Top 10 Sự tích về các loài hoa hay và ý nghĩa nhất
Sự tích là câu chuyện của một thời xa xưa còn được truyền lại, kể lại, không có thật. Và hiện nay có rất nhiều sự tích hay được lưu truyền. Cùng Toplist tìm ... xem thêm...hiểu những sự tích kể về các loại hoa hay nhất nhé!
-
Sự tích hoa Hải Đường là một trong những truyện cổ tích kể về các loài hoa, giải thích nguồn gốc ra đời của hoa Hải Đường (Camellia) tuyệt đẹp ngày nay.
Khi linh mục Camellia được phái tới Nhật Bản để truyền đạo thì ông không ngờ rằng ông lại bắt gặp ở đây những vị thần có khả năng quyến rũ cả những cha cố tiếng tăm. Ông thề rằng ông sẽ tránh xa mọi cám dỗ trần thế và tự hành hạ mình bằng cái đói và cái khát. Bởi vậy các thầy học của ông và bản thân ông đều tin rằng với sự trong sáng của mình ông rất đáng được ơn huệ của Chúa, và Chúa sẽ giúp ông biến những người Nhật Bản lầm lạc theo đạo.
Ở Nhật Bản, trong lúc chuẩn bị cho công việc đại sự, cứ chiều chiều ông lại vào rừng nhặt nhạnh các rễ cây và bắt châu chấu đem phơi khô dành cho mùa đông. Phải nói rằng số lượng lớn châu chấu mà ông kiếm được là ở trên các cành của một cái cây lớn. Châu chấu nhiều đến nỗi dù ông cố bắt hết thì sang chiều hôm sau chúng lại phát triển thành bầy nhung nhúc.
Vào một buổi chiều nóng bức, Camellia dừng chân trong một làng xa, kể chuyện cho những người nông dân nghe về buổi truyền đạo trên núi và mãi tới tận nửa đêm ông mới tới được cái cây lạ lùng kia. Mặt trăng tròn vành vạnh nhô cao trên đỉnh rừng, cây cối đứng im lìm tựa như đã thấm mệt, còn lũ châu chấu thì im lặng hoặc có thể vị linh mục đã quá quen với tiếng kêu ri rỉ của chúng đến nỗi chẳng buồn nghe nói nữa.
Khi Camellia chắp hai tay vẻ thành kính và ngước lên trời tạ Thượng Đế vì ơn huệ của một ngày qua thì trong đám lá cây bỗng vang lên tiếng cười ngọt ngào của một thiếu phụ:
– Ha Ha Ha!
Một sinh vật như một chú thỏ, thoăn thoắt nhảy từ cành nọ qua cành kia, phô hàm răng trắng xoá.
“Một kẻ vô đạo đã phái con quỷ này đến cám dỗ ta đây” – Camellia quả quyết.
Sau cái khoát tay của ông, con quỷ dường như hứng chí hơn. Nó liền nhảy ngay xuống cành cây thấp nhất và bắt đầu huơ huơ đôi chân trắng ngay trên đầu vị linh mục.
Camellia lùi lại vài bước, chăm chú nhìn cái sinh vật kỳ dị kia. Toàn thân nó được bao bọc một lớp xanh hòa lẫn trong màu xanh lá cây, chỉ có đôi chân trắng muốt và cái đầu nhỏ tóc vàng lấp lóa ánh trăng là thấy rõ và được thu lại tựa một bông hoa sặc sỡ đang kỳ nở rộ.
– Ngươi là ai? – Tu sĩ hỏi
– Hi hi! Ha ha!
– Ngươi là nữ nhi ư?
Sinh vật lắc đầu quầy quậy
– Vậy ngươi là ai? Tên ngươi là gì?
– Ta là Đơriađa, linh hồn của cái cây này. – Đầu tóc vàng thú nhận. – Ta đến để tạ ơn ngươi vì ngươi đã làm cho thân cây của ta sạch bóng lũ châu chấu tanh hôi.
Nói xong, hồn cây nhảy luôn vào lòng bàn tay của tu sĩ, đoạn ôm chầm lấy ông và gắn vào bộ râu của ông một nụ hôn. Camellia lúng túng đến nỗi đáng lẽ phải đẩy cô gái rừng xanh ấy ra xa thì ông lại kéo diết cô ta lại phía mình và cứ để nguyên giây phút kỳ diệu như thế trong đời một hồi lâu.
– Ta không thể ở lại với nhà ngươi lâu hơn được nữa. – Đơriađa thì thào – Nếu không cái cây của ta sẽ khô héo mất.
Con quỷ vùng ra khỏi tay ôm của Camellia và nhảy lên một cành cây xanh.
Chỉ đến lúc này vị tu sĩ mới hiểu rằng ông đã phá bỏ lời thề về sự trinh trắng và ông trở về nhà trong tâm trạng đầy u uất. Biết làm sao được? Liệu ta có còn xứng đáng là một vị linh mục nữa hay không?
Cho đến tận đêm khuya lạnh lẽo, cái đầu bốc lửa của Camellia mới nguôi ngoai được đôi chút. Ông bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về những sự việc vừa xảy ra. Ông đã phá bỏ lời thề rồi ư? Người đã hôn ông không phải là một thiếu phụ mà là một linh hồn, bởi vậy, cái hôn này chẳng phải đem lại niềm vui sướng xác thịt. Nàng không phải là phù thủy, nếu không nàng đã biết sợ dấu hiệu của nhà thờ. Phải, trong kinh thánh không hề nói đến chuyện tiếp xúc với thần linh, như vậy là đã phạm tội. Sau khi tự chấn an như vậy, vị linh mục thấy tự tin hẳn lên.
Nửa đêm hôm sau, bị tính tò mò thôi thúc, Camellia lại đến trước cái cây lạ.
– Đơriađa! – Ông cất tiếng gọi và dừng lại dưới một chiếc lá to bản.
– Hi hi! Ha ha! – Một tiếng cười hỉ hả cất lên. Và qua tiếng lá cây sột soạt có thể đoán ra cô gái rừng xanh đang tụt xuống đất.
Ngay từ lúc trưa, vị tu sĩ đã nghĩ cách giải thích lý do ông trở lại chỗ cây này. Khi Đơriađa đã ngồi trên một cành cây thấp, ông không hề lúng túng thanh minh:
– Tôi đến để xem lũ châu chấu có còn quấy rối các cây của bà nữa không.
– Một tên vô lại nào đó đã leo lên tận ngọn cây rồi. – Cô gái rừng xanh than phiền – Nếu ngươi bắt được nó, ta sẽ rất biết ơn người.
Camellia quấn hai vạt áo quanh thắt lưng và thoăn thoắt leo lên cây. Một con châu chấu đã bị tóm và ông đã được thưởng công xứng đáng.
Cả lũ châu cháu đã bị diệt gọn, song Camellia không hề lúng túng, nghĩ cách đoạt được nụ hôn của Đơriađa. Mùa đông đã đến gần, không khí bắt đầu nhuốm lạnh. Trong một đêm Đơriađa đã nói với Camellia:
– Ngày mai ngươi đừng đến đây nữa. Trước mùa xuân, cái cây phải nghỉ ngơi và ta sẽ cùng nghỉ với nó.
Cái tin lạ lùng khiến Camellia sửng sốt. Ông sẽ sống ra sao đây nếu thiếu niềm vui. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, rồi nhiều tháng cứ qua đi thì sao. Còn linh hồn dịu dàng – Đơriađa – hẳn nàng đang bị chết cóng trong hốc cây không, phải nghĩ ra một điều gì đó, phải làm một cái gì đấy để cứu nàng.
Giá như còn thời gian hẳn Camellia sẽ nghĩ ra được điều gì đấy, nhưng bây giờ chẳng còn thời gian để nghĩ nữa, cần phải hành động. Ông túm lấy cô gái rừng xanh, giấu dưới vạt áo rộng và đem về nhà mình. Suốt dọc đường Đơriađa đành câm miệng hến, chỉ khi bước vào gian phòng mà vị linh mục đặt nàng xuống giường, nàng mới kêu lên:
– Ngươi làm cái trò gì thế? Giờ này chắc cái cây của ta đang bắt đầu chết héo…
– Mặc cho nó chết héo. Chẳng lẽ trong rừng hiếm cây sao? – Camellia an ủi nàng.
– Ông hiểu việc đó như thế nào. Nếu cái cây của tôi khô héo thì tôi sẽ chết. – Đơriađa nói, giọng buồn bã.
– Đó là chuyện nhảm nhí, ta sẽ giải phóng nàng khỏi nơi này. – Vị tu sĩ thề thốt.
Tới mùa xuân, khi các lá cây bắt đầu trổ màu xanh, Đơriađa cứ yếu dần và gầy rộc hẳn đi.
– Hãy trả ta về với cây của ta! – Nàng khẩn khoản nói với Camellia và ông đã sẵn sàng thực hiện yêu cầu của nàng, đồng thời hy vọng không khí mùa xuân sẽ chữa cho Đơriađa lành bệnh.
– Thật là đau khổ! – Đơriađa kêu lên khi Camellia đặt nàng ngồi trên cành cây thấp. – Cái cây của tôi đã chết rồi.
Trước mắt Camellia nàng cứ tự tan biến đi và hòa lẫn vào cây xanh: Mãi tới một ngày kia, hệt như bông hoa lộng lẫy, mớ tóc hung hung của nàng bừng đỏ lên, rồi sau đó chúng cứ lấp loáng.
– Xin nàng đừng bỏ đi, hãy nói với ta, dù chỉ là đôi lời!
Camellia thất vọng cầu xin và ông đã nghe được giọng nói yếu ớt đáp lại:
– Trên đỉnh ngọn cây kia vẫn còn hơi thở nóng hổi của cuộc sống. Hãy bẻ lấy một nhành cây trên đó và đem trồng ngay xuống đất.
Camellia bẻ ngay một cành cây tươi và đau đớn trở về nhà. Ít lâu sau, từ cành cây đó mọc lên một bụi cây và nở ra những bông hoa đỏ sặc sỡ.
Vài năm sau, vị tu sĩ già từ Nhật Bản trở về châu Âu. Ông là người duy nhất mang theo về một chậu hoa mà ai cũng phải trầm trồ. Camellia đặt tên nó là Hoa Đơriađa nhưng người đời không thể nhập tâm được một cái từ khó đọc như vậy nên đã gọi tên hoa bằng tên vị linh mục: Camellia – Hoa Hải Đường.
-
Sự tích hoa Mười Giờ kể về tình yêu mỏi mòn chờ đợi và tin tưởng vào lời hẹn ước của một cô gái với người mình yêu, dẫu cho người ấy không bao giờ tới.
Chuyện kể rằng ở một đất nước nọ, quanh năm chỉ có mùa đông băng giá, người đời không hề biết tới sự tồn tại của một ngôi làng nhỏ bé, nơi tràn ngập ánh nắng và quy tụ tất cả các loại hoa đẹp trên đời. Đó cũng là nơi yên tĩnh nhất và thơ mộng nhất trên thế gian. Trưởng làng là một người đàn bà góa chồng, một mình nuôi dưỡng đứa con trai duy nhất. Thời gian cứ thế trôi đi, thằng bé năm nào còn nằm trong nôi nay đã to khỏe và tuấn tú lạ thường. Kế thừa bản tính nhân hậu của mẹ, anh thường hay giúp đỡ dân làng trong những việc nặng nhọc nên rất được mọi người quý mến, nhà nào có con gái đến tuổi lấy chồng cũng ước ao con mình được lấy chàng trai đó về làm chồng.
Rồi ngày đó cũng tới, trái tim của cậu bé bắt đầu biết rung động, chàng trai đã yêu. Chàng đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp, nết na. Trai tài gái sắc, người con gái có một vẻ đẹp thuần khiết khiến ai cũng ngưỡng mộ. Ban ngày 2 người nắm tay nhau tản bộ trên bờ biển hoặc rong đuổi trên những ngọn đồi phủ đầy cỏ xanh, đi xuyên qua những bóng cây cổ thụ râm mát. Buổi trưa họ trải mình trên tấm nệm cỏ. Xế chiều họ cùng nhau nô đùa trên bãi cát trắng cho tới chiều tối. Cô gái mồ côi cha mẹ từ bé nên chỉ có người con trai là người thân duy nhất nên dành trọn tất cả tình cảm cho người yêu. Ngược lại cậu trai còn người mẹ già nên thường phải về nhà trước khi mặt trời lặn. Cô gái lại phải chờ tới sáng hôm sau để được gặp chàng trai.
Ngày này qua ngày khác, cứ đúng mười giờ hai người hẹn nhau, tay trong tay vui đùa trước biển xanh. Tình yêu của họ tưởng chừng không gì có thể chia rẽ được. Nhưng một ngày nọ chàng trai không tới chỗ hẹn, cô gái đứng đợi, lâu rất lâu nhưng vẫn không thấy bóng dáng của người yêu.
Thời gian trôi đi, cô đã chờ được một ngày, vẫn không thấy chàng trai đâu, ngay lúc đó, người con gái tưởng chừng như bầu trời sắp sụp đổ. Cô muốn òa khóc nhưng sợ rằng người yêu tới nơi thấy đôi mắt đỏ hoe của mình sẽ buồn và lo lắng nên cô nuốt những giọt nước mắt đó vào trong lòng.
Thời gian lại trôi qua, cô gái đã chờ được một tuần, cô muốn chạy đi tìm chàng trai nhưng sợ chàng sẽ tới và không thấy cô đâu rồi sẽ bỏ đi. Nghĩ vậy nên cô ghìm bước chân lại và tiếp tục chờ. Cho tới khi sức lực cạn kiệt cô gái quỵ xuống và trút hơi thở cuối cùng. Trước khi chết cô không hề oán hận người con trai mà chỉ tự trách tình yêu của mình dành cho người con trai không đủ để tiếp sức cho cô ta tiếp tục chờ đợi và hy vọng.
Sau này xác của cô gái được sóng mang ra giữa biển và chìm vào trong lòng của đại dương. Nơi người con gái ngã xuống mọc lên một loài hoa màu tím, cứ khi chuông đổ mười giờ là hoa lại nở rộ, từng cánh hoa một hứng lấy những hạt nắng của mặt trời để sưởi ấm cho những giọt nước mắt chất chứa trong lòng của người con gái. Người ta ví hoa Mười Giờ chính là hiện thân của cô gái có tấm lòng thủy chung, hoa nở tượng trưng cho lời hẹn ước năm nào. Dù thời gian có trôi đi nhưng lời hứa của cô không hề phai tàn, cô vẫn tin vào một câu hẹn ước và vẫn tiếp tục đợi cho dù người con trai đó sẽ không bao giờ tới.
-
Sự tích hoa Cát Tường là câu chuyện cổ tích Việt Nam cảm động kể về tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp của một người mẹ đã hy sinh hết mình về con cái.
Ngày xưa, có hai mẹ con nọ sống đầm ấm trong một ngôi nhà tạm bợ. Ngày ngày, người mẹ đi làm thuê để nuôi đứa con trai ăn học.
Bà chỉ mong sau này con đỗ đạt để được nương tựa tấm thân già. Không phụ lòng mong mỏi của bà, đứa con ngày càng học giỏi, nổi tiếng là thần đồng khắp cả vùng. Không những thế, cậu ta sống vui vẻ với mọi người và rất có hiếu với mẹ. Trong làng, gia đình nào cũng mơ ước có được đứa con như vậy.
Một ngày nọ, bỗng nhiên cậu ta lăn đùng ra tắt thở. Người mẹ vật vã, khóc chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Bà khóc đến nỗi khô cả nước mắt. Dân làng rất tiếc thương cho mạng số ngắn ngủi của cậu bé và xót xa cho nỗi khổ đau của người mẹ. Muôn lời xẻ chia, vạn lời an ủi cũng không xoa dịu được sự trống vắng mênh mông trong trái tim người mẹ.
Người mẹ đến gặp Đức Phật Như Lai cầu mong Ngài hãy rủ lòng từ bi giúp cho con bà sống lại. Sau những thời khắc đắn đo, Ngài bảo chỉ có một loài hoa tên là Cát Tường mới có thể giúp con bà sống lại được. Khi nào bà tìm được loài hoa ấy thì Ngài sẽ giúp cho.
Người mẹ khăn gói lên đường. Bà bôn ba khắp xóm này, làng nọ, từ miền biển mênh mông cát trắng đến những nơi thâm sơn cùng cốc, đâu đâu cũng có dấu chân bà. Và cũng tiếc thay, không nơi nào người ta biết có loài hoa “may nắn, tốt lành” ấy. Hy vọng vơi dần, sức cùng lực kiệt, một ngày kia người mẹ gục ngã bên một con đường vẫn còn mịt mù phía trước. Bà không bao giờ đứng dậy được nữa. Xác bà biến thành một loài hoa mà người ta chưa bao giờ thấy.
Cảm thông cho câu chuyện của bà, người ta đặt tên cho loài hoa ấy tên là hoa Cát Tường.
-
Sự tích hoa Mimosa là một trong những câu chuyện cổ tích kể về các loài hoa, ca ngợi tình yêu thủy chung son sắc của một cặp tình nhân bị gia đình ngăn cấm.
Ở vùng đất tươi đẹp nằm giữa biển khơi đầy nắng ấm xưa, có một đôi tình nhân yêu nhau say đắm. Chàng là con của một ngư dân, có thân hình vạm vỡ, nước da đen bóng và thông minh tuyệt vời. Nàng là con gái cưng của một gia đình quý tộc, đẹp rực rỡ, đài các và có tấm lòng nhân hậu.
Tuy nhiên, gia đình lại ép gả nàng cho một công tước hoàng gia. Chàng trai buồn phiền từ giã biển khơi, bỏ nghề chài lưới, lên một vùng núi cao hiểm trở làm nghề giữ rừng để quên đi mối tình tuyệt vọng. Khi chàng vừa đặt chân đến nơi, thì một trận hỏa hoạn dữ dội xảy ra. Một mình chàng bất chấp hiểm nguy để cứu những cánh rừng xanh và những con Kangaroo tội nghiệp. Và rồi, ngọn lửa quái ác kia đã làm chàng ngất xỉu và thiêu sống chàng.
Khi hay tin chàng trai bỏ thành phố biển lên ngàn tìm quên mối tình đầu dang dở, trong đêm tân hôn cô gái đã bỏ trốn để tìm người yêu. Nhưng, khi gặp được chàng thì nàng chỉ thấy thân xác chàng bên đống tro tàn của cánh rừng bị cháy.
Nàng quỳ xuống và gục chết bên người yêu. Từ đó, trên vùng núi cao của đất nước thơ mộng – nơi cặp tình nhân đã chết cho tình yêu xuất hiện một loài cây thân mộc, lá màu xanh biếc, lấp lánh hoa vàng thơm mát. Người dân địa phương đặt cho loài cây này một cái tên thật đẹp: Mimosa.
Ngày nay, các cặp tình nhân thường tặng hoa Mimosa cho nhau để khẳng định sự chung thủy, luôn hướng về người mình đem lòng yêu thương.
-
Sự tích hoa Loa Kèn là truyện cổ tích của Pháp, ngợi ca tình yêu chung thủy của một cô gái, qua đó giải thích về nguồn gốc của loài hoa Loa Kèn ngày nay.
1. Trái tim người chiến binh và người con gái chung thủy
Những giọt nước mắt nào có giúp được gì! Jack sẽ phải lên đường chinh chiến ở một xứ xa lạ, đành bỏ lại Lilia, người vợ chưa cưới của mình trên đất Pháp. Lúc chia tay, Jack rút trái tim ra khỏi lồng ngực mình, trao cho Lilia và nói:
– Đã là chiến binh thì phải sống không có tim. Trái tim chỉ gây phiền hà cho ta. Nàng hãy giữ lấy nó chờ ta trở về.
Lilia giấu trái tim của Jack vào một cái tráp bạc và từng ngày, từng ngày chờ đợi người yêu quay trở về. Với một người đang trông đợi thì thời gian mới chậm chạp làm sao! Một ngày dài bằng cả năm, một năm bằng cả thế kỷ. Dù Lilia có làm gì và có đi đâu thì cái nhìn của nàng lúc nào cũng hướng về phía mà Jack đã ra đi. Nàng đã mất thói quen tính ngày, tính tháng. Một lần nàng rất phẫn uất khi người cha nói với nàng:
– Con gái của ta, thế là đã mười năm trôi qua kể từ ngày người yêu của con xông pha nơi trận mạc, không chắc nó sẽ hồi hương. Đã đến lúc con phải lo tấm chồng khác rồi đấy.
– Cha ơi, cha mà lại nói với con như vậy ư? – Nàng đau đớn nói với cha. – Jack đã trao trái tim của chàng cho con rồi và bây giờ trái tim ấy đang ở chỗ con, con không thể nào quên Jack được đâu cha ạ.
Người cha chỉ biết lắc đầu, thở dài não nuột. Chắc chắn là ông không thể sống cho đến ngày ông được bế trên tay một đứa cháu trai.
Lại mười năm nữa qua đi, cuộc chiến cũng vừa tàn, các chiến binh lục tục trở về, người thì chống nạng, kẻ thì tay áo lủng lẳng. Lilia chờ đợi Jack, nàng hỏi tin chàng khắp nơi, nhưng vẫn chẳng nhận thêm được điều gì.
– Có lẽ chàng đã phải lòng người con gái khác và ở lại xứ người rồi. – có lần em gái Lilia tỏ ý nghi ngờ, song Lilia không thể tin điều đó.
– Chàng có thể yêu người khác sao được một khi trái tim chàng đang còn ở chỗ ta? Một người không có tim thì không thể yêu được!
2. Sự thật về Jack
Chiến tranh đã qua rồi, nhưng một con người không có trái tim như Jack, suốt trong những năm tháng ấy chỉ quen chém giết, cướp bóc không biết ghê tay, bây giờ chàng sống theo kiểu khác rồi. Chàng trở thành thủ lĩnh một băng cướp ở xứ người và nhiều khi còn trấn lột vàng bạc của quý của người qua đường.
Khi tên cướp già Pie bị ốm, Jack đã thẳng tay đuổi ra khỏi băng cướp. Sau này, khi quyết định phải trả thù thủ lĩnh, Pie liền tìm đường về quê hương của Jack với mong muốn kể cho họ hàng thân thích và người quen biết Jack hiểu rõ rằng, Jack đang làm một công việc tầm thường như thế nào.
Pie phải đi mất cả chục năm mới về tới nước Pháp vậy mà vẫn không tìm thấy làng quê của Jack. Và người đầu tiên mà gã ta gặp là một bà già tóc đã bạc phơ, có cái nhìn khắc khoải.
– Bà có biết Jack không? – Pie hỏi
– Ôi lạy Chúa, ông hỏi tôi về chuyện gì vậy? – người đàn bà kêu lên – Jack là chồng chưa cưới của tôi, là người tôi đang mòn mỏi trông chờ, tôi không biết sao được. Hãy làm ơn nói mau, hiện chàng đang ở đâu và chàng đã gặp điều gì chẳng lành?
Pie thấy trong cặp mắt người đàn bà vẫn còn đang cháy lên niềm hy vọng, và gã hiểu ngay rằng bà vẫn còn yêu Jack cháy bỏng như thời còn son trẻ. Gã không nỡ nói hết sự thật kinh hoàng về Jack.
– Vậy ra bà là vợ chưa cưới của Jack đấy! – Pie thốt lên.
– Phải, tôi là Lilia, chúng tôi đã thề nguyện với nhau.
– Ôi, tôi mang đến cho bà một tin buồn – Pie cụp mắt xuống – Jack đã lao vào cuộc chiến như một dũng sĩ. Anh ấy mới yêu bà làm sao! Trước lúc nhắm mắt, anh ấy cứ nhắc mãi cái tên của bà – Lilia.
“Jack của ta đã chết và đã yên giấc ngàn thu”. – Lilia đau buồn nghĩ – “Nhưng chàng nằm xuống đất sao được khi chàng không có tim? Ta phải đi tìm mộ chàng và trả lại cho chàng trái tim nhân hậu đáng yêu”.
3. Sự tích hoa Loa Kèn
Ôm cái tráp bạc, Lilia bắt đầu một cuộc hành trình gian khổ đến những miền đất xa xôi. Bà mất cả thói quen tính ngày, đếm tháng, nhưng gặp ai bà cũng hỏi thăm đường. Mọi người can ngăn bà không nên đi tiếp khi chỉ có một mình, vì biết đâu sẽ gặp bọn cướp ác độc, song Lilia không nghe. Quả nhiên, đến một khúc đường ngoặt, bà bị mấy tên cướp râu xồm trấn mất cái tráp đựng báu vật. Bà khóc lóc, vật nài, kể lể về mối tình bất hạnh của mình với Jack, nhưng tất cả điều đó không hề làm bọn cướp động lòng. Bọn cướp mang cái tráp về dâng thủ lĩnh. Chúng vừa cười hô hố vừa thuật lại chuyện một bà già mất trí đi tìm mộ chồng để trao cho chồng trái tim mà ông ta đã trao cho bà làm tin trước lúc ra trận.
Trong lúc bối rối, thủ lĩnh toán cướp bèn mở tráp ra và trông thấy trái tim của chính mình mà bao năm tháng qua đã bị mất. Và thật lạ lùng, trái tim đã nói với người chủ của nó bằng tiếng nói của con người:
– Nếu còn là người, chớ có nói cho Lilia biết ngươi là cái hạng gì. Hãy cứ để cho Lilia tin rằng ngươi đã chết, như vậy bà ta sẽ giữ được trọn vẹn những kỷ niệm tốt đẹp về người.
Jack vội vàng đậy nắp tráp lại và ra lệnh cho bọn đàn em phải đem trả lại ngay cho bà già, đồng thời phải chỉ cho bà thấy một nấm mộ cỏ mọc xanh rì, làm như đó là mộ của Jack. Dọc đường đi, bọn cướp quyết định giữ cái tráp lại, song chúng vẫn không quên chỉ cho Lilia nấm mộ theo ý của Jack.
Người đàn bà bất hạnh giờ đây vẫn còn mang tình yêu với Jack như hồi còn trẻ, và bà không nỡ rời bỏ Jack khi Jack không có trái tim bên mình. Thế rồi bà đã lôi trái tim từ lồng ngực của mình ra vùi xuống nấm mộ, nơi bà nghĩ có hài cốt của Jack.
Từ nơi trái tim ấy đã mọc lên một bông hoa, mà đời nay vẫn gọi là hoa Loa Kèn. Loài hoa tượng trưng cho sự trinh trắng, lòng chung thuỷ và cao thượng
Đôi nét về hoa Loa KènHoa Loa Kèn có danh pháp khoa học là Lilium longiflorum. Ở Việt Nam, hoa Loa Kèn còn có các tên gọi khác như: hoa Huệ Tây, hoa Bách Hợp, hoa Lily.
Hoa Loa Kèn nở vào tháng 4. Khi nở thường hơi nghiêng so với phương nằm ngang 1 khoảng nhất định. Hoa có màu trắng là phổ biến, ngoài ra còn nhiều màu khác nữa. Cánh hoa hơi cong, chiều rộng từ 5 – 7 cm, chiều dài từ 15 – 20 cm. Bầu hoa có hình trụ, bên trong nhụy chia làm 3 thùy, tỏa ra mùi hương thơm nhẹ nhàng, quyến rũ.
Hoa Loa Kèn có độ bền ngắn, chỉ 5 – 7 ngày là bắt đàu tàn. Hoa có khả năng tạo quả, quả của cây có hình tròn, bên trong chưa nhiều hạt.
Muốn Loa Kèn cho hoa đẹp, người ta trồng ở những nơi ít nắng hoặc trong bóng râm vì Loa Kèn không chịu được nắng gắt. Tuy nhiên loài hoa này lại rất dễ trồng và tốc độ sinh trưởng khá nhanh.
-
Sự tích hoa Tường Vi là truyện cổ tích kể về một nàng công chúa xinh đẹp, chung thủy chờ chồng, qua đó giải thích nguồn gốc của loài hoa Tường Vi ngày nay.
1. Nàng công chúa xinh đẹp
Đó là câu chuyện tình của Tường Vi, một nàng công chúa tóc dài, sống lẻ loi trong cung điện trên vùng thượng nguồn. Trời cao nguyên lạnh lẽo càng khiến cho dung nhan của nàng thêm phần xinh đẹp: mái tóc dài óng ả, làn da trắng căng mịn, gương mặt trắng hồng như bông, đôi môi mọng đỏ trong màn sương xám, và nhất là đôi mắt ướt của nàng lúc nào cũng sáng long lanh như những giọt sương buổi sớm.
Chính vẻ đẹp ấy đã khiến công chúa Tường Vi trở nên nổi tiếng khắp nơi. Nhưng lúc nào trong lòng nàng cũng mang một nét buồn sâu thẳm. Sở dĩ nàng phải chịu cảnh sống lẻ loi giữa vùng hẻo lánh này bởi vì lời tiên đoán của một nhà tiên tri với vua cha rằng, cuộc đời nàng sẽ phải chịu nhiều bất hạnh. Vua cha vì sợ, và thương con gái, nên đành đem nàng đi cất giấu ở nơi đèo heo khuất gió này để tránh khỏi hung tà.
Thế nhưng tiếng đồn xa gần về sắc đẹp của Tường Vi lan đi rất nhanh. Nhất là vào những buổi chiều, khi giọng hát của nàng lan rộng khắp núi đồi, hòa vào hợp âm của những chú chim non hót véo von xung quanh và những con giớ reo trên biển. Bao nhiêu người vì vẻ đẹp của nàng mà đã bất chấp cả lời tiên đoán, đến ngỏ ý muốn lấy nàng làm vợ. Nhưng vua cha vẫn một mực từ chối, trong thâm tâm nhà vua tuy lo lắng, nhưng vẫn luôn để ý kiếm tìm cho nàng một phò mã xứng danh.
2. Bông hoa trắng màu nhiệm
Một ngày kia, Tường Vi lâm bệnh nặng. Thầy thuốc hết sức chữa trị đành cúi đầu chịu thua. Đúng lúc đó, nhà tiên tri ngày nọ lại xuất hiện, ông nói bệnh của công chúa chỉ có thể chữa được bằng cánh lá của một loài hoa trắng, mọc cheo leo trên đỉnh núi, giữa hai vực thẳm và một ngọn thác. Thương con, nhà vua quyết cho tâm tìm cho bằng được cánh hoa đó để cứu công chúa, nên truyền lệnh xuống, hễ ai kiếm được đóa hoa đó, sẽ được lấy nàng công chúa làm vợ và kế vị ngôi báu.
Bao nhiêu chàng trai đua nhau vào rừng tìm kiếm, nhưng đều thất vọng trở về, còn sức khỏe của Tường Vi thì cứ như bóng chiều tắt nắng. Giữa lúc mọi người đang tuyệt vọng, bỗng một hôm, có một người tiều phu trẻ tuổi, bộ dạng nghèo nàn đến cung điện đem dâng lên nhà vua bông hoa màu trắng. Từng cánh hoa như có phép lạ, dần làm hồi phục sức khỏe của công chúa. Đôi mắt nàng từ từ mở ra, và người đầu tiên mà nàng nhìn thấy chính là chàng trai nghèo khó đã đã mang bông hoa đến để chữa bệnh cho mình.
Thấy con gái khỏe lại, nhà vua vô cùng vui mừng, giữ đúng lời hứa mình, phong cho chàng trai làm phò mã.
3. Nàng công chúa chung thủy chờ chồng và sự tích hoa Tường Vi
Tuy nhiên, lễ cưới được cử hành chưa được bao lâu, thì đất nước có giặc ngoại xâm. Tuân lệnh vua cha, chàng phò mã trẻ cầm quân ra trận, tạm thời chia tay với người vợ yêu dấu của mình. Họ hẹn nhau ngày trở về đoàn tụ. Chiều chiều, những cơn gió vẫn giúp hai người trò chuyện và những cánh chim gửi tin vẫn đều đặn bay về.
Một hôm, Tường Vi bặt tin của chồng. Tiếng hát của nàng dường như loãng vào khoảng không, chỉ còn tiếng vọng lại từ gió núi bạt ngàn. Nàng chờ mãi tin chồng, nhưng những cánh chim bay đi, rồi lại trở về lặng lẽ. Đoán điềm chẳng lành đã xảy ra, chiều chiều nàng ra nơi thác núi, tiếp tục chờ ngóng tin của chồng.
Cho đến một buổi chiều, chim bay về đem tin chẳng lành. Nàng bật khóc nước nở. Quá nhớ thương người chồng đã anh dũng hi sinh nơi sa trường bảo vệ đất nước, trong giây phút tuyệt vọng, Tường Vi đã gieo mình theo dòng thác, mất tích giữa dòng nước ồ ạt.
Từ nơi chân nàng đứng, theo những giọt nước mắt rơi xuống, về sau người ta tìm thấy một loài hoa mới, với dáng dấp y hệt như đóa hoa trắng của chàng tiều phu trẻ tuổi đã dâng nhà vua năm nào. Đóa hoa nở cạnh bên dòng thác, êm đềm, dịu dàng, nhưng vẫn kiêu sa đứng vững giữa đất trời khắc nghiệt của cao nguyên.
Lạ hơn nữa, trong những ngày u buồn nhất, khi những người lữ khách vô tình soi bóng trên dòng nước, sẽ thấy bóng phản chiếu của những đóa hoa mang màu mắt long lanh, và bóng hình y hệt đôi mắt nàng công chúa.
Từ đó hoa mang tên Tường Vi, để tưởng nhớ đến nàng công chúa chung thủy chờ chồng.
-
Sự tích hoa Phong Lan là truyện cổ tích kể về những người phụ nữ dũng cảm của bộ lạc Aruaki không tiếc hi sinh thân mình để bảo vệ kho báu của bộ lạc.
1. Bộ lạc Aruaki
Ở một miền đất xa xôi, quanh năm khí hậu ấm áp và đất đai trù phú, có một bộ lạc tên là Aruaki. Bộ lạc này may mắn hơn các bộ lạc khác vì họ có thể sai khiến được loài chim Oócchít – loài chim đẻ những quả trứng bằng vàng. Khi đó, có một con chim đẻ trứng vàng vào tổ ở trong hốc cây thì thủ lĩnh Nato dùng tay chuyển quả trứng đó sang một cái cây khác, và sự kiện đó được đánh dấu như một ngày hội lớn của cả bộ tộc.
Các cô gái của bộ lạc thì thay nhau mai phục trên các cành cây, để bảo vệ tổ chim khỏi bị chim ưng phá hoại. Còn trong từng góc làng, các trai trang tay cầm những mũi tên tẩm thuốc độc đứng canh giữ, không cho các chiến binh của bộ lạc khác đên đánh chiếm kho báu của bộ lạc mình.
Từ ngày có quả trứng vàng kia, những tay thợ lành nghề của bộ lạc đã chế tạo ra các loại vòng tay, hoa tai và đủ các loại đồ trang sức. Số trứng vàng dự trữ mỗi ngày một nhiều, đồ dùng làm từ vàng cũng tăng theo.
Một hôm, cánh đàn ông đi săn trở về với một tâm trạng đầy lo lắng. Họ đã gặp cánh thợ săn của một bộ lạc xa lạ. Cánh thợ lạ này đã kể cho họ nghe về những chiến thuyền khổng lồ đã cập bờ biển, và về những con người tóc cắt ngắn, mặt mũi nom rất lạ, đã đặt chân lên đất liền. Những kẻ lạ mặt này rất hám vàng. Chúng đã dùng một loại súng có tai khạc ra những mũi tên có lửa rất khủng khiếp, chúng còn cướp giật vòng chân, vòng tay của chị em, tra khảo dân bản xứ xem nơi nào có vàng.
Nếu những người Aruaki hiểu rằng, con người cũng có thể biến thành những kẻ tàn ác, thấp hèn, thì chắc không bao giờ họ lại cho phép những kẻ lạ mặt kia vào làng bản của họ. Nhưng họ không hiểu được điều đó. Họ vẫn cứ khiêng những người thợ săn lạ mặt bị gấu đánh bị thương vào làng. Vị thủ lĩnh còn ra lệnh cho đám phụ nữ đi tìm những người bị thương, còn cánh đàn ông lại lên đường đi săn.
Một kẻ lạ mặt có tên là Khơramooi Métvét rất mệ những đồ trang sức của phụ nữ và cứ gặng hỏi họ kiếm ở đâu thứ đá vàng làm ra được các loại vòng và hoa tai này. Nhưng những người phụ nữ trong bộ lạc chỉ trả lời bằng một nụ cười. Dần dà, Métvét kết thân được với cô con gái cả của thủ lĩnh, tên là Dincadơvin, và hứa hẹn sẽ cưới nàng làm vợ rồi ở lại với bộ lạc. Dincadơvin nói rằng nàng phải chờ đợi cha trở về để xin ý kiến.
Métvét bắt đầu công việc dò hỏi Dincadơvin về việc tại sao chị phụ nữ trong làng cứ thỉnh thoảng lại biến vào rừng sâu và ở đó làm gì. Còn Dincadơvin đã tự cho mình là vợ chưa cưới của Métvét rồi, bởi vậy nàng đã phạm sai lầm còn lớn hơn cả sai lầm của cha nàng cho phép đưa kẻ lạ mặt bị thương vào làng.
Dincadơvin không hề ngờ rằng, người tình của nàng đã bán linh hồn cho bọn người lạ để lấy một thùng rượu, và còn hứu với họ sẽ tiết lộ bí mật của bộ lạc Aruaki. Và thế là sau khi biết chắc chị em nàng thường thay nhau mai phục trên cây, bảo vệ bậy chim đẻ trứng vàng, Métvét liền chuốc rượu cho những người canh gác say mèm, rồi thông báo điều bí mật cho bọn người lạ biết.
2. Những phụ nữ dũng cảm và câu chuyện sự tích hoa Phong Lan
Métvét không hay rằng trên đỉnh một ngọn cây cao nhất còn có chàng Ôta Te đang phóng tầm mắt quan sát khắp vùng gần xa. Anh đã phát hiện ra có những người lạ đang đến gần nơi con chim đẻ trứng vàng mà người dẫn đầu là Métvét. Sau khi loan báo cho bộ lạc hay về mối nguy hiểm đang đe dọa và về sự phản trắc của Métvét, anh liền gióng chuông báo động.
Dincadơvin đau đớn thốt lên:
– Ôi, cớ sao ta lại tiết lộ cho chàng bí mật của loài chim? Thảo nào mà chàng cứ căn vặn ta!
Rồi nàng qua lại, hỏi ông thầy tư tế:
– Hãy chỉ cho ta biết ta phải làm gì và làm thế nào để cứu loài chim đẻ trứng vàng?
– Cô cô cô! – Tiếng thầy tư tế thốt lên, có nghĩa là “Cứ sẵn sàng đi!”.
Hết thảy đàn bà và con gái chạy đến, cùng đáp to: “Khô”. Điều đó có nghĩa là: “Chúng tôi đã sẵn sàng!”.
– Hỡi các cô gái! Hãy nhanh chóng trèo lên và ngồi vào các cành cây! Khi đó bọn người lạ sẽ không biết được chim làm tổ trên cây nào. Còn nếu chúng tìm thấy tổ chim thì Taxan Útke sẽ chạy đi tìm những người thợ săn, gọi họ về đuổi bọn da trắng đi.
Taxan Útke, tên thường gọi của con ngựa chiến, phi như bay về phía những người đàn ông của bộ lạc đang mải săn bắn, còn hàng trăm cô gái khác thì vội vã leo lên cây, tay ôm chặt lấy các cành cây.
Métvét dẫn đoàn người lạ mặt vào rừng, nhưng hắn lúng túng không biết nên chỉ vào cây nào. Bọn người lạ mặt nổi giận, bắn những mũi tên có lửa vào các cô gái, nhưng các cô, kể cả các cô đã chết, vẫn ôm chặt các cành cây.
Khi cánh đàn ông chạy về tới làng, đuổi được bọn người lạ đi thì đã quá muộn – những người con ưu tú – những cô gái đẹp của họ đã chết.
Ông thầy tư tế trỏ tay lên trời, gọi tên họ và nói:
– Các con đã xả thân bảo vệ kho báu của bộ lạc ta, các con xứng đáng được ban thưởng. Tâm hồn các con sẽ biến thành những bông hoa ngát hương, chúng sẽ không ngừng sinh sôi trên các cành cây kia và sẽ kể lại cho thế hệ mai sau về chiến công bảo vệ loài chim mỏ vàng của các con.
Những bông hoa tuyệt với và đủ loại tựa như các cô gái của bộ lạc Aruaki đang đua nở trên các cành cây. Người đời nay gọi đó là hoa Oốckhiđêa – hay là hoa Phong Lan.
-
Sự tích hoa Hồng Vàng trích trong truyện thần thoại Hy Lạp, kể lại mối tình giữa thần tình yêu Eros với nàng Elisa xinh đẹp và truyền thuyết hoa Hồng Vàng.
1. Nàng Elisa xinh đẹp
Ngày xưa, thần Zeus – chúa tể thần linh, trong một chuyến du hành xuống trần gian, đã đem lòng yêu một thiếu nữ trần gian và hạ sinh được cô con gái. Thần Zeus đặt tên cho con mình là Elisa. Thần Zeus lấy làm vui mừng, bảo rằng:
– Bởi vì con là con của thủ lĩnh tối cao trên đỉnh Olympia, nên con sẽ được thụ hưởng tất cả tinh hoa của trời đất, không một kẻ phàm tục nào có thể sánh được với con. Ta ban cho con quyền lực của sắc đẹp, sự thông minh tuyệt đỉnh, hết thảy mọi người phải cúi đầu trước gót chân con.
Elisa theo năm tháng lớn lên và những lời cầu chúc của cha nàng mau chóng trở thành hiện thực. Mỗi buổi sáng, đích thân thần Mặt Trời gom tụ những tia sáng đẹp nhất, lóng lánh nhất, hun đúc thành vô số viên ngọc điểm xuyết lên xiêm y của Elisa. Buổi trưa, các nàng Mây kết thành chiếc võng êm ái cho nàng ngả lưng giữa vườn mộng. Và buổi tối, Thần Đêm tự tay gom sao trên trời cho Elisa ném xuống hồ làm thú tiêu khiển. Nàng được nuông chiều rất mực bởi hết thảy đều kinh sợ quyền lực của cha nàng.
Một buổi sớm mùa xuân, thần Eros – vị thần của tình yêu – ghé thăm Elisa để tặng nàng những viên ngọc kết tinh từ tình yêu do chàng làm ra. Elisa tha thiết nài nỉ Eros dạy nàng bắn cung. Vì không thể khước từ, chàng đã cho Elisa mượn chiếc cung với những mũi tên tình ái.
Elisa đã dùng chiếc cung ấy để tập bắn. Chẳng may nàng trượt tay và 1 mũi tên bay đến, cắm thẳng vào tim Eros. Trong một phút, Eros như bị hóa đá. Chàng cảm thấy ngây ngất vì Elisa, dường như Elisa đã là một phần không thể thiếu trong suốt quãng đời còn lại của mình. Và chàng biết: Mình đã phải lòng nàng mất rồi!
Kể từ hôm đó, Eros mang bệnh tương tư. Chàng chẳng còn thiết đến những yến tiệc hay dạ hội, cũng chẳng chú tâm đến nhiệm vụ được giao, suốt ngày chỉ mê mẩn vén mây ngắm nhìn Elisa cho thoả nỗi nhớ nhung. Chiếc cung bị vứt lăn lóc, những mũi tên bị rỉ sét, tình yêu không còn đến với con người.
Chuyện tới tai thần Zeus. Ngài lấy làm thương hại cho Eros và quyết định kết hợp hai người với nhau. Đám cưới đã diễn ra linh đình suốt 30 ngày đêm. Những món cao lương mỹ vị được dọn khắp nơi, những suối rượu tuôn chảy không ngừng. Người ca hát, người nhảy múa, cùng chúc mừng một đôi trai tài gái sắc.
Khi cưới được Elisa, Eros thấy mình như là người hạnh phúc nhất trên thế gian. Vì vậy, chàng nuông chiều Elisa rất mực, nhất nhất đều tuân theo ý muốn của nàng. Eros xây một lâu đài nguy nga diễm lệ bằng thủy tinh, hồng ngọc và đá quý cho Elisa cư ngụ. Chàng dặn dò:
– Elisa xinh đẹp của ta ơi! Ta yêu nàng hơn cả bản thân mình và giá nào ta cũng không để mất nàng. Hãy ngoan ngoãn ở trong lâu đài và chớ đi xa, ta không muốn người nào khác ngoài ta được thưởng thức sắc đẹp của nàng. Tình yêu của ta dành cho nàng là duy nhất, mãnh liệt hơn thác và đậm đà hơn mật ong. Nàng chớ khiến ta buồn lòng..
Elisa vì tình yêu với Eros đã ngoan ngoãn nghe theo lời chàng dặn dò, họ đã có những ngày tháng thật hạnh phúc. Và rồi cuộc sống vui vẻ hạnh phúc không được bao lâu thì Eros lại phải ra đi làm nhiệm vụ của thần tình ái. Chàng đi quanh năm suốt tháng để kết nối những tâm hồn nam nữ yêu nhau, bỏ lại Elisa ở một mình trong cung điện lạnh giá.
2. Nguồn gốc của câu chuyện sự tích hoa Hồng Vàng
Tai họa bắt đầu xảy ra khi thần Ganh Ghét xuất hiện. Mụ ta vừa trở về sau khi gieo rắc sự gan ghét ở vương quốc Hòa Bình. Được tin Eros kết hôn với Elisa, mụ ta đã lồng lộn vì ghen tức. Eros phải là của mụ chứ không phải của Elisa.
Với ý nghĩ đen tối đó, mụ đã tức tốc lên đường đi tìm Eros. Chờ đến khi chàng mệt mỏi thiếp ngủ, mụ lén nhổ mũi tên ra khỏi trái tim chàng và thổi vào đó 1 hơi “quên lãng”. Khi Eros tỉnh dậy, chàng không còn nhớ gì đến người vợ xinh đẹp, đáng yêu của mình. Chàng lại mải miết ra đi và không ghé về thăm người vợ trẻ nữa.
Về phần Elisa, nàng chờ đợi mòn mỏi nhưng chẳng thấy chồng đâu. Mỗi ngày qua đi, nàng càng thêm phiền não và lâm bệnh nặng. Không có ai ở bên cạnh nàng ngoài mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú. Elisa đã nhờ gió đem lời nhắn gửi đầy nhớ nhung đến Eros. Nhưng gió trở về và báo cho nàng 1 tin buồn rằng Eros đã không còn yêu nàng nữa. Chàng đang vui vẻ tranh tài cùng thần Ganh Ghét và chẳng còn nhớ Elisa là ai!
Điều này khiến Elisa tội nghiệp hoàn toàn gục ngã. Nàng khóc đến kiệt sức rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy, Elisa van xin thần Mặt Trời:
– Thần Mặt Trời! Hãy thiêu đốt ta bằng sức nóng của người. Ta thà chết đi như thế còn hơn đau đớn vì sự phản bội của chồng ta. Không có chàng, ta sống trên đời này còn ý nghĩa chi?
Mặt Trời không nỡ nhìn Elisa đau khổ nên đã kéo mây đen che kín mặt khiến đất trời u ám, tăm tối.
Bệnh của Elisa mỗi ngày 1 trở nên trầm trọng và rồi nàng qua đời. Giây phút ấy, chim muông ngừng ca hát, hoa héo rũ và chẳng còn tỏa hương thơm. Thần Zeus đau đớn cùng cực. Người tự trách mình rằng:
– Elisa con ơi! Ta đã cầu chúc cho con sắc đẹp và sự thông minh, nhưng ta lại không ban cho con sự can trường để vượt qua sóng gió. Lỗi tại ta! Chính ta đã hại con rồi.
Thần Zeus vì quá yêu con nên không nỡ nhìn thân xác nàng tan biến thành tro bụi. Vì thế ngài đã phán:
– Ta sẽ cho con hóa thân thành hoa Hồng, vì chỉ có hoa Hồng mới sánh được với sự cao quý của con và chỉ có gai của hoa Hồng mới bảo vệ con khỏi những tổn thương. Màu sắc của con sẽ không phải là đỏ tươi thắm thiết, không phải hồng phấn dịu dàng, mà là màu vàng mãnh liệt cháy bỏng. Để cho kẻ phản bội con mỗi khi nhìn thấy hoa Hồng vàng là day dứt hối hận và những chiếc gai của con sẽ khiến cho hắn phải đau đớn như con đã từng đau đớn vì hắn.
Và rồi, trên mặt đất đã xuất hiện 1 loại hoa Hồng Vàng – màu sự phản bội.
-
Sự tích hoa Bồ Công Anh là truyện cổ tích về các loài cây, kể lại câu chuyện tình giữa cây Răng Sư Tử với hoa Bồ Công Anh và chàng Gió lạnh lùng, vô tâm.
1. Cây Răng Sư Tử
Ngày xưa, trên một cánh đồng nọ có một loài cây có những bông bông hoa cúc vàng rực, với những chiếc lá dài màu xanh thẫm, những chiếc răng cưa nhọn hoắt như những chiếc răng nanh của một con sư tử. Người ta gọi đó là cây Răng Sư Tử.
Cây Răng Sư Tử nằm kiêu hãnh trên đồng cỏ, trong trái tim chàng ôm ấp những cánh hoa vàng như màu nắng. Người chàng yêu chính là đóa hoa vàng rực rỡ nở ngay trong vòng tay của chàng. Những chiếc lá gai góc của Răng Sư Tử ôm lấy đóa hoa, chở che, bảo vệ cho nó.
Mùa hạ đến, những bông hoa bé nhỏ trút bỏ những chiếc vỏ bọc nhuộm nắng được thay bằng một chiếc áo choàng bóng nhẹ, trắng mướt như những chiếc lông ngỗng. Bông hoa nở trong vòng tay của cây hoa Răng Sư Tử một cách kiêu hãnh. Cây Răng Sư Tử luôn mê ngắm nhìn và thầm khen ngợi vẻ đẹp ấy của nàng. Người con gái của chàng biến thành bông hoa Bồ Công Anh xinh đẹp, với chiếc áo choàng sa tin trắng xốp.
2. Câu chuyện về sự tích hoa Bồ Công Anh
Bỗng một ngày xa xôi thổi đến một người con trai là Gió. Gió ồn ào, mạnh mẽ, cuồng nhiệt và sôi nổi. Gió lướt đi trong vũ khúc quay cuồng. Gió cầm trên tay cây sáo trúc và thổi những khúc ca mê ly về những cánh đồng cỏ rộng lớn hay về những vùng đất mà chàng đã đi qua. Gió kiêu hãnh, gió lạnh lùng và chàng cũng rất vô tâm. Chàng lướt đi ngang qua những cánh đồng, khiến biết bao loài cây phải hướng mắt theo. Ở nơi đó, chàng được yêu mến và ngưỡng mộ.
Bồ Công Anh không phải là một ngoại lệ, Gió ập đến và cũng khiến nàng choáng ngợp trước vẻ phong lưu bất cần. Khi cơn Gió lướt qua cánh đồng, nàng vươn mình theo hướng Gió, đón Gió vào bên mình. Nàng muốn được những ngọn Gió mát rượi ôm ấp vào lòng, vuốt lên những sợi bông của chiếc áo choàng trắng muốt. Nàng yêu Gió, trong sáng và trọn vẹn.
Nhưng Gió sinh ra không phải để dừng chân, chàng là con của ngao du và mạo hiểm. Đồng cỏ bình yên không phải là nơi phù hợp cho chàng ở suốt đời. Gió ào ạt thổi qua, Bồ Công Anh lại cố níu giữ Gió bằng thân hình mảnh dẻ của mình. Nàng càng vươn ra thì Gió lại càng lạnh lùng, phớt lờ bỏ đi.
Cây Răng Sư Tử đau nhói lòng. Trái tim chàng như bị chính chiếc răng cưa cào xé. Chàng che chở cho người con gái chàng yêu để rồi mất nàng trong giây lát. Cây Răng Sư Tử tuyệt vọng, giơ cánh tay xanh biếc ra, giữ chặt Bồ Công Anh trắng muốt. Cánh tay chàng chới với ra trước Gió, nhưng những cánh hoa Bồ Công Anh tự mình tách ra khỏi nhụy để bay cùng Gió mất rồi.
Và ngày ngày, những người nông dân vẫn nghe tiếng cây Răng Sư Tử thì thầm cùng Gió từ miền xa xôi tới để hỏi thăm tin tức của Bồ Công Anh. Nhưng Gió không thể trả lời Răng Sư Tử, bởi những cánh Bồ Công Anh không thể đi theo Gió mãi. Trong cuộc hành trình, cô ấy đã ngã xuống, vùi mình vào trong đất để rồi mọc lên những cây con và chúng được mang tên Răng Sư Tử.
Cây có Hoa, nhưng không giữ được Hoa. Hoa chỉ luôn vươn mình theo Gió. Gió lại khó nắm bắt, lại chỉ biết yêu những cuộc hành trình. Và khi cơn Gió qua rồi, Hoa mới biết: cội nguồn của mình là nhựa chảy trong máu của cây…
-
Sự tích hoa Sen là truyện cổ tích Việt Nam, ca ngợi tấm lòng trong sạch của hai chị em gái và kể về nguồn gốc của những bông hoa Sen nở trong các ao hồ.
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
– Ca dao Việt Nam –
1. Hai chị em và người hát xẩm
Ngày xửa ngày xưa, tại một vùng nọ có hai cô bé, cùng là hai đứa bé mồ côi từ nhỏ. Một người hát xẩm nghèo thương tình liền đón cả hai cô về chăm sóc. Ngoài cho hai đứa trẻ cơm ăn, áo mặc, ông còn dạy hai người các bài hát, điệu múa mà mình biết. Hai chị em hết lòng yêu thương nhau và hiếu kính với cha nuôi hết mực.
Hai chị em nhà này càng lớn lại càng xinh đẹp, nết na, hơn nữa lại biết hát hay, biết múa đẹp nên rất được mọi người yêu thích. Ở vùng đó lúc bấy giờ có một tên công tử con nhà giàu và khét tiếng là độc ác, tàn bạo, thường xuyên hô mưa gọi gió làm loạn khắp cả vùng. Khi biết tin đồn về hai cô gái con hát xẩm, hắn liền âm mưu muốn bắt người về nhà làm vợ mình.
Một ngày kia, người hát xẩm, cũng chính là cha nuôi của hai người có việc phải đi xa. Trước lúc đi ông hứa với hai con rằng sẽ mua cho mỗi đứa một món đồ chúng thích. Cô chị nói với cha rằng mình muốn có một đôi hài màu trắng có thêu chỉ vàng. Cô em cũng xin cha mua cho mình một đôi hài nhưng màu hồng và có thêu chỉ vàng.
2. Câu chuyện Sự tích bông hoa Sen
Lợi dụng cơ hội người cha đi vắng, tên công tử độc ác kia liền sai người hầu trong nhà đến nhà và bắt cóc cô chị. Không muốn bị ép buộc và để giữ sự trong trắng của mình vì vậy cô lập tức trẫm mình vào hồ nước. Biết chuyện, cô em vì quá thương tâm cũng theo chị lao đầu xuống hồ.
Lúc người cha nuôi đi công chuyện ở xa trở về nhà thì không thấy hai đứa con gái ngoan của mình đâu, ông vội vã đi tìm, cuối cùng thì nghe tin cả hai đứa con gái của mình đều chết thảm ở hồ.
Bỗng nhiên, từ phía hồ nước có một hương thơm ngào ngạt theo gió đưa tới. Và khi ông nhìn ra, nơi mặt nước xuất hiện rất nhiều những bông hoa lạ có màu trắng và màu hồng. Cánh hoa nhìn xinh xinh hệt như là dáng những đôi hài thiếu nữ, ở giữa những cánh hoa đó có nhụy màu vàng giống như bó chỉ thêu đẹp đẽ, còn những chiếc lá thì xòe to xanh mướt như chiếc nón quai thao mà các cô hay thường đội. Từ những bông hoa tỏa ra một thứ hương thơm nhẹ nhàng và tinh khiết y hệt tâm hồn trong sáng của hai cô con gái ông.
Nhìn những bông hoa kia, người cha buồn rầu vô cùng, ông khụy xuống cạnh hồ mà bật khóc nức nở. Tự dưng, từ dưới hồ xuất hiện hai người con gái, họ bước đến bên cạnh ông. Đó chính là hai cô con gái nuôi của ông.
Cô con gái cả liền kể lại mọi chuyện cho cha mình nghe:
– Lúc hai chị em con cùng nhảy xuống dưới hồ, bà chúa hồ này vì thương tình mà dang rộng vòng tay đón lấy chúng con, nhờ vậy mà chúng con mới được cứu sống. Vì rất quý bọn con nên bà muốn giữ chúng con lại đó. Nhưng bọn con đã xin phép bà được quay trở lại đây để được phụng dưỡng cho cha.
Và bà ấy đã bằng lòng, sau đó bà ấy còn tạo ra những bông hoa kia để tượng trưng cho chúng con, để luôn cảm thấy có chúng con bên cạnh. Bà ấy đặt tên cho loài hoa đó là hoa Sen.