Top 10 Sự tích về các con vật hay nhất

Phương Kem 171 0 Báo lỗi

Truyện cổ tích có lẽ đã gắn liền với biết bao thế hệ trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Trong đó, các câu chuyện cổ tích loài vật cũng được ... xem thêm...

  1. Ngày xưa có hai chị em với tính tình trái ngược nhau, người chị xinh đẹp nhưng lười biếng còn người em xấu xí nhưng siêng năng. Nhân một dịp mưa lũ, người chị chèo bè chuối bỏ em mình để tìm đến nhà tiên ông rồi lấy chàng tiên làm chồng. Cô em gái được ông Trời giúp đỡ siêng năng trồng trọt nên về sau có nhiều bầu. Người chị vì ganh ghét đã cùng chồng nhảy xuống khỏi trời và bị biến thành cóc tía. Trong khi đó, người em lấy được chàng trai khôi ngô và đón chị mình về ở cùng.


    Ngày xưa, trong nhà nọ có hai chị em, mỗi người một tính nết. Người chị xinh đẹp, tham lam và lười nhác. Người em bị què tay, nhưng rất siêng năng làm lụng.


    Người chị cậy khoẻ, cậy xinh, sáng trưa chiều tối chỉ luẩn quẩn nào gương nào lược. Chơi bời vô độ nên chẳng bao lâu người chị đã gầy khô hơn que củi mặt mũi héo tóp như một xác chết. Người em mang tật: Tay phải co quắp từ thửa lọt lòng, mọi việc như cầm dao, cầm cầy, vốc cơm ăn cũng nhờ ở bàn tay bên trái. Quanh năm chỉ có một bộ váy áo chăn rách như tổ đỉa. Một hôm nọ, trời làm lũ lụt lớn, nước ngập hết làng, cây cỏ lúa, ngô hết chỗ cắm chân, người em bèn ngồi ôm lấy chóp núi đá, kêu trời gọi đất. Mệt quá, người em ngủ thiếp đi ba ngày bẩy đêm liền, thấy em ngủ lặng, người chị ngỡ là em đã chết, bèn cưỡi bè chuối chèo đi, bỏ mặc em trên chóp núi. Người em mở mắt choàng dậy thì nước vẫn chưa rút. Ðợi khi mặt trời đến người em liền kêu to:

    – Ơi, ông trời!

    Ông trời dừng lại hỏi:

    – Cháu muốn gì?

    Người em nói:

    – Ông cứu lấy chị cháu, chị cháu bị nước lũ nhận chìm mất rồi. Ông cứu được, cháu muốn chị ấy lấy được ông Mặt Trời làm chồng.

    Ông mặt trời cười bảo:

    – Chị cháu đến nhà tiên ông rồi. Cháu hãy gieo hạt này ở chóp đá của cháu thì cháu muốn cái gì cũng được cái ấy.

    Nói xong, ông Mặt Trời lại lặn đi. Cũng lúc ấy người chị chèo bè chuối đến gõ cửa nhà Tiên ông, bè chuối giạt lên sân thì người chị hò hét:

    – Cho tôi gặp chàng tiên đẹp nhất!

    Tiên ông nhìn ra thấy có người con gái lạ, lại đòi gặp tiên, liền mời vào nhà. Người chị nói luôn:

    – Tôi không lấy ông đâu, ông già và xấu quá, cho tôi lấy chàng tiên đẹp nhất.

    Tiên ông gật đầu bảo:

    – Ừ!

    Nói rồi, Tiên ông khoát tay một cái, lập tức từ trong nhà có một chàng trai đi ra, nắm lấy tay người chị. Chàng trai là dòng họ của Cóc tía, cho nên tiên ông đặt tên chàng là chàng Cóc tía. Từ đấy, vợ chồng người chị sống cuộc sống sung sướng trong cảnh tiên.

    Người em gieo cái hạt của ông mặt trời cho vào kẽ đá, nàng lấy bàn tay trái của mình vơ rêu lá, giật cả vạt áo mình phủ cho hạt được nguyên lành. Chẳng bao lâu từ kẽ đá vươn ra một cây bầu, quả to như cái sọt. Nàng lăn bầu xếp ra rìa núi. Núi bầu cứ nối nhau, nối nhau mọc ra, vùng nước lũ cứ thu hẹp dần nhường chỗ cho bầu ở. Một ngày kia, người tiên thấy có nhiều núi nhỏ lên chật cả gầm trời. Vợ chồng Cóc Tía nhìn xuống thì thấy người con gái cầm dao bằng tay trái cứ quần quật bổ bầu ra chia cho mọi người. Người chị nhận ra kẻ ngồi với núi bầu là đứa em của mình, lòng ghen ghét lại nổi lên. Mụ liền kéo tay chồng bảo:

    – Cái con què đó còn sống, nó có nhiều bầu kia kìa.Chàng Cóc Tía chưa kịp hỏi thêm đầu đuôi ra sao thì mụ đã nắm tay chồng bảo nhảy ào xuống các chỏm núi bầu. Nhẩy khỏi nhà trời, vợ chồng hắn hiện nguyên hình một đôi Cóc Tía. Ðôi vợ chồng Cóc Tía ngồi chồm chỗm trên một quả bầu. Người em hỏi:

    – Cóc muốn gì?

    Cóc nói:

    – Ta muốn nhận mày là em gái.Người em lắc đầu:

    – Chị ta lên trời lâu rồi.

    Cóc bảo:

    – Tao là chị đây, còn đây là anh rể của mày.

    Người em ngồi nghe Cóc Tía vợ kể lại chuyện cũ gặp lũ to, chèo bè chuối lên trời ra sao… Nghe mãi rồi tin lời Cóc là phải. Người em liền nhận anh chị và cho ở chung trên ngọn núi cùng chăm nom dây bầu với mình. Khi ấy, ông Mặt trời đi qua, dừng lại nói với người em:

    – Anh chị đã về với cháu đấy.

    Người em nói:

    – Vâng.

    Ông mặt trời bảo:

    – Bây giờ ta cho cháu một người chồng, cháu hãy bổ quả bầu xấu nhất ra thì gặp chồng.

    Người em liền bổ quả bầu vặn vẹo xấu xí, vỏ bầu tách ra thì có một chàng trai khôi ngô, tuấn tú hiện ra nhận là chồng của người em, Hai vợ chồng người em lại lấy quả bầu xếp bậc xuống thấp dần. Họ xếp quả bầu đến đâu thì mực nước lui xuống đến đó. Ðồng ruộng làng mạc lại hiện về như xưa. Bà con làng xóm trở về làm ăn sing sống yên ấm.

    Cũng từ đấy vợ chồng Cóc Tía được người em đưa xuống cùng ăn ở, làm lụng với dân bản. Người chị không còn ghen ghét với em gái như xưa nữa.


    Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

    Sự tích con cóc
    Sự tích con cóc
    Sự tích con cóc

  2. Truyện kể về một hòa thượng mang tiếng chân tu, chính vì thế Phật Bà Quan Âm thử lòng bằng một cô gái trẻ. Vì không cưỡng lại được sự quyến rũ mà sư bị Phật Bà Quan Âm Phạt biến thành loài nhái.


    Ngày xưa có một vị hòa thượng trẻ tuổi nổi tiếng chân tu. Mọi “thị dục” của bản thân, hòa thượng đều kiên quyết cắt đứt, chỉ một lòng chuyên chú vào lẽ hư vô của đạo Thiền. Nhà vua nghe tiếng, vô cùng kính trọng, vời về cung, ban tước quốc sư và sai tu bổ một ngôi chùa ở phía Nam kinh thành để cho sư trụ trì. Nhưng hòa thượng từ tạ vua, chỉ xin phép đi xem chùa chiền, cảnh đẹp trong thiên hạ.


    Một hôm, hòa thượng một mình tìm đến một ngôi chùa xa ở vùng Bắc. Ở đó có một vị sư bạn trụ trì mà hòa thượng lâu ngày chưa gặp.


    Từ lâu Phật bà Quan âm đã nghe tiếng đồn về hòa thượng. Lần này nhân cuộc đi chơi của hòa thượng, Phật bà định bụng thử xem con người đó như thế nào. Nếu quả đúng là chân tu thì Phật bà sẽ đưa về Tây-trúc, độ cho thành Phật.


    Lúc hòa thượng sắp qua một con sông rộng, Phật bà hóa thành một cô gái rất trẻ đẹp chống đò cập bến chở khách quá giang. Hôm ấy cũng theo phép màu nhiệm của Phật bà, khúc sông đó trở nên vắng vẻ, người và thuyền bè qua lại rất ít. Khi hòa thượng chui vào trong khoang đò thì cô gái nhổ sào chèo ra giữa sông. Đoạn nàng bẻ lái cho thuyền tiến đến một bãi cát vắng đậu lại. Hòa thượng lấy làm lạ, hỏi cô lái vì sao không đi thẳng qua bờ bên kia. Cô lái chỉ đợi có câu hỏi ấy là buông chèo, cười một nụ cười rất tình tứ rồi cũng chui vào khoang trả lời một cách cợt nhả là thấy sư đẹp trai quá nên cắm sào lại đây cầu xin được ân ái. Hòa thượng vốn nghe con gái ở vùng này có nhiều người đáo để nên nghiêm nét mặt lại:

    – A-di-đà Phật! Mong người trần giới buôn tha cho kẻ tu hành này.


    Nhưng cô lái đò đâu có buông tha, cô cố sán lại gần gợi tình. Hòa thượng không nói gì, lẳng lặng mở gói lấy cuốn kinh Kim cương tam muội ra tụng. Tiếng đọc của sư mỗi lúc một lớn, át cả tiếng của cô lái đò. Nhưng cô lái đò vẫn cười nói không thôi. Rồi chô che tay lên quyển kinh. Hòa thượng ngoái cổ nhìn ra ngoài đò rồi nghiêm khắc cảnh cáo:

    – A-di-đà Phật! Trong người bần tăng có một tờ lệnh chỉ của hoàng đế. Trong đó hoàng đế đã ra lệnh hễ người nào phạm vào người bần tăng sẽ bị án trảm quyết. Vậy bần tăng mong người đừng phạm vào phép của thiên tử.


    Lời dọa của nhà sư không làm cho cô gái nhụt một tý nào. Cô nói:

    – Em đang muốn chết đây! Em chỉ mong chàng đoái thương một tý rồi chết cũng thỏa.


    Nhưng hồi lâu, thấy lòng nhà sư không chuyển, cô lái đò lại thi hành một mưu khác, cố quyến rũ cho bằng được. Cô bắt đầu cởi áo ra. Khi chiếc yếm cổ đuôi nhạn bỏ xuống thì hòa thượng nhắm mắt lại, Hòa thượng quay về phía cái gói lấy chiếc áo của mình khoác vào người nàng. Trong khoang đò chật chội, tay hòa thượng vẫn lần tràng hạt, miệng vẫn lẩm nhẩm đọc kinh, Trong khi đó những tiếng của cô gái như mật rót vào tai:

    – Chàng thương em một tý… Chàng nhìn ra ngoài mà xem, nào có một ai đâu…Nhưng vô hiệu.


    Phật bà Quan âm rất cảm động. Nhưng người con Phật như thế này rất xứng đáng chiếm một chỗ ngồi trên Nát-bàn. Nhưng đã thử thì phải thử cho trót. Lần tấn công thứ chín, cô lái đò vẫn bị cự tuyệt. Hơi thở của cô con gái trẻ và đẹp phảng phất ở trên má, nhưng nét mặt của hòa thượng vẫn không đổi.


    Nhưng đến lần thứ mười, cô gái không ngờ thành lũy tưởng là kiên cố lại bị hạ một cách quá bất ngờ. Bàn tay hòa thượng tự nhiên run rẩy bỏ lên mình nàng. Thôi thế là chỉ trong một phút, vứt hết hơn hai mươi năm tu luyện.


    Thế là chuyến đó Phật bà Quan âm không được hài lòng. Giận vì hòa thượng đã thiếu kiên trì trước sức cám dỗ của “thị dục”, mà đã thế thì thanh danh cũ đâu còn đáng đếm xỉa nữa, nên Phật bà đã nắm lấy cổ hòa thượng vứt ngay xuống sông như người ta vứt một cái rác. Thế mà Phật bà vẫn chưa cho là đáng tội, nên còn bắt hóa làm loài nhái là một loài động vật hạ đẳng. Cũng vì thế mà người ta nói rằng ngày nay dòng dõi của loài nhái vẫn còn giữ cái thói quen của tổ tiên, ví dụ khi chúng bị chặt đầu, chúng vẫn chắp hai chân trước lại với nhau như người đang vái.


    Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

    Sự tích con nhái
    Sự tích con nhái
    Sự tích con nhái
  3. Sự tích con khỉ xuất phát từ gia đình trưởng giả nọ thấy cô người hầu được Phật giúp đỡ trở nên xinh đẹp. Họ liền bắt chước làm theo nhưng lại bị hóa thành những con vật mặt mũi nhăn nheo, đầy lông lá và có đuôi mà ngày nay người ta vẫn gọi là con khỉ. Loài khỉ phải sống ở sâu trong rừng và khi thấy bóng người liền thoăn thoắt bỏ đi.


    Ngày xưa có một người con gái đi ở với một nhà trưởng giả. Nàng phải làm việc quần quật suốt ngày, lại bị chủ đối đãi rất tệ. Cái ăn cái mặc đã chả có gì mà thỉnh thoảng còn bị đánh đập chửi mắng. Vì thế, cô gái tuổi mới đôi mươi mà người cứ quắt lại, trông xấu xí bệ rạc hết chỗ nói. Một hôm nhà trưởng giả có giỗ, cỗ bàn bày linh đình, họ hàng đến ăn uống đông đúc. Trong khi đó thì cô gái phải đi gánh nước luôn vai không nghỉ. Lần gánh nước thứ mười, cô gái mỏi mệt quá ngồi lại ở bờ giếng. Tự nhiên cô thấy tủi thân, ôm mặt khóc. Lúc đó đức Phật bỗng hiện ra với trạng mạo một ông cụ già. Ông cụ có vẻ đâu từ xa lại, dáng điệu mệt nhọc đến xin nước uống. Nàng vội quảy gánh xuống giếng vực nước lên cho ông già giải khát. Ông cụ uống xong lại đòi ăn. Cô gái nhớ tới phần cơm của mình chưa ăn, bèn bảo ông cụ ngồi chờ rồi quảy gánh nước về. Lần sau ra giếng, cô lấy cơm trong thùng đưa cho ông già và nói:

    – Họ dành phần cho con toàn cơm cháy cả, cụ ăn một bát này cho đỡ đói.


    Ăn xong, ông cụ bảo nàng:

    – Hồi nãy làm sao con khóc?


    Cô gái ngập ngừng, cúi mặt xuống không trả lời.


    – Ta là đức Phật, – ông cụ nói tiếp, – ta thấy con có lòng tốt. Nếu con muốn gì, ta sẽ làm cho con vui lòng.


    Cô gái ngạc nhiên mừng rỡ, kể nỗi lòng với đức Phật. Thấy điều ước muốn của người con gái chỉ là làm sao cho bớt xấu xí, ông cụ bảo nàng lội xuống giếng, hễ thấy bông hoa nào đẹp mút lấy thì sẽ được như nguyện. Khi xuống nước, cô gái chỉ mút mấy bông hoa trắng. Tự nhiên lúc lên bờ, nàng trở nên trắng trẻo xinh xắn, đồng thời quần áo cũng biến thành những thứ tốt đẹp.


    Khi cô gái quảy gánh nước trở về, cả họ nhà trưởng giả vô cùng kinh ngạc. Nàng xinh đẹp đến nỗi họ không thể nào nhận ra. Nghe cô gái kể chuyện, ai nấy cũng muốn cầu may một tí. Họ lập tức đổ xô cả ra bờ giếng mong gặp lại đức Phật để được trẻ lại và đẹp ra. Thấy ông cụ già vẫn còn ngồi ở chỗ cũ, họ sung sướng như người được của. Họ đưa xôi thịt ra mời tới tấp:


    – Này cụ xơi đi! Cụ xơi đi. Rồi cụ làm phúc giúp cho chúng tôi với!


    Đức Phật cũng bảo họ lội xuống giếng và dặn họ y như dặn cô gái lần trước. Dưới giếng lúc đó đầy hoa đỏ và hoa trắng. Ai nấy đều cho màu đỏ là đẹp nên khi lội xuống giếng đều tìm hoa đỏ mút lấy mút để. Nhưng không ngờ lúc lên bờ, họ không phải trẻ lại mà già thêm ra: mặt mũi nhăn nheo, người trông quắt lại, lông lá mọc đầy người, đằng sau lưng là cả một cái đuôi.


    Những người đi gánh nước thấy vậy hoảng hồn: “Kìa trông con quỷ, nó cắn bà con ôi!”. Nhưng lại có những tiếng khác: “Đánh cho chết chúng nó đi! Sợ gì”. Lập tức mọi người cầm đòn gánh xông lại. Cả họ nhà trưởng giả kinh hoàng bỏ chạy một mạch lên rừng.


    Từ đó, cô gái cùng với số người nghèo hầu hạ trưởng giả được hưởng những của cải do chúng để lại. Lại nói chuyện trưởng giả và họ hàng đành phải nấp náu trongrừng sâu, ngày ngày kiếm quả cây nuôi thân. Chúng đi lom khom, áo quần rách nát trông rất thiểu não. Nhưng chúng vẫn tiếc của. Cho nên thỉnh thoảng ban đêm chúng lại mò về, hoặc gõ cửa, hoặc ngồi trước nhà kêu léo nhéo suốt đêm, gần sáng mới trở về rừng.


    Thấy vậy cô gái và mọi người sợ quá, đêm đêm đóng cửa rất chặt. Họ bàn nhau tìm cách đuổi chúng. Họ bôi mắm tôm vào các cánh cửa , lại nung nóng rất nhiều lưỡi cày đặt rải rác ở cổng các nhà. Quả nhiên, một đêm nọ chúng lại mò về. Theo lệ thường, chúng đánh đu vào song cửa kêu rít lên. Nhưng lần này chúng vừa mó đến đã bị mắm tôm vấy đầy tay, rồi từ tay vấy khắp cả người, hôi hám không thể nói hết. Chúng kinh sợ dắt nhau ra ngồi trước cổng quen như thói cũ. Nhưng vừa đặt đít ngồi xuống các lưỡi cày thì chúng đã kêu oai oái, rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy lên rừng. Từ đó chúng kệch không dám về nữa.Trong những khi lên rừng hái củi, người ta thỉnh thoảng vẫn gặp chúng. Thấy bóng người từ đàng xa, chúng liền chuyền theo nhánh cây, lủi nhanh thoăn thoắt. Người ta gọi chúng là những con khỉ. Ngày nay vẫn có nhiều người cho khỉ là thuộc nòi trưởng giả. Còn những con khỉ sở dĩ đỏ đít là vì chúng chịu di truyền dấu vết bỏng đít của tổ tiên.


    Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

    Sự tích con khỉ
    Sự tích con khỉ
    Sự tích con khỉ
  4. Chuyện kể về cậu bé Đa Đa từ khi mẹ mất đã ở với dì ghẻ và luôn bị hành hạ, ngược đãi. Người cha vì không hiểu rõ sự tình đã đánh chết cậu bé và phát hiện sự thật về chén cơm đầy cát vữa. Hồn Đa Đa hóa thân thành một chú chim và luôn buông ra những tiếng kêu thê thảm hờn trách cha mình.


    Ðã lâu rồi, ở dựa mé rừng thưa có đôi vợ chồng người tiều phu ăn ở với nhau hai mươi năm rồi mà không có đứa con để vui cửa vui nhà. Một hôm vợ chồng bàn với nhau nên đến ngôi chùa ở gần triền núi ăn chay niệm Phật để cầu con.


    Quả nhiên đi cầu tự trở về được ít lâu, vợ người tiều phu có thai, sinh được một con trai, đặt tên con là Ða Ða. Lúc thằng Ða Ða lên bảy tuổi thì mẹ nó qua đời. Còn lại một cha một con không ai sớm hôm săn sóc cho đứa trẻ, người tiều phu phải ngày ngày vào rừng đốn củi mãi tối mịt mới về, sự mệt mỏi làm cho gã không đủ sức để săn sóc nuôi dưỡng con thơ. Sau nhiều lần cân nhắc gã tiều phu không còn biết làm cách nào hơn là cưới thêm một người vợ kế.


    Người đàn bà này không được hiền lương như mẹ ruột của Ða Ða. Ngoài roi vọt, tiếng nặng tiếng nhẹ, chị ta còn bắt Ða Ða phải lặn lội trong cánh đồng lầy chăn đuổi bầy vịt của chị ta nuôi. Ðã vậy đến bữa, chị ta chỉ cho thằng Ða Ða ăn cơm thừa canh cặn đói no mặc kệ. Vì vậy tối đến thấy cha về thằng Ða Ða thường thút thít khóc kể với cha về nỗi dì ghẻ hành hạ chăn vịt, đòn bộng lại còn cho ăn đói.


    Nghe vậy, người dì ghẻ càng ghét cay ghét đắng thằng Ða Ða nặng lời nhiếc mắng, đánh đập tàn nhẫn rồi để chồng tin, đợi lúc gần tối chị xúc một chén cát, lấy cơm trắng trải lên trên cho thằng Ða Ða bảo ăn. Thằng Ða Ða không dám cãi lời dì ghẻ, lại nghĩ tủi thân, hồi nào còn mẹ được ăn uống đầy đủ, nâng niu, săn sóc nay thì cực khổ, cơm lại trộn cát bảo ăn, làm sao ăn được. Nó cứ cầm chén cơm mà khóc cho tới lúc cha nó lơn tơn xách rựa về nhà.


    Phần mệt nhọc, lại nghe tiếng dì ghẻ chanh chua mắng vốn: “Ðó, ông xem thằng Ða Ða hành hạ tôi đến bực nào, cơm đã dưng tận tay nó không chịu ăn ngồi khóc rấm ra rấm rứt khi ma trù mà ẻo thì còn làm ăn gì được”.


    Gã tiêu phu nóng tính, nghe vậy bực mình rồi, lại thấy chén cơm trong tay Ða Ða là cơm trắng ngon lành tại sao không ăn mà ngồi khóc.


    Nổi khí xung thiên, gã vớ lấy khúc củi đánh thằng Ða Ða, chẳng dè trúng nhầm đầu đứa bé ngã ra chết. Chén cơm trắng đổ tứ tung bày ra những vữa cát.


    Bây giờ gã tiều phu mới hiểu được lòng dạ bạc ác của người vợ kế thì đã muộn rồi. Bác chỉ còn cách chôn con và đuổi chị ta ra khỏi nhà.Ba ngày sau ra thăm mả thằng Ða Ða, gã tiều phu thấy từ dưới mả một con chim kỳ lạ sắc xám bay lên đậu trên cành nhìn bác rồi cất tiếng kêu:


    Bát cơm cát trả cho cha, đánh bể óc ác la, ác la đa.


    Gã tiều phu biết ngay rằng hồn thằng Ða Ða hoá thành chim, buông ra những tiếng kêu thê thảm.


    Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

    Sự tích chim Ða Đa
    Sự tích chim Ða Đa
    Sự tích chim Ða Đa
  5. Người anh hết mực thương em mình còn người em ích kỉ hiểu lầm anh. Đến khi nhận ra đã quá muộn màng, anh đã chết. Người em vì thế mà khóc ròng mấy tháng trời chết biến thành con ve sầu...


    Ở làng nọ có hai anh em trai, cha mẹ đều mất sớm. Người em còn bé, vì vậy mọi công việc đều đến tay anh, lo toan trong nghèo khó, nhưng người anh hết lòng thương yêu em. Trồng lúa không đủ ăn, họ thường phải sống bằng hái rau, măng, củ mài trên rừng, bắt cá dưới suối. Công việc nặng nhọc anh giành phần mình; trong bữa ăn anh nhường em phần ngon. Mỗi lần đánh được cá, khi ăn anh phần em khúc giữa, còn mình chỉ ăn đầu và đuôi cá. Thấy anh đối xử với mình thường xuyên như vậy, thời gian trôi đi đã để lại cho em những suy nghĩ ích kỷ, vì em chưa bao giờ được ăn đầu cá và đuôi cá, cậu sinh nghi, cho rằng anh mình chả thương yêu gì mình.


    Như thường lệ, hôm ấy hai anh em lên rừng đào củ mài, anh đào bới còn em nhặt củ. Hố đào càng sâu, càng được củ to. Thế nhưng không may anh mất thăng bằng, ngã cắm đầu xuống hố, hai chân chổng ngược lên trời. Hố hẹp lại sâu cho nên anh không tài nào nhúc nhích được, anh nói vọng lên:


    – Em ơi! cứu anh với, kéo anh lên, anh ngạt thở chết mất.


    Lúc này người em mới đem những điều nghi ngờ bấy lâu nay nói ra, được dịp trả thù anh:

    “Hua pia quất choòi ải, hua pia cá choòi ải” (Đầu cá quất giúp anh, đầu cá mo giúp anh).

    Mặc dầu vậy anh vẫn cố gắng nói với em:

    “Hua pia quất nhắng vạy dú xa, hua pia cá nhắng vạy dú khỉnh”

    (Đầu cá quất còn trên gác bếp, đầu cá mo còn ở trong trạn).


    Nghe thấy anh bảo vậy, người em liền cắm đầu chạy một mạch về nhà để ăn, mặc cho anh kêu gào thảm thiết dưới hố sâu.


    Đến nhà, người em lao ngay vào gác bếp lấy đầu cá quất ra ăn, nhưng đầu cá toàn là xương, khô cứng như que củi, nó chịu không thể nào nhai nổi. Sau đó người em chạy lại trạn bát lấy đầu cá mo, trong đầu nó hình dung đây là món ăn béo bổ mà trước đây anh nó vẫn thường ăn, nhưng nó đã nhầm, cả hai đầu cá đều như nhau. Cho đến lúc này người em mới hiểu tình cảm của anh trai giành cho mình là tất cả những điều tốt đẹp nhất.


    Người em chạy ngay lên rừng, bị ngã sấp, ngã ngửa để cứu lấy người anh. Nhưng trời ơi! Muộn mất rồi. Người anh bị ngạt thở, đã chết cứng từ lâu. Người em hối hận, thương anh, nó kêu khóc thảm thiết bên cạnh hố củ mài. Nó nhịn ăn, nhịn uống, khóc ròng rã hàng tháng trời, người gầy khô đét lại, mắt lồi ra mà chết.Người anh chết biến thành cây cổ thụ to, còn em biến thành con ve sầu suốt ngày bám vào thân cây. Cứ đến ngày giáp hạt, mùa đào củ mài, con ve lại nhớ đến anh mình, kêu râm ran suốt ngày như tiếng gọi: “Anh, anh, anh…”, “mình gầy xác ve mắt lồi ra là vậy”.


    Nguồn: Sưu tầm

    Sự tích con ve sầu
    Sự tích con ve sầu
    Sự tích con ve sầu
  6. Chim cánh cụt vốn xem ngang là người bạn thân thiết và hết mực yêu thương. Nhưng ngan vì ganh tỵ đã cắp đi đôi cánh của bạn mình. Cánh cụt buồn bã đi về phương bắc nhưng được thần khuyên đã hiểu ra được nhiều điều. Cuối cùng cánh cụt đã ở lại đây yêu thương các loài vật khác. Còn ngan lại bị xa lánh và chê cười.


    Ngày xửa ngày xưa, cánh của loài chim cánh cụt dài lắm, nó bay xa như chim én và mạnh mẽ như đại bàng. Nhưng rồi trong một lần dạo chơi cảnh sông hồ, cánh cụt quen và kết bạn với loài ngan (vịt xiêm).


    Ngan chẳng những có tật xấu lắm lời nhiều chuyện mà lại còn có ngoại hình chẳng đẹp đẽ gì, đôi cánh của nó ngắn cũn cởn, lông thưa như cổ gà chọi và da dẻ có mùi hôi. Chim cánh cụt thương cảm bạn bởi những khiếm khuyết ấy, nên nó hết lòng yêu thương bạn. Nhưng ngược lại, Ngan chơi với chim cánh cụt vì có ý đồ xấu: nó ham muốn đôi cánh dài, khỏe và óng mượt của bạn.


    Sau một thời gian thân thiết, ngan vờ vịt khóc lóc tỉ tê, than thân trách phận, nó ước gì có thể bay được nó sẽ sát cánh bên bạn suốt đời. Một hôm Ngan bảo cánh cụt ngủ một giấc thật sâu rồi Ngan nhổ lấy nửa bộ lông cánh của chim cánh cụt mà dùng. Khi tỉnh dậy, chim cánh cụt kinh hoàng kêu lên một tiếng thảm thiết khi thấy đôi cánh của nó không còn nữa, tên bạn xấu xa gian ác kia đã nhổ mất bộ lông đẹp đẽ của nó và bỏ trốn mất rồi!


    Quá đau khổ chim cánh cụt mất hết niềm tin yêu vào cuộc đời. Nó lầm lũi đi về phương Bắc, định vùi thân chết trong giá băng. Thần băng giá hiện ra hỏi: “Làm sao con lại buồn như thế?”


    Cánh cụt kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thần nghe. Nghe xong thần hỏi Cánh cụt: “Con hãy cho ta biết: Đôi cánh ngoài việc dùng để bay, nó có ích lợi gì khác không?”.


    Chim cánh cụtnghĩ mãi không ra, nó im lặng lắc đầu. Thần lại hỏi: “Vậy, đôi cánh là phương tiện để di chuyển. Nhưng sao cánh đã bị cụt mà con vẫn có thể tới được nơi đây?”.


    Chim đáp: “Dạ, vì con còn đôi chân”. Thần nói: “Vậy, đôi cánh không phải là phương tiện di chuyển di nhất, có đúng không?”.


    Chim gật đầu và bỗng dưng nó cảm thấy có điều gì đó thú vị. thần lại hỏi: “Trên đời còn nhiều loài khác, chúng không có cánh, không có cả chân nhưng tại sao chúng vẫn di chuyển được?”.


    Lần này chim cánh cụt đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, nó reo lên: “Chúng có những cách riêng của chúng, con sẽ tìm được cách riêng của mình!”.


    Nhưng rồi nó lại chợt buồn hiu: “Nhưng con không muốn quay lại chốn cũ, mà cũng không thể sống được ở đây!”.


    Thần cười lớn, băng hà lay động, khói lạnh mịt mờ: “Xứ sở của ta toàn là núi băng, nhưng không có nơi này địa cầu sẽ bị tận diệt. Ở đâu cũng có sự sống, nếu con biết vươn lên và cố gắng thì ở đâu cũng có thể sống và phát triển được. Con hãy cứ thử cố gắng đi nhé”. Nói xong thần băng giá biến mất.


    Chim cánh cụt nghe theo lời sống tốt đẹp hơn. Nó sống thoải mái trên bờ, bơi lội còn nhanh hơn cả những loài sống dưới nước, lấy biển cả làm không gian. Nó yêu các bạn hiền hào tốt bụng ở nơi đây và yêu xứ sở băng giá ấy mãi đến bây giờ.


    Còn chuyện về con ngan dối trá kia ra sao? Nó cũng chẳng bay được, thỉnh thoảng chỉ cất cánh bay lên ngang nóc nhà rồi lại rơi bịch xuống. Điều đáng xấu hổ cho nó là từ khi lấy cắp bộ lông cánh của chim cánh cụt, nó bị muôn thú chê cười và xa lánh.


    Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

    Sự tích chim cánh cụt
    Sự tích chim cánh cụt
    Sự tích chim cánh cụt
  7. Một chàng trẻ tuổi nhà giàu, ao ước một người vợ đẹp như tiên. Đến khi cha mẹ hắn lần lượt qua đời hắn vẫn chưa có vợ. Chuyện này đến tai Ngọc Hoàng, người đã sai một nàng tiên xuống thử xem anh ta có biết người biết ta. Nàng tiên xuống làm thị tỳ của nhà anh ta, nàng mặt mũi tầm thường nhưng làm mọi việc rất thông thạo và tính nết tốt. Hắn cũng để ý đến nàng nhưng nhìn lại nhan sắc thì hắn đành thôi. Khi hắn ta đi tìm vợ thì người thị tỳ ấy lại biến thành cô gái xinh đẹp. Lúc hắn ta trở về thì mới nhận ra có một vị " tuyệt thế giai nhân" ở trong nhà cũng quá muộn màng. Nàng tiên trở về trời còn hắn ta thì hóa thành con mối luôn luôn chắc lưỡi vì không biết hưởng.


    Một chàng trẻ tuổi nhà giàu, ao ước một người vợ đẹp như tiên. Cha mẹ hỏi cho đám nào hắn cũng không vừa ý. Hắn đáp: – “Con chỉ muốn lấy một người đẹp như tiên mà thôi “. Cho đến mấy năm sau cha mẹ lần lượt qua đời, hắn ta vẫn chưa có vợ.


    Cái khó tính của anh chàng truyền đến tai Ngọc hoàng. Thương hại hắn, Ngọc hoàng sai một nàng tiên xuống, bảo.


    – “Con hãy xuống với nó thử xem anh ta có biết người biết của không. Nếu anh ta không thấy được cái đẹp chính đáng thì hãy cho anh ta một bài học”.


    Thế là ngày ấy nhà hắn tự nhiên có một người con gái đến xin làm công việc của một người thị tỳ. Cô gái này mặt mũi tầm thường nhưng mọi việc đều thông thạo tính nết rất tốt. Nàng khéo tay đến nỗi mỗi bữa cơm không có tay nàng nấu nướng là hắn ta ăn không ngon. Gặp ngày giỗ, hắn than thở với nàng rằng không biết nhờ ai làm cỗ bàn bánh trái cho thật ngon để trước cúng cha mẹ, sau đãi các quan khách. Nàng hứa sẽ xin cố gắng làm công việc đó. Quả nhiên cả khách lẫn chủ đều ngạc nhiên vì họ được dự một bữa cỗ ngon và lạ chưa từng có. Họ xúm lại khen ngợi nàng. Người chủ trẻ tuổi bắt đầu để ý tới nàng nhưng khi nhìn thấy nhan sắc, hắn lại lảng ngay.


    Ít lâu sau đó, anh chàng sắm sửa thuyền bè để di tìm một người vợ đẹp theo ý muốn. Cô gái ở nhà hóa thành một người xinh đẹp tuyệt trần. Khi thuyền của chủ trở về, những người đầy tớ vội báo việc ấy cho chủ biết. Người chủ vào nhà rất vừa ý vì diện mạo có một không hai của người thị tỳ. Hắn sán lại ngồi gần nhưng nàng bước lùi ra xa. Hắn rối rít xin lỗi, nói là mình đui mù không biết có một vị “tuyệt thế giai nhân” bấy lâu ở trong nhà, và xin lấy nàng làm vợ. Nàng vẫn không đáp. Sau cùng hắn đánh bạo chạy lại ôm nàng.


    Hắn ôm hụt vì nàng đã bay lên trời và nói cho hắn biết mình là tiên, nay đã hết hạn ở trần gian phải về thượng giới. Hắn chỉ còn giật được có một chéo áo của nàng.Từ đó, hắn tiếc mãi và sau hóa thành con mối luôn luôn chắt lưỡi tiếc vì bao nhiêu ngày ở với tiên mà không biết hưởng.


    Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp

    Sự tích con mối
    Sự tích con mối
    Sự tích con mối
  8. Văn Linh và Văn Lang là hai anh em cùng cha khác mẹ nhưng rất thân thiết với nhau. Mẹ kế là mẹ đẻ của Văn Lang, bà luôn ngầm muốn giết Văn Linh để chiếm gia tài. Văn Lang được mẹ bảo kế giết Văn Linh nhưng chàng không làm vậy mà chàng đã kể lại cho Văn Linh và khuyên anh nên rời đi nơi khác. Văn Linh được chim phượng hoàng cũng chính là người mẹ đã mất của mình đem đến một nơi xa. Ở đó chàng đã quen biết với Ngọc Châu sau đó thì nên vợ nên chồng với nhau. Sau này khi biết mình thành tài có tên ở bảng tiến sĩ. Chàng đã vinh hiển trở về. Văn Lang rất vui mừng nhưng người mẹ kế thì sợ hãi đến vỡ mật chết và biến thành con dế.


    Ngày xưa, có một người đàn ông hai vợ, người vợ cả chết sớm để lại một đứa con trai còn bé tên là Văn Linh. Người vợ lẽ cũng sinh được một đứa con trai khác tên là Văn Lang. Văn Lang hơn Văn Linh những năm tuổi, nhưng hai anh em chơi với nhau thân thiết hơn cả anh em cùng một mẹ. Những khi Văn Linh bị trẻ con lối xóm ăn hiếp, Văn Lang lập tức bênh vực. Nhưng Văn Lang không biết rằng mẹ chàng trai lại coi Văn Linh như kẻ thù.


    Văn Linh ngày một lớn khôn, người bố cho chàng theo nghiệp sách đèn. Còn Văn Lang thì từ lâu đã theo bố tập quen nghề trông coi cày cấy. Nhà họ vốn có của ăn của để. Cả một tư cơ đồ sộ chắt chiu đã vài ba đời được gần vài chục mẫu ruộng và một mẫu vườn, có nhà ngói cây mít, thuộc vào loại khá nhất trong vùng.


    Đột nhiên người bố ốm nặng rồi qua đời. Người dì ghẻ ngoài mặt thì đối đãi với Văn Linh ngọt ngào tử tế nhưng trong bụng muốn nhổ cái gai trước mắt. Là con đích, Văn Linh sẽ được gần như toàn bộ tài sản. Còn mẹ con Văn Lang thì nhiều lắm cũng được vài ba mẫu ruộng xấu với một cái trại ở bên kia đồi. Tục lệ đã đặt số phận của hai anh em là như vậy. Người dì ghẻ bỗng nảy tà tâm, muốn giết chết con chồng để chiếm lấy tất cả gia tài. Ý nghĩ ấy ngày một nung nấu trong lòng mụ, càng nung nấu nhiều hơn từ hôm người chồng, kẻ bênh vực cho Văn Linh không còn nữa.Một hôm, người mẹ ghẻ sai hai anh em mang tiền đi mua gỗ. Trước khi đi, mẹ gọi con đẻ vào buồng riêng dặn dò:


    – “Con ơi! Con hãy tìm cách “khử” nó đi. Rừng nhiều thú dữ, sức con thì khỏe gấp đôi nó, nếu khôn khéo và kín đáo thì con chẳng sợ tội vạ gì hết!…”


    Người mẹ còn rỉ tai:

    – “Nếu nó mà sống được thì mẹ con ta không đất cắm dùi… Có trừ đi được, chúng ta mới mong sung sướng…”.


    Văn Lang không muốn nghe lời mẹ, nhưng cũng không muốn làm phật ý mẹ, bèn cứ giả tảng vâng lời khăn gói ra đi. Đến cửa rừng. Văn Lang nói thật cho Văn Linh biết mọi việc, rồi bảo:

    – Mẹ tôi trước sau cũng tìm cách hại anh. Vậy anh hãy tìm cách trốn đi. Số tiền mua gỗ anh hãy cầm lấy tất cả mà tiêu. Đến một lúc nào đó anh hãy trở về, chúng ta sẽ sống bên nhau.


    Khi Văn Linh đi rồi, Văn Lang giết một con chó lấy máu bôi khắp nơi, rồi trở về nói cho mẹ biết là mình đã hạ thủ Văn Linh xong, mặt khác nói với mọi người rằng anh mình đã bị hổ vồ mất tích. Xóm làng không một ai nghi ngờ. Người dì ghẻ cho là mưu của mình đã đạt, từ đấy không còn lo lắng gì nữa. Lại nói chuyện Văn Linh đau khổ từ giã Văn Lang ra đi. Một thân một mình chưa từng rời khỏi nhà bao giờ nay bơ vơ giữa một nơi xa lạ, chàng ngập ngừng không biết đi đâu. Loanh quanh mãi, cuối cùng một đêm nọ chàng lại lần về mồ mẹ, nằm úp lên mộ than khóc rồi ngủ quên. Ở dưới mồ, mẹ chàng thương con quá, bèn hiện lên thành con chim phượng hoàng lớn ấp con vào đôi cánh. Thấy trời sắp sáng, phượng hoàng dùng chân quắp lấy Văn Linh rồi bay đi rất xa. Từ một hòn núi cao, phượng hoàng hạ cánh. Tỉnh dậy, Văn Linh sửng sốt, nhưng phượng hoàng đã nói:

    – Ta là mẹ con. Con hãy ở đây chớ về mà nguy hiểm. Rồi hàng ngày mẹ sẽ đến với con.


    Nói rồi phượng hoàng hóa thành nhà cửa và mọi đồ ăn thức dùng để Văn Linh ăn ở tại đấy. Sợ con xao nhãng học tập, phượng hoàng lại mang sách vở tới cho con ôn luyện. Ban ngày phượng hoàng biến đi, nhưng đêm lại, nó bay đến chỗ Văn Linh ở để bảo vệ chàng. Tờ mờ sáng nó còn gáy lên để đánh thức con dậy học, rồi mới chịu cất cánh bay về.


    Bấy giờ ở phía dưới núi có một xóm dân cư rải rác, trong xóm có nhà một cô con gái tên là Ngọc Châu. Ngọc Châu đẹp như hoa mà chưa có chồng. Nàng có một người đầy tớ gái tên là Hồng. Hai người sống nương tựa vào nhau, lấy nghề dệt vải nuôi thân. Từ dạo Văn Linh đến ở trên núi, hai thầy trò Ngọc Châu lấy làm lạ không hiểu vì sao trên núi từ xưa vắng bóng người, thế mà lúc này cứ mờ sáng khi họ ngồi vào khung cửi đã nghe tiếng chim phượng gáy, rồi nghe tiếng học trò học sang sảng cho đến sáng.Một hôm gà gáy canh năm, Ngọc Châu giả cách làm tắt đống nhấm để bắt nàng Hồng lên núi xin lửa của người học trò bấy giờ đã cất tiếng đọc sách. Hôm ấy Văn Linh dậy sớm thắp đèn ngồi học, bỗng nghe có tiếng gọi cửa. Chàng mở cửa ra thì là một cô gái. Sau khi cho lửa, anh hỏi vay cô gái một hũ dầu vì dầu nhà mình đã cạn. Nàng Hồng chỉ nhà để anh xuống lấy. Nhờ đó Văn Linh làm quen với Ngọc Châu. Thế là chàng đã có bạn xóm giềng, tối lửa tắt đèn có nhau. Từ chỗ quen nhau họ muốn được nên vợ nên chồng. Một hôm, Ngọc Châu mời chàng về ở cùng mình một nhà để tiện bề đèn sách. Được con báo tin, chim phượng hoàng mang tới cho áo quần và tiền bạc. Rồi đó nó không trở lại nữa. Đám cưới cử hành đơn giản nhưng cũng rất vui. Từ nay bên anh đọc sách bên nàng quay xa, cảnh đầm ấm ấy không ai hơn được. Sau năm năm học thành tài, Văn Linh quảy lều chiếu đi thi. Đậu trường hương, chàng vào kinh quyết tranh đua ở trường hội. Chàng sung sướng khi nghe loa báo có tên mình ở bảng tiến sĩ. Hôm vinh quy, cờ quạt chiêng trống và quân gia rầm rộ kéo về quê. Thấy anh vinh hiển trở về, Văn Lang hết sức mừng rỡ. Trong khi ấy người dì ghẻ nghe tin đột ngột không kịp trốn, bèn chui xuống nấp dưới gậm giường. Nhưng vì quá sợ hãi mụ đã vỡ mật mà chết, hóa thành con dế.


    Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

    Sự tích con dế
    Sự tích con dế
    Sự tích con dế
  9. Chuồn Chuồn được giao nhiệm vụ trông coi thời tiết. Dù được Tò Vò nhắc làm tổ để đề phòng mưa bão nhưng Chuồn Chuồn không nghe. Cũng vì quá ham chơi nên quên nhiệm vụ của mình. Mưa bão ập đến, Chuồn Chuồn gặp nạn....


    Ngày ấy trong một khu rừng có cái đầm nước thật to, mỗi con vật được phân công một việc. Riêng Chuồn Chuồn được mọi vật giao nhiệm vụ trông coi thời tiết. Khốn nỗi, Chuồn Chuồn làm được chăng hay chớ, chẳng chăm chỉ, đã vậy lại còn lười. Mọi vật lo nhất là chỗ trú thân. Hàng ngày Tò Vò cố kiếm đất để xây những tổ đất thật to. Ve Sầu thì đi tìm những hốc cây chắc chắn. Còn Kén Tằm thì cố sức nhả tơ làm những tổ kén dầy không sợ gió bão…Trong khi ấy, Chuồn Chuồn vẫn mải rong chơi, không để ý làm tổ. Tò Vò thấy vậy, cũng đôi lần nhắc nhở Chuồn Chuồn:

    – Chuồn Chuồn ơi! Phải chú ý làm tổ thôi, chứ đến lúc có gió bão làm sao mà tránh.

    Chuồn Chuồn trả lời rất chủ quan:

    – Tò Vò có đôi cánh nhỏ, bay kém sợ gió bão mới phải làm tổ. Chứ như tôi đây, cánh nhiều này, mắt nhìn rộng này, bay khắp nơi được này…chẳng có gì phải sợ cả.

    Bão đến là tôi biết liền, bay tránh chỗ khác vẫn còn kịp.

    Nói rồi, Chuồn Chuồn lại bay nhởn nhơ coi như không nghe thấy những lời khuyên của bạn bè.

    Khuyên mãi mà Chuồn Chuồn không nghe, các con vật xung quanh đầm nước ấy không để ý đến Chuồn Chuồn nữa. Chúng đi tìm nhưng chỗ trú ẩn tốt nhất phòng khi có bão đến.


    Vài hôm sau, đúng vào cái buổi Chuồn Chuồn được phân công bay lên cao theo dõi gió, mây có gì lạ để báo cho mọi vật biết thì Chuồn Chuồn lại cụp cánh ngủ mê mệt dưới cánh hoa sen, sau một ngày rong chơi mê mải.


    Đúng thời khắc ấy, gió bão nổi lên.Bão lớn kéo đến thật bất ngờ, mây đen trên bầu trời cuồn cuộn kéo đến, chẳng mấy chốc cả bầu trời đen kịt. Gió thổi từng cơn, từng cơn rồi ào ào như muốn quét tất cả mọi vật trên mặt đất. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, rồi sầm sập, sầm sập như thác đổ. May cho Tò Vò đã có một cái tổ chắc chắn nên nó trú trong đó không hề hấn gì. Kén Tằm cũng có một cái tổ to bám chắc vào một cành cây, nên mưa gió có lớn cũng không làm cho cái tổ đó rơi xuống đất. Còn Ve Sầu nằm rất yên ổn trong một hốc cây lớn. Trong khi đó…Khổ thân cho Chuồn Chuồn, khi gió bão đến, nó vẫn còn ngủ không biết trời đất. Phải mãi một lúc sau gió, mưa to quá, Chuồn Chuồn mới tỉnh ngủ. Quá hoảng sợ, Chuồn Chuồn vội cất cánh bay lên tìm chỗ trú. Nhưng tìm ở đâu bây giờ? Khi những chỗ trú tốt nhất mọi con vật đã làm tổ, hơn nữa gió bão mịt mù không tìm ra phương hướng, Chuồn Chuồn cứ bay loạng quạng, đôi cánh của Chuồn Chuồn bị nước mưa đánh cho tơi tả. Cứ bay nữa thì chết, Chuồn Chuồn ghé vội đậu lên một cành cây, cất tiếng cầu cứu:

    – Các bạn ơi! Cứu tôi với…cứu tôi với…


    Đang nằm trong tổ tránh mưa, nghe thấy tiếng kêu cứu của Chuồn Chuồn, Tò Vò bật dậy, nghĩ: “Phải cứu bạn Chuồn Chuồn thôi!”.

    Rồi Tò Vò vội bay ra khỏi tổ bất chấp lúc ấy trời đang mưa to, gió đang thổi mạnh. Ve Sầu cũng nghe thấy tiếng kêu cứu của Chuồn Chuồn, nó thò đầu ra khỏi hốc cây quan sát, thấy hành động dũng cảm của Tò Vò, Ve Sầu cũng bay theo.


    Tò Vò và Ve Sầu dìu được Chuồn Chuồn vào chỗ trú, làm những động tác hồi sức làm cho Chuồn Chuồn tỉnh lại. Nhớ sự cứu giúp kịp thời của Ve Sầu và Tò Vò, Chuồn Chuồn đã qua được tai nạn nguy khốn. Chuồn Chuồn nhìn hai bạn với sự hàm ơn, nói thật lòng:


    – Các bạn đã vì mình mà không sợ nguy đến tính mạng. Mình biết ơn các bạn lắm.


    Ve Sầu nói:
    – Giá như mà bạn nghe lời chúng tôi, chịu khó một tý, làm một cái tổ thật tốt thì đâu gặp phải chuyện như thế này.Chuồn Chuồn chớp chớp mắt có vẻ ân hận. Tò Vò nói giọng buồn buồn:

    – Cũng giá như …Chuồn Chuồn chịu khó quan sát thời tiết, dự báo trước được gió bão thì đâu đến nỗi…Đến lúc này Chuồn Chuồn mới thấm thía những sai lầm của mình và hứa với tất cả sẽ không bao giờ mắc lại những sai lầm ấy nữa.


    Vì thế bây giờ chúng ta thấy Chuồn Chuồn rất chăm chỉ việc dự báo thời tiết hết ngày này qua ngày khác, đến độ người ta phải đặt thành câu ca dao:

    Chuồn Chuồn bay thấp thì mưa

    Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm


    Còn riêng việc tìm chỗ để làm tổ, Chuồn Chuồn không làm được. Mọi chỗ tốt làm tổ không còn. Vì thế Chuồn Chuồn vẫn cứ đi tìm.


    Cũng chính vì thế mà bây giờ các em thấy Chuồn Chuồn không bao giờ đậu lâu được một chỗ, cứ đi tìm kiếm cả ngày, lúc thì ở đầm sen, lúc lại ở bờ ao…Chuồn Chuồn còn đi tìm chỗ làm tổ cho mình vất vả lắm. Chẳng biết bao giờ mới có!

    Sự tích con chuồn chuồn
    Sự tích con chuồn chuồn
    Sự tích con chuồn chuồn
    Sự tích con chuồn chuồn
  10. Quắc và Nhân là đôi bạn thân. Sau vì miếng ăn mà chia tay mỗi người mổ ngã. Về sau Nhân cưới vợ và trở nên giàu có thì không quên bạn bè. Nhưng vì vợ Nhân quá đáng nên Quắc phải trốn bỏ đi. Nhân vào rừng sâu tìm bạn đến hơi thở cuối cùng của con người, Nhân chết hóa thành con chim Quốc luôn miệng kêu Quắc! Quắc.


    Ngày ấy có đôi bạn chí thân là Quắc và Nhân. Họ đều là con nhà học trò nghèo, lại đều mồ côi cha mẹ, Quắc được học nhiều hơn bạn: anh chàng làm thầy đồ dạy trẻ. Tuy bổng lộc chẳng có là bao nhưng Quắc vẫn thường giúp đỡ Nhân. Đối lại, có lần Quắc bị ốm nặng, giá không có bạn thuốc thang ngày đêm thì anh khó lòng sống nổi. Sau đó cũng vì sinh kế, đôi bạn phải chia tay mỗi người một ngả. Trong khi Quắc sống cuộc đời dạy trẻ thì Nhân cũng đi lang thang đến các vùng xa lạ làm thuê làm mướn. Trải qua một thời kỳ lang bạt, cuối cùng anh chàng vào làm công cho một phú thương. Thấy chàng thật thà chăm chỉ, phú thương rất tin cậy. Chẳng bao lâu Nhân được phú thương gả con gái cho. Vợ Nhân có nhiều của riêng. Vì thế Nhân nghiễm nhiên trở nên một phú ông có cơ nghiệp kha khá ở trong vùng. Nhân giàu nhưng không quên tình bầu bạn. Nhân vẫn nhớ tới lời thề “sống chết sướng khổ có nhau” với Quắc. Nhân cất công đi tìm và sung sướng thấy Quắc còn sống. Tuy Quắc đang dở năm dạy, nhưng Nhân cũng thương lượng được với cha mẹ học trò cho con em chuyển sang một cụ đồ khác rồi đưa Quắc về nhà mình.


    Nhân dặn người nhà phải coi Quắc không khác gì mình, cơm nước hầu hạ không được bê trễ. Nhưng tính vợ Nhân không được như chồng. Xưa nay đối với những kẻ rách rưới, chị ta thường tỏ vẻ coi thường. Vả, chị ta không cùng sống những ngày hàn vi với Nhân nên có thấy đâu tình nghĩa giữa Nhân và Quắc như thế nào. Nhưng thấy chồng trọng đãi khách nên lúc đầu chị không dám nói gì. Nhân luôn luôn bảo vợ: “Đây là người thân nhất trong đời tôi. Nếu không có bạn thì tôi chưa chắc đã sống để gặp nàng”. Vợ Nhân chỉ lẩm bẩm: “Khéo! Bạn với bè! Chỉ có ngồi ăn hại”. Dần dần vợ Nhân bực mình ra mặt. Chị ta khó chịu vì cái ông khách lạ tự dưng ở đâu đến chả giúp ích gì cho nhà mình, chỉ chễm chệ trên giường cao, cơm rượu mỗi ngày hai bữa. Vợ Nhân trước còn nói mát sau thì ngoa ngoắt ra mặt. Có hôm người đàn bà ấy đay nghiến cả chồng lẫn khách:


    – Chẳng phải bố già, không phải khách nợ, ở đâu lại rước về thờ phụng: ăn no lại nằm. Thôi liệu mà tống quách đi!


    Thấy thái độ vợ ngày càng quá quắt, chồng chỉ sợ mất lòng bạn. Một mặt Nhân thân hành chăm chút bạn chu đáo hơn cả lúc trước, mặt khác Nhân tỷ tê khuyên dỗ vợ. Nhưng vợ Nhân chứng nào vẫn giữ tật ấy. Về phần Quắc thì chàng hiểu tất cả. Đã hai lần Quắc cáo bạn xin về nhưng Nhân cố giữ lại. Thấy bạn chí tình, Quắc lại nấn ná ít lâu. Nhưng hôm đó Quắc quả quyết ra đi vì chàng vừa nghe được những câu nói xúc phạm nặng nề. Quắc nghĩ, nếu mình không đi sớm thì có ngày bị nhục với người đàn bà này. Mà nếu ra đi như mấy lần trước thì sẽ bị bạn chèo kéo lôi thôi.


    Một hôm, trời còn mờ sương, Quắc cất lẻn ra khỏi nhà. Để cho bạn khỏi mất công tìm kiếm, khi đi qua một khu rừng, chàng cởi khăn áo treo lên một cành cây bên đường. Đoạn Quắc lần mò đến xứ khác trở lại cuộc đời dạy trẻ. Thấy mất hút bạn, Nhân bổ đi tìm. Khi nghe tin có người bắt được khăn áo ở mé rừng phía Nam, chàng lật đật đến xem. Nhận rõ ấy là khăn áo của bạn, Nhân rất thương cảm: “Ta nuôi bạn thành ra hại bạn! Chắc bạn ta bị cướp giết chết”. Nhưng sau đó Nhân lại nghĩ khác: “Bạn ta ra đi trong túi không có một đồng một chữ thì dầu có gặp cướp cũng không việc gì. Đây một là hùm beo ăn thịt, hai là bị lạc trong rừng sâu”. Nhân bắt đầu vào rừng tìm Quắc. Không thấy có vết máu, chàng lại càng hy vọng. Băng hết chông gai, chui hết bụi rậm, Nhân luôn luôn cất tiếng gọi: “Anh Quắc ơi! Quắc! Quắc!”. Nhân đi mãi, gọi mãi, quanh quẩn trong rừng mênh mông. Cho đến hơi thở cuối cùng con người chí tình ấy vẫn không quên gọi: “Quắc! Quắc!”. Rồi đó Nhân chết hóa thành chim quốc, cũng gọi là đỗ quyên.


    Vợ Nhân đợi mãi không thấy chồng về, lấy làm hối hận. Một hôm chị ta bỏ nhà bỏ cửa đi tìm chồng. Cuối cùng cũng đến khu rừng phía Nam. Nghe tiếng “Quắc! Quắc!”, chị ta mừng quá kêu to: “Có phải anh đấy không anh Nhân!” Không có tiếng trả lời ngoài những tiếng “Quắc! Quắc!”. Vợ Nhân cứ thế theo tiếng gọi tiến dần vào rừng sâu. Sau cùng không tìm được lối ra, chết bên cạnh một gốc cây.


    Nguồn: Sưu tầm

    Sự tích chim quốc
    Sự tích chim quốc
    Sự tích chim quốc




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy