tiết kì ảo: đứa con thần Sét vì nghịch quạt làm gió thổi chơi khiến bát gạo của người đàn ông văng xuống ao nên bị Ngọc Hoàng trừng phạt. Ngài đày con thần Gió xuống trần, bắt đi chăn trâu cho người mất gạo. Ít lâu sau, Ngọc Hoàng lại bắt con thần gió hóa làm cây ngải để báo tin gió cho thiên hạ. Mục đích của việc sáng tạo ra chi tiết kì ảo này nhằm giải thích cho hiện tượng gió lốc trước khi mưa bão và cách nhận biết các hiện tượng tự nhiên của tác giả dân gian thông qua cây ngải. Đồng thời, nó còn cho thấy kinh nghiệm của tác giả dân gian trong việc dùng lá ngải để chữa bệnh cảm cho trâu.
-
Bài tham khảo số 7
Mỗi câu chuyện thần thoại đều mang đến những điều thú vị mà chúng ta cần tìm hiểu. Câu chuyện thần gió cũng vậy. Nếu bạn đã đọc truyện thần Trụ Trời, thần Sấm thần Sét thì không còn lạ lẫm gì đến với thể loại truyện này. Thần gió một hình dạng kỳ quặc, thần không có đầu. Thần sẽ làm gió nhỏ hay bão lớn, lâu hay mau tuỳ theo lệnh Ngọc Hoàng. Những lúc thần Gió phối hợp với thần Mưa có khi cả thần Sét nữa cùng hoạt động là những lúc đáng sợ nhất. Thỉnh thoảng thần xuống hạ giới đi chơi vào những buổi tối trời
Nhưng vị thần có một đứa con còn nhỏ hay nghịch ngợm, một hôm gặp khi thần đi vắng, người con ở nhà giở quạt của cha làm gió thổi chơi. Lúc ấy ở hạ giới có một người vì mất mùa đói khổ, cái ăn tìm không ra. Và gây ra tác hại khiến cho người dưới hạ giới chịu khổ. Ngọc Hoàng nghe rõ câu chuyện mới đòi thần Gió đến quở trách. Thần Gió thú thật là có đứa con ở nhà nghịch bậy. Ngọc Hoàng cho đó là tội không thể tha thứ được mới đày con thần Gió xuống trần bắt đi chăn trâu cho người mất gạo kia. Tác giả dân gian đã lựa chọn được hình ảnh, nghệ thuật đặc sắc để diễn tả câu chuyện. Khắc họa qua các chi tiết kỳ ảo, sinh động về hai vị thần rất thành công trong việc đưa người đọc đến với hình ảnh của người dân thời xưa đối mặt với hiện tượng thiên nhiên như thế nào.