Top 13 đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe hay nhất
Bài viết dưới đây Toplist đã tổng hợp các đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe hay nhất, các bạn cùng tham khảo để rèn ... xem thêm...luyện cách viết cho mình nhé!
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 1
Em rất yêu thích câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” của A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Puskin. Đây là một câu chuyện hay ca ngợi lòng biết ơn đối với những người có tấm lòng nhân hậu. Câu chuyện xoay quanh nhân vật ông lão đánh cá. Trong một lần đi đánh cá, ông lão đã bắt được con cá vàng, nhưng nhận được lời cầu xin tha mạng từ nó nên ông lão đã thả nó đi. Hành động này cho thấy ông lão là một người hiền lành, nhân hậu. Ông cứu cá vàng mà không cần đến sự trả ơn. Vì tôn trọng ý muốn của vợ nên ông đã cầu xin cá vàng nổi lên đáp ứng nguyện vọng của mụ. Nhưng càng lúc, lòng tham của mụ vợ càng trở nên quá quắt, luôn đặt vật chất lên trên cả tình cảm vợ chồng. Điều này làm cho cá vàng tức giận, quẫy đuôi lặn xuống biển cả. Hai vợ chồng ông lão trở về với cuộc sống nghèo khó trước đây. Đây chính là sự trừng trị đối với những kẻ tham lam. Câu chuyện giúp em hiểu ra rằng cần biết ơn những người đã giúp đỡ mình khi hoạn nạn, khó khăn. Không nên tham lam, bội bạc, đừng vì vật chất và danh vọng mà đánh mất tình người. Câu chuyện là bài học sâu sắc về lòng tham. Nó khiến em cảm thấy trăn trở và cũng tự nhắc nhở bản thân về việc tìm kiếm hạnh phúc trong những điều giản dị. Đối với em, đây là một câu chuyện rất hay và ý nghĩa.
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 2
“Điều ước của vua Mi-Đát” là một câu chuyện cổ mà em rất yêu thích. Câu chuyện kể về vị vua Mi-Đát, ông là một vị vua giàu có nhất trên thế giới, cai trị vương quốc mà bất kì ai cũng thèm khát có một lần trong đời. Vị vua này tuy có tấm lòng nhân từ nhưng lại có ước mơ trở nên giàu có, ông muốn mọi thứ mình chạm vào đều biến thành vàng. Đến khi chạm vào công chúa, người mà ông yêu quý, lại biến thành vàng, ông mới thực sự hiểu được sự tồi tệ của lời ước tham lam. Niềm vui ban đầu nhanh chóng trở thành bi kịch khi ông nhận ra rằng sự giàu có này không mang lại hạnh phúc. Sự tham lam, ích kỉ sẽ chỉ đem đến những khổ đau và bất hạnh mà thôi. Chúng ta nên biết hài lòng với những gì mà mình đang có ở hiện tại và những gì mà mình làm ra bằng chính khả năng của bản thân. Em cảm thấy rất xót xa cho số phận của vua Mi-đát khi ông nhận ra sự thật. Câu chuyện đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc, em rất trân trọng những thông điệp, ý nghĩa mà nó mang lại.
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 3
Em rất ấn tượng với câu chuyện “Nghệ sĩ trồng”. Đây là một câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người đọc về việc dám ước mơ và dám thực hiện ước mơ của mình. Truyện kể về cô bé Mi-lô có đam mê chơi trống nhưng bị mọi người trên đảo ngăn cản. Với đam mê cháy bỏng cùng ý chí quyết tâm Mi-lô đã vượt qua nghịch cảnh và định kiến để theo đuổi ước mơ của mình. Cuối cùng, Mi-lô đã trở thành nghệ sĩ trống nổi tiếng thế giới. Em rất khâm phục tài năng và nghị lực của Mi-lô. Cô bé đã truyền cảm hứng mãnh liệt để em có thể theo đuổi ước mơ của mình. Em rất yêu thích câu chuyện này.
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 4
Hồi lớp 3, em được học câu chuyện “Tia nắng bé nhỏ”. Câu chuyện đã để lại ấn tượng khó quên trong trí nhớ của em. Câu chuyện nói về tình cảm gia đình vô cùng ấm áp của hai bà cháu. Na là nhân vật em yêu thích nhất trong câu chuyện. Na đã có suy nghĩ mang nắng về cho bà vì bà rất thích nắng. Dù không thể thực hiện điều đó nhưng bà của Na rất vui vì có một người cháu hiếu thảo. Em rất cảm động trước tình cảm bé Na dành cho người bà yêu quý của mình. Dù câu chuyện em đã nghe từ lâu nhưng nó đã để lại dấu ấn khó quên trong tâm trí em.
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 5
Đọc xong câu chuyện Tấm Cám, em yêu mến và ngưỡng mộ cô Tấm thật nhiều! Không hiểu sao, cô Tấm lại có thể hiền lành, nhẫn nại và nhường nhịn chị Cám, mẹ dì ghẻ đến vậy. Cùng là chị em, không hiểu sao Cám lại ác độc, so đo với Tấm như vậy. Cám đều muốn tranh những phần tốt về mình: bắt được nhiều cá hơn, được đi dự hội, được đi kén vợ, cướp công Tấm trước mặt nhà vua… Ấy vậy, Tấm vẫn đến được bờ thiện lương, tìm được hạnh phúc cuối cùng bên nhà vua. Thật vậy, cuộc sống tốt đẹp sẽ do chính bản thân ta gây dựng nên – làm những điều thiện, việc thiện, ắt sẽ có những người muốn yêu thương, giúp đỡ lại ta (như ông bụt, như nhà vua, như cụ bà nuôi Thị…). Em sẽ nỗ lực để rèn cho mình những đức tính tốt đẹp như cô Tấm và giới thiệu câu chuyện tới nhiều người bạn đọc hơn nữa.
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet) -
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 6
Em được nghe kể truyện Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam. Em rất ấn tượng với nhân vật cô bé Hiên. Hiên là một cô bé nhà nghèo, thiếu thốn đủ đường. Mẹ của em làm nghề mò cua bắt ốc, nên chẳng đủ tiền may áo mới cho em. Vậy nên, dù trời đông rét buốt, em vẫn chỉ mặc có một manh áo tả tơi, hở cả lưng và tay. Tuy vậy, nhờ tình thương, và sự quan tâm ấm áp của chị em Sơn cùng mẹ của Sơn, cuối cùng, Hiên đã có được chiếc áo ấm của mình. Qua nhân vật Hiên, tác giả giúp em cảm nhận được tình ấm áp của con người với nhau trong xã hội. Chỉ cần chúng ta cho đi, yêu thương, đùm bọc, san sẻ cho nhau, thì mùa đông sẽ không còn lạnh lẽo nữa.
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 7
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, em thường được bà kể cho nghe nhiều câu chuyện hay. Trong số đó, em thích nhất câu chuyện “Rùa và Thỏ”. Câu chuyện kể về cuộc chạy đua giữa Rùa và Thỏ, khiến em vô cùng thích thú. Thỏ cậy mình chạy nhanh nên đã kiêu ngạo, chủ quan vừa chạy vừa rong chơi đuổi hoa bắt bướm. Còn Rùa biết mình chậm chạp nên đã cố gắng từng bước để về đến đích. Cuối cùng, Rùa chiến thắng trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người khiến em nhớ mãi. Truyện ca ngợi những con người có ý chí kiên trì, lên án những người hay kiêu ngạo và xem thường người khác. Em rất xúc động trước những nỗ lực, cố gắng để đạt được mục tiêu của Rùa. “Rùa và Thỏ” là câu chuyện thật thú vị dù em đã nghe nhiều lần nhưng vẫn muốn tìm đọc lại.
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 8
“Cây tre trăm đốt” là một truyện cổ tích rất quen thuộc, gần gũi. Truyện kể về cuộc đời anh chàng Khoai gắn với hình ảnh cây tre có trăm đốt - một hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Đọc truyện, em ấn tượng nhất với câu thần chú “khắc nhập - khắc xuất” và hình ảnh cây tre trăm đốt. Qua câu chuyện, tác giả muốn gửi gắm bài học về thiện, ác. Anh chàng Khoai tốt bụng, chăm chỉ đã được ông Bụt giúp đỡ khi bị phú ông làm khó. Còn lão phú ông tham lam, độc ác thì nhận phải quả báo. Truyện đã để lại bài học cho chúng ta rằng phải biết phân biệt đúng sai, cũng như thiện ác. Con người cần sống có lí tưởng cho riêng mình, phải biết đấu tranh cho sự công bằng, phải bênh vực kẻ yếu. Sống lương thiện thì sẽ nhận được điều tốt.
Ảnh minh hoạ (nguồn internet) -
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 9
Em rất yêu thích câu chuyện “Khổ luyện thành tài”. Truyện thể hiện một thông điệp sâu sắc về giá trị của sự kiên trì và khổ luyện trong quá trình rèn luyện tài năng. Câu chuyện là quá trình khổ luyện, rèn giũa của Lê-ô-nác-đô, nhờ điều này ông đã trở thành một người họa sĩ nổi tiếng với nhiều bức tranh được mọi người biết đến. Trong câu chuyện, em rất ấn tượng với chi tiết thầy Vê-rô-ki-ô để Lê-ô-nác-đơ đa Vin-xi vẽ đi vẽ lại quả trứng suốt mười mấy ngày đầu. Thầy muốn rèn luyện cho học trò sự kiên nhẫn, cẩn thận với nghề nghiệp của mình. Nhờ sự chỉ dạy tận tâm của thầy cùng tài năng bẩm sinh và sự khổ luyện của bản thân, sau này, Lê-ô-nác-đơ đa Vin-xi đã trở thành họa sĩ nước Ý nổi tiếng thế giới. Truyện khiến em cảm nhận sâu sắc rằng sự kiên trì và khổ luyện chính là chìa khóa đi đến thành công. Đối với em, đây là câu chuyện về sự kiên trì, khổ luyện hay nhất mà em từng đọc.
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 10
Em thực sự đã rất cảm động và khâm phục trước sự cố gắng của cậu bé Sam trong truyện "Mơ ước của Sam". Khi được thầy giáo hỏi về ước mơ của mình, Sam mong muốn trở thành một ông chủ trại chăn nuôi ngựa giống cha. Mặc dù đã được thầy báo trước về những khó khăn nhưng Sam vẫn quyết tâm giữ ước mơ của mình. Sam quả là một cậu bé kiên định. Sự kiên định, nỗ lực đã giúp Sam trở thành một ông chủ trang trại trong tương lai. Cậu bé Sam đã cho em bài học về tinh thần nghị lực, kiên trì với mục tiêu mà mình đặt ra.
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 11
Câu chuyện về tình cảm bà cháu mà em yêu thích nhất gần đây, chính là “Về thăm bà” của nhà văn Thanh Tịnh. Cả câu chuyện kể về một chuyến về thăm bà của một người cháu xa nhà đã lâu. Theo chân nhân vật Thanh bước vào nhà bà, em như cảm nhận được tâm hồn bình yên đến lạ kì của người cháu ấy. Chẳng có những bữa cỗ linh đình hay những cuộc gặp mặt náo nhiệt. Về với bà, Thanh được đến với miền không gian bình yên, mát mẻ, dịu dàng của bà. Biết bao khó nhọc, vất vả đều dừng lại bên ngoài cánh cửa. Mọi thứ ở trong nhà bà đều thật đẹp, thật yên bình, thật trong lành và bình dị. Ở đây, Thanh lại được là người cháu nhỏ để bà yêu thương, chiều chuộng. Chính vì tại ngôi nhà này có bà của Thanh, nên anh mới có những cung bậc cảm xúc ấy. Những tình cảm giản dị, mộc mạc mà đáng trân quý đó giữa hai bà cháu, đã thu hút em vào từng dòng của câu chuyện.
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 12
Đọc câu chuyện “Bà cháu” của tác giả Trần Hoài Dương, em thấy rất xúc động. Trước tiên, đó là tình cảm của bà dành cho các cháu. Tuy gia cảnh nghèo khó, rau cháo nuôi nhau, nhưng ba bà cháu luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Tình cảm của các cháu dành cho bà cũng vô cùng cảm động. Được cô tiên cho hạt đào và dặn trồng cạnh mộ bà, khi bà mất sẽ sung sướng, các cháu không hề cảm thấy vui mà chỉ buồn bã. Khi được lựa chọn giữa vàng bạc, sung sướng hay người bà yêu quý sống lại, hai cháu đã không chần chừ chọn bà của mình sống lại. Điều đó cho thấy hai cháu rất yêu thương bà, không ham vàng bạc, phú quý. Chi tiết hai anh em òa khóc xin cô tiên cho bà sống lại thật ý nghĩa. Giọt nước mắt của hai anh em chính là giọt nước mắt của tình yêu thương, giọt nước mắt của những người ruột thịt dành cho nhau. Phần thưởng xứng đáng là bà đã sống lại. Câu chuyện đã giúp em hiểu ra nhiều điều: Tình thân gia đình là điều thiêng liêng, đáng quý, không gì có thể thay thế được. Chúng ta phải trân trọng tình cảm đó và học cách yêu thương người thân của mình hơn.
-
đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện mà em đã đọc đã nghe - mẫu 13
"Sự tích cây vú sữa" là một câu chuyện cổ tích Việt Nam kể về tình cảm gia đình và lòng hiếu thảo. Câu chuyện giải thích nguồn gốc của cây vú sữa qua một câu chuyện cảm động về tình mẹ con. Truyện kể về một cậu bé nghịch ngợm bỏ nhà đi vì giận mẹ. Mẹ cậu đau buồn và ngày đêm chờ đợi con trở về. Khi cậu bé quay về, mẹ cậu đã qua đời và tại nơi mẹ chờ mong cậu trở về đã mọc lên một cây lạ. Trái cây của cây lạ khi chín có sữa ngọt ngào, giống như tình yêu thương của mẹ. Cây được gọi là cây vú sữa, tượng trưng cho tình mẹ bao la và lòng hiếu thảo. Người mẹ trong câu chuyện hiện lên với tình yêu thương vô bờ bến và sự kiên nhẫn chờ đợi con trở về. Câu chuyện dạy em về lòng hiếu thảo, tình yêu thương và sự biết ơn đối với cha mẹ. Em rất ngưỡng mộ tình yêu thương và lòng kiên nhẫn của người mẹ dành cho con. Câu chuyện khiến em cảm động và hiểu hơn về tình yêu thương bao la vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái. Chính vì vậy, chúng ta phải biết yêu thương và kính trọng cha mẹ, không nên làm cha mẹ buồn lòng.
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)