Top 5 Bài giới thiệu tác phẩm truyện ngắn của Thạch Lam (Ngữ văn 10) hay nhất
Thạch Lam là một trong những cây bút chủ lực của nhóm "Tự lực văn đoàn". Sáng tác của ông bao gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí sự, phê ... xem thêm...bình...Nhưng lĩnh vực thành công nhất của ông là truyện ngắn. Dưới đây là những Bài giới thiệu, đánh giá tác phẩm truyện ngắn của Thạch Lam (Ngữ văn 10) hay nhất mà Toplist đã sưu tầm và tổng hợp.
-
Bài tham khảo số 1 - Hai đứa trẻ
Thạch Lam là một trong những cây bút chủ lực của nhóm "Tự lực văn đoàn". Sáng tác của ông bao gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí sự, phê bình...Nhưng lĩnh vực thành công nhất của ông là truyện ngắn. Trong những truyện ngắn có khuynh hướng hiện thực cuộc sống của Thạch Lam có thể nói "Hai đứa trẻ" là một tác phẩm thành công tiêu biểu.Truyện không có những tình tiết hấp dẫn, li kì, gây cấn chỉ xoay quanh sinh hoạt của người dân ở một phố huyện nghèo trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng qua đó Thạch Lam đã đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Đọc "Hai đứa trẻ" chúng ta thấy bao trùm lấy câu chuyện là cuộc sống xơ xác, tiêu điều của một phố huyện nghèo. Cuộc sống đó đã được tác giả miêu tả ở một thời điểm hết sức tiêu biểu-thời điểm ngày lụi tàn: "Trống thu không từng tiếng một vang lên", "phương Tây đỏ rực như lửa cháy", "những đám mây ánh hồng như những hòn than sắp tàn", "ngoài ruộng tiếng ếch nhái kêu rang vọng vào phố chợ..". Một khoảng không gian mênh mông của đồng ruộng vừa đẹp lại vừa buồn gợi ra trước mắt người đọc.
Trên nền của bức tranh ấy, cuộc sống của người những người dân phố huyện được Thạch Lam miêu tả hết sức đặc sắc: Khi trời nhá nhem tối, mẹ con chị Tí bày cái hàng nước ra dưới gốc cây bàng. Liên dọn dẹp của hiệu tạp hóa rồi cộng sổ tính tiền. Bà cụ Thi đến cửa hàng Liên mua một cút rượu, ngửa cổ uống sạch rồi biến đi lẫn vào trong bóng tối với tiếng cười khanh khách. Đám trẻ con tụ họp chơi đùa trên các thềm nhà. Bác Siêu dọn gánh hàng phở ra bên bếp lửa bập bùng. Gia đình bác Xẩm ngồi trên manh chiếu, trước cái thau trắng chờ có khách để hát kiếm tiền.
Qua ngòi bút chấm phá tinh tế của Thạch Lam chúng ta thấy cuộc sống ở phố huyện nghèo ấy hiện ra như một thế giới đang hấp hối, tàn lụi. Trong bối cảnh ấy, hai chị em Liên và An cũng như những người dân phố huyện vừa náo nức vừa khắc khoải, mòn mỏi chờ đợi chuyến tàu từ Hà Nội về đi ngang qua phố huyện. Đêm nào cũng vậy, khi trời vừa bắt đầu tối thì hai chị em đã thấp thỏm chờ đợi chuyến tàu. Rồi chuyến tàu đến như hằng đêm nó vẫn thường đến với sức hấp dẫn kì lạ đối với hai chị em Liên - An cũng như người dân nghèo của phố huyện.
Tàu đến với tiếng còi và tiếng rầm rộ của bánh xe. Liên dắt em đứng lên để nhìn chuyến tàu vụt qua, chuyến tàu đầy sức hấp dẫn bởi nó tràn ngập ánh sáng. Ở những toa đèn sáng trưng chiếu ánh cả xuống đường. Những toa thuộc hạng sang trọng lố nhố người; đồng và kềnh lấp lánh. Cái nguồn sáng ấy vút qua, biến vào đêm tối để lại những đóm than nhỏ bay tung tóe trên mặt đường...
Chuyến tàu đêm ấy đã khơi gợi lên trong hồn Liên bao biến động. Đó là hoài niệm về Hà Nội thuở xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Đối với Liên, con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Thế giới ấy khác hẳn với thế giới mà Liên đang sống, khác hẳn với vầng sáng nhỏ nhoi của ngọn đèn chị Tí và ánh lửa bập bùng trong gáng hàng của bác Siêu...
Nhìn lại toàn bộ câu chuyện, người đọc không khỏi thắc mắc vì sao hằng đêm chị em Liên-An cứ mòn mỏi đợi chuyến tàu đi ngang qua phố huyện? Vì sao hình ảnh con tàu tràn ngập ánh sáng lại dấy lên trong tâm hồn Liên bao biến động? Bởi vì trong cuộc sống thường ngày ở phố huyện xơ xác, tiêu điều ấy, họ không thể tìm đâu ra niềm vui. Cuộc sống diễn ra chung quanh họ hết sức đơn điệu, nhạt nhẽo, vô vị...Chuyến tàu sáng rực đối với người dân phố huyện là hình ảnh của một thế giới khác hẳn, đối lập hoàn toàn với cái thế giới mà Liên và An đang sống - đó là thế giới của văn minh, niềm vui và hạnh phúc.
Từ đó mà ta cũng nắm bắt được vấn đề sâu sắc mà Thạch Lam gửi gắm vào truyện: Đó là khát vọng vươn ra thế giới văn minh, hạnh phúc của những con người nhỏ bé - giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Bên cạnh giá trị về mặt chủ đề, "Hai đứa trẻ" còn nổi bật lên những đặc sắc về nghệ thuật, thể hiện tập trung qua ngòi bút miêu tả của Thạch Lam trong việc tả người, tả cảnh cũng như miêu tả tâm trạng của con người. Gắn liền với nghệ thuật miêu tả là thủ pháp đối lập đã được nhà văn sử dụng hết sức thành công trong truyện. Trước hết là sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, đối lập giữa tĩnh và động. Thủ pháp đối lập này đã góp phần đắc lực cho Thạch Lam trong việc làm nổi bật chủ đề tác phẩm.
"Hai đứa trẻ" là một truyện ngắn đặc sắc và rất tiêu biểu cho phong cách Thạch Lam. Qua tác phẩm chúng ta thấy rõ tấm lòng nhân đạo của Thạch Lam đối với con người và nhất là những con người nhỏ bé trong xã hội. Chuyện đượm buồn nhưng đó là nỗi buồn cần thiết bởi nó có giá trị thanh lọc tâm hồn con người.
-
Bài tham khảo số 2 - Nhà mẹ Lê (mẫu 1)
Dưới ngòi hút đa tài, đa nghệ viết ra những câu từ văn chương như tranh vẽ tả thực của Thạch Lam, đoạn trích đã và đang lột tả chân thực về số phận đáng thương của một người đàn bà làm mẹ của tận mười một người con nheo nhóc.
Cái đói, sự túng quẫn đặc trưng của cái xã hội thời bấy giờ được hiện lên. Đã nghèo, đã đói khát nhưng mẹ Lê lại đẻ nhiều con khiến cho sự túng quẫn, khổ sở hơn gấp nhiều lần. Hình ảnh một người đàn bà với làn da nhăn nheo như quả trám khô, thân hình thấp bé khắc khổ nhưng lại là mẹ của mười một đứa con, đứa lớn nhất mới mười bảy, đứa bé nhất vẫn còn bế trên tay. Cái sự bần cùng hóa của xã hội hết thảy cứ như đang hiện diện hết ở nhà Mẹ Lê. Đói rét, nghèo khổ, túng quẫn khi tận mười mấy con người nheo nhóc trong cái nhà được miêu tả như cái “ổ chó” cùng với sự châm biếm miêu tả mẹ con nhà mẹ Lê như những “chó mẹ và chó con” được toát lên sự chua xót, khổ cực đến nỗi so sánh người với động vật như vậy.
Tuy là thế, nhưng người mẹ này luôn âm thầm chịu đựng sự vất vả một mình, lam lũ, không than thở hay hờn trách một câu. Hình ảnh Mẹ Lê là hiện diện của cả triệu bà mẹ thời bấy giờ, có khổ đến mấy cũng không bỏ con, thà chịu đói, chịu rét, chịu hết tất cả sự khổ đau thì cũng nuôi con cho bằng được. Sự vĩ đại ấy, cứ âm thầm lặng lẽ, chịu đựng. Hình ảnh thống khổ biết bao nhưng lại được âm thầm chắt chiu những cái đẹp, cái đẹp của người làm mẹ từ bao đời nay, thà rằng để mình chịu khổ, thà rằng bữa đói bữa no chứ không để con phải chết đói, chết khát và thậm chí nhịn đói nuôi con để cho những đứa nhỏ không phải khổ hơn mình dù chỉ một chút. Sự cao cả ấy được hiện diện rõ nhất là lấy sự vất vả vì có việc làm niềm vui, vì lúc ấy có người thuê làm việc, có vài bát gạo, vài đồng bạc để nuôi con. Lúc đó, con bà có bát cơm để no bụng. Nhưng rồi mẹ lại chìm trong sự lo âu, đến mùa đông hết việc chỉ còn rạ khô ngoài đòng, không ai thuê mẹ nữa, con mẹ lại chịu đói từng bữa. Những đứa con nheo nhóc oằn mình chịu đói chịu rét đến ngày mùa năm sau. Cái khổ của nhà mẹ Lê là nhà quá đông con khiến mẹ phải oằn mình lo toan mọi thứ.
Trong cái xã hội thời bấy giờ luôn nặng gánh rằng “ đông con hơn nhiều của” thành ra gia cảnh của mẹ thời bấy giờ là cực kỳ phổ biến. Qua cái gia cảnh của Mẹ Lê ở trên, chắc hẳn ai cũng thương xót cho người đàn bà ấy và luôn nghĩ rằng, đẻ nhiều thì chịu khổ, giá như mẹ ít con hơn thì bớt gánh nặng phần nào. Và từ hình ảnh của mẹ Lê, ta vẫn thấy rằng, bà là một người biết hy sinh, chịu thương chịu khó, dù như thế nào cũng che chở cho con mình, thậm chí là oằn mình chịu rét che chở cho con, cố lấy thân xác của mình che chở cho đứa con nhỏ rét run lên vì lạnh.
Qua hình ảnh của Mẹ Lê, ta rút ra được một điều rằng chúng ta ý thúc được về câu chuyện giải pháp, cách cứu rỗi mỗi con người trong cuộc đời nghèo khổ ấy. Có ai có thể giang tay để cứu, để cưu mang cho mảnh đời bất hạnh của mẹ con nhà Lê. Hay, cứ vòng nối vòng, cuộc đời họ sẽ nghèo khổ, đáng thương và khổ sở như thế. Thạch Lam đã viết những dòng văn nhẹ nhàng và rất thơ về cuộc đời của những con người bất hạnh, đau khổ. Thế nhưng, có lẽ, ẩn sâu trong lời văn, nhà văn muốn nhắc nhở và khơi gợi tình thương trong mỗi con người.
-
Bài tham khảo số 3 - Nhà mẹ Lê (mẫu 2)
Thạch Lam là một tên tuổi lừng danh trong nhóm “Tự lực văn đoàn”. Với quan niệm rằng văn chương phải lành mạnh và tiến bộ, ông đã trở thành một trong những tác giả truyện ngắn nổi tiếng nhất, với khả năng đặc biệt trong việc khai thác thế giới nội tâm của nhân vật. Các tác phẩm của ông thường không tập trung vào các sự kiện lớn, mà thay vào đó tập trung vào những trải nghiệm, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật trong cuộc sống hàng ngày. Thường xuyên khai thác câu chuyện của những người lao động nghèo khổ, ông đã tạo ra những tác phẩm đáng nhớ, trong đó có tác phẩm "Nhà bà Lê". Trong tác phẩm này, ông đã tạo ra một nhân vật vô cùng độc đáo và đầy sức sống, bà Lê, người làm nghề giặt đồ để nuôi dạy con cái.
Bằng tài năng ngôn ngữ, cách hành văn đặc biệt, Thạch Lam đã tạo ra những câu từ văn chương sắc sảo như bức tranh vẽ miêu tả chân thực cuộc sống. Đoạn trích về Mẹ Lê, tác giả như đang miêu tả một cách chân thật về số phận đáng thương của một người phụ nữ với 11 đứa con nhỏ. Tác phẩm này tâm đắc thể hiện cái nghèo, cái túng quẫn của một xã hội đang chịu đựng khốn khổ. Bà Lê, với làn da nhăn nheo như quả trám khô, thân hình thấp bé và đói khát, nhưng lại là mẹ của 11 đứa con, đứa lớn nhất mới chỉ mười bảy tuổi, đứa bé nhất vẫn còn phải được bế trên tay.
Tình trạng nghèo khổ và túng quẫn được tả cực kỳ chân thực khi mô tả cuộc sống của gia đình Mẹ Lê trong căn nhà nhỏ bé được miêu tả như một "ổ chó", khiến cho bất lực và khổ đau cứ dâng trào lên từng trang sách. Thực tế đói rét, nghèo khổ và sự khốn khổ đến mức độ so sánh con người với động vật đã được thể hiện một cách đắng cay và cảm động.
Mặc dù đói nghèo, khó khăn bủa vây nhưng người mẹ vĩ đại này vẫn luôn âm thầm chịu đựng, gánh vác hết tất cả mọi nhọc nhằn một cách tự nguyện mà không một lời than thở hay trách móc bất kì ai. Hình ảnh hy sinh vì con cái của mẹ gần như là sự tượng trưng cho những bà mẹ thời đó, họ là những người luôn chấp nhận khổ đau, nghèo khó và đói rét để nuôi dưỡng cho con cái của mình khôn lớn và thành người. Sự vĩ đại của họ được thể hiện qua sự kiên trì và sự chịu đựng. Mặc dù họ phải chịu đựng sự thống khổ, nhưng họ vẫn chăm sóc cho con cái của mình và giữ lại những giá trị đẹp của một người mẹ từ xa xưa đến nay. Họ chấp nhận cả sự đói, rét để đảm bảo cho con cái được no đủ, được ấm no. Họ còn nhịn đói để nuôi con và để cho những đứa trẻ không phải chịu đau khổ như mình. Họ thật cao cả khi phải làm việc vất vả để kiếm sống và đủ gạo, đủ tiền để cho con ăn no. Ngay cả khi không có việc làm, khi chỉ còn rạ khô trên đồng, khi không ai thuê họ làm việc, họ lại chịu đói khó nuốt, không biết làm sao để nuôi con. Những đứa con nheo nhóc của Mẹ Lê phải chịu đói rét và đợi đến mùa đông mới có việc làm. Nhà Mẹ Lê quá đông con, khiến cho mẹ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và trăn trở.
Với quan niệm của xã hội xưa: "Con cái là lộc trời cho", vậy nên việc sinh đông con ở một là đình nghèo như Mẹ Lê là điều bình thường. Tuy nhiên, khi nghe câu chuyện về cuộc đời đầy truân, vất vả của bà, chúng ta không thể không cảm thấy đau lòng và thương xót cho những người mẹ đơn thân trong thời đại đó. Chỉ vì yêu thương con cái, họ chấp nhận hy sinh bản thân và chịu đựng khó khăn để nuôi dưỡng con. Hình ảnh của Mẹ Lê rõ ràng cho thấy bà là một người mẹ vĩ đại, luôn sẵn sàng đeo đuổi và chăm sóc con cái mình. Bà đã không ngại chịu đói, chịu rét để có thể đảm bảo cho đứa con nhỏ nhất của mình được ăn đủ, được ấm áp trong lúc mùa đông lạnh giá đang đến gần. Bằng tình mẫu tử cao cả, Mẹ Lê đã sử dụng thân xác của mình làm áo khoác để bọc trọn cho đứa con nhỏ, che chở cho đứa bé rét run lên vì lạnh. Bà là một hình ảnh rực sáng của tình mẫu tử và tình yêu thương trong cuộc sống đầy khó khăn.
Qua câu chuyện “Nhà bà Lê" ta cảm nhận được tiếng nói xót thương đối với những kiếp người nghèo đói cơ cực, sống quẩn quanh bế tắc, không ánh sáng, không tương lai, cuộc sống trước cách mạng tháng Tám. Từ hình ảnh của Mẹ Lê, ta rút ra được một điều rằng chúng ta ý thúc được về câu chuyện giải pháp, cách cứu rỗi mỗi con người trong cuộc đời nghèo khổ ấy. Có ai có thể giang tay để cứu, để cưu mang cho mảnh đời bất hạnh của mẹ con nhà Lê. Hay, cứ vòng nối vòng, cuộc đời họ sẽ nghèo khổ, đáng thương và khổ sở như thế. Thạch Lam đã viết những dòng văn nhẹ nhàng và rất thơ về cuộc đời của những con người bất hạnh, đau khổ. Thế nhưng, có lẽ, ẩn sâu trong lời văn, nhà văn muốn nhắc nhở và khơi gợi tình thương trong mỗi con người.
Từ câu chuyện “Nhà bà Lê", chúng ta có thể cảm nhận được những nỗi đau của cuộc sống của những người dân nghèo khổ, sống trong bất cập, mù mịt trước cách mạng tháng Tám. Và thông qua hình ảnh của Mẹ Lê tác giả muốn gửi gắm thông điệp rằng chính chúng ta cũng có thể tìm thấy giải pháp và cách giúp đỡ cho mỗi con người trong cảnh khốn khó ấy. Nhưng có bao nhiêu người sẵn sàng giúp đỡ để cứu rỗi mảnh đời bất hạnh như mẹ con bà Lê? Nếu không giúp đỡ, cuộc đời họ sẽ cứ lặp đi lặp lại trong đau khổ và nghèo khó. Thạch Lam đã viết về cuộc đời của những con người bất hạnh và đau khổ một cách nhẹ nhàng và thơ mộng, tuy nhiên, thông qua những dòng văn đó, ông cũng muốn kêu gọi mỗi con người tìm thấy tình thương và sự đồng cảm với những người đang gặp khó khăn.
-
Bài tham khảo số 4 - Dưới bóng hoàng lan (mẫu 1)
Thạch Lam là một cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn, cũng là một nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam những năm 1930 - 1945. Tuy sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm văn chương của Thạch Lam lại thấm đượm những giá trị nhân văn sâu sắc, những câu chuyện của đời sống vô cùng bình dị được nhà văn đưa vào tác phẩm với những điểm nhấn tạo thành những tác phẩm có giá trị, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bao thế hệ độc giả xưa - nay. Để tìm hiểu về phong cách, tư tưởng của nhà văn Thạch Lam, ta có thể phân tích thông qua truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”.
“Dưới bóng hoàng lan” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lan, cốt truyện nhẹ nhàng, khung cảnh làng quê gần gũi nhưng người đọc vẫn cảm nhận được những cái độc đáo, mới lạ mà nhà văn Thạch Lam mang đến, đó chính là hương vị của con người, của tình người. Những tình cảm ngỡ như đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng thầm kín, có sức lay động mạnh mẽ đến tâm thức, trái tim của người đọc, người nghe.
Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” viết về nhân vật Thanh thông qua một lần trở về quê hương, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Truyện ngắn còn là một khung cảnh đơn sơ, giản dị nhưng đầy chất thơ, thấm đượm hương vị của tình người. Thanh vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người thân yêu duy nhất của Thanh đó là bà, tuổi thơ của Thanh là một cuộc sống vất vả nhưng luôn tràn đầy hơi ấm, tình yêu, sự chở che của người bà. Do đó, với chàng thanh niên ấy mà nói, người bà vừa là người cha, người mẹ, cũng là người thân duy nhất của anh.
Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng, quạnh quẽ hơn “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”, dù xa nhà một thời gian dài nhưng mỗi lần trở về thăm quê thì ngôi nhà ấy vẫn chẳng có sự đổi thay nào, tựa như tình yêu thương nơi người bà vậy “ …cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Sự tĩnh lặng của căn nhà bỗng gợi lên trong Thanh biết bao tư vị, khiến anh “…trở nên nghẹn họng”.
Chỉ qua những dòng đầu tiên của tác phẩm thôi nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở Thanh một tình yêu quê hương da diết, một thứ tình cảm gắn bó thiêng liêng với ngôi nhà, mà trên tất cả là với người bà mà anh rất mực yêu thương, kính trọng. Vì vậy mà mỗi lần về thăm quê, Thanh không tránh khỏi cảm giác bồi hồi, mừng rỡ, đó là thứ tình cảm của một người con xa quê khi được trở về nơi mái nhà thân yêu, nơi quê hương mình được sinh ra, được lớn lên “…Khi Thanh từ giã cái bức nóng của phố xã, bước chân vào ngôi nhà mát rượi của bà, gặp lại những gì thương mến sau hai năm xa cách. Sự chăm sóc ân cần của bà, hương ngọc lan dịu ngọt phảng phất đâu đây đem đến chàng sự nhẹ nhõm….” Đó là sự nhẹ nhõm của tâm hồn con người luôn yêu quê, hướng về quê hương.
Các trang văn của Thạch Lam luôn vậy, nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại có sức lay động đến bình dị. Theo bước chân Thanh, người đọc như được hòa nhập làm một với nhân vật, cùng trải qua bao trạng thái, cảm xúc, từ bồi hồi, mừng rỡ đến hạnh phúc ngập tràn khi gặp lại người bà. Chỉ một câu nói của bà “Đi vào trong nhà không nắng cháu” khiến cho người đọc xúc động khôn nguôi, sự quan tâm dù rất nhỏ bé nhưng lại thể hiện được tình cảm, tấm lòng bao la của người bà đối với Thanh, luôn quan tâm đến cháu từ những thứ nhỏ nhặt nhất.
Vì vậy mà dù đã khôn lớn, trưởng thành nhưng khi ở bên bà Thanh luôn cảm thấy mình như một đứa nhỏ, được yêu thương, chăm sóc bởi bà: “Thanh đi bên bà, người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng. Tuy vậy, chàng cảm thấy chính bà che chở cho chàng, cũng như những ngày chàng còn nhỏ”. Thế mới nói tình cảm gia đình, mà ở đây là tình bà cháu thật vĩ đại, thiêng liêng, nó làm cho con người ta cảm thấy nhỏ bé, tâm hồn như được trở về tuổi thơ để đón nhận từng cử chỉ, từng quan tâm của những người mà ta yêu quý nhất.
Trở về thăm nhà sau hai năm xa quê, gặp lại bà, được nhận những yêu thương, quan tâm của bà, Thanh có cảm giác như được trở về với tuổi thơ “…tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng”. Sự xa cách của thời gian cũng không thể làm đổi thay những cảnh vật ngôi nhà, càng không tác động được đến thứ tình cảm thiêng liêng, bền vững của tình bà cháu “…Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ”.
Tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, lại rất đáng yêu, qua những đoạn đối thoại của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó. Sự nhẹ nhàng, tinh tế khi Thanh cài lên mái tóc Nga bông hoa hoàng lan, theo tôi đó chính là khoảnh khắc lãng mạn, tinh tế của đôi lứa. Dù sau đó Thanh vẫn tiếp tục phải lên đường, Nga ở lại, mỗi năm lại tự cài lên mái tóc của mình bông hoa hoàng lan như khi Thanh đang ở bên cạnh. Tình yêu chưa lời ngỏ, chuyện tình chưa đi được đến hồi kết nhưng sự nhẹ nhàng của tình yêu ấy cũng đủ để lay động biết bao tâm hồn.
Chất thơ của truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” còn được thể hiện rõ nét qua nhân vật người bà. Người bà tuy xuất hiện không hẳn nhiều nhưng qua vài chi tiết, những hành động, những lời nói quan tâm ta có thể cảm nhận trọn vẹn được tình cảm bao la của người ba dành cho người cháu yêu thương của mình. Từ lời quan tâm “Đi vào trong nhà không nắng cháu” đến lời thúc giục cháu đi rửa mặt rồi nghỉ ngơi “ Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư?….”. Sợ cháu mệt, bà sửa gối chiếu, dùng phất trần để phủi bụi trên giường, bà giục cháu nghỉ ngơi còn mình thì xuống bếp nấu ăn vì sợ cháu đói.
Người bà quan tâm từng việc nhỏ nhặt nhất của người cháu. Đối với Thanh khi ở bên bà lúc nào cũng có cảm giác được che chở, được quan tâm thì đối với bà, người cháu dù có lớn khôn đến đâu thì với bà lúc nào cũng là một đứa nhỏ cần được yêu thương, chăm sóc: “ …Ở đấy, bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng”. Tình yêu thương của bà giản dị nhưng thật thiêng liêng, cao quý biết bao!
Từng cử chỉ, hành động của bà đều khiến ta cảm động, bà luôn ân cần chăm sóc cho Thanh “Bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi, gió quạt nhẹ trên mái tóc chàng”. Tuy chỉ được miêu tả qua một câu ngăn ngủi nhưng ta dường như còn cảm nhận được ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp, hiền từ của người bà. Ánh mắt ấy là cả trời yêu thương, quan tâm đến đứa cháu làm cho Thanh “..cảm động ứa nước mắt”, còn đối với người đọc như được trở về với những kí ức bên người bà, mỉm cười hạnh phúc với những kỉ niệm thân yêu của chính mình.
Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, bởi nó mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng thông qua câu chuyện của Thanh. Sở dĩ nó mang lại cho con người biết bao cảm xúc yêu thương, trìu mến bởi nó khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời.
-
Bài tham khảo số 5 - Dưới bóng hoàng lan (mẫu 2)
Khi nhận xét về Thạch Lam, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết rằng: "Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc...Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời.". Quả đúng là như vậy, đọc trang văn của Thạch Lam, độc giả luôn có cảm giác thư thái và nhẹ nhàng. Trong truyện "Dưới bóng hoàng lan", chúng ta như được đắm mình vào không gian bình dị, thân thuộc, nơi mà ở đó luôn có những người thân yêu chờ ta trở về.
Câu chuyện xoay quanh về một lần thăm nhà của nhân vật Thanh. Thanh đi làm ăn xa trên tỉnh, nay anh mới về thăm bà. Trong khung cảnh bình dị của ngôi nhà, những hình ảnh quen thuộc hiện lên trong tâm trí anh. Dưới bóng hoàng lan, anh nhớ về kỉ niệm ấu thơ khi bên bà. Cũng vào lần về lần này, anh gặp lại Nga, người bạn thuở thơ ấu. Anh và Nga đã có một mối tình chớm nở. Sau vài ngày ở nhà, anh trở lại tỉnh để tiếp tục công việc. Vào ngày đi, anh nghĩ mình sẽ trở về thường xuyên. Điểm đặc biệt là tác phẩm không có cốt truyện. Dẫu vậy, nó vẫn khiến cho người đọc không thể rời mắt hay bỏ ngang bởi lời văn quá đẹp đẽ và thơ mộng. Văn bản cho thấy giá trị của tình cảm gia đình đối với mỗi cá nhân. Điều này được thể hiện rõ qua cảm nhận của nhân vật Thanh.
Cảm xúc của Thanh khi trở về nhà là tâm trạng của người con đi xa nay được trở về với mái nhà, gia đình thân yêu. Lúc bước vào khu vườn của bà, anh cảm thấy "mát hẳn người". Khung cảnh quê hương hiện lên thật tươi đẹp, thanh bình qua hình ảnh "ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió" cùng "mùi lá non phảng phất". Anh thong thả đi dọc "tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà". Bước lên thềm, nhìn vào nhà, anh thấy "bóng tối dịu và man mát". Khi đã quen rồi, Thanh thấy mọi thứ không có gì thay đổi, vẫn y nguyên như ngày anh đi. Cảnh tượng ấy khiến anh không thể nói thành lời, mãi mới cất được tiền gọi khẽ "bà ơi". Tất cả đã tạo nên sự khác biệt giữa không gian bên trong và bên ngoài khu vườn. Không gian bên trong là không gian của kí ức ngọt ngào, của tình yêu thương và sự ấm áp. Đó là điều mà không gian xô bồ, hỗn loạn bên ngoài khu vườn không bao giờ có được. Cảm nhận được sự khác biệt ấy, Thanh thấy tâm hồn mình được nâng đỡ, xoa dịu sau những ồn ào, mệt mỏi của đời sống phố thị.
Trong khoảnh khắc gặp lại bà, Thanh như vỡ òa cảm xúc, "Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.". Ở bên bà, anh cảm thấy mình thật nhỏ bé. Dường như, có sự đối lập giữa một bên là dáng người của Thanh còn một bên là cái lưng còng của bà. Tuy nhiên, nó không khiến cho Thanh cảm thấy xa cách, mà trái lại, anh cảm thấy mình được chở che. Mỗi lần trở về, Thanh đều cảm thấy bình yên và thong thả vì anh biết ở nhà luôn có bà chờ mong, "Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng". Dù đã lớn, nhưng trong con mắt của bà, Thanh vẫn là cậu bé ngày nào. Bà vẫn "không thôi phẩy chiếc phất trần lên đầu giường", "sửa chiếu và xếp lại gối". Trong khoảnh khắc, mùi hương của cây hoàng lan làm anh nhớ lại kí ức thời thơ bé, "Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quýt nhau.". Nghĩ về quá khứ, Thanh thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhõm "như vừa tắm ở suối".
Nỗi xúc động càng trào dâng khi Thanh nhận được tình yêu thương của bà. Biết bà đi vào, anh giả vờ nằm ngủ. Bà tới gần "săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi". Hành động của bà chan chứa biết bao nỗi thương yêu. Thấu hiểu được tình cảm của bà, anh nằm yên, không dám động đậy, chờ cho đến khi bà đi ra. Tình thương vô bờ ấy khiến Thanh "cảm động gần ứa nước mắt". Dòng cảm xúc miên man đan xen giữa quá khứ và hiện tại cho thấy Thanh cũng là một người rất nhạy cảm, tinh tế.
Bên cạnh tình cảm gia đình, ta còn thấy được tình cảm lứa đôi vô tư, trong sáng. Tình cảm của Thanh và Nga cũng có sự pha trộn giữa kỉ niệm đẹp thời thơ ấu với những ngọt ngào, ý nhị của tình yêu. Khi nghe thấy điệu cười quen thuộc, anh "lẳng lặng ngồi dậy, tì trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao". Bóng cây hoàng lan đã gợi nhắc anh về cô bé Nga ngày trước. Anh không chần chừ "chạy vùng xuống nhà ngang rồi vui vẻ gọi "cô Nga"". Thanh vô tư ăn cơm cùng Nga, có lúc còn lầm tưởng Nga là em ruột của mình. Dẫu vậy, ở Thanh cũng có chút ngại ngùng của người con trai biết yêu. Khi cùng Nga đi dưới bóng hoàng lan, anh "nhớ lại đôi bàn chân xinh xắn, lấm tấm cát" của Nga ngày còn nhỏ rồi bất giác mỉm cười. Dắt Nga đi thăm vườn, Thanh cảm thấy mái tóc Nga thoảng thoảng mùi hoàng lan. Nghe thấy câu nói của Nga, Thanh không biết nói gì, vít cành lan ở trong tay để cô tìm hoa. Những ngượng ngùng ấy đã được thổi bùng lên thành cảm xúc thương yêu. Trước hôm về tỉnh, Thanh tiễn Nga ra cổng. Anh đã cầm lấy tay Nga và để yên trong tay mình. Trong khoảnh khắc ấy, Thanh cảm thấy có điều gì đó dịu ngọt trong tâm hồn.
Có lẽ, nỗi bâng khuâng, lưu luyến của nhân vật được thể hiện rõ nhất khi Thanh lên tỉnh. Anh không đi ngay mà ngoảnh lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn. Anh thấy nửa vui nửa buồn. Anh biết rằng căn nhà vẫn ở đó, vẫn có hình dáng bà thân thuộc mong ngóng anh. Thanh còn nghĩ đến cả Nga, "biết rằng Nga vẫn sẽ đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước".
Hình ảnh cây hoàng lan trở đi trở lại trong văn bản chứa đựng nhiều ý nghĩa. Hình ảnh này có thể hiểu là hình ảnh cây hoàng lan trong vườn, cũng có thể hiểu là hình ảnh người bà tần tảo, giàu tình yêu thương. Bà cũng như cây hoàng lan, tỏa bóng che chở cho cháu, che chở cho cả mối tình đầu tiên giữa cháu và cô bé Nga cạnh nhà. Hoàng lan chứng kiến sự trưởng thành của hai đứa như bà trông thấy cháu trưởng thành, lớn khôn trong vòng tay yêu thương.
Với ngôn từ tinh tế, lối kể chuyện nhẹ nhàng, giọng văn tha thiết, dịu dàng, cùng sự đan xen giữa quá khứ với hiện tại, Thạch Lam đã đưa người đọc trở về tuổi thơ tươi đẹp với người bà ấm áp và hình ảnh quê hương thân thuộc. Tác phẩm như một lời nhắc nhẹ nhàng đối với những đứa con xa nhà lâu ngày chưa trở về thăm quê.