Top 4 Phân tích cảm nhận sông Hương qua bốn chặng đường tìm về thành phố Huế trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông" hay nhất

Hà Ngô 392 0 Báo lỗi

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cảm nhận dòng Hương ở các lĩnh vực như địa lí, lịch sử và thơ ca, nhưng có lẽ dòng Hương giang đẹp và để lại dấu ấn sâu sắc nhất là qua ... xem thêm...

  1. Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) đã mở đầu bài kí của mình bằng một câu văn đầy chủ quan: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất." Nhận xét của HPNT thể hiện được niềm tự hào của mình với dòng sông Hương đồng thời ông đã đặt ngang hàng Hương giang với vẻ đẹp của các dòng sông trên thế giới. Bằng trí tưởng tượng phong phú và niềm say mê bất tận đối với Hương giang, HPNT đã gợi nên vẻ đẹp hoang dại của dòng sông ở thượng nguồn.


    Ông gọi đó là "bản trường ca của rừng già". Tên gọi ấy xuất phát từ cội nguồn của dòng sông đó là đại ngàn của Trường Sơn hùng vĩ. Sông Hương ở phần thượng nguồn toát lên vẻ đẹp dữ dội khi nó đi qua dãy Trường Sơn hoang dại của núi rừng và người yêu văn khó có thể quên được những câu văn tùy bút đẹp như một bản nhạc với đầy đủ những nốt trầm nốt bổng: "rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng." Những vế đầu của câu văn rất ngắn gọn và những âm vực cao tạo nên những nốt bổng, nốt thăng trong bản nhạc của sông Hương, nhưng vế sau lại là một tổ hợp như những câu phức với nhiều vế dàn trải để người đọc được ngân nga những nốt nhạc nhẹ của sông hương dịu dàng và say đắm.


    Người đọc nhớ tới con sông Đà của Nguyễn Tuân khi nhập quốc tịch Việt Nam, chảy qua phần thượng nguồn nó cũng vô cùng dữ dội. Nguyễn Tuân đã tập trung miêu tả độ dốc của con sông khi đi qua những quãng sông hẹp: “đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có ánh mặt trời.” Thậm chí có những quãng hẹp đến mức "con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia.” Nếu con sông Đà của Nguyễn Tuân hiện lên dữ dội qua những câu văn có kết cấu điệp trùng như "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy.” thì con sông Hương của HPNT lại hiện lên với những câu văn tạo ra âm hưởng hùng tráng rất riêng cho bản trường ca rầm rộ của rừng già. Để tạo nên sự man dại của dòng sông ở phần thượng nguồn, HPNT đã sử dụng dày đặc nghệ thuật đối lập, tương phản, so sánh để kích thích trí tưởng tượng của người đọc và từ đó độc giả hình dung ra vẻ đẹp khác nhau của dòng sông. Tác giả cũng chọn lựa những tính từ miêu tả để làm nổi bật vẻ đẹp riêng của sông Hương trên thượng nguồn: rầm rộ, mãnh liệt, cuộn xoáy, dịu dàng và say đắm để cho thấy những nét tính cách đối lập, đa dạng nhưng lại vô cùng thống nhất của sông Hương. Khó ai có thể hiểu những tính cách đối lập ấy lại hội tụ trong một cô gái. Tưởng rằng ví sông Hương như một cô gái thì sẽ thật dịu dàng, nữ tính. Không chỉ dừng lại ở đó, HPNT còn khoác lên cho dòng sông Hương một vẻ đẹp vô cùng độc đáo: "Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại". Như vậy, ngay ở những câu đầu tiên của bài kí này, HPNT đã sử dụng rất thành công nghệ thuật nhân hóa để ví dòng sông như một cô gái với sức mạnh của rừng già: với bản lĩnh gan dạ và một tâm hồn tự do, trong sáng. Cá tính của một cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn hình tượng cô gái Di - gan để ví với dòng sông Hương trên thượng nguồn. Nếu ai đã từng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một cô gái Di - gan thì tôi dám chắc sẽ bị cuốn hút bởi sự bí ẩn nhưng mạnh mẽ vô cùng, với làn da nâu rám nắng, đôi mắt xanh thăm thẳm như những thảo nguyên, mái tóc vàng đầy nắng và gió. Đặc biệt những cô gái này còn biết đến bởi nhưng vũ điệu bốc lửa, đắm say và thuật bùa chú. Và dòng Hương của Huế trên thượng nguồn cũng vậy. Sống cuộc đời phóng khoáng, tự do của dân du mục, của những con người không bao giờ chịu khuất phục. Đặc biệt cô gái ấy mang chút man dại, hoang sơ của núi rừng như con sông Hương khi còn ẩn mình trong rừng đại ngàn Trường Sơn. Nhưng cũng chính rừng già nơi đây cũng đã chế ngự nó để sông Hương tạo được cho mình một vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ - phẩm chất cần thiết của một người con gái khuôn mực. Nếu không có vẻ đẹp dữ dội ở trước đó tạo nên sự lạ lẫm thì đến đây dòng Hương giang lại trở về với vẻ đẹp muôn thủa. Hai nét tính cách này của sông Hương làm cho chúng ta liên tưởng đến sự trưởng thành của một người con gái: Khi còn trẻ thì còn ngang ngược, thậm chí bướng bỉnh với lối sống phóng khoáng. Nhưng qua thời gian và sự trải nghiệm thì người con gái ấy dần trưởng thành để mang cho mình những phẩm chất để có thể làm một người vợ, người mẹ. Nên trong cảm nhận của HPNT, đến đây dòng Hương giang đã có thể trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Như vậy, với những hình ảnh phong phú, nghệ thuật đặc sắc, liên tưởng đa dạng, HPNT đã đưa đến những tính cách của dòng sông Hương ở phần thượng nguồn và từ đó ta hiểu sâu thêm phong cách và lối tư duy có chiều sâu trí tuệ của nhà văn. Đây là bộ mặt và nét tính cách mà sông Hương muốn giấu kín nên ít ai biết đến mà chỉ hiểu sông Hương một con sông trầm mặc và dịu dàng.

    Bởi trước khi đi ra khỏi rừng sông Hương đã đóng kín lại và ném chiếc chìa khóa vào trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.

    Sông Hương ở thượng nguồn - Cô gái Di - gan phóng khoáng, man dại.
    Sông Hương ở thượng nguồn - Cô gái Di - gan phóng khoáng, man dại.
    Sông Hương ở thượng nguồn - Cô gái Di - gan phóng khoáng, man dại.
    Sông Hương ở thượng nguồn - Cô gái Di - gan phóng khoáng, man dại.

  2. Tiếp theo, HPNT đã miêu tả con sông Hương từ cội nguồn trở về ngoại vi thành phố Huế. Tác giả đã miêu tả dòng sông Hương bằng cái nhìn rất đa tình, thể hiện một tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn và bay bổng. Trước khi trở thành người tình thủy chung dịu dàng của mảnh đất Huế, Hương giang đã trải qua một hành trình đầy gian khổ, thử thách. Với sự cảm nhận đầy tinh tế của HPNT, toàn bộ hành trình đi từ cội nguồn đến ngoại vi rồi neo đậu ở thành phố Huế như một cuộc tìm kiếm có ý thức người tình mong đợi của người con gái trong câu chuyện cổ tích ngày xưa. Đến đây, sông Hương mang một vẻ đẹp trữ tình, một lần nữa lại được ví như một "người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại" được người tình đến đánh thức. Người đọc nhớ đến câu chuyện cổ tích Nàng công chúa ngủ trong rừng, đang ngủ say sưa trong lời nguyền của mụ phù thủy và chờ đợi người tình trong mộng đến đánh thức bằng một nụ hôn định mệnh của tình yêu. Và người tình ấy với Hương giang không ai khác ngoài kinh thành Huế. Rõ ràng, HPNT liên tiếp sử nghệ thuật nhân hóa, liên tưởng để cho dòng sông vừa mang vẻ đẹp trữ tình, vừa bừng lên sức sống.


    Tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài, người đẹp Hương giang đã: “Chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông – bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ". Đoạn văn đẹp này như một câu thơ, nó gợi lên dòng sông đẹp miên man và duyên dáng. Đọc đoạn văn này, người yêu văn lại liên tưởng đến Nguyễn Tuân khi miêu tả con sông Đà ở hạ lưu với những câu văn đẹp: “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Vậy vì sao mà con sông phải chuyển dòng liên tục, có phải chăng HPNT muốn nói rằng cuộc tìm kiếm một người tình trong mộng là không hề dễ dàng, có thể đôi bàn chân phải bôn ba trên khắp các nẻo đường như dân gian đã từng viết:


    Anh đến tìm hoa

    Thì hoa đã nở

    Anh đến tìm đò

    Thì đò đã sang sông

    Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng


    Và sông Hương trong cuộc hành trình tìm kiếm người yêu đích thực của mình cũng vậy. Nó phải Chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột – thì mới gặp được Huế. Dịu dàng và đầy e ấp, nó uốn mình theo những đường cong thật mềm, nhưng lại bất giác rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông – bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ.


    Phải chăng chính khúc quanh đột ngột này là nàng Hương đã nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng người tình trong mộng của mình. Và nó không chần chừ một giây phút để lỡ và quay về phương đó. Con sông Hương chảy qua đôi bờ cỏ cây tươi tốt, góp nhặt sắc núi Ngọc Trản rồi qua Tam Thai, Lưu Bảo để trở nên mềm mại như một tấm lụa. HPNT đã vẽ một bức tranh bằng nghệ thuật ngược sáng của điện ảnh. Dòng sông in bóng những ngọn đồi tạo nên phản quang nhiều màu sắc: “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Ta lại hình dung đến vẻ đẹp thật dịu dàng, e lệ của sông Hương trước khi gặp thành phố Huế. Nàng Hương ấy điệu đà mà chuẩn bị để đi gặp người tình trong mộng: nàng chuẩn bị cho mình ba sắc áo nàng yêu thích nhất: xanh, vàng, tím để làm duyên, làm dáng với tình nhân. Dòng sông thật yểu điệu trong con mắt của HPNT. Nếu sông Hương đổi sắc màu theo ngày thì sông Đà của Nguyễn Tuân lại đổi sắc màu theo tháng trong năm. Mùa xuân nước sông Đà xanh màu “xanh ngọc bích” chứ không “xanh màu canh hến của sông Gâm sông Lô”. Mỗi độ xuân về, nước sông lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”.


    Hương giang không rực rỡ kiêu sa nữa bởi nó đã thấm vào mình một vẻ đẹp của rừng thông u tịch. Đó là vẻ đẹp triết lí như cổ thi và niềm kiêu hãnh âm u tỏa ra từ giấc ngủ ngàn thu của vua chúa. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương. Khi thoát khỏi những vách núi, những đá vực, Hương giang bừng tỉnh, khi ngân nga tiếng chuông chùa Thiên Mụ rồi xa cách tiếng gà ở làng đồi núi trung du. Đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của Hương giang là sự hắt bóng kì diệu, vẻ đẹp mơ mộng của phong cảnh miền đất cố đô.

    Sông Hương trước khi đi vào kinh thành Huế - hành trình đi tìm người tình trong mộng.
    Sông Hương trước khi đi vào kinh thành Huế - hành trình đi tìm người tình trong mộng.
    Sông Hương trước khi đi vào kinh thành Huế - hành trình đi tìm người tình trong mộng.
    Sông Hương trước khi đi vào kinh thành Huế - hành trình đi tìm người tình trong mộng.
  3. Điều đầu tiên tác giả muốn cho người đọc thấy nét thay đổi của sông Hương khi gặp kinh thành Huế là nó vui tươi hẳn lên. Đó là quy luật tình cảm tất yếu. Có ai từng quá nửa hành trình trong cuộc đời mình đi tìm một người tình trong mộng với bao gian nan, vất vả giờ đây khi gặp được chủ nhân của lòng mình lại không vui hay sao? Chính điểm vui tươi của một người con gái trong tình yêu là thời gian đẹp nhất. Có lẽ vì thế mà Hương giang thật sự muốn vấn vương, muốn sống chậm lại để cảm nhận.


    Miêu tả vẻ đẹp quyến rũ của Hương giang khi chảy qua lòng thành phố Huế, HPNT đã cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông bằng cảm quan của một người nghệ sĩ: một người họa sĩ kiêm một nhạc sĩ. Dưới con mắt của hội họa, Hương giang hiện lên với đường nét mềm mại, màu sắc hài hòa. Sông Hương đã tìm thấy tình yêu của mình khi trở về với thành phố Huế. Đến đây sông Hương như một tiếng "Vâng"


    không nói ra của tình yêu - vẫn dịu dàng, nhẹ nhàng và e thẹn, sông Hương mang chút ngập ngừng của một người con gái khi nhận lời yêu thương từ người yêu của mình. Tiếng vâng này cho ta nhớ đến cái lắc đầu như chấp thuận của người con gái đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh:


    Sóng bắt đầu từ gió

    Gió bắt đầu từ đâu

    Em cũng không biết nữa

    Khi nào ta yêu nhau


    Khi gặp người yêu, gặp chủ nhân của lòng mình thì có ai muốn nỡ rời xa, bởi khi ấy mỗi giây phút đều đong đầy yêu thương nên ai cũng muốn thời gian như ngừng lại để níu giữ lấy tình yêu. Thế mới hiểu vì sao HPNT lại ví sông Hương như một điệu « Slow » tình cảm giành riêng cho Huế.


    Nhệ thuật nhân hóa khiến cho sông Hương trở nên gần gũi như con người và mảnh đất cố đô nơi này. Hai chữ "yên tâm" trong đoạn văn chính là cảm giác của Hương giang khi tìm được tình yêu đích thực của mình. Sau cảm giác bình yên giữa lòng thành phố Huế, Hương giang lại hiện ra với những đường cong mềm mại, thướt tha, duyên dáng, quen thuộc như vốn có. Nó đang uốn lượn trước mắt, đang làm duyên làm dáng với người tình chung của.


    So sánh giữa sông Hương và sông Xen ở Paris, sông Nêva ở Leningrad càng làm cho dòng sông Hương trở nên cổ kính và quí giá hơn. Điểm giống nhau giữa ba con sông này là đều nằm trong lòng thành phố thân yêu của nó. Nhưng khác với những dòng sông trên sông Hương khi đi trong lòng thành phố thân yêu nó trôi đi thực chậm, chứ không chảy nhanh như đoàn tàu tốc hành của dòng Nê - va để khi chảy đi rồi mà vẫn chưa kịp nói gì với thành phố thân yêu của nó. Sông Hương khi vào đến kinh thành Huế, nếu giải thích về mặt địa lí thì do các chi lưu nhỏ dẫn nước của con sông đi khắp các biền bãi và với hai hòn đảo nhỏ trên sông làm cho lưu tốc của dòng nước chậm hẳn lại. Sông Hương trôi đi thực chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Nhưng nếu nhìn đồng nhất trong sự so sánh của tác giả - sông Hương như một cô gái trong hành trình đi tìm người tình trong mộng, thì đến đây sông Hương đã bắt gặp người tình nhân của mình.


    Hơn thế, HPNT còn thổi vào dòng Hương giang vẻ đẹp VH. Đó là vẻ đẹp của cố đô, vẻ đẹp của Việt Nam. Tác giả hướng tới cái nhìn xưa cũ của "những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống xóm thuyền xúm xít", của những ánh lửa thuyền chài lập lòe. Không chỉ gợi nên bằng đường nét, sông Hương còn được gợi nên với màu sắc.


    Qua bàn tay của người nghệ sĩ tài ba, HPNT đã gợi nên dòng sông Hương với đầy đường nét quyến rũ, sắc màu hài hòa, màu biêng biếc của hàng cau, bóng trúc, lung linh trong trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh trên sông và đặc biệt là cây cầu trắng in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như một vầng trăng non. Những ánh hoa đăng bồng bềnh trôi trên sông bỗng ngập ngừng như muốn đi, muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng. Phải là người yêu quê hương, yêu dòng sông Hương, yêu mảnh đất Huế đến nhường nào thì HPNT mới viết lên được áng văn lay động lòng người đến vậy. Qua cảm quan của người nhạc sĩ, HPNT đã cảm nhận sông Hương qua liên tưởng độc đáo và thú vị. Sông Hương như một điệu nhạc tình cảm dành riêng cho Huế. Dòng sông chảy chậm như điệu chảy lững lờ vì nó quá yêu thành phố Huế. Đó là tình cảm của sông Hương dành cho thành phố Huế và cũng là tình cảm của tác giả dành cho dòng sông Hương, cho mảnh đất cố đô này. Đôi mắt sâu sắc của nhà văn đã nhìn ra mối quan hệ biện chứng giữa dòng sông Hương mềm mại với con người xứ Huế. Sông Hương dịu dàng, duyên dáng như đã góp phần hình thành nên tính cách nết na, ý nhị của người con gái cố đô.

    Sông Hương khi đi vào kinh thành Huế - cuộc gặp gỡ người tình trong mộng
    Sông Hương khi đi vào kinh thành Huế - cuộc gặp gỡ người tình trong mộng
    Sông Hương khi đi vào kinh thành Huế - cuộc gặp gỡ người tình trong mộng
    Sông Hương khi đi vào kinh thành Huế - cuộc gặp gỡ người tình trong mộng
  4. Khi rời khỏi kinh thành Huế, sông Hương chếch về phía chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói. Như một giấc mộng tình yêu để Hương giang đứng trước cuộc chia tay rồi mà còn chưa tỉnh mộng. Trước khi xa dần thành phố, dòng sông đã lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ với màu nắng tinh khiết tinh khôi mà đã từng bước vào thơ Hàn Mặc Tử:


    “Sao anh không về chơi thôn Vĩ

    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

    Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền


    Dù vấn vương, dù lưu luyến không muốn rời xa nhưng đâu ai “tắm được hai lần trên một dòng sông” – Hương giang phải chia tay thành phố thân yêu, người tình trong mộng của mình. Nhưng đi rồi, sông Hương mới chợt nhận ra còn một điều chưa nói với người tình chung nên nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông-tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh cổ xưa. Về địa lí đây là một nơi khá cao của kinh thành Huế, nơi có thể dõi mắt nhìn xa hàng dặm trường đình khi chia tay. Hình ảnh và không khí mang đậm chất Đường thi, “đăng cao viễn vọng” trong mỗi cuộc chia ly. Cái đổi dòng này về mặt địa lý mà nói thì thực bất ngờ bởi sông Hương đã chảy xuống vùng đồng bằng phù sa êm ái thì không ai nghĩ nó còn đi ngược lên vùng cao này, bởi nước chảy xuôi dòng. Nhưng nhìn theo cái lí của tình yêu thì nó thật dễ hiểu và dễ chấp nhận. Vì thế HPNT mới nói dòng Hương có cái rất lạ, rất con người ở đây, hay nói đúng hơn đó là cái “lẳng lơ, kín đáo” của tình yêu. Mà nhà văn liên tưởng ngay đến nàng Kiều trong đêm tình tự đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng ở ngã rẽ này để nói một lời thề trước khi về biển cả: “còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ…”. Và lời thề ấy của dòng Hương chung thủy để đến nay nó vẫn còn vang vọng khắp lưu vực sông thành điệu hò dân gian dìu dặt: Nam ai, Nam bình, Mái nhì, Mái đẩy. Hay đó cũng là tấm lòng chung tình của người dân Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở, của HPNT với xứ Huế yêu thương

    Sông Hương chia tay kinh thành Huế - cuộc chia tay người tình trong mộng
    Sông Hương chia tay kinh thành Huế - cuộc chia tay người tình trong mộng
    Sông Hương chia tay kinh thành Huế - cuộc chia tay người tình trong mộng
    Sông Hương chia tay kinh thành Huế - cuộc chia tay người tình trong mộng




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy