Top 3 Bài soạn "Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc" (Ngữ văn 7 - SGK Cánh diều) hay nhất

  1. Top 1 Bài soạn tham khảo số 1
  2. Top 2 Bài soạn tham khảo số 2
  3. Top 3 Bài soạn tham khảo số 3

Top 3 Bài soạn "Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc" (Ngữ văn 7 - SGK Cánh diều) hay nhất

Hà Ngô 622 0 Báo lỗi

Dưới đây là những bài soạn "Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc" nằm trong sách Ngữ văn 7 - SGK Cánh diều. Đây là dạng đề thường gặp trong văn học ... xem thêm...

  1. Bài văn biểu cảm về con người, sự việc là kiểu văn bản có mục đích trình bày cảm xúc của người viết về một đối tượng (có thể là con người, sự việc ... )

    Yêu cầu đối với kiểu bài:

    • Tình cảm trong bài văn phải chân thực, trong sáng.
    • Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc.
    • Kết hợp với miêu tả và tự sự nhằm hỗ trợ cho việc biểu lộ cảm xúc.
    • Bố cục bài viết gồm ba phần:

    Mở bài: giới thiệu đối tượng biểu cảm, biểu đạt cảm xúc chung về đối tượng.

    Thân bài: Biểu lộ cảm xúc, suy nghĩ cụ thể một cách sâu sắc về đối tượng. Đối với bài văn biểu cảm về con người, người viết cần biểu lộ cảm xúc, suy nghĩ về đặc điểm, tính cách, kỉ niệm gắn với người đó.


    Kết bài: khẳng định lại tình cảm, cảm xúc về đối tượng; rút ra điều đáng nhớ đối với bản thân.

    * Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản:
    Văn bản: Cảm nhận về lễ đón giao thừa quê tôi

    Câu 1 (trang 91 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1) :
    Bài viết trên được viết để bộc lộ cảm xúc về lễ đón giao thừa ở quê của người viết.

    Câu 2 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1) :
    Câu giới thiệu về sự việc là: “Thời gian làm nhòa nhiều thứ, nhưng không sao xóa đi mảnh kí ức đặc biệt trong tôi, về một lần cách đây nhiều năm trước, tôi đã đón cái Tết ở Cần Thơ - mảnh đất cha tôi sinh ra, cũng nơi gieo cho tôi bao nhớ thương”.

    Câu văn thể hiện cảm xúc của người viết đối với sự việc là: “Thành phố phồn hoa biết mấy, thế mà tôi lại nặng tình tha thiết với quê hương”.

    Câu 3 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1) :
    Cảm xúc của người viết:

    • Sự bồi hồi, vô cùng xúc động, xao xuyến.
    • Cảm xúc yên bình, thanh thản và tận hưởng mùa xuân đến.


    Những yếu tố được sử dụng: Tự sự kết hợp miêu tả để lý giải cho cảm xúc, giúp bài viết trở nên giàu hình ảnh, chân thành, có sức hấp dẫn hơn, chạm đến trái tim người đọc.

    Câu 4 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1) :
    Người viết đã trình bày cảm xúc thương nhớ của mình về kỉ niệm đón giao thừa ở Cần Thơ quê hương.

    Câu 5 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1) :
    Từ bài viết trên, em rút ra được những lưu ý về cách viết bài văn biểu cảm về sự việc:

    • Tình cảm trong bài văn phải chân thực, trong sáng, giản dị
    • Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc
    • Kết hợp với miêu tả và tự sự để hỗ trợ cho việc biểu đạt cảm xúc
    • Bố cục bài viết gồm ba phần: mở bài, thân bài, kết bài

    * Hướng dẫn quy trình viết

    Đề bài:
    Bài mẫu tham khảo:

    Giờ đây tôi đã là một học sinh lớp bảy của mái trường Trung học cơ sở thân yêu. Nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những kỉ niệm của ngày tựu trường đầu tiên.

    Đó là một buổi sáng mùa thu thật đẹp. Bầu trời cao vợi và xanh thẳm. Mẹ đưa tôi đến trường bằng chiếc xe đạp đã cũ. Hôm nay, tôi sẽ dự lễ khai giảng đầu tiên. Con đường đi học đã quen thuộc, nhưng tôi lại cảm thấy xôn xao, bồi hồi. Cuối cùng cánh cổng trường cấp một cũng hiện ra trước mắt tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn ngôi trường hôm nay thật khác. Các anh chị học sinh lớp lớn hân hoan bước vào trường. Tôi được mẹ dắt vào hàng ghế của khối lớp một. Xung quanh, bố mẹ của các bạn khẽ thì thầm trò chuyện với con mình. Cô giáo chủ nhiệm lần lượt đưa chúng tôi vào vị trí ngồi của mình. Hôm nay, cô thật xinh đẹp trong bộ áo dài thướt tha. Nụ cười của cô khiến tôi cảm thấy thật ấm áp. Buổi lễ khai giảng diễn ra thật long trọng. Tôi cảm thấy vui vẻ và tự hào vì mình đã là học sinh lớp Một. Lời phát biểu của cô hiệu trưởng đã kết thúc buổi lễ. Tiếng trống vang lên như một lời chào mừng năm học mới đã đến.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. 1. Định hướng

    a) Bài học này tiếp tục rèn luyện cách viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc mà em đã được làm quen từ Bài 3 (sách Ngữ văn 7, tập một). Tuy nhiên bài này tập trung vào yêu cầu biểu cảm về một sự việc.


    Tham khảo đoạn trích viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân sự việc ông ra đi, “về với đất mẹ Quảng Bình”.

    b. Để viết bài văn biểu cảm về một sự việc, các em cần chú ý:

    • Xác định được sự việc cần viết bài văn biểu cảm.
    • Giới thiệu tóm tắt về sự việc định ấy.
    • Nêu lên tình cảm, cảm xúc và thái độ của em trước con người hoặc sự việc ấy: vui, buồn, trân trọng, căm giận, xót thương, kính phục, ca ngợi, phê phán, …
    • Lập dàn ý cho bài viết.
    • Viết bài văn theo một dàn ý hợp lí.

    2. Thực hành

    Bài tập (trang 69 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Viết bài văn biểu cảm về sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy trong bài tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà” của tác giả Huỳnh Như Phương.

    a) Chuẩn bị
    Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà.
    Tìm hiểu thêm thông tin về những sự việc cao đẹp của người phụ nữ trong cuộc sống nói chung và đức hi sinh của người phụ nữ trong thời kì chống Mỹ cứu nước nói riêng.

    b) Tìm ý và lập dàn ý
    Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời những câu hỏi sau:
    Câu chuyện về “người ngồi đợi trước hiên nhà” có sự việc gì đáng chú ý?
    Sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy thể hiện cho những đức tính nào của người phụ nữ Việt nam?
    Sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy để lại trong em những tình cảm, suy nghĩ gì?
    Xã hội cần phải ứng xử như thế nào với những người như dì Bảy?

    c. Viết
    Viết bài văn biểu cảm theo dàn ý đã lập. Khi viết cần sử dụng các từ ngữ thể hiện những suy nghĩ, thái độ, tình cảm, cảm xúc của em một cách trung thực.

    * Bài văn mẫu tham khảo:

    Giàu nghị lực, trung hậu, đảm đang - đó là những phẩm chất đáng khâm phục của những người mẹ, người vợ các thương binh, liệt sĩ. Trong chiến tranh, họ tiễn chồng, con lên đường đánh giặc, trở thành chỗ dựa tinh thần, hậu phương vững chắc cho người ở tiền tuyến. Nhân vật dì Bảy ở bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương là tiêu biểu cho sự hi sinh thầm lặng, cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

    Dì Bảy tên thật là Lê Thị Thỏa, một người phụ nữ quê ở Quảng Ngãi, đã chờ đợi chồng suốt cả cuộc chiến tranh. Chồng hi sinh trong chiến đấu, dì thầm lặng sống một mình cho đến già. Ngày ấy, dượng Bảy – chồng của dì cùng nhiều người con đất Quảng lên đường ra bắc tập kết. Ra miền Bắc rồi lại vào miền Nam chiến đấu, dượng Bảy vẫn liên lạc với gia đình. Điều không may nhất đã xảy ra, dượng ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, trên đường tiến vào Sài Gòn. Ngày hòa bình, dì đã qua tuổi 40. Vẫn có người đàn ông để ý đến dì nhưng lòng dì không còn rung động nữa. Thấm thoát trôi đi, dì Bảy năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú, thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyện cầu hồn thiêng những người đã ngã xuống độ trì cho dì bình an, trường thọ.

    Kể câu chuyện của dì mình, lời người kể luôn nhỏ nhẹ như thì thầm với người đọc. Cách kể ấy vừa thể hiện được tình cảm, thái độ quý trọng, kính cẩn thiêng liêng của người cháu; vừa tái hiện sự hi sinh thầm lặng, sự chịu đựng âm thầm, bền bỉ, dẻo dai, lặng lẽ, “biết hi sinh nên chẳng nhiều lời” của những người phụ nữ Việt Nam.

    Dì Bảy trong bài tản văn giống hình tượng hòn Vọng Phu vì ở dì là sự hi sinh, chờ đợi, thương yêu người chồng nơi chiến trận của mình. Dù biết chồng đã hi sinh, dì vẫn ôm ấp lấy quá khứ ấy. Ở dì là sự hi sinh cao cả thầm lặng, đại diện của những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

    Trong lịch sử nước ta, hàng triệu người đã cầm gươm, cầm súng ra trận để giữ vững nền độc lập. Đằng sau họ là những bà mẹ, người vợ, người chị em đã lặng lẽ hi sinh, tiếp sức mạnh cho cả dân tộc. Đó là mẹ Suốt, mẹ Tơm, mẹ Thứ, những bà bủ, bà bầm, bà má Hậu Giang,…

    Những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh càng được tôn vinh, gìn giữ, trao truyền và phát huy trong thời kì đất nước đổi mới. Dù trên cương vị nào người phụ nữ Việt Nam vẫn giàu đức hi sinh, trong chiến tranh họ cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đất nước để Tổ quốc nở hoa độc lập, trong hòa bình họ thầm lặng chăm lo cho hạnh phúc gia đình, nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

    Đâu đó, hằng ngày ta vẫn còn nghe, được thấy những lời nói chưa hay, việc làm chưa đúng, ứng xử chưa phải của các cô gái trẻ, các bà mẹ già…Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người phụ nữ luôn giàu lòng trắc ẩn và đức hi sinh. Bản chất, phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam tự bao đời nay vẫn luôn hàm chứa những giá trị cao đẹp, nhân văn và cao cả. Sự hi sinh của “một nửa đất nước” vẫn luôn tồn tại, giá trị con người không bị đảo lộn; truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn được phát huy dù trong bất kì điều kiện, hoàn cảnh nào.

    Mỗi lần đọc Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương, tôi không khỏi ngậm ngùi thương cảm đan xen niềm cảm phục vô bờ. Cảm phục, biết ơn người chiến sĩ đã hi sinh máu xương của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cảm thương cho những người vợ, người mẹ liệt sĩ sống trong cô đơn, buồn nhớ suốt phần đời còn lại. Được hưởng hòa bình từ bao mất mát hi sinh của các thế hệ cha anh, mỗi chúng ta hôm nay phải có những hành động thiết thực, hiệu quả trong việc đền ơn đáp nghĩa gia đình liệt sĩ; biết quan tâm, yêu thương, sẻ chia với người ở lại để an lòng người từ thế giới bên kia.

    d. Kiểm tra và chỉnh sửa
    Tham khảo việc kiểm tra chỉnh sửa các lỗi về viết ở Bài 6, phần Viết mục d (trang 14)
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. 1. Định hướng

    • Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc là nêu lên những tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ và thái độ của người viết về một người, một sự việc nào đó trong cuộc sống hoặc trong tác phẩm văn học.
    • Để viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc , các em cần chú ý:
      • Xác định đối tượng biểu cảm.
      • Suy nghĩ và trả lời câu hỏi: Con người hoặc sự việc ấy gợi cho em những cảm xúc, tình cảm và những suy nghĩ, bài học gì?
      • Lập dàn ý cho bài viết.
      • Viết bài văn theo một dàn ý hợp lí.

    2. Thực hành

    Bài tập: Viết bài văn biểu cảm về một sự việc hoặc nhân vật mà em yêu thích trong đoạn trích “Bạch tuộc” (Véc-nơ) đã học.

    a) Chuẩn bị

    • Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Bạch tuộc đã học
    • Xác định nhân vật hoặc sự việc mà em định viết bài biểu cảm.

    b) Tìm ý và lập dàn ý

    Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

    • Nhân vật hoặc sự việc gây cho em nhiều ấn tượng trong đoạn trích Bạch tuộc là ai, sự việc nào?
    • Nhân vật hay sự việc ấy để lại trong em những tình cảm, cảm xúc gì?
    • Nhân vật hay sự việc ấy gợi cho em những suy nghĩ bài học gì?

    Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

    • Mở bài: Nêu tên nhân vật hoặc sự việc trong đonạ trích BẠch tuộc mà em muốn viết bài văn biểu cảm.
    • Thân bài: Làn lượt nêu những cảm xúc và suy nghĩ từ khái quát đến các biểu hiện cụ thể.
    • Kết bài: Khẳng định lại ấn tượng, cảm xúc, suy nghĩ của em về con người hoặc sự việc được nói đến trong bài văn.

    c) Viết bài

    d) Kiểm tra và chỉnh sửa


    Bài viết tham khảo

    Trong đoạn trích Bạch tuộc trích Hai vạn dặm dưới đáy biển của Vec-nơ em ấn tượng nhất là thuyền trưởng Nê-mô, một người vừa có vẻ đẹp của thể lực lẫn tinh thần.


    Thuyền trưởng Nê-mô trong đoạn trích Bạch tuộc hiện lên là một người sẵn sàng chiến đấu với lũ bạch tuộc, nói cách khác, ông là một người quyết đoán, gan dạ. Ông đã sẵn sàng chiến đấu với những con bạch tuộc bằng rìu và đã đã chém đứt các vòi của chúng. Khi Nét Len bị một con bạch tuộc quật ngã, giáo sư A-rôn-nác đã lao tới cứu anh ta. Nhưng Nê-mô đã đến trước giáo sư. Lưỡi rìu của Nê-mô cắm phập vào mồm quái vật, và thế là Nét thoát chết trong gang tấc. Ở chi tiết này, có thê thấy sức mạnh cùng sự nhanh nhẹn của một thuyền trưởng. Phải có sức khỏe về thể chất, Nê-mô mới có thể sẵn sàng chiến đấu với lũ "quái vật" này và có những hành động vô cùng nhanh như vậy.


    Nê-mô không chỉ là một người có vẻ đẹp về thể lực mà còn có cả vẻ đẹp về tinh thần. Vì sao ông phải chiến đấu với lũ bạch tuộc? Đó không chỉ còn là vì lũ bạch tuộc khiến con tàu No-ti-lớt không đi được mà còn vì những con người trên chiếc tàu ấy. Nếu không chiến đấu với lũ bạch tuộc, sẽ không có cơ hội nào để cứu người thủy thủ kia, không có cơ hội nào để cứu Nét Len. Việc Nê-mô chặt đứt vòi bạch tuộc hay rìu của ông cắm phập vào mồm quái vật vừa cho thấy sức mạnh thể chất của ông, nhưng cũng nói lên sự giận dữ của ông với lũ "quái vật" dám động vào những người trên tàu. Nói cách khác, đó là tình cảm giữa người với người, tình cảm của những người đã thân thiết dành cho nhau. Tôi nhớ nhất là chi tiết mắt Nê-mô ứa lệ khi nghĩ về "biển cả vừa nuốt mất một người đồng hương của mình". Tôi ấn tượng bởi đó là sự xúc động của một con người dành cho một con người, của người có quê hương dành cho đồng hương của mình, của một thuyền trưởng dành cho thuyền viên. Tôi còn ấn tượng bởi ông không khóc nức nở, không khóc thành tiếng hay một sự xúc động thái quá. Ở đây, Nê-mô chỉ "ứa nước mắt", những giọt nước mắt của ông cứ trào ra, ông không hề kêu lên hay cố tình thể hiện mà nó là cảm xúc chất chứa đến hồi bộc phát. Chi tiết này là một chi tiết đắt giá nói lên vẻ đẹp tinh thần của Nê-mô.


    Nhân vật Nê-mô với sự gan dạ, quyết đoán và tình thương người đã để lại trong tôi sự cảm phục và ngưỡng mộ. Ông cũng cho tôi hiểu về sức mạnh của con người, sức mạnh của tinh thần đồng đội. Chính Nê-mô đã cho tôi biết cách cần phải rèn luyện bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ


Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy