Top 5 Sự tích về các con sông hay nhất
Sự tích là câu chuyện của một thời xa xưa còn được truyền lại, kể lại, không có thật. Hiện nay có rất nhiều sự tích hay được lưu truyền. Sau đây là tổng hợp ... xem thêm...những sự tích hay kể về sự ra đời của các dòng sông.
-
Sự tích sông Kỳ Cùng là truyền thuyết Việt Nam, kể về hai con rắn được người dân gọi là Ông dài – ông Cộc và giải thích nguồn gốc con sông Kỳ Cùng ngày nay.
Ông Dài và ông Cộc
Ngày xưa, ở vùng sông Tranh thuộc về tỉnh Đông có hai vợ chồng một nhà nọ, gia tư cũng vào hạng khá, nhưng tuổi già mà chưa có con. Thường ngày họ cầu trời có một đứa con cho vui tuổi già.
Một hôm, trong khi ra đồng phát ruộng, người chồng nhặt được hai quả trứng to bằng nắm tay, bèn đưa cho vợ xem. Xem xong, chồng định vứt đi, nhưng người vợ ngăn lại:
– Đừng vứt, cứ để cho nó nở xem thử con gì.
Bèn đưa về bỏ vào vò đặt cạnh bếp. Chỉ trong mấy ngày, trứng nở thành một cặp rắn nhỏ trên đầu có mào đỏ rất xinh. Thấy vậy, người chồng định đánh chết, nhưng người vợ ngăn lại:
– Đừng đánh tội nghiệp. Cứ để mặc tôi, tôi nuôi chúng làm con.
Hai con rắn rất khôn, từ đó quấn quýt với người, đi đâu cũng đi theo. Chúng chóng lớn, mới bằng chiếc đũa, chẳng bao lâu đã to bằng ngón tay.
Một hôm người chồng cuốc vườn, cặp rắn bò theo sát nút để kiếm cái ăn trong đất mới lật. Vô tình một nhát cuốc bổ xuống làm đứt đuôi một con. Con rắn quằn quại. Người vợ kêu lên:
– Chà, tội nghiệp! mày cứ quẩn bên ông lão làm gì cho khổ thân thế này!
Từ đó con rắn bị đứt đuôi ngày một trở lên hung giữ hơn con kia.
Hai con càng lớn càng ăn khỏe. Chúng thường bò vào chuồng gà các nhà lân cận tìm bắt gà con. Bị xóm giềng chửi bới luôn canh, một hôm chồng bảo vợ:
– Thôi, ta đem thả chúng xuống sông cho chúng kiếm ăn kẻo lại có ngày mang họa.
Hai vợ chồng bèn mang cặp rắn đến bờ sông thả xuống và nói:
– Bớ các con! Các con hãy ở đây tự kiếm lấy cái nuôi thân, đừng có trở về, bố mẹ không có đủ sức nuôi các con nữa!
Cặp rắn vừa thả xuống nước, lập tức sóng gió nổi lên ầm ầm, các loài thủy tộc ở các nơi về tụ hội bơi lượn đông đảo. Hai vợ chồng rất kinh ngạc. Đêm lại, chúng về báo mộng cho họ biết là chúng đã được vua Thủy cho cai quản khu vực sông Tranh.
Từ đó hai con rắn làm oai làm phúc suốt cả một khúc sông rộng. Người ta lập đền thờ chúng bên sông, gọi chúng là Đức ông tuần Tranh, cũng gọi là ông Dài, ông Cộc. Tuy mọi thứ cần dùng đã có bộ hạ cung đốn đầy đủ, nhưng chúng thỉnh thoảng vẫn bắt người và súc vật qua lại trên sông. Duy ông Cộc bản tính dữ tợn, ngày một trở lên ngang ngược, lại tỏ ra hiếu sắc. Thuyền bè đi qua đó, nó thường xoáy nước nổi sóng dữ dội làm cho bị đắm để bắt người lấy của. Mỗi lần nghe tin có xảy ra tai nạn, hai vợ chồng bố mẹ nuôi ông Dài và ông Cộc vẫn thường ra bờ sông hết lời van vái hai con, để mong chúng đỡ phá phách. Chúng cũng có nghe, nhưng rồi chứng nào vẫn giữ tật ấy.
Sự tích sông Kỳ Cùng
Một hôm có hai vợ chồng người họ Trịnh có việc đi thuyền qua đấy đỗ lại. Người vợ là Dương thị vốn người xinh đẹp làm cho ông Cộc mê mẩn. Đêm lại, bỗng dưng từ dưới nước có hai người con gái bước lên thuyền, mỗi người đầu đội một mâm lễ vật. Chúng đặt mâm xuống trước mặt anh học trò và nói:
– Đây là lễ vật của ông Cộc, đức ông chẳng bao giờ hạ mình làm những việc như thế này, nhưng chỉ muốn nhà thầy vui lòng nhường lại cho người vợ.
Người học trò chưa bao giờ gặp chuyện trắng trợn đến thế, bèn tức giận quát lớn:
– Về báo với đức ông chúng mày hãy mau mau bỏ thói ngang ngược. Ta là người đọc sách thánh hiền, không bao giờ lại sợ loài quỷ quái.
Chưa dứt lời đã không thấy hai người con gái đâu nữa. Tuy nói cứng là vậy nhưng vốn từng nghe những câu chuyện về ông Dài ông Cộc nên người học trò cũng có ý sợ bèn bảo vợ cầm lấy tay nải rồi cả hai từ giã chủ thuyền bước lên bờ.
Nhưng không kịp nữa rồi. Ông Cộc đã nói là làm. Thấy con mồi đã lên bộ, ông bèn đuổi theo, hóa làm một trận mưa bão kinh khủng làm cho họ không thể tiếp tục đi được. Chồng đành đưa vợ vào trú ở một ngôi đền gần đó. Mưa bão kéo dài suốt đêm. Sáng dậy, bão tạnh, người học trò tỉnh dậy đã thấy vợ mình biến đâu mất. Anh theo dấu đến bờ sông chỉ còn thấy quần áo của vợ chút bỏ lại đó.
Đau xót vì mất người vợ yêu, anh chàng họ Trịnh bèn đi lang thang khắp nơi tìm cách trả thù. Trải qua bao nhiêu ngày tháng, một hôm qua một cái chợ, anh bỗng gặp một ông thầy bói hình dung cổ quái đang ngồi đón khách. Anh ngồi xuống xin một quẻ về gia sự. Thầy bói gieo quẻ, nói:
– Nhà ngươi đang có sự lo buồn.
Anh đáp lại:
– Xin thầy cứ cho biết.
– Vợ nhà ngươi bị một kẻ có thế lực cướp mất.
– Chịu thầy. Xin cho biết vợ tôi hiện nay ở đâu? Và có cách gì cứu được vợ tôi không?
– Không giấu gì nhà ngươi, ta vốn là Bạch Long hầu vốn có phận sự làm mưa ở vùng này. Thấy việc tác quái, ta muốn giúp nhà ngươi trả được mối thù. Ta đợi nhà ngươi ở đây đã lâu. Kẻ kia tuy quyền thế nhưng không thể làm loạn chính pháp. Vậy nhà ngươi hãy theo ta. Trước hết hãy dò tìm tung tích vợ ngươi để nắm được chứng cứ đầy đủ.
Người học trò không còn gì mừng hơn thế nữa, bèn sụp lạy Bạch Long hầu, rồi bước theo bén gót, Bạch Long hầu bảo anh nhắm mắt, đoạn rẽ nước đưa anh đi mãi, đi mãi đến một hòn đảo xa tít ngoài biển Đông. Sáng hôm sau, ông hỏi:
– Ngươi có mang theo vật gì của vợ để nàng làm tin không?
Người học trò đáp:
– Có. Nói rồi đưa ra một cành thoa của vợ.
Bạch Long hầu cầm lấy đi ngay. Chỉ hai hôm sau, ông đã về kể cho chàng nghe tất cả mọi việc và nói:
– Vợ ngươi vẫn một lòng một dạ với ngươi. Đó là một người thủy chung. Vậy mai đây ta sẽ đưa nhà ngươi đến triều đình đánh trống “đăng văn”, khi đưa nàng ra đối chất, tự nàng sẽ tố cáo kẻ thù. Nhưng ngươi cũng viết sẵn một lá đơn kiện mới được.
Chưa đầy ba ngày, vụ kiện của người học trò đã xử xong. Ông Cộc không ngờ Dương thị lại vạch tội hắn trước công đường vua Thủy, tuy rằng nàng đã sinh với hắn một đứa con. Vua Thủy khi thấy chứng cớ sờ sờ về hành động gian ác của bộ hạ mình thì đùng đùng nổi giận. Vua thét:
– Hãy bắt đày nó đi thật xa cho đến cùng trời cuối đất!.
Dương thị được đưa trở về cõi trần với họ Trịnh, hai vợ chồng lại đoàn tụ. Còn đứa bé do Dương thị đẻ ra với ông Cộc thì giao cho ông Cộc nuôi.
Ngày ông Cộc đi đày, tôm cá rắn rết náo động cả một khúc sông Tranh. Quân lính áp giải ông Cộc ra biển rồi đi ngược lên phía Bắc. Trải qua nhiều ngày, một hôm họ đến một vùng nhìn vào thấy rừng cây mịt mù, không hề có khói lửa. Ông Cộc hỏi một số người địa phương:
– Đây là đâu?
Họ đáp:
– Nơi đây đã sắp hết địa phận nước Việt rồi. Đi quá nữa là sang nước khác.
Ông Cộc bảo quân lính áp giải:
– Vậy là đến chốn kỳ cùng rồi đó. Theo lệnh nhà vua, ta sẽ ở lại nơi đây.
Cả đoàn bấy giờ rẽ sóng kéo vào cửa sông. Nhưng ở khúc sông này từ lâu có một con thuồng luồng trấn trị. Hắn không muốn chia sẻ quyền hành với kẻ mới đến. Cho nên khi thấy ông Cộc tới, lập tức một cuộc giao phong diễn ra dữ dội từ cửa sông cho đến tận thượng nguồn. Bấy giờ nước bắn tung tóe, tôm cá chết như rạ. Hai bên bờ lở sụp, sinh mệnh tài sản của dân ven sông bị thiệt hại rất nhiều.
Hai bên đánh nhau mấy ngày không phân thua được. Ông Cộc bị thương tích đầy người nhưng thần thuồng luồng cũng bị toạc da chảy máu và bị đứt mất một bên tai. Thấy thế, những quân lính áp giải vội về báo cho vua Thủy biết. Cuối cùng việc lại đưa đến công đường vua Thủy. Vua bắt hai bên phải chia đôi khu vực, định lại ranh giới rõ ràng, và từ nay về sau không được xâm lấn đất của nhau. Ông Cộc bèn cho đưa một tảng đá lớn như hình một cái đầu đặt ở ven sông. Bến phía thuồng luồng cũng làm phép hiện ra một cái chuông úp ở bờ bên này làm giới hạn.
Nhưng thần thuồng luồng vẫn chưa hết giận, vì cho rằng bỗng tự dưng vô cớ bị chia sẻ quyền hành là do ông Cộc mà ra. Bởi vậy thuồng luồng thỉnh thoảng lại gây sự đánh nhau với ông Cộc. Dân chúng ở hai bên bờ sông mỗi lần nghe tiếng chuông, tiếng nước sôi động ầm ầm thì biết rằng sẽ có cuộc giao tranh kịch liệt. Về sau vua Thủy giận thuồng luồng “bất tuân thượng lệnh”, bèn sai quân kép tới bắt sống, xích lại, giao cho thần núi địa phương canh giữ, còn ông Cộc từ đấy được cai quản cả hai khu vực.
Ngày nay, bên bờ Nam sông Kỳ Cùng, chỗ chân cầu tỉnh lỵ Lạng Sơn còn có một hòn đá lớn như hình cái đầu. Còn bờ bên kia, trong một ngôi chùa cổ còn có cái chuông bị xích, nhưng đã đứt mất một bên tai. Người ta nói cái đầu bằng đá là do ông Cộc đặt làm mốc, còn cái chuông là hiện thân của thuồng luồng bị thần Núi xích tại đây. Cái tên sông Kỳ Cùng cũng xuất phát từ cuộc đầy ải ông Cộc mà có.
-
Sự tích sông Nhà Bè là truyện truyền thuyết Việt Nam, kể về một viên thơ lại chuộc lỗi lầm sau khi được chứng kiến những hình phạt thảm khốc dưới Âm Phủ.
1. Viên thơ lại Thủ Huồn
Ngày xưa, ở Gia Định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng; do đó hắn đã vơ vét được bao nhiêu là tiền của. Vợ hắn chết sớm, lại không có con, cho nên tiền bạc của hắn không biết tiêu đâu cho hết. Ngoài số chôn cất, hắn đem tiền tậu ruộng làm nhà. Ruộng của hắn cò bay thẳng cánh, mỗi mùa thu hoạch kể hàng ngàn “giạ” lúa.
Khi thấy cuộc sống quá thừa thãi, hắn bèn thôi việc về nhà, sống một cuộc đời trưởng giả.
Một hôm, có người mách cho Thủ Huồn biết chợ Mạnh Ma ở Quảng Yên là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau. Muốn gặp người chết, người sống phải chờ đến mồng một tháng Sáu, mang một món hàng vào chợ hồi nửa đêm mà đi tìm. Thủ Huồn là người rất yêu vợ. Tuy vợ chết đã ngoài mười năm nhưng hắn vẫn không lúc nào quên. Hắn bèn giao nhà lại cho người bà con, rồi làm một chuyến ra Bắc, mong gặp lại mặt vợ cho thỏa lòng thương nhớ bấy lâu.
2. Chuyến đi xuống Âm Phủ
Khi gặp vợ, Thủ Huồn không dám hỏi vì thấy vợ ăn mặc rất đài các. Sau cùng người đàn bà ấy cũng nhận ra được. Thủ Huồn mừng quá vội dắt vợ ra một chỗ kể cho vợ nghe cảnh sống của mình từ lúc âm dương cách biệt. Rồi hắn hỏi vợ:
– Mình lâu nay làm gì?
– Tôi làm vú nuôi trong cung vua. Cuộc đời của tôi không có gì đáng phàn nàn. Tôi có một gian nhà riêng trong hoàng cung, cái ăn cái mặc được chu cấp đầy đủ.
Hắn nói:
– Tôi nhớ mình quá. Tôi muốn theo mình xuống dưới ấy ít lâu có được không?
– Đi được. Nhưng chỉ trong vài ngày là cùng, nếu quá hạn sẽ nguy hiểm.
Thủ Huồn và vợ cùng đi. Qua mấy dặm đường tối mịt, chả mấy chốc đã đến cõi âm. Hắn rùng mình khi lọt qua bao nhiêu cổng trước lúc vào thành nội, qua những tên quỷ gác cổng có những bộ mặt gớm ghiếc. Nhờ có vợ nên chỗ nào cũng vào được trót lọt. Đến một gian nhà thấp, vợ bảo chồng:
– Đây là nhà bếp, đằng kia là nhà ngục, trước mặt là cung hoàng hậu, chỗ tôi túc trực hàng ngày. Qua khỏi đấy là cung vua. Cứ ẩn tạm trong buồng vắng này vì không thể lên buồng tôi trên kia được. Tôi sẽ kiếm cách cho chàng đi xem một vài chỗ, nhưng rồi phải về ngay.
Chiều hôm đó, người vợ về trao cho Thủ Huồn một mảnh giấy phép và nói:
– Chỉ có cung vua và cung hoàng hậu thì đừng có vào, còn mọi nơi khác chàng cứ đi xem cho thỏa thích.
Hắn lượn mấy vòng xung quanh nhà bếp, rồi tiện chân đến nhà ngục. Chưa lọt khỏi cổng mà những tiếng kêu khóc, tiếng la hét ở phía trong làm cho hắn bồn chồn. Qua mấy phòng chuyên mổ bụng, móc mắt, cắt tay, v.v… hắn thấy đây quả là nơi hành hạ tội nhân kinh khủng, đúng như lời đồn ở trên trần thế.
Sau cái bàn xẻo thịt là cả một kho gông. Trong đó có một cái gông đặc biệt: nó vừa to vừa dài, làm bằng những thanh gỗ nặng như sắt. Thủ Huồn lân la hỏi người cai ngục:
– Thứ gông này để làm gì?
– Để chờ một kẻ ác nghiệt ở trần xuống đây. Bao nhiêu những cái gông trong này đều đã có chủ cả. Cứ xem gông to hay nhỏ thì biết tội ác của người đó.
Thủ Huồn lại hỏi:
– Thế cái kẻ sẽ đeo cái gông vừa to vừa dài đó là ai?
Lão cai ngục thủng thỉnh giở một cuốn sách vừa to vừa dày chỉ vào một hàng chữ, đọc: “Hắn là Võ Thủ Hoằng, tức là Thủ Huồn”. – Rồi nói tiếp:
– Hắn đó ở Đại Nam quốc, Gia Định tỉnh, Phúc Chính huyện…
Nghe nói thế, Thủ Huồn giật mình, mặt xám ngắt. Nhưng hắn vẫn giữ được vẻ bình tĩnh. Hắn hỏi thêm:
– Thế nào? Hắn có tội gì?
Lão cai ngục mắt vẫn không rời quyển sách.
– Khi làm thơ lại, hắn bẻ mặt ra trái làm bao nhiêu việc oan khốc, đến nỗi tội ác của hắn đen kín cả mấy trang giấy đây. Này nghe tôi đọc này: năm Ất sửu, hắn sửa hai chữ “ngộ sát” thành “cố sát”, làm cho hai mẹ con thị Nhân bị chết để cho người anh họ chiếm đoạt gia tài. Việc này Thủ Huồn được mười nén vàng và mười nén bạc, một trăm quan tiền. Cũng năm đó, hắn làm cho ông Ngô Lai ở thôn Bình Ca bị hai mươi năm tội đồ chỉ vì trong nhà có cái áo vải vàng, để đoạt không của ông ta mười hai mẫu ruộng. Năm…
Thủ Huồn tái mặt, không ngờ mỗi một cái cất tay động chân của mình trên kia, dưới này đều rõ mồn một. Hắn ngắt lời đánh trống lảng.
– Thế vợ hắn có cùng đeo gông không hở ông?
– Ồ! Ai làm người ấy chịu chứ! Vợ hắn nghe đâu là người tốt đã xuống đây rồi.
Thủ Huồn lại hỏi gặng:
– Ví thử hắn muốn hối cải thì phải làm thế nào?
Lão cai ngục hạ sách xuống bàn, đáp:
– Đã vay thì phải trả! Nếu hắn muốn thì phải đem những thứ của cải cướp giật được đó bố thí và cúng lễ cho hết đi.
Từ biệt lão cai ngục và những hình cụ khủng khiếp, Thủ Huồn không còn bụng dạ nào để đi xem nơi khác nữa. Vợ thấy chồng đòi về, lại đưa chồng ra khỏi hoàng cung của Diêm vương và ra khỏi mấy dặm đường tối tăm mù mịt. Lúc sắp chia tay hắn bảo vợ:
– Tôi về trang trải công nợ, có lẽ ba năm nữa tôi lại xuống. Mình nhớ lên chợ đón nghe!
3. Sự tích sông Nhà Bè
Về tới Gia Định, Thủ Huồn mạnh tay bố thí. Hắn tập hợp những người nghèo khó trong vùng lại, phát cho họ tiền, lúa. Hắn đem ruộng đất của mình cúng cho làng, cho chùa, chia cho họ hàng thôn xóm. Hắn mời hầu hết sư, sãi các chùa gần vùng tới nhà mình cúng đơm, tốn kém kể tiền vạn. Người ta lấy làm lạ, không hiểu tại sao một tay riết róng như hắn bây giờ trở nên hào phóng một cách lạ thường. Ai xin gì được nấy. Có những người trước chửi hắn bây giờ lại đâm ra thương hại hắn. Nhiều người bảo nhau: “Thứ của vô nhân bất nghĩa ấy không trước thì sau thể nào cũng đội nón ra đi mà thôi!” hay là: “Có lẽ hắn không con, biết để của cũng chả làm gì nên tự làm cho vợi bớt”. Thủ Huồn có nghe rất nhiều lời đàm tiếu về mình, nhưng hắn chẳng nói gì sất, cứ việc quẳng của không tiếc tay.
Cứ như thế sau ba năm, Thủ Huồn tính ra đã phá tán được ba phần tư cơ nghiệp. Nhớ lại lời hẹn, hắn lại khăn gói ra Bắc tìm đến chợ Mạnh Ma. Ở đây, hắn dỗ khéo được vợ cho hắn xuống thăm cõi âm một lần nữa.
Khi trở lại nhà ngục. Thủ Huồn thấy quang cảnh vẫn như cũ. Lão cai ngục vẫn là lão cai ngục ba năm về trước. Cách bố trí y hệt như xưa: cũng có nơi mổ bụng, nơi móc mắt, cắt tay: v.v… Duy chỗ để gông thì có ít nhiều thay đổi. Bên cạnh những cái vẫn còn nguyên hình như xưa thì lại có những cái trước bé nay đã lớn lên, có cái trước lớn, nay nhỏ hẳn đi. Đặc biệt cái gông mà Thủ Huồn chú ý nhất thì bây giờ đã rút ngắn lại tuy vẫn còn to và dài hơn các thứ gông thường một tý. Hắn lân la hỏi lão cai ngục:
– Cái gông để ở nơi này trước kia tôi nhớ hình như to lắm thì phải.
– Đúng đấy! Lão đáp. Có lẽ gần đây ở trên dương thế hắn đã biết chuộc lỗi nên nó đã nhỏ lại. Nếu hắn gắng hơn nữa, thì rồi sẽ có phúc lớn.
Thủ Huồn lại lên dương thế, trở về Gia Định. Hắn lại làm tiếp công việc bố thí và cúng dàng. Lần này hắn bán hết tất cả những gì còn sót lại, kể cả nhà của của mình. Hắn đến Biên Hòa dựng một ngôi chùa lớn để cúng Phật. Hắn xuôi sông Đồng Nai để làm một việc nghĩa cuối cùng. Hồi đó ở ngã ba sông Đồng Nai và sông Gia Định việc đi lại rất bất tiện. Cũng vì thế mà bên kia sông Đồng Nai người ta còn ngần ngại chưa dám di cư sang để sinh cơ lập nghiệp.
Thủ Huồn liền quyết định ở lại đây. Hắn kết một cái bè lớn, trên bè có nhà ở, có đủ chỗ nghỉ, có sẵn nồi niêu, đồ dùng và tiền gạo. Những thứ ấy hắn dùng để tiếp rước những người qua lại, nhất là những người nghèo khó. Hắn cho họ trú ngụ tại bè của mình kẻ năm ba ngày, người một đôi tháng mà không lấy tiền. Hắn làm công việc đó mãi cho đến ngày xuống âm phủ thật sự.
Sau đó khá lâu, có lần một ông vua tên là Đạo Quang bên Trung Quốc lúc mới lên ngôi có cho sứ sang Việt Nam hỏi lai lịch một người ở Gia Định. Số là khi nhà vua mới sinh, người ta thấy trong lòng bàn tay vua có mấy chữ: “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”, nên nhà vua cần biết rõ gốc gác Thủ Hoằng là ai. Sau khi sứ giả cho biết rõ lai lịch Thủ Huồn, vua Trung Quốc có cúng vào ngôi chùa Biên Hòa ba pho tượng vàng. Do việc đó người ta bảo Thủ Huồn nhờ thành thực hối lỗi, chẳng những làm tiêu mất cái gông chờ hắn ở coi âm, mà còn được Diêm vương cho đi đầu thai làm vua Trung Quốc.
Ngày nay, một ngôi chùa ở Biên Hòa còn mang tên là chùa Thủ Huồn: chỗ ngã ba sông Đồng Nai và Gia Định còn gọi là sông Nhà Bè để kỷ niệm lòng tốt của Thủ Huồn đối với khách bộ hành Nam Bắc qua con sông đó. Ca dao Việt Nam có câu:
“Nhà Bè nước chảy phân hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.
-
Sự tích sông Cửu Long là truyện truyền thuyết Việt Nam, lý giải về sự hình thành sông cửu Long với chín cửa sông như chín con rồng cùng hướng ra biển cả.
1. Hai vị thần khổng lồ
Cửu Long có nhiều tên, trong đó một tên rất quen thuộc với Việt Nam cũng như trên thế giới là sông Công. Công, tiếng Lào Thái có nghĩa là “chờ”. Tại sao lại gọi sông Chờ? Có một sự tích lí thú kể ra như sau:
Vào một thời xa lắc xa lơ có hai vị thần khổng lồ. Cả hai đều có tấm thân vĩ đại, sức lực rất khoẻ, có thể dời núi lấp biển chỉ trong khoảnh khắc. Tuy vậy mỗi thần lại kiếm ăn bằng một nghề khác nhau, do đó tính nết cũng không giống nhau. Một bên thường ngày len lỏi núi rừng săn bắt thú vật; còn một bên thì ngồi một chỗ làm nghề câu. Một bên tính nóng nảy nhưng chân thật; còn một bên thì điềm đạm nhưng hay tính toán. Hai vị thần này chơi với nhau thân thiết. Mỗi lần bên này săn được mồi ngon hay bên kia câu được cá béo, thường đem biếu nhau hoặc mời nhau ăn uống vui vẻ.
Một hôm, chẳng hiểu vì sao giữa hai thần lại nổ ra một cuộc tranh cãi gay go. Suốt mấy ngày liền chẳng ai chịu nghe ai. Cuối cùng họ đi tìm trọng tài để nhờ phân xử. Gặp một thiên thần, cả hai bên đến trình bày đầu đuôi. Nghe xong câu chuyện của họ, vị thiên thần bảo:
– Chuyện này thật là khó xử. Thôi, bây giờ ta tạm giải quyết bằng cách thế này. Cả hai hãy làm một cuộc chạy đua, ai đến đích trước thì coi như người đó thắng cuộc. Hai vị có bằng lòng chăng?
2. Sự tích sông Cửu Long
Thấy cả hai đều gật đầu, thiên thần bèn dẫn họ đến một nơi cao ráo làm điểm xuất phát, giao hẹn rằng sau khi nghe một tiếng trống, hai bên phải chạy đúng hướng về góc đông nam, lấy biển làm đích.
“Thùng” tiếng trống lệnh vang lên. Hai cặp giò khổng lồ bắt đầu cất bước. Nhưng đoạn đường mở đầu này lại đầy hiểm trở. Khắp nơi núi non dựng đứng như bức trường thành hết lớp này đến lớp khác, muốn chạy cho nhanh đâu phải là dễ.
Thần Săn vốn quen leo đồi vượt dốc nên chạy miết bất kể trở lực. Còn Thần Câu tỏ ra ngần ngại : “Dại gì leo trèo cho mệt. Ta cứ chạy theo thế núi, tuy có quanh co một chút nhưng đỡ mất công lên lên xuống xuống, đã nhọc lại lâu”. Nghĩ sao làm vậy. Nhưng Thần đâu có ngờ rằng trong khi mình còn loanh quanh giữa những dãy núi trập trùng, thì đối phương cứ cắm cổ phóng tới, đạp bằng mọi bên, vọt qua các vực. Chẳng bao lâu, Thần Săn đã bước đến cánh đồng bát ngát và bằng phẳng. Thần bèn ngồi lại nghỉ vì quá mệt. Thần Câu men theo chân núi chạy hoài, hồi lâu thấy sốt ruột, mới bay vọt lên cao để tìm. Khi thấy Thần Săn đã sắp tới đích, Thần Câu rất lo, vội đáp xuống chạy rẽ về phía tây nam cho mau đến bờ biển gần nhất. Nhưng cũng muộn mất rồi. Thần Săn sau khi xả hơi, vội làm một mạch đến đích và được thiên thần cồng nhận thắng cuộc.
Ngày nay con đường Thần Săn chạy, đá văng đất lún, trở thành dòng sông. Dòng sông này thường thẳng nhưng đặc biệt có nhiều ghềnh thác. Chỗ Thần Săn ngồi lại nghỉ nay là Biển Hồ [3]. Còn con đường mà Thần Câu chạy thì không được liên tục. Một đoạn của nó cũng thành dòng sông, dòng sông này chảy hiền từ, ít ghềnh thác nhưng đặc biệt có lắm khúc quanh co. Vì Thần Câu đến đích chậm nên con sông ấy cũng có tên là sông Chậm. Còn Thần Săn đến trước phải đợi chờ nên người ta cũng gọi con sông ấy là sông Chờ. Người ta còn nói vì Thần đi đi lại lại chờ đợi nên chỗ ấy trở thành chín cửa sông như chín con rồng, vì thế còn có tên là Cửu Long.
-
Sự tích sông Kinh Thầy là truyện truyền thuyết Việt Nam, kể về chàng trai dũng cảm diệt trừ rồng đen hung ác và truyền thuyết sông Kinh Thầy ngày nay.
1. Cậu bé Kinh Thầy ra đời
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có hai vợ chồng già rồi mà vẫn không có lấy mụn con để nối dõi tông đường. Người chồng than trách kiếp trước ăn ở thế nào nên trời không ban phúc cho. Còn người vợ thì đi hết chùa này đền nọ cúng bái cầu mong.
Một hôm đi chợ, bà gặp một cụ già ăn xin. Mái tóc của bà cụ đã trắng hết. Bà liền cho cụ một cái bánh to và một tấm áo mới.
Bà lão ăn xin ăn bánh xong liền bảo:
– Ta là tiên đây. Nhà ngươi hãy nghe ta, sáng mai vào núi ngắt lấy một bông hoa đem về. Ngươi sẽ được toại nguyện.
Nói xong, bà lão biến mất.
Sớm hôm sau, bà vào núi theo lời bà tiên dặn. Bà gặp một cây hoa chỉ có một bông, mùi thơm ngào ngạt. Bà liền ngắt đem về gối đầu giường. Ít lâu sau, bà có mang, nhưng cũng là lúc người chông qua đời. Bà đẻ được một đứa con trai khôi ngô tuấn tú và đạt tên cho con là Kinh Thầy.
Kinh Thầy sống với mẹ được hai mùa lúa thì mẹ mất. Chàng được một người đạo sĩ đem về nuôi dạy. Không bao lâu, Kinh Thầy đã lớn khỏi và giỏi cung tên. Con chim nhỏ bay cao đến đâu cũng bị chàng bắn trúng, con sóc nhanh thế nào cũng không thoát khi chàng đã giương cung. Chàng còn được dạy cả phép hô mưa, gọi gió, rời núi, đào sông,…
2. Đi tìm rồng đen trong truyện truyền thuyết sông Kinh Thầy
Một hôm, người đạo sĩ bảo Kinh Thầy:
– Ta biết phương Bắc có một con rồng đen đang phá phách. Nay con đã lớn khôn, con hãy ra tay trừ yêu quái.
Nói rồi, đạo sĩ đưa cho chàng một thanh gươm thần.
Kinh Thầy bịn rịn chia tay đạo sĩ, mang gươm và nhằm phương Bắc thẳng tiến. Chàng đi đến vùng Kinh Môn thì thấy xóm làng vắng tanh, ruộng nương xơ xác, hoang vu. Chàng vào mấy làng tìm mà chẳng gặp ai.
Sang làng khác, chàng mới gặp được một người đàn bà. Chàng hỏi tại sao dân làng vắng lặng. Người đàn bà ấy trả lời:
– Ở đây có một con quái vật rất hung dữ. Mỗi ngày nó bắt một người để ăn thịt. Dân làng sợ hãi, nhiều người đã bỏ đi.
Kinh Thầy nghe vậy, ruột nóng như lửa. Chàng bảo:
– Hiện nay nó ở đâu? Tôi sẽ đi diệt trừ tai họa cho dân làng.
Người đàn bà buồn rầu đáp:
– Hiện nay dân làng đang thiếu nước, vì nó đã lấp hết sông rồi. Muốn gặp nó phải làm cho dân làng có nước uống và nấu cơm. Khi nào thấy khói, nó mới đến.
Kinh Thầy liền đốt một đống lửa thật to, to đến nỗi lửa cháy làm ao hồ cạn nước. Dân làng thấy thế liền ra dập lửa để giữ nước uống. Kinh Thầy ngăn không được, bèn dùng phép dựng một bước tường cao để ngăn dòng người.
Cuộc giao chiến vất vả và sự tích sông Kinh Thầy
Lửa vẫn cháy. Khói bốc cao hơn ngọn núi, che kín cả ánh mặt trời. Kinh Thầy vừa lau mồ hôi xong thì từ phía Bắc, con rồng đen đã lao đến. Gió ầm ầm, cây cối nghiêng ngả. Kinh Thầy vung gươm lên. Đường gươm dựng thành cầu vồng sáng rực.
Chàng vung gươm bốn phía. Gió tắt ngấm. Rồng đen bị nhốt trong lồng sáng. Nó giãy giụa, phun lửa tứ tung. Lửa cháy quanh thân chàng. Người chàng đỏ rực như sắt nung. Kinh Thầy gọi mưa đến. Mưa sập xuống ầm ầm. Nước mưa xối vào mắt rồng đen khiến nó nhắm nghiền lại. Chưa kịp mở mắt thì Kinh Thầy đã giương cung bắn. Mỗi phát hàng nghìn mũi tên. Những mũi tên quằn lên vì rồng đen có bộ vảy rắn như sắt.
Kinh Thầy bèn xoay mưa thốc từ đuôi rồng lên. Rồng quay chiều nào, mưa xoay chiều ấy. Mỗi hạt mưa mạnh như nhát dao làm xòe hết bộ vảy rồng đen. Nó quẩy dữ dỗi để cụp lại nhưng không được. Hàng nghìn mũi tên đã cắm vào trong các vảy của rồng đen. Rồng đen phá được lồng, tung hàng vạn rắn độc để đánh lại chàng. Chàng vung gươm chém rết.
Chém đến ngày thứ ba, chàng đã mệt lử, cổ rát khô thì tự nhiên một quả đào bay đến. Chàng ăn quả đào vào thì lạ thay, sức lực tràn trề khắp cơ thể. Kinh Thầy tiếp tục đánh rồng đen. Đến ngày thứ năm thì chàng bắn trúng mắt nó. Rồng đen gục xuống, chàng nhanh như cắt chém bay đầu nó, chém thân nó thành hai khúc nữa.
Đến đây, chàng mệt lả, ngồi nghỉ và ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy, chàng thấy dân làng vây kín xung quanh. Bà con mang cho chàng nhiều thức ăn, nhưng toàn là đồ nướng, vì không có nước.
Kinh Thầy nhớ ra là rồng đen đã lấp hết sông ngòi. Chàng liền vươn vai, lấy tay làm mai đâm xuống đất, xẻ ra thành dòng sông lớn vòng vèo để cho làng nào cũng được uống.
Từ đó, dân các làng đặt tên cho dòng sông ấy là sông Kinh Thầy để nhớ công ơn chàng.
Còn con quái vật ngã xuống nằm thành một dải núi dọc huyện Kinh Môn ngày nay. Trên đỉnh núi An Phụ cao nhất là mặt rồng. Hai mắt nó thành hai cái giếng. Mắt bị bắn nên nước giếng đục quanh năm.
-
Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa, trong số đó cũng có những lương y nổi tiếng, nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu. Cặp mắt của vua cứ sưng húp lên, đêm ngày nhức nhối rất khó chịu. Ðã gần tròn hai tháng vua không thể ra điện Kinh Thiện coi chầu được. Triều đình vì việc vua đau mắt mà rối rít cả lên. Những cung giám chạy khắp nơi tìm thầy thuốc, và lễ bái các chùa đền, nhưng mắt của thiên tử vẫn không thấy bớt.Một hôm có hai tên lính hầu đưa vào cung một thầy bói từ núi Vân Mộng về. Ông thầy chuyên bói dịch nổi tiếng trong một vùng. Sau khi gieo đốt mấy cỏ thi, ông thầy đoán:
– Tâu bệ hạ, quẻ này có tượng vua rất linh nghiệm. Quả là bệ hạ bị “thuỷ phương càn tuất” xuyên vào mắt cho nên bệ hạ không thể bớt được, trừ phi trấn áp nó đi thì không việc gì.
Vùa bèn sai hai viên quan trong thành. Thuở ấy ở phía Tây bắc thành Thăng Long có hai con sông nhỏ: Tô Lịch và Thiên Phù đều hợp với nhau để thông ra sông Cái ở chỗ cứ như bây giờ là bến Giang Tân. Họ tới ngã ba sông dựng đàn cúng Hà Bá để cầu thần về bệnh của vua. Ðêm hôm đó, một viên quan ăn chay sẵn nằm trước đàn cầu mộng. Thần cho biết: “đến sáng tinh sương ngày ba mươi cho người đến đứng ở bên kia bến đò, ai đến đó trước tiên lập tức bắt quẳng xuống sông phong cho làm thần thì trấn áp được”
Nghe hai viên quan tâu, vua lập tức sai mấy tên nội giám chuẩn bị làm công việc đó. Một viên đại thần nghe tin ấy, khuyên vua không làm việc thất đức, nhưng vua nhất định không nghe. Con mắt của vua là rất trọng mà mạng của một vài tên dân thì có đáng kể gì. Hơn nữa sắp sửa năm hết tết đến, việc đau mắt của vua sẽ ảnh hưởng nhiều đến nghi lễ long trọng và quan hệ của triều đình.
Ở làng Cảo thuộc về tả ngạn sông Tô hồi ấy có hai vợ chồng làm nghề bán dầu rong, người ta vẫn quen gọi là ông Dầu bà Dầu. Hàng ngày hai vợ chồng buổi sáng đưa dầu vào thành bán, buổi chiều trở ra: vợ nấu ăn chồng đi cất hàng.
Hôm đó là ngày ba mươi tháng một, hai vợ chồng định bụng bán mẻ dầu cho một số chùa chiền. Vào khoảng cuối năm, người ta cần dùng nhiều dầu để thắp Tết. Họ dậy thật sớm, chồng gánh chảo, vợ vác gáo cùng tiến bước đến ngã ba Tô Lịch – Thiên Phù. Ðến đây họ vào nghỉ chân trong lò canh đợi đò. Ðường vắng tanh chưa có ai qua lại. Nhưng ở trong chòi thì vẫn có hai tên lính đứng gác. Vừa thấy có người, chúng xông ra làm cho hai vợ chồng giật mình. Họ không ngờ hôm ấy lại có quân cấm vệ đứng ở đây. Tuy thấy mặt mũi chúng hung ác, nhưng họ yên tâm khi nghe câu hỏi của chúng:
– Hai người đi đâu sớm thế này?
Họ cứ sự thật trả lời. Họ có ý phân bua việc bán dầu hàng ngày của mình chỉ vừa đủ nuôi miệng. Chúng cứ lân la hỏi chuyện mãi. Chúng nói:
– à ra hai người khổ cực như thế đó. Vậy nếu có tiền thừa thãi thì hai người sẽ thích món gì nào. Nói đi! Nói đi, rồi chúng tôi sẽ kiếm cách giúp cho.
Thấy câu chuyện lại xoay ra như thế, ông Dầu bà Dầu có vẻ ngạc nhiên. Nhưng trước những lời hỏi dồn của chúng, họ cũng phải làm bộ tươi cười trả lời cho qua chuyện:
– Tôi ấy à? Người chồng đáp. Tôi thì thấy một đĩa cơm nếp và một con mái ghẹ là đã tuyệt phẩm.
Người vợ cũng cùng ý như chồng nhưng có thêm vào một đĩa bánh rán là món bà thèm nhất.
Thấy chưa có đò, hai vợ chồng lấy làm sốt ruột. Nói chuyện bài bây mãi biết bao giờ mới vào thành bán mẻ dầu đầu tiên cho chùa Vạn Thọ. Hai người bước ra nhìn xuống sông. Hai tên lính từ nãy đã rình họ, bấy giờ mới bịt mắt họ và lôi đi sềnh sệch. Họ cùng van lên:
– Lạy ông, ông tha cho chúng cháu, chúng cháu chẳng có gì.
Nhưng hai tên lính chẳng nói chẳng rằng, cứ cột tay họ lại và dẫn đến bờ sông. Chúng nhấc bổng họ lên và cùng một lúc ném mạnh xuống nước. Bọt tung sóng vỗ. Và hai cái xác chìm nghỉm. Rồi đó, chúng cắm cổ chạy.
Lại nói chuyện mắt vua sáng mồng một tháng chạp tự nhiên khỏi hẳn như chưa từng có việc gì. Nhưng ông Dầu bà Dầu thì căm thù vô hạn. Qua hôm sau hai tên cấm vệ giết người không biết vì sao tự treo cổ gốc đa trong hoàng thành. Rồi giữa hôm mồng một Tết, lão chủ quán ở bên kia Giang Tân phụ đồng lên giữa chùa Vạn Thọ nói toàn những câu phạm thượng. Hắn nói những câu đứt khúc, nhưng người ta đều hiểu cả, đại lược là:
– Chúng ta là ông Dầu bà Dầu đây… Chúng mày là quân tàn ác dã man, chúng mày là quân giết người lương thiện… Chúng mày sẽ chết tuyệt diệt… Họ Lý chúng mày sẽ không còn một mống nào để mà nối dõi… Chúng tao sẽ thu hẹp hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù lại… Chừng nào bắt đầu thì chúng mày đừng hòng trốn thoát…
Những tin ấy bay về đến tai vua làm cho nhà vua vô cùng lo sợ. Vua sai lập một đền thờ ở trên ngã ba Giang Tân và phong cho hai người là phúc thần. Mỗi năm cứ đến ba mươi tháng một là có những viên quan bộ Lễ được phái đến đây cúng ông Dầu bà Dầu với những món ăn mà họ ưa thích.
Nhưng ngôi báu nhà Lý quả nhiên chẳng bao lâu lọt về tay nhà Trần. Dòng họ Lý quả nhiên chết tuyệt diệt, đến nỗi chỉ người nào đổi qua họ Nguyễn mới hòng trốn thoát.
Sông Thiên Phù quả nhiên cứ bị lấp dần, lấp dần cho mãi đến ngày nay chỉ còn một lạch nước nhỏ ở phía Nhật Tân. Sông Tô Lịch cũng thế :ngày nay chỉ là rãnh nước bẩn đen ngòm. Duy có miếu thờ ông Dầu bà Dầu thì hàng năm dân vùng Bưởi vẫn mang lễ vật theo sở thích của hai vợ chồng đến cúng lễ vào ngày ba mươi tháng mười một.